Vào một buổi chiều mùa xuân, chúng tôi đến thăm dịch giả Thảo Nguyên ở khu phố cổ Hà Nội. Bà có dáng người cao, mảnh khảnh. Mái tóc ngắn, bạc nhiều. Khuôn mặt thanh thoát, đôi mắt sáng, ẩn sau cặp kính lão. Giọng nói ấm và nhẹ. Bà từng là giáo viên dạy toán nhưng lại là “tín đồ” của thi hào Nguyễn Du.
Nhà thơ Quang Hoài, giới thiệu với chúng tôi: “Người phụ nữ này rất yêu thơ Nguyễn Du nên mới dịch thơ bằng cả tâm hồn như thế”.
Bà cúi đầu mỉm cười khiêm tốn: “Không hẳn như anh nghĩ đâu”.
Đối với nhiều dịch giả được đào tạo bài bản và hoạt động nghề nghiệp chuyên nghiệp thì họ trở nên nổi tiếng là chuyện rất bình thường, nhưng dịch giả Thảo Nguyên dịch sách là do “bị thôi thúc trong lòng”. Do đó, tác phẩm dịch của bà đã “vượt qua ý nghĩa ban đầu” và trở thành tài sản quí của xã hội.
Học giả Phan Ngọc nhận xét: “Hình như đây là lần đầu cụ Nguyễn Du được nữ giới dịch và xuất bản. Điều gì không dám chắc, nhưng về khoản thông cảm với con người cô đơn này có lẽ nam giới không thể bằng nữ giới, vì người đàn bà Việt Nam thiên về tình cảm hơn. Đã thế, cuộc đời của nữ dịch giả cũng có những băn khoăn, những cô đơn riêng, có thể nhờ đó tìm được một cách diễn đạt, tôi không nói đúng hơn, nhưng gần cảm xúc Nguyễn Du hơn”
Mười năm tận tụy chăm sóc chồng trên giường bệnh, tình yêu đó đã đưa bà đến với những cảm xúc thi ca. Trong bài “Khi ta còn nhau”, bà đã viết để níu kéo ông trước tử thần:
Mỗi ngày là châu ngọc
Dịu ngọt hay đắng cay
Đừng đánh mất hôm nay
Ta sẽ thương tiếc mãi
Chồng bà là Giáo sư Toán học Nguyễn Thế Học (con trai út của nhà thơ Thế Lữ).
Hàng ngày, trên con đường quen thuộc, người đàn bà, sáng vội vã đi làm và chiều lại lầm lũi trở về nhà thương để chăm chồng. Người đàn bà cô đơn, làm bạn với nước mắt và luôn tự nhủ mình:
Có gì mà phải khóc
Có chi phải tủi sầu
Đừng khổ trước khi đau
Khi ta còn có nhau.
Vào những ngày bão tuyết, ông đã yếu hơn nhiều. Nhìn những bông tuyết bám đầy cửa sổ, bà giật mình thảng thốt, nghĩ đến một ngày sẽ không còn cơ hội đọc cho ông nghe những vần thơ mà bà dâng tặng. Bà nắm lấy tay ông, thì thầm trong nước mắt và bóng tối: “Em mừng được bên anh/Dù trời kia sắp tối/ Dù dông bão vây quanh”... Mặc dù, ông thường nằm thiêm thiếp như thế mỗi lần nghe thơ, nhưng có lẽ ông vẫn cảm nhận được hơi ấm của bà, của kí ức những ngày trẻ, khỏe. Những ngày mà ông thường đón bà mỗi khi hết giờ làm. Những ngày hai người thường tản bộ thong dong trên con đường đỏ rực lá phong...
Lách cách tiếng guốc em
Reo vui trên thang gạch
Chạy xuống gặp anh
Cuống quýt nghiêng đầu qua cột trắng
Thời gian ngưng, không gian lắng
Đánh thức vị nắng
Đọng trên miếng hôn
(Đi dạo)
New York thân yêu là thế bây giờ bỗng trở nên xa lạ. Chiều chiều người đàn bà vẫn khắc khoải, ngóng chờ tiếng chuông reo, ngóng chờ bóng chồng hắt bên cửa sổ... Chuyện trò với chúng tôi, đến đây, bà bỗng im lặng, gỡ kính, rồi đứng dậy đi tìm phích nước.
Văn hào Murakami đã từng nói: “Có những giây phút mà cuộc đời con người ta chết từ khi ấy”. Bà phải làm gì với đoạn trường tiếp theo? Bà quyết định đến trường học vẽ. Rồi những bức tranh ra đời nhưng bức nào cũng dang dở. Bà đã vẽ về ông, nhưng vẽ mãi mà vẫn không hoàn thành bức tranh đầu tiên. Bà chuyển sang đọc sách Thiền, Phật, rồi tìm đến những tác phẩm khảo cứu về đại thi hào Nguyễn Du. Trong thơ của Nguyễn Du thấm đẫm chất thiền, thấm đẫm triết luận mà nhiều dịch giả chưa chạm tới nên bà muốn khám phá. Bà muốn tự đọc cho mình và cho người chồng quá cố nghe. Thế rồi, bà tự học chữ Hán, tự nghiền ngẫm nhiều đêm, xong xóa xóa, gạch gạch, để cuối cùng dịch xong 55 bài thơ chữ Hán của đại thi hào. Thời gian đó kéo dài gần mười năm.
Giáo sư Cao Huy Thuần chia sẻ: “Mà đâu phải chị muốn dịch thơ ? Trên tất cả, chị dịch một tâm hồn, chị dịch một tấm lòng. Chị dịch với tâm hồn của chị, và khi hồn thơ của chị bắt gặp ý thiền trong thơ của tác giả, chị dịch sảng khoái, chị bình chú sảng khoái, như thử lòng này hiểu lòng kia, bắt chợt được lòng kia. Người đọc sảng khoái với chị, khám phá những điều thú vị không thấy đâu nơi khác”.
Thơ viết cho anh là bài thơ mà bà đã viết tặng ông, nhân ngày giỗ đầu. Đó cũng chính là ngày Lễ tình yêu:
Với tất cả hồn em, em cảm ơn anh
Về những hạnh phúc anh đã cho em
Và những hạnh phúc anh sẽ cho em sau này…
Nhắm mắt lặng im
Tiếng thì thầm âu yếm của đôi ta
vẫn còn đang tiếp nối.
Bà đã đem tâm trạng đó vào những tác phẩm dịch: Trong thi phẩm Ký mộng (được coi là tuyệt bút), thi hào Nguyễn Du đã lo lắng âu sầu, không biết rồi người vợ trẻ đau yếu lúc còn sống, liệu khi chết có vượt được thiên lý hiểm trở mà vào đến Châu Hoan gặp ông? Vì bà đều sống và chết ở Quỳnh Côi (quê của bà). Khi dịch giả Thảo Nguyên dịch đến hai câu cuối: “Không ốc lậu tà nguyệt/ Chiếu ngã đơn thường y”, thì bà “bó tay”. Nhưng câu thơ không chịu, nó cứ lơ lửng trong đầu bà suốt một năm trời. Bà đã mất ngủ vì nó. Rồi một hôm, bà hình dung ra căn nhà mái lá trống không của Nguyễn Du. Hình dung ra ánh trăng tà tà lọt qua kẽ lá và chiếu xuống thi hào. Bà tự thắc mắc rằng, tại sao trăng chiếu xuống ông mà ông không viết như thế lại đi viết “trăng chiếu xuống quần áo của ta”? Ông ấy đã vẽ ra một bức tranh tĩnh lặng, u buồn: Ông viết về cái mà “trăng chiếu thấy” là để nói đến cái mà “trăng không chiếu thấy”. Đó chính là cõi lòng - cõi tận cùng đau khổ - cõi tâm tư chôn giấu của thi hào... là điều mà ông không muốn viết ra (đó là cách hành xử của những nhà nho xưa). Nhưng điều không muốn nói ra đó, lại làm người đọc thương cảm hơn tất cả những áng thơ văn xưa nay. Mặt trăng kia làm sao có thể thấu rọi tới tâm khảm sâu kín của thi hào: “Nhà trống trăng tà lọt/ Chiếu ta xống áo thôi”. Đến đây, người dịch “ngơ ngẩn” làm cho người đọc cũng ngơ ngẩn theo. Bà không chủ tâm dịch thơ của Nguyễn Du để bày trải lòng mình, nhưng nỗi sầu khốc của họ dành cho người bạn đời là giống nhau, cho dù là thời xưa hay thời nay.
Sau khi tác phẩm “Đọc và dịch thơ chữ Hán của Nguyễn Du” ra đời, nó không còn là văn bản để bà đọc riêng cho chồng nghe mỗi đêm, mà nó đã trở thành tác phẩm chung của đông đảo độc giả Việt, Mỹ, đặc biệt là thế hệ thứ ba - những người Việt trẻ trên đất Mỹ. Theo hiểu biết của chúng tôi thì dịch giả Thảo Nguyên là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên ở nước ngoài đã dịch thơ của đại thi hào Nguyễn Du. Nỗi đau lìa xa người bạn đời đã khiến Nguyễn Du để lại tuyệt bút “Ký mộng”, đã khiến dịch giả Thảo Nguyên khám phá ra năng lực của mình ở cái tuổi xế chiều, để rồi họ đều biến nỗi đau ấy trở thành di sản. Di sản của tình yêu!
TIN LIÊN QUAN
Nền kinh tế thế giới hiện nay đang trải qua những thay đổi nhanh chóng, mở ra nhiều doanh nghiệp các cơ hội đầu tư hấp dẫn và đầu tư đa phương là một trong những cơ hội đó. Xuất phát từ việc các thị trường và quốc gia hợp tác với nhau, việc đầu tư đa phương giúp cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư không chỉ tập trung vào một thị trường mà còn có thể tận dụng sự kết nối giữa các thị trường để tối ưu hóa lợi nhuận và phát triển bền vững.
TS. Yen PlatzXEM NHIỀU NHẤT
-
1
Taekwondo Việt Nam sẽ tập huấn dài hạn tại Pháp chuẩn bị cho Olympic Paris 2024
-
2
Phái đoàn Việt Nam làm việc với Liên Đoàn Taekwondo cảnh sát thế giới
-
3
Con gái của chim Phượng Hoàng
-
4
THÔNG CÁO BÁO CHÍ: NGÀY QUỐC TỔ VIỆT NAM TOÀN CẦU - LỄ GIỖ TỔ & VINH DANH CON CHÁU VUA HÙNG TOÀN CẦU 2023
-
5
Hai Thủ Tướng và câu chuyện trùng phùng của lịch sử
(Nhà thiết kế thời trang La Hồng, Cộng hòa Áo)
TS. Yen PlatzChị Cao Thị Thương (Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Cao Hoàng) đã không ngừng học hỏi từ thầy, từ các đồng nghiệp, từ việc đọc các tài liệu chuyên ngành... để nghiên cứu, pha chế, chiết xuất ra nhiều loại dược phẩm làm đẹp từ thảo mộc. Chị đã pha chế thành công một số loại dược phẩm và đang được đưa vào sử dụng rộng rãi ở hàng chục spa (thuộc hệ thống của công ty) trên toàn quốc. Công ty của chị đã được chọn là đối tác chiến lược phân phối mỹ phẩm thảo dược của Mỹ tại Việt Nam.
TS. Yen Platz
BÌNH LUẬN