August 01, 2022 17:33 TS. Yen Platz

Công chúng đã từng biết đến những hình ảnh đẹp của các vị Đại sứ khi họ ở Việt Nam, như Đại sứ Allaster Cox (Úc) gắn với các buổi tập đua thuyền rowing, Đại sứ John Nielsen (Đan Mạch) gắn với giải pháp đi xe đạp để bảo vệ môi trường, Đại sứ Georg Heindl (Áo) gắn với các hoạt động âm nhạc, văn học và báo chí - truyền thông... Họ đã đến và đã để lại ấn tượng tốt đẹp hơn cả vai trò của một vị Đại sứ ngoại giao. Người mà chúng tôi muốn giới thiệu sau đây, là Đại sứ T.S Georg Heindl đến từ quê hương thiên tài âm nhạc Mozart.

 

z3610715599447_16c29a69377b75f1c485fb313c318f7f.jpg

Đại sứ, TS Georg Heindl

* Vị Đại sứ gắn với âm nhạc, văn học và báo chí - truyền thông

 Nước Áo không chỉ là cái nôi sản sinh ra các nhà hiền triết mà còn là nơi sản sinh ra những nhà soạn nhạc cổ điển lừng danh như Mozart, Johann Strauss cha, Johann Strauss con, Josef Strauss... Từ lâu, Áo đã được giới chuyên môn và công chúng yêu âm nhạc trên thế giới coi như “kinh đô âm nhạc của thế giới”.

Và không biết từ khi nào mà nhiều công chúng Việt Nam cũng đã thẩm thấu được vẻ đẹp của văn hóa Áo, của âm nhạc và văn học Áo một cách tự nhiên đến thế. Họ thích nghe nhạc Mozart, Johann Strauss..., thích đọc truyện của Stefan Zweig, thích sử dụng “Bản hành khúc Radetzky March” của Johann Strauss cha (1804 - 1849) trong rất nhiều chương trình nghệ thuật lớn của Việt Nam (đây là một trong những bản hành khúc được yêu thích nhất trên thế giới, nó luôn là tiết mục “đinh” để kết thúc các buổi hòa nhạc mừng năm mới của Dàn nhạc giao hưởng Vienna, Áo)... Nhà thơ Bằng Việt, từ thời còn học ở Liên Xô cũng đã yêu thích và “gối đầu giường” những bản nhạc của Mozart, ông cũng đã viết một cuốn sách về cuộc đời của vị thiên tài này. Hay ca sĩ Mỹ Linh đã từng ra Album “Chat với Mozart”, và Album này cũng đã gây nhiều tranh cãi. Hay nhà văn Nguyễn Trí Huân, nhà văn Trung Trung Đỉnh và nhiều nhà văn khác, từ thời trai trẻ đã từng “thâm giao” với các tác phẩm văn học Áo, coi nhà văn Stefan Zweig như người thầy, người bạn của mình... Thế thì, chúng ta thử đặt câu hỏi rằng: liệu các vị Đại sứ Áo có đóng vai trò gì trong việc này không? Chính xác là “có”, bởi chính họ là chiếc cầu nối quan trọng để đưa nền văn hóa của nước Áo đến với công chúng Việt Nam nói riêng và công chúng thế giới nói chung.

 Trong suốt nhiệm kỳ tại Việt Nam của mình, Đại sứ, TS. George Heindl đã nỗ lực giúp công chúng Việt Nam tiếp cận, yêu quí và “nuôi dưỡng” cảm xúc với nền âm nhạc và văn học Áo, thông qua các sự kiện như: “Hòa nhạc cổ điển Áo-Việt”, “Tour lưu diễn châu Á của dàn hợp xướng Những cậu bé thành Vienna”, “Dạ hội từ thiện Vienna”, “Liên hoan âm nhạc châu Âu”, “Sound Stuff festival” hàng năm... tại Việt Nam. Bên cạnh đó, công chúng cũng thường thấy ông tích cực tham gia hỗ trợ các hoạt động văn học như đêm thơ "Từ quê hương Mozart" của dịch giả Ngô Quang Phục, hay đêm diễn thoại tác phẩm “Cưỡng cơn gió bấc”, “Con sóng thứ bảy” của nhà văn Daniel Glattauer (Áo) của dịch giả Lê Quang, hay phối hợp với Tạp chí Văn học nước ngoài, giới thiệu các tác phẩm văn học Áo tới đông đảo công chúng Việt Nam, dịch ra tiếng Việt các tác phẩm văn học của các nhà văn, nhà thơ Áo, nổi tiếng thế giới như Stefan Zweig, Elfriede Jelinek (Giải thưởng Nobel Văn học, năm 2004), Daniel Glattauer... Đặc biệt, ông cũng thường gặp gỡ, trò chuyện với các nhà văn, nhà thơ Việt Nam để hiểu thêm về cảm xúc của họ dành cho nước Áo.

Ngoài ra, ông còn tích cực thúc đẩy việc hợp tác trong một số lĩnh vực khác giữa Áo và Việt Nam như:

Hội họa: Hàng năm ông và ĐSQ đã mời các họa sĩ đương đại Áo sang Việt Nam triển lãm tranh và kết hợp giảng dạy cho sinh viên trong dự án EUNIC của châu Âu. Có một câu chuyện vui thế này, các họa sĩ Áo khi nhìn thấy nhiều tác phẩm của danh họa Gustav Klimt (1862 - 1918) (Áo) đã được sao chép trên mọi chất liệu và bày bán la liệt ở Việt Nam (đặc biệt là tác phẩm kinh điển “Nụ hôn), thì chỉ biết mỉm cười, nhưng họ cũng vui vì những tác phẩm đó không còn là tài sản của nước Áo mà nó đã trở thành tài sản chung của cộng đồng quốc tế.

 Nghiên cứu khoa học: Phối hợp tổ chức “Hội thảo Triết học Áo và ý nghĩa hiện thời của nó" (lần đầu tiên tại Việt Nam) (11/2012). Sự kiện này đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học Việt Nam và Áo. Một số các tác phẩm của các triết gia lớn của Áo như Wittgenstein, Popper và Hayek cũng đã được dịch sang tiếng Việt. TS Georg Heindl cho rằng: "Tất cả các nhà tư tưởng lớn thuộc về toàn thể nhân loại. Điều này rất đúng với trường hợp của các triết gia xuất chúng của Áo...”.

Đào tạo du lịch: Áo đã giúp Việt Nam đào tạo nhân lực trong lĩnh vực du lịch “Chương trình liên kết đào tạo” giữa Đại học Khoa học Ứng dụng Krems và Đại học Huế. Chương trình này đã đào tạo được hơn 500 sinh viên Việt Nam (từ năm 2007 đến nay). Đồng thời, năm 2013, chương trình hợp tác này, lần đầu tiên cho ra đời một đội ngũ Thạc sĩ du lịch có nhiều triển vọng. Áo đã có gần hai thế kỷ kinh nghiệm làm du lịch, nên bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển du lịch, họ cũng đã có những biện pháp rất tốt để bảo tồn các di sản. Đại sứ, TS. Georg Heindl hy vọng rằng, các sinh viên sẽ sử dụng những kiến thức đã học ở Áo để phục vụ việc phát triển và bảo tồn du lịch Cố đô Huế nói riêng và ngành du lịch Việt Nam nói chung một cách hiệu quả.

Đào tạo và nghiên cứu báo chí - truyền thông: từ năm 2009 đến nay, Đại sứ Georg Heindl đã tích cực hỗ trợ “Chương trình hợp tác đào tạo và nghiên cứu báo chí - truyền thông” giữa Học viện Báo chí và Tuyên truyền Việt Nam với Viện nghiên cứu Báo chí và Truyền thông, Đại học Tổng hợp Wien, với báo Wiener Zeitung (1703 - tờ báo lâu đời nhất thế giới còn hoạt động). Chương trình này đã đưa hàng trăm lượt các giảng viên, các nhà khoa học, nghiên cứu sinh, nhà báo, các lãnh đạo báo chí, chính trị đến Áo, EU học tập, nghiên cứu và thực tế và hàng chục các giáo sư, nhà khoa học, chuyên gia tình nguyện đến Việt Nam giảng dạy và trao đổi khoa học... Bản thân tôi cũng đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ quí báu của ông và ĐSQ khi nghiên cứu về Công chúng và kinh tế báo chí - truyền thông Áo, EU (từ chương trình Thạc sĩ đến Tiến sĩ). Đại sứ Georg Heindl, đã chia sẻ về công trình nghiên cứu của tôi: “Có thể nói, công trình nghiên cứu này là chiếc cầu nối đầu tiên mở ra mối quan hệ báo chí, truyền thông giữa Áo và Việt Nam. Chúng tôi mong tác giả sẽ tiếp tục thực hiện công việc tốt đẹp này trong tương lai...”. Đặc biệt, dù sắp hết nhiệm kỳ làm việc ở Việt Nam nhưng ông vẫn dành thời gian đến Học viện Báo chí và Tuyên truyền để trò chuyện, lắng nghe tâm tư của các sinh viên, giảng viên, các nhà khoa học. Ông cũng đã hứa rằng, ĐSQ sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi và miễn phí visa cho các thực tập sinh, nghiên cứu sinh khi đến Áo thực tế...

z3610719929473_8c827b6e0c711671e831ec427f6155b6.jpg

Đại sứ TS. Georg Heindl (thứ nhất bên phải) cùng các Đại sứ tham gia kí kết Điều lệ thành lập EUNIC tại Việt Nam (2011)

* Sau lưng một vị Đại sứ...

Phu nhân Neline Koornneef Heindl có khuôn mặt đầy đặn, hiền dịu và luôn thường trực nụ cười. Bà sinh trưởng ở Hà Lan. Đầu tiên bà học ngành Quản lý Thư viện, rồi đến ngành Luật và cuối cùng làm việc trong ngành Ngoại giao. Khi bà giữ chức Bí thư Đại sứ quán Hà Lan tại Nga thì gặp TS. Georg Heindl. Lúc đó, ông cũng đang công tác trong ngành ngoại giao Áo tại Nga. Họ đã gặp nhau trong một vũ hội của OSZE (Tổ chức Hợp tác và An ninh châu Âu). Sau đó, hai người đã tổ chức đám cưới ấn tượng tại Áo và Hà Lan. Sau khi lập gia đình, bà đã xác định lùi lại phía sau để giúp sức cho chồng. Bà không còn sóng bước cùng chồng với vai trò như những nhà ngoại giao nữa, mà luôn nắm tay ông trong các hoạt động từ thiện. Khi ông đến nhận nhiệm vụ tại Việt Nam, họ đã thường cùng các con đi khắp nơi như Điện Biên Phủ, Hội An, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Quốc... nhân các chuyến công tác hoặc kết hợp du lịch. Tại mỗi địa phương, bà đều đến thăm làng trẻ SOS. Đây cũng chính là mô hình do người Áo sáng lập và có trụ sở chính tại Áo. Thân phận của những đứa trẻ mồ côi, tàn tật, hoàn cảnh khó khăn... đã luôn khiến bà day dứt. Không chỉ đến Việt Nam Phu nhân Heindl mới làm công tác từ thiện, mà ngay từ nhỏ bà đã ý thức được việc phải giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình: “Khi tôi trưởng thành, có vốn sống thì tôi có thể làm từ thiện một cách chuyên nghiệp hơn, từ việc tiến hành những dự án đến việc sử dụng những khoản kinh phí sao cho hiệu quả nhất với người được trợ giúp…”.

Đầu năm 2010, Phu nhân Heindl đã quyết định cùng hai người bạn là Lucy Phạm (người Australia gốc Việt) và Jelena Kueppers (người Đức) khởi động dự án Little Tigers. Dự án này đã kêu gọi sự ủng hộ kinh phí từ các cá nhân, cơ sở kinh doanh và các tình nguyện viên để hỗ trợ các trẻ em mồ côi, trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam. Cụ thể, bà và các bạn đã vận động các phu nhân khác (vợ của các nhà ngoại giao, các doanh nghiệp nước ngoài) đang sống tại Hà Nội: quyên góp đồ cũ như quần áo, giầy dép, đồ chơi trẻ em, bán để gây quĩ; tổ chức các tiệc trà, giao lưu gây quĩ; mở gian hàng Hội chợ cuối tuần (tại số 4 ngõ 67 ngách 67/12 Tô Ngọc Vân, Tây Hồ, Hà Nội) (8/2010)... Số tiền thu được, Little Tigers đã dùng để trợ giúp Trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật, Chương Mỹ, Hà Nội. Trong đó, món quà đầu tiên mà Little Tigers tặng họ, đó là, chiếc máy giặt, bà bảo: “để các mẹ có nhiều thời gian hơn dành cho các cháu”. 

Nhân dịp kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Phu nhân đã cùng chồng lên ý tưởng tổ chức đêm “Dạ hội từ thiện Vienna”, vừa để chào mừng Hà Nội, vừa để quyên góp từ thiện. Để có một đêm dạ hội ý nghĩa, đậm bản sắc văn hóa Áo, bà và chồng cùng các nhân viên ĐSQ đã phải làm việc ngày đêm, rất chi tiết như: mời dàn nhạc dạ hội Johann Strauss Kapelle, Vienna; mời vũ công từ Áo đến giảng dạy; lựa chọn các em sinh viên và CLB khiêu vũ Hà Nội Olympic để tham gia dạ hội; mời các nghệ sĩ, các nhà thiết kế thời trang và các hoa hậu Việt Nam tham gia trình diễn thời trang... và nhiều công tác hậu cần khác. Những ngày đó, phòng khách nhà ông bà đã biến thành phòng tập khiêu vũ, thành phòng họp báo, tấp nập người ra vào. Một hôm chúng tôi đến thăm, thì thấy cảnh tượng, hàng chục sinh viên đang miệt mài tập luyện, còn bà thì lúi húi cùng đầu bếp chuẩn bị những món ngon cho các em ăn. Bà đã chăm sóc các em từng li từng tí một, từ việc ăn uống, tập luyện đến tư vấn chọn kiểu búi tóc, chọn váy, chọn giầy...

Sau một thời gian chuẩn bị vất vả, Phu nhân Heindl đã sóng bước cùng chồng tại “Dạ hội từ thiện Vienna” (tổ chức tại khách sạn Melia Hà Nội, ngày 13/11/2010) để giới thiệu văn hóa Áo đến đông đảo quan khách và công chúng. Họ đã nói lời tri ân trong tiếng vỗ tay trìu mến của hàng trăm quan khách ngoại giao, nhà báo và công chúng Thủ đô. Đại sứ George Heindl cũng đã dành tặng vợ và các nhân viên sứ quán những lời cảm ơn dịu dàng: “Dạ hội từ thiện Vienna” là một hoạt động văn hóa truyền thống nổi tiếng của Áo, đã được tổ chức ở nhiều nơi trên thế giới. Đây là lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam. Phu nhân Neline đã công phu thiết kế đan xen với các phần trình diễn của các nghệ sỹ Việt Nam nên đã tạo cho đêm hội sự giao thoa văn hóa mới lạ...”.

Nhiều tờ báo Việt Nam cũng đã đánh giá rằng: “đây là một đêm giao lưu thành công giữa hai nền văn hóa Áo - Việt”. Toàn bộ số tiền vé thu được sau đêm diễn, Đại sứ quán Áo tại Việt Nam đã dành ủng hộ trẻ em khuyết tật Làng trẻ Hữu Nghị, Vân Canh, Hà Nội.

z3610724894857_62993cec03d71eaa642dd5dda4296d01.jpg

Phu nhân Neline Koornneef Heindl

* Hơn cả một vị Đại sứ

Năm 2009, lần đầu tiên chúng tôi có dịp được mời đến Áo trong Chương trình giao lưu văn hóa. Trước khi đi, chúng tôi đã gặp Đại sứ Georg Heindl và Phu nhân, trong đêm Liên hoan âm nhạc châu Âu tại Hà Nội. Được biết về chuyến công tác sắp tới của chúng tôi, Phu nhân Neline Koornneef Heindl đã ân cần: “tôi sẽ chỉ cho cô những quán ăn ngon và những phong cảnh đẹp mà cô không thể bỏ qua ở Áo”, nói rồi bà đã ghi vắn tắt vào mặt sau tấm danh thiếp của bà và đưa cho tôi. Ông Đại sứ không quên dặn thêm: “Nếu Đoàn gặp bất cứ vấn đề gì khó khăn, xin hãy gọi điện cho chúng tôi ngay nhé...”.

 Vài ngày sau, chúng tôi đến Áo, đúng vào dịp tuyết bắt đầu rơi nên trời rất lạnh. Thân nhiệt chưa kịp thay đổi với cái lạnh âm độ ấy và lệch múi giờ nên khá mệt mỏi. Đột nhiên, chúng tôi nhận được điện thoại của vợ chồng ông (thông qua người dẫn Đoàn). Hai ông bà đã rất lo lắng cho chúng tôi vì trời lạnh, đồ ăn lạ, và công việc vất vả... Chúng tôi lại phát sinh thêm yêu cầu là muốn mời một số nhà văn Áo sang Việt Nam tham dự “Hội nghị văn học dịch quốc tế”, nhưng vào thời điểm đó các nhà văn đều đang đi sáng tác ở ngoại ô và hầu như họ cắt liên lạc. Thế là, ông Đại sứ lại phải vất vả liên hệ ngược xuôi, mãi mới thu xếp được cuộc gặp cho chúng tôi với Chủ tịch Hội Nhà văn Áo. Sau đó, hơn một tuần làm việc tại Áo, chúng tôi đã thường xuyên nhận được điện thăm hỏi của vợ chồng ông Đại sứ. Mặc dù, việc họ gọi điện cho chúng tôi thường không dễ dàng vì lệch múi giờ. Tất cả những phát sinh, khó khăn của chúng tôi đều được ông bà kịp thời giúp đỡ. Đặc biệt, được biệt đoàn chúng tôi là nhà văn, nhà báo, ông đã liên hệ với Chính phủ, kết nối cho chúng tôi làm việc với báo Wiener Zeitung (1703) (niềm tự hào của người dân Wien). (Đó chính là cơ may của cá nhân tôi nói riêng và của nhiều nhà nghiên cứu báo chí- truyền thông Việt Nam nói chung)... Cuối cùng, chuyến công tác của chúng tôi đã thành công tốt đẹp. Dư âm về một nước Áo xinh đẹp, cổ kính, bình yên, về con người Áo lịch thiệp, thân tình, về những chính khách, công chức tận tụy và thành tín... đã đọng lại trong tâm trí của chúng tôi.

 Bẵng đi một thời gian, tôi bị tai nạn gãy chân phải nằm viện, vợ chồng ông Đại sứ tình cờ biết chuyện (thông qua nhân viên), họ đã gửi điện hoa và ngỏ ý muốn đến tận bệnh viện để thăm tôi. Điều đó, khiến tôi cảm động và bối rối... Sau này, khi tôi có điều kiện đến Áo để học tập và nghiên cứu, mới hay là vợ chồng ông đã được nhiều người Việt và đồng nghiệp Áo rất trân quí. Họ chia sẻ rằng: trong công việc, ông xử lý rất công bằng, tận tụy và có trách nhiệm cao, còn trong đời sống thì ông bà là những người đôn hậu, chân tình và đáng kính.... Ngày tôi lập gia đình, ông bà cũng đã đến chia vui, cô con gái đã vẽ tặng chúng tôi một bức tranh cô dâu chú rể, rất ngộ nghĩnh. Đích thân ông đã lên sân khấu, tham gia trò chơi “chia sẻ về tình yêu của cô dâu, chú rể” cùng các bạn trẻ. Ông bà là một trong số những người cuối cùng rời khỏi tiệc cưới (sau gần 4 tiếng đồng hồ). Đến ngày chúng tôi sinh bé đầu lòng, ông bà đã viết thư chúc mừng và không quên truyền đạt kinh nghiệm chăm sóc con cái, gia đình. Sau này khi tôi có dịp làm nghiên cứu Thạc sĩ, Tiến sĩ báo chí-truyền thông tại Áo, vợ chồng ông bà cũng đã giúp đỡ tôi rất chân tình.

Sau này, khi tôi sống và nghiên cứu báo chí-truyền thông tại Áo, được tiếp xúc với nhiều người, từ tầng lớp dân thường đến giới trí thức, lãnh đạo cấp cao, họ đều để lại ấn tượng tốt đẹp trong tôi, về lòng tốt, về nhân cách, về sự trung lập, trung thực, về tình yêu và trách nhiệm công dân với đất nước... Công việc báo chí của tôi thường xuyên phải tiếp xúc với nhiều nhà ngoại giao nhưng vợ chồng ông bà đã để lại ấn tượng sâu đậm trong tôi. Sự tận tâm, tận lực của ông bà trong công việc và công tác từ thiện cũng đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhiều nhà báo, nhà nghiên cứu khoa học, chính trị... Việt Nam và Áo. Không nói quá rằng, vợ chồng Đại sứ Heindl đã nỗ lực đóng góp công sức vào việc xây dựng và quảng bá “thương hiệu quốc gia Áo”. Chính phủ Áo tiếp tục cử ông làm Đại sứ tại Hoa Kỳ trong năm năm tiếp theo.

Thời gian ông chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ tại Việt Nam, tôi đã ngỏ ý muốn viết một bài, nhưng ông đã khiêm tốn nói rằng: “Trong các công việc của tôi ở Việt Nam, phần nhiều cũng là công sức của những nhân viên, chính họ đã giúp tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ. Vì thế, tôi không muốn là trung tâm...”. TS. Georg Heindl đã nhận nhiệm vụ Đại sứ, Đại sứ quán Áo tại Việt Nam (2009 - 2013). Ông đã tiếp tục thực hiện và kí kết mới một số lĩnh vực hợp tác giữa Áo-Việt, trong nhiệm kỳ của mình, đó là: “Hiệp định công nhận văn bằng giáo dục đại học giữa hai bên” do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã kí nhân chuyến thăm cấp nhà nước đến Áo (6/2008), “Mở rộng Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực đường sắt đã kí năm 1995” (11/2008), “Ký biên bản ghi nhớ về hợp tác Công nghệ trong lĩnh vực Y tế” (11/2008), Bàn về “Hiệp định khung cho các dự án sử dụng vốn vay ưu đãi” giữa Bộ Tài chính và Ngân hành Áo (2009), Xây dựng “Tuyến cáp treo Bà Nà Hills” của công ty Doppelmay Áo tại Đà Nẵng, đã được công nhận hai kỷ lục thế giới (2009 - 2013), “Chương trình học bổng Áo - Việt” (2011), “Ký thỏa thuận học bổng Tiến sĩ” giữa Cơ quan trao đổi Hàn lâm Áo OEAD và Cục Đào tạo với nước ngoài VIED (02/2011), “Hiệp định Hợp tác giữa Phòng kinh tế Áo và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam”, “Biên bản ghi nhớ giữa BMWFJ và Bộ Công thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam”, được kí kết nhân Chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Áo Heinz Fischer đến Việt Nam (5/2012), “Chương trình tài trợ nghiên cứu của Liên minh châu Âu trong lĩnh vực khoa học công nghệ” (2013 -2017).

     P/s: Năm 2018, chúng tôi nhận được tin buồn, ông đã qua đời. 

Nguồn: Những mảnh ghép Quân Vương

(Nhà thiết kế thời trang La Hồng, Cộng hòa Áo)

TS. Yen Platz

Chị Cao Thị Thương (Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Cao Hoàng) đã không ngừng học hỏi từ thầy, từ các đồng nghiệp, từ việc đọc các tài liệu chuyên ngành... để nghiên cứu, pha chế, chiết xuất ra nhiều loại dược phẩm làm đẹp từ thảo mộc. Chị đã pha chế thành công một số loại dược phẩm và đang được đưa vào sử dụng rộng rãi ở hàng chục spa (thuộc hệ thống của công ty) trên toàn quốc. Công ty của chị đã được chọn là đối tác chiến lược phân phối mỹ phẩm thảo dược của Mỹ tại Việt Nam.

TS. Yen Platz

ĐẤU GIÁ