Nhà văn Tô Hoài nổi tiếng từ cuốn truyện Dế mèn phiêu lưu ký (1941) viết cho thiếu nhi. Hiện nay, “Dế mèn” đã đi chu du khắp thiên hạ. Truyện đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, xuất bản ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ông được ví như là Andersen của Việt Nam.
Tác phẩm kinh điển của nhà văn Tô Hoài (Nguồn ảnh: Intenet)
* Muốn thành công phải chuyên sâu
Biết tin nhà văn Tô Hoài vừa qua đời, tôi đã cẩn trọng mở lại băng ghi âm tiết học của thầy (từ năm 2007). Đó là, lớp Viết văn, Khóa I, Trung tâm Bồi dưỡng Viết Văn Nguyễn Du, Hội Nhà văn Việt Nam. Thời điểm đó, lớp học của chúng tôi được coi như một “hiện tượng” đối với giới báo chí và công chúng văn học nghệ thuật Việt Nam. Lớp học đặc biệt này dành cho những người mới sáng tác và cả những người đã thành danh trên văn đàn. Tiền thân của Trung tâm này, trong chiến tranh là Trường Bồi dưỡng Viết văn Nguyễn Du, Hội Nhà văn Việt Nam.
Trước giờ giảng của cụ Tô Hoài, nhà thơ Vũ Quần Phương (Ban Giám đốc) đã dành những lời tôn kính nhất, để giới thiệu với lớp chúng tôi: “Cụ Tô Hoài có cuốn truyện Dế mèn phiêu lưu ký, xuất bản năm 1941. Quyển sách đó đã lập tức đưa cụ trở thành nhà văn được rất nhiều người biết, bây giờ thì nổi tiếng khắp cả nước. Dế mèn phiêu lưu ký cũng đã được xuất bản ở nhiều nước với nhiều ngôn ngữ khác nhau. Cụ Tô Hoài gần như được coi là một Andersen của Việt Nam (pv). Bên cạnh những sáng tác thì hồi ký là một điều cũng đáng lưu ý ở Tô Hoài: Lĩnh vực mà Tô Hoài dành nhiều trang viết nhất là về Hà Nội; lĩnh vực thứ hai là viết về dân tộc, nhất là dân tộc Tây Bắc (dân tộc Mèo). Nếu gọi nhà văn là thư ký thời đại thì tôi thấy ở Việt Nam, đúng nhất là Tô Hoài... Gần đây, những hồi ký của riêng đời cụ đã thành hồi ký của một thời kỳ lịch sử. Nó là tang chứng của một thời kỳ lịch sử. Tôi coi đây như hiện vật bảo tàng văn học Việt Nam “Cấm sờ vào hiện vật”. Tôi coi cụ như một con khủng long của thời kỳ tiền sử còn sống, chưa hóa thạch”. Lời giới thiệu vừa dứt, cả lớp chúng tôi cười ầm lên. Lúc đó, tâm trạng của không ít người trong số chúng tôi, rất hồi hộp, sốt sắng, muốn “chạm vào” thần tượng.
Chúng tôi không vui sao được, khi liên tiếp được học, được trao đổi, đàm luận với những “tang chứng văn học”- những nhà văn, nhà thơ, gạo cội nổi tiếng, như cụ Tô Hoài, nhà văn Ma Văn Kháng, nhà thơ Vũ Quần Phương, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà thơ Hữu Thỉnh... Chúng tôi, gọi họ một cách thân thương bằng thầy! Mỗi lần có tiết giảng của các thầy, chúng tôi đều tập trung rất cao độ.
Trong giờ học của nhà văn Tô Hoài cũng vậy, im lặng tuyệt đối. Không một ai xin phép ra ngoài. Nhà văn tâm sự về cuộc đời sáng tác của mình. Ông đã theo đuổi bốn đề tài chính: Đề tài về cuộc đời mình (một số tác phẩm như: Chiều chiều, Cát bụi chân ai, Một số kinh nghiệm viết văn của tôi...); Đề tài Cách mạng (từ tháng 8/1945) (Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ, Họ Giàng ở Phìn Sa, Miền Tây - tác phẩm đoạt giải Bông sen Vàng của Hội Nhà văn Á - Phi năm 1970...); Đề tài viết cho thiếu nhi (Dế mèn phiêu lưu ký, O chuột, Mụ Ngan...); Đề tài miền núi (Vợ chồng A Phủ, Truyện Tây Bắc, Nhật kí vùng cao...). Nhà văn Tô Hoài cho rằng, việc giàu có chữ nghĩa sẽ quyết định vấn đề phong cách. Cụ đọc tất cả các loại sách báo, kể cả mục quảng cáo trên báo chí: “tôi đọc tốn sách báo lắm”. Cụ ghi nhớ tất cả những từ mới, từ lạ, từ hay. Cụ cũng là người sáng tác ra nhiều từ mới. Trong tập Tạp văn Giấc mộng ông thợ dìu, lúc đầu có nhà phê bình cho rằng viết như thế là sai chính tả. Nhưng sau này họ mới vỡ lẽ là Tô Hoài đã dùng chữ “dìu” ở đây là “dìu dắt” chứ không phải “búa rìu”: Tôi lấy cái chữ “thợ dìu” ở đâu? Đọc phóng sự của báo Công an nhân dân thành phố HCM. Đấy là cái chữ tiếng lóng. Rất mới. Chỉ những thằng đi dạy nhảy thời thượng bây giờ. Những ông dạy nhảy gọi là “ông thợ dìu”. Dìu dắt người ta nhảy. Còn khi viết cuốn “Đảo hoang”, tôi đã phải đọc dân ca Mường rất nhiều. Tôi thích văn Kim Lân, Bùi Hiển. Tôi thích các anh ấy là vấn đề nhưng tôi học chữ của các anh ấy. Tôi nhớ Nguyễn Du có một câu là “cỏ áy bóng tà “. Tôi thích chữ “cỏ áy”. Khi tôi về Thái Bình thì tôi mới thấy rằng, người ta cũng nói chữ “cỏ áy”. “Áy” đây là chỉ những loại cỏ bị cớm nắng. Ông Nguyễn Du có một thời kì chạy loạn năm 75 về quê vợ ở Thái Bình. Thế là cái chữ “cỏ áy” chắc chắn là ông Nguyễn Du đã lấy tiếng của bà vợ, của quê vợ mà viết, chứ không phải tiếng Nghệ Tĩnh... Điều này thể hiện sự cầu thị, luôn “tự học” của nhà văn Tô Hoài. Một phẩm chất đáng kính trọng. Cụ cũng băn khoăn rằng nhiều nhà văn trẻ hiện nay ít chữ, lại nhìn cuộc đời và xã hội một cách bàng quan nên viết không đạt. Người có ảnh hưởng đến sự nghiệp sáng tác của nhà văn Tô Hoài, đó là nhà văn, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan (Chủ bút Hà Nội Tân văn): tôi in một vài truyện ngắn trên báo của cụ Phan. Sau này, tôi mới xin gặp cụ. Xin nhờ cụ giới thiệu cho tôi một cái giấy giới thiệu để vào đọc sách Pháp ở Thư viện Hà Nội. Bởi vì, lúc đó Thư viện quy định, những người phải đỗ từ Diplom trở lên, mới mượn được sách Pháp. Cụ Phan thấy tôi, chắc cụ ấy thương quá ´´Tôi tưởng anh phải như Vũ Trọng Phụng... tôi thấy anh thế thì tôi thương. Thôi anh không phải mượn sách Thư viện nữa, xuống nhà tôi mà đọc. Nhà tôi nhiều sách cho anh đọc. Anh đọc không thể hết được đâu. Tôi sẽ hướng dẫn anh cách đọc”. Cụ Phan đã khuyên tôi hai điều mà tôi nhớ mãi đến tận bây giờ: điều thứ nhất là cái gì anh sở trường nhất thì hãy viết; điều thứ hai là phải viết hết sức chuyên và sâu thì mới nổi tiếng được. Sau này, trong cuốn Nhà văn hiện đại, cụ Vũ Ngọc Phan có một câu phê bình “Dần dần bây giờ ông Tô Hoài có giọng văn khinh bạc” khiến cho nhà văn Tô Hoài còn suy nghĩ mãi: bây giờ, Vương Trí Nhàn, Nguyễn Đăng Mạnh viết về tôi, các anh ấy phân tích cũng chỉ nói được cái tinh thần ấy của cụ Phan thôi. Nói là “Ông Tô Hoài đẹp và buồn”, hay là “Chủ nghĩa hư vô” cũng là cái ý nghĩa từ của cụ Vũ Ngọc Phan cả. Hai vấn đề này tôi còn nghĩ xem tôi có “hư vô”, có “đẹp và buồn” không? Cái này cụ Phan đã nói từ sáu bảy mươi năm rồi thì cũng thật là quý. Nhưng cái quý nhất, tôi cho là cụ khuyên tôi nên chuyên và sâu. Đó là, điều rất quý đối với tôi ngay đến cả bây giờ.
* Những kỉ niệm thời “ném sấu”
Từ đầu đến cuối giờ học, lớp chúng tôi chăm chú nghe thầy nói chuyện, những trận cười cứ thế rộ lên khi thầy “tua lại” tuổi thơ, với những trò chơi đúc dế bên bãi sông Tô Lịch, những trò nghịch ngợm ném sấu, ném chó mỗi buổi đi học...: Tôi đi học nhưng chả học gì cả. Trong cặp bao giờ cũng có đầy đá. Để làm gì, để một là ném chó, hai là để ném sấu (mùa sấu), ba là ném bóng đèn. Đi qua vườn Bách thú, trông trước trông sau không thấy đội sếp (?). “Choang” một cái! Nghịch. Cho đến bây giờ tay tôi còn có thói quen là tôi ném cái gì là rất trúng. Tôi ném bọc giấy vào sọt rác, xa đến đâu thì xa, ném vẫn trúng. Đấy chỉ giỏi cái đó. Hay trên bãi đầu làng Nghĩa Đô, tất cả những cây cỏ, trò chơi đúc dế, tôi đều thuộc vô cùng... Bây giờ, khi Dế mèn đã chu du khắp thiên hạ, “Dế cụ” mới ngẫm lại, chính cái sự nghịch ngợm xưa kia cũng đã giúp ích cho việc sáng tác của mình.
Thầy kể tiếp: cuốn Dế mèn phiêu lưu ký, khi được in ở Đức, người ta in tên các loài vật, các loài cây cỏ, theo tên khoa học để cho thiếu nhi học. Tôi được xem quyển Dế mèn của Đức, có một cái sai là thế này, mùa Đông là mùa dế mèn, châu chấu, cào cào đi tránh rét. Nó phải chui vào những cây dứa dại tìm chỗ nấp. Ở Đức chắc không có cây dứa dại? Họ (anh ấy) đã vẽ một cây dứa với một quả dứa chín đỏ lừ. Hay khi xuất bản ở Nga: Ông Mạnh Ân (?) vẽ Dế mèn của tôi ở Nga. Đến sau này ông ấy xem quyển tiếng Đức thì ông ấy cũng vẽ quả dứa. Không phải cây dứa dại. Chính ông ấy đã ở Việt Nam mà không biết cây dứa dại. Quả dứa thì ai cũng biết. Trẻ con Tây nó lại càng thích. Đấy là cái thực tế sâu sắc. Thực tế tự nhiên mà mình có. Lúc ấy mình chưa biết đi thực tế. Mình nghịch rồi mình chơi với các loài vật ấy và mình hết sức thuộc nó.
Nhà văn Tô Hoài vốn là người tự học, tự đọc, cụ tự học Tiếng Pháp để đọc tài liệu: Tôi chỉ học hết cấp tiểu học. Biết tiếng Pháp tập tọng. Sau này, khi tôi bắt đầu viết văn thì tự học thêm cả tiếng Pháp. Cho nên sau cũng đọc được. Tôi học tiểu học, lớp 1 Trường Mạc Đĩnh Chi, bây giờ. Lớp 1 thì tôi học giỏi nhất, tôi đã được giải thưởng và ra tòa thống sứ để nhận giải. Lớp 7 thì tôi bét, trong lớp học sinh có 60 người thì tôi đứng thứ 58. Đến khi thi lấy bằng, tôi ko muốn đi xem mình có đỗ hay không. Có đứa nó bảo tôi đỗ, hóa ra mình đỗ tiểu học”. Thi thoảng cụ cứ nhấn nhá như thế, khiến chúng tôi cười lăn, cười bò.
Một lúc sau cụ bảo: nếu mà như mọi khi thì tôi bắt các bác phải cho tôi uống bia hay là uống Hennessy. Còn bây giờ thì thôi uống nước khoáng vậy. Cả lớp cười ầm lên. Nhà văn Nguyễn Chí Trung (một trong những nhà văn đã thành danh), ngồi đầu bàn, cạnh chỗ tôi, vội hỏi: “này chúng mày cười cái gì thế ?”. Tôi ghé sát tai ông thì thầm như mọi tiết học khác. Nghe xong, ông Trung lại ngồi cười khùng khục một mình.
Lúc sau, anh cán bộ lớp chạy vào, mang theo một chai bia Hà Nội và chiếc cốc thủy tinh, đặt lên bàn thầy Tô Hoài. Thấy thế, thầy cười móm mém: Tôi nói đùa thế mà các anh, các chị mua thật à. Thôi cứ để đấy, bây giờ uống thì say mất, làm sao mà nói được... Thế là, chai bia cô đơn, tẽn tò đứng đấy từ lúc thầy đến cho đến lúc mọi người dìu thầy xuống khỏi bục giảng.
Thầy Tô Hoài (hàng một từ trái sang) và các học viên Lớp Viết văn Khóa I,Trung tâm Bồi dưỡng Viết văn Nguyễn Du, Hội Nhà văn Việt Nam (2007)
* Xin không nói lời vĩnh biệt nhà văn Tô Hoài
Sáng nay, tôi thức dậy ở trời Âu. Nắng tháng bảy vàng ươm, thơm phức như mật. Như thường lệ tôi đọc lướt tin tức, thấy báo chí-truyền thông đồng loạt đưa tin “Nhà văn Tô Hoài đã ra đi”. Hưởng thọ 95 tuổi. Hồi tôi còn ở Việt Nam, mỗi lần cụ ốm nặng, phải vào Bệnh viện Việt Xô chữa trị, chúng tôi thường là những người được biết tin sớm nhất. Mỗi lần rủ nhau đến thăm thầy, thấy thầy thở bằng bình oxy, nhưng đôi mắt thì vẫn tỉnh táo, ấm áp, trìu mến nhìn chúng tôi... Đầu năm vừa rồi, tôi về Việt Nam, cũng đã vào thăm thầy nhưng không nghĩ rằng đó lại là lần cuối!
Vừa rồi, tôi có dịp gặp lại thầy Vũ Quần Phương bên châu Âu. Thầy trò tôi hàn huyên, tâm sự, nhớ về những kỉ niệm đẹp của lớp viết văn năm xưa. Nhớ lại những cây đại thụ của nền văn học Việt Nam mà chúng tôi đã may mắn được học tập, được làm việc với họ. Nhớ lại chuyện thầy Tô Hoài và chai bia cô đơn, tẽn tò năm nào... Tôi trầm ngâm, tìm lại file ghi âm bài giảng của thầy Tô Hoài (2007). Giọng thầy gần gũi, mạch lạc, hóm hỉnh... Thầy hiện về thân quen, minh mẫn, thật đẹp, thật gần!
Thời niên thiếu của tôi cũng giống như bao đứa trẻ Việt Nam khác, gắn bó và thuộc lòng những câu chuyện của chú dế mèn, dế trũi... của cụ. Những triết luận trong truyện Dế mèn phiêu lưu ký đã cho chúng tôi những bài học sâu sắc về cuộc đời. Chợt thấy mình, dường như có đôi phần phiêu lưu giống chú dế mèn của cụ.
Nay khi tôi đang sống ở kinh đô âm nhạc thế giới, sự ra đi của thầy đã khiến tôi liên tưởng đến thiên tài âm nhạc Wolfgang Mozart. Tuy hai người đã ra đi ở những thời điểm khác nhau, một ở tuổi già, một ở tuổi trẻ, nhưng có một điểm chung, đó là, họ vẫn tiếp tục sống thông qua những tác phẩm của mình. Nhiều người không biết nước Áo ở đâu, nhưng họ biết thiên tài Mozart, nhiều người không rõ về Hà Nội nhưng họ biết nhà văn Tô Hoài là linh hồn của Hà Nội: Thiên tài Mozart đã ra đi trong cô đơn, giữa đêm bão tuyết. Không một người họ hàng đưa tiễn. Ông đã chết trong nghèo khó và bệnh tật (ở tuổi 35). Người ta đã chôn ông trong một hố chôn tập thể. Dòng tộc ông đã kết thúc sau đó một thời gian. Nhưng có lẽ, Mozart vẫn còn sống. Ông đã sống trong những bản nhạc bất hủ, sống trong tiềm thức của nhân loại; Một tài năng đã ra đi trong niềm hạnh phúc. Còn nhà văn Tô Hoài đã được đông đảo công chúng, độc giả trong và ngoài nước nhớ đến, hướng về với tấm lòng yêu mến và biết ơn. Ông được coi như biểu tượng của Hà Nội (Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, Đợt 1-1996). Ông đã để lại hàng trăm tác phẩm văn học, kịch bản phim, hồi kí... đặc biệt, những triết luận trong tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký của mình, vẫn còn đúng với cuộc sống toàn cầu hóa hiện nay. Công chúng sẽ nhớ đến họ, nhắc đến họ với một niềm yêu thương và trân trọng. Có lẽ, sự sống của họ chỉ mất đi khi người cuối cùng có tiềm thức về họ trên hành tinh này mất đi. Thế nên, cụ Tô Hoài chưa thể chia tay công chúng, tôi cũng xin không nói lời vĩnh biệt thầy.
TIN LIÊN QUAN
Nền kinh tế thế giới hiện nay đang trải qua những thay đổi nhanh chóng, mở ra nhiều doanh nghiệp các cơ hội đầu tư hấp dẫn và đầu tư đa phương là một trong những cơ hội đó. Xuất phát từ việc các thị trường và quốc gia hợp tác với nhau, việc đầu tư đa phương giúp cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư không chỉ tập trung vào một thị trường mà còn có thể tận dụng sự kết nối giữa các thị trường để tối ưu hóa lợi nhuận và phát triển bền vững.
TS. Yen PlatzXEM NHIỀU NHẤT
(Nhà thiết kế thời trang La Hồng, Cộng hòa Áo)
TS. Yen PlatzChị Cao Thị Thương (Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Cao Hoàng) đã không ngừng học hỏi từ thầy, từ các đồng nghiệp, từ việc đọc các tài liệu chuyên ngành... để nghiên cứu, pha chế, chiết xuất ra nhiều loại dược phẩm làm đẹp từ thảo mộc. Chị đã pha chế thành công một số loại dược phẩm và đang được đưa vào sử dụng rộng rãi ở hàng chục spa (thuộc hệ thống của công ty) trên toàn quốc. Công ty của chị đã được chọn là đối tác chiến lược phân phối mỹ phẩm thảo dược của Mỹ tại Việt Nam.
TS. Yen Platz
BÌNH LUẬN