Có lẽ, "Hành trình mùa đông" cũng như một hành trình "hành xác" của người dịch với tất cả những cung bậc cảm xúc thấm đẫm từ thảng thốt, thống khổ, chết trong tâm, đến chỗ ngấm đủ những nỗi bất hạnh ấy để mà thản nhiên bước tiếp cho đến cuối đoạn đường "sinh nở" tuyệt phẩm này. Sau đây, WAJ có cuộc trò truyện với dịch giả Chu Thu Phương và dịch giả, nhạc sĩ, TS. Ngô Tự Lập.
*Thưa dịch giả Chu Thu Phương, duyên phận nào đã khiến chị quyết định dịch tập ca khúc Hành trình mùa đông của nhạc sĩ thiên tài Franz Schubert ?
Tôi đã từng sống tại nhiều đất nước. Và tôi nhận thấy mỗi đất nước mình từng gắn bó một thời gian, tôi đều có một tình cảm rất đặc biệt. Tôi được hưởng thụ những nét đặc sắc trong văn hóa của đất nước ấy, và tôi thường trả lại một điều gì đó như đáp lại một món nợ ân tình. Món nợ ân tình ấy, với Đức, đó là tập thơ Khúc đệm trữ tình của Heinrich Heine; với Nhật, đó là tập thơ Tóc Rối của Yosano Akiko; còn với Áo - thì sao?
Tới Áo, tôi nhận thấy vẻ đẹp tuyệt vời của nhạc cổ điển, của opera, của các ca khúc nghệ thuật ngập tràn không gian. Tôi bắt đầu hiểu được điều Karl Krauss, một nhà phê bình văn học nổi tiếng từng nói “Đường phố ở Viên được lát bằng văn hoá. Đường ở những thành phố khác được trải bằng nhựa đường." Tôi nhớ trong một buổi tham quan quận Döbling của thành phố Viên, người hướng dẫn khi ấy là TS. Patrick Horvath đã dừng lại giới thiệu về một cây bồ đề Schubert. Tôi rất tò mò, không hiểu tại sao cây bồ đề ấy lại tên là cây bồ để Schubert? Chính từ cái tò mò ấy, mà tôi biết được nước Áo không chỉ có 1 cây bồ đề Schubert mà có đến hàng trăm cây bồ đề Schubert và tầm quan trọng của bài hát Cây Bồ Đề của nhạc sĩ Franz Schubert đối với Áo, và cũng là lần tôi choáng váng trước vẻ đẹp của tập ca khúc Hành trình mùa đông. Đó chính là khởi đầu của mối quan tâm của tôi đến tập ca khúc ấy.
Với Hành trình mùa đông, tôi đã tìm ra nét đẹp của Áo đã làm trái tim mình thổn thức, và hiểu ra, đây chính là cái tôi sẽ dịch trả lại món nợ ân tình cho nước Áo. Tôi dịch tập ca khúc này với mong muốn đưa vẻ đẹp của những ca khúc nghệ thuật kinh điển của Áo đến gần hơn với tâm hồn người Việt. Đây cũng là một món quà tổng kết những năm tháng sống và làm việc của mình tại Áo gửi tới đồng bào tôi ở Áo nói riêng và trên thế giới nói chung, cũng là một đóng góp nho nhỏ của nhóm nghệ sĩ chúng tôi hướng tới Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam Áo và Kỷ niệm 225 năm ngày sinh nhạc sĩ thiên tài Franz Schubert.
* Hành trình mùa đông cũng là hành trình "hành xác" của người dịch, với tất cả những cung bậc cảm xúc thấm đẫm từ thảng thốt, thống khổ, chìm đi, không tia hy vọng, chết trong tâm, đến chỗ ngấm đủ những nỗi bất hạnh ấy để mà thản nhiên, vô cảm bước tiếp cho đến cuối đoạn đường "sinh nở" tuyệt phẩm này phải không thưa dịch giả?
Xuyên suốt tập Hành trình mùa đông là một âm hưởng thản nhiên, buông xuôi, bỏ mặc tất cả. Nhà thơ, nhạc sĩ như đã trải qua hết các cung bậc tình cảm, tâm đã chết, chỉ đây đó còn vương lại đôi ký ức của một hơi thở mỏng manh của sự sống, rồi tất cả lại ngay lập tức chìm đi trong một miền trắng chết chóc không tia hy vọng của tuyết trải mênh mông… Dịch tập này, lòng người dịch cũng phải đã chết trong tâm… Không ít lần, tôi không chịu đựng nổi cảm giác gần như trầm cảm, bế tắc, không dịch nổi nữa và khóc suốt đêm. Nhưng rồi việc chia sẻ với những người bạn trong nhóm làm việc đã lại nâng đỡ tinh thần tôi, và tôi đã tìm được điểm tựa để bước tiếp con đường đau khổ nhưng đẹp đến kỳ lạ này.
Có một điểm lạ lùng trong âm nhạc của Franz Schubert làm cho người ta nhận biết được ngay. Thông thường gam trưởng được dùng để diễn tả những cảm xúc vui tươi, rạng rỡ, khoẻ khoắn, mà gam thứ thì dùng để diễn tả những cảm xúc êm dịu, man mác buồn, phải không? Thế nhưng ở Schubert thì gam trưởng và thứ dường như đưa lại những cảm xúc rất khác.
Bạn cứ thử nghe bất cứ một bài nào trong Hành trình mùa đông mà xem. Gam thứ khi ấy ngân lên với một cảm xúc như kể về cõi thực, có cảm giác như kể về một điều nghiêm trọng, kể về cảm giác buông xuôi, bất hạnh; trong khi gam trưởng lại vang lên như từ một cõi mơ, như ảo ảnh của hạnh phúc không có thực, gam trưởng vang lên như một tiếng khóc than.
Cái xung đột trong cảm giác đó làm người hát, người đàn cũng như người dịch chìm vào một nỗi bất hạnh triền miên ngày càng sâu thẳm đưa bạn đến rất gần với cái chết.
Bởi vậy, tập đàn, tập hát cũng như dịch ca khúc của Hành trình mùa đông, bạn nên tự hiểu là đã đặt mình vào một mối nguy hiểm cận kề.
*Có ý kiến cho rằng nghe Hành trình mùa đông khiến con người ta chìm vào một nỗi bất hạnh triền miên, tự đặt mình vào một mối nguy hiểm cận kề, sâu thẳm, đến gần hơn với các chết – chết để được tái sinh, đó có phải là thông điệp quan trọng nhất của kiệt tác này không thưa dịch giả?
Hành trình mùa đông là một nỗi đau, triền miên, dai dẳng, không hồi kết, và chỉ dẫn đến một điểm duy nhất cuối con đường - CÁI CHẾT! Đúng là những đau đớn, khổ sở người ta nhận được khi bị quẳng ra ngoài đường, chỉ có thể nghe lũ chó xua đuổi, quạ vờn quanh trên đầu chỉ chực chờ ta chết để rỉa, cảm giác đến nghĩa địa mà tưởng đó là nhà trọ, mà rồi cả cái nhà trọ ấy cũng từ chối tiếp nhận ta, cảm giác đi vô định trên con đường tuyết trắng trải tràn tìm dấu chân thương mến ngày xưa… khủng khiếp đến chừng nào. Không ít lần trải qua khủng hoảng, không thiếu cả trầm cảm và suy nghĩ thường trực về cái chết trong đầu… phải chăng tất cả những điều này, và ở một mức độ mạnh hơn nhiều, Franz Schubert đã từng trải qua? Có phải vì thế mà ông đã mất ngay năm sau khi hoàn thành tập ca khúc? Ông quả là cô độc!
Thế nhưng tiếp nhận nỗi đau như thế nào lại phụ thuộc vào quyết định của từng cá nhân. Ở đây, trải nghiệm cá nhân rất khác nhau. Ngay trong nhóm làm việc của chúng tôi, mỗi nghệ sĩ cũng có những trải nghiệm khác.
Ca sĩ nam cao Hans-Jörg Gaugelhofer từng tâm sự về trải nghiệm khi lần đầu tiếp xúc với Hành trình mùa đông “Những áng văn thơ đầy cảm xúc như vậy không phải là không nguy hiểm với những kẻ trẻ người non dạ, những kẻ có lẽ đang trải qua đợt khủng hoảng cảm xúc đầu tiên của mình. Sói đồng hoang của Hermann Hesse, Nỗi buồn của chàng Werther trẻ tuổi của Goethe hay Hành trình mùa đông đều là những kiệt tác được đóng dấu “Tự chịu trách nhiệm khi mạo hiểm bước vào”. Tất nhiên, ở đây tôi không thể trả lời được chi tiết câu hỏi rằng liệu thế giới có thực sự như được mô tả trong Hành trình mùa đông hay không. Tôi sẽ nói một cách đơn giản - không. Tuy nhiên, rất thú vị là thế giới CŨNG có thể đúng là như thế, ít nhất là trong một thế giới cảm xúc chủ quan của một cá nhân.”
Trong khi ấy, nghệ sĩ đệm đàn piano Ekaterina Nokkert cho rằng “Biểu diễn và miêu tả tác phẩm này là cả một tấm công phu, là chừng 75 phút tập trung cao độ, không gián đoạn - nhưng nó cũng đòi hỏi cả việc sẵn sàng xử lý nội dung ca khúc ở cấp độ trải nghiệm cá nhân. Tôi đánh đàn bằng cả những kinh nghiệm riêng của bản thân mình về những mất mát và đớn đau, chúng có tác dụng như một liều thuốc chữa lành vết thương lòng. Trong đời sống xã hội, chúng ta quá thường xuyên phải đương đầu với những cảm giác tiêu cực và những suy nghĩ mà ta coi là không được mong muốn, chúng ta luôn cố gắng kìm nén, và nếu có thể thì từ chối cảm nhận chúng. Nhưng thực ra ta cần phải sống, phải trải qua từng cung bậc cảm xúc, đóng chặt lòng mình trước những cảm xúc ấy không làm cho những cảm xúc đó mất đi. Mỗi chúng ta đều có những góc tối trong tâm hồn và tác phẩm này buộc chúng ta phải soi lại mình và chiếu rọi một tia sáng vào những góc khuất đó.”
Đối với bản thân tôi, nỗi đau cũng là một cung bậc cảm xúc mỗi người cần phải trải qua. Ta không cần phải trốn tránh nỗi đau, nên sống và cảm nhận nỗi đau ấy. Bước qua nỗi đau, ta sẽ có một cảm giác của sự vô cảm - hay là cái thản nhiên. Có lẽ cái thản nhiên ấy cũng rất cần thiết với mỗi chúng ta để có thể bình tĩnh đối mặt với cuộc sống, để có thể thanh thản mà lựa chọn, và sống một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Và tôi cũng rất thích một câu trong lời nói đầu mà Giám đốc nhà hát Oper in der Krypta, chị Dorothee Stanglmayr từng nói trước một buổi biểu diễn Hành trình mùa đông “Xin mời quý vị hãy đón nhận nỗi đau tuyệt mỹ này.”
*Thưa dịch giả, được biết buổi biểu diễn Hành trình mùa đông đang được các nghệ sĩ của Nhà hát Oper in der Krypta chuẩn bị kỹ lưỡng cho buổi ra mắt, đây cũng là lần đầu tiên những tuyệt phẩm này của nhà thơ Wilhelm Müller (Đức) và nhạc sĩ thiên tài Franz Schubert (Áo) sẽ được cất lên giữa kinh đô âm nhạc của thế giới, bằng tiếng Việt, vậy cảm xúc của chị trong lúc này như thế nào?
Tôi dịch tập ca khúc này với mong muốn đưa vẻ đẹp của những ca khúc nghệ thuật kinh điển của Áo đến gần hơn với tâm hồn người Việt. Lần đầu tiên tiếng Việt, bằng bản dịch tập ca khúc 24 bài hát với tên Hành trình mùa đông của nhà thơ Wilhelm Müller (Đức) và nhạc sĩ thiên tài Franz Schubert (Áo) sẽ được cất lên ở giữa một nhà hát thính phòng nổi tiếng - Oper in der Krypta tại Viên, thủ đô của Áo, cũng là thủ đô âm nhạc của thế giới. Buổi Công diễn đầu tiên (World Premier) của tập ca khúc tiếng Việt này sẽ là một buổi pha trộn giữa một số bài hát chọn lọc được hát bằng tiếng Đức, tiếng Việt và những dẫn giải Đức - Việt xung quanh tập ca khúc này.
Tôi cũng như tập thể nhóm nghệ sĩ chúng tôi đều rất hồi hộp trước một đêm diễn quan trọng như thế, khi lần đầu tiên tiếng Việt được tự hào cất lên trên một sân khấu có tiếng sang trọng ở giữa cây số 0 của thành Viên xinh đẹp, thủ đô âm nhạc của thế giới. Tôi hồi hộp vô cùng: Tôi chia sẻ với anh Ngô Tự Lập những khó khăn trong việc dịch ca từ, hiểu được những nét tinh tế lay động lòng người trong từng ca từ và vị trí đặt từng từ trong bản nhạc, những chia sẻ và tranh luận đôi khi cũng đã diễn ra khá gay gắt giữa chúng tôi nhưng kết quả là những phần đẹp nhất của chúng tôi hợp lại; tôi chia sẻ những phấp phỏng với giám đốc nhà hát Dorothee Stanglmayr khi tổ chức buổi biểu diễn đầu tiên không rõ có thu hút được khách tới hay không; tôi chia sẻ những hồi hộp của ca sĩ biểu diễn tiếng Việt Hans-Joerg Gaugelhofer, khi anh mới học hát tiếng Việt trong chưa đầy 2 tháng, đồng thời cũng kinh ngạc trước khả năng phát âm tuyệt vời của mình; tôi cũng chia sẻ cái băn khoăn của nghệ sĩ đệm đàn piano Ekaterina Nokkert khi gặp những phụ âm trong bản tiếng Việt ở những chỗ người ta thường không chờ đợi trong bản tiếng Đức, làm ảnh hưởng đến hơi thở của người ca sĩ, và đương nhiên ảnh hưởng đến cách đệm đàn của người nghệ sĩ piano; tôi cũng sát vai với cô phiên dịch bé nhỏ Phạm Tâm Đan của chúng tôi, hay đúng hơn là cô ấy đã sát cánh cùng tôi trong từng bước đi, để hiểu được ngôn ngữ và cách suy nghĩ của tôi trong cả hai thứ tiếng Việt - Đức để có thể phiên dịch trong buổi diễn tới… Đó là chưa kể những lo lắng băn khoăn về công tác dàn dựng chương trình, tổ chức, đón khách… Nỗi hồi hộp của tôi nằm trong từng nỗi băn khoăn nhỏ nhất của từng người trong nhóm chúng tôi.
Nguyện mong dự án có một không hai này sẽ trở thành một món quà gửi đến bà con người Việt Nam ta ở Áo nói riêng (năm nay là năm kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Áo), ở các nước nói tiếng Đức, các nước Châu Âu và trên thế giới cũng như các bạn yêu âm nhạc cổ điển tại Việt Nam nói chung.
*Xin dịch giả chia sẻ đôi điều về vai trò của một số vị trí nghệ sĩ biểu diễn quan trọng trong Hành trình mùa đông?
Tôi ngưỡng mộ chị Dorothee Stanglmayr, giám đốc của nhà hát dưới hầm nhà thờ thánh Peter, vì chị đã tạo dựng được cả một giấc mơ của mình. Tôi càng ngưỡng mộ chị hơn khi bà đã dẫn dắt, nâng đỡ từng nghệ sĩ, vừa nhận ra tài năng, vừa động viên, khuyến khích từng nghệ sĩ phát triển bản thân mình, cũng là phát triển cho nghệ thuật, vừa giữ hòa khí trong nhà hát một cách vô cùng nhân văn, lại vừa chăm sóc từng cá nhân mỗi người khách đến với nhà hát thính phỏng nhỏ bé này.
Khi tôi đến nhà hát và đọc tên để lấy chỗ ngồi trong buổi biểu diễn Hành trình mùa đông, một người phụ nữ nghe thấy tên tôi, bất ngờ quay sang hỏi: Chị có phải là Chu Thu Phương? Chị có phải là người dịch Hành trình mùa đông không? Tôi sững sờ mất một lúc, chỉ kịp nói vâng. Cuối buổi biểu diễn chị mời tôi ở lại, và cho biết đã nghe nói về dự án của tôi từ lâu. Chị hỏi tôi về dự án và sau khi nghe tôi trình bày về dự án chị đã mời tôi hợp tác để đưa Hành trình mùa đông bằng tiếng Việt lên sân khấu nhà hát. Con mắt xanh ấy đã nhận ra và thu phục được bao nhiêu nghệ sĩ tài năng, trong đó có cả những nghệ sĩ hàng đầu của Áo đến làm việc tại nhà hát này. Trong nhà hát của chị, mỗi một ý kiến đều được lắng nghe, mỗi người nghệ sĩ đều được tự do sáng tạo và chịu trách nhiệm về phần của mình. Những vở nhạc kịch ở đây ra đời không có đạo diễn, bởi từng nghệ sĩ đều hiểu mình cần phải làm gì cho vai diễn của mình để đạt được kết quả tốt nhất. Tôi thấy mình thật may mắn khi được lọt vào con mắt xanh của chị.
Phải nói giọng hát nam trung-trầm của ca sĩ Florian Pejrimovski, người sẽ trình bày Hành trình mùa đông bằng tiếng Đức đã luôn là một món quà rất đặc biệt đối với tôi. Mùa đông, Viên vừa độ chín giữa mùa nhạc thính phòng. Dưới ánh đèn xanh xao, trầm tĩnh, đây đó một bình hoa sẫm màu, thâm trầm, tiếng piano của nghệ sĩ Ekaterina Nokkert và giọng bass-bariton của ca sĩ Florian Pejrimovsky đơn côi đỡ nhau lên. Cái tối giản của thanh âm một cây đàn dương cầm và một giọng hát duy nhất trong suốt 1 tiếng đồng hồ trong một không gian rất nhỏ, cho phép thính giả kỹ tính của nhạc thính phòng thưởng thức được mọi chiều kích của từng âm thanh nhỏ nhất. Tiếng hát của ca sĩ Florian Pejrimovsky vừa có cái vang vọng bao trùm của giọng bass-bariton, lại vừa mang cái trong vắt như giá như sương của mùa đông, dẫn dắt người nghe vào cuộc hành trình mùa đông 24 bài hát của nhà thơ Wilhelm Mueller do nhạc sĩ Franz Schubert phổ nhạc, tạo nên cả một không gian đớn đau, cô độc giữa lòng mùa đông ấy. Có nghe mới hiểu có những cơn đau như một nỗi ám ảnh, cứ cái gió đông về là lại nhớ.
Tôi cũng rất ấn tượng với tiếng đàn của nghệ sĩ piano Ekaterina Nokkert. Chị là người trau chuốt từng âm thanh vang lên, người tạo ra cả một không gian nghệ thuật cho buổi tối của Hành trình mùa đông. Ngay từ trước khi người ca sĩ cất tiếng hát. Trong những ca khúc của Schubert, piano không thể tính là một bè, mỗi bàn tay đã chơi một bè, lại còn đôi lúc piano cũng còn chơi cả giai điệu của giọng hát nữa, vậy thì, với ba bè piano, một bè là giọng ca sĩ, ai mới là người đệm cho ai đây? Những khó khăn trong việc tạo ra từng nét chấm phá cho từng nốt nhạc của chị thật kỳ diệu, ấy là những âm thanh legato triền miên tạo nên một vòng xoáy ngày càng thu hẹp của những con quạ trên đầu kẻ lữ hành bị xua đuổi, đó là những tiếng chặn pedan thật nhanh làm cho giọt nước đang rơi vang lên khô khốc như tiếng băng rơi trên mặt đất… là cách chị hòa làm một với hơi thở của người ca sĩ, làm bài hát thật hài hòa. Chị là người cân bằng cảm xúc và không gian cho cả một hội trường nhà hát.
Tôi rất mến mộ giọng hát nam cao trong trẻo, tự nhiên không một chút gắng gượng, khi mong manh nhẹ như một làn hơi thở, khi dầy dặn lại vang rền không gian của ca sĩ Hans-Jörg Gaugelhofer. Anh hát tự nhiên như thể tiếng hát vốn cần phải như thế. Hơn nữa, tôi kinh ngạc với khả năng cảm thụ âm thanh và ngôn ngữ của anh. Anh học tiếng Việt dường như bằng bản năng và cảm xúc, phát âm của anh trong bài hát rất nuột nà và giàu tình cảm. Thuộc ngần ấy bài hát bằng tiếng Việt trong khoảng thời gian rất ngắn, lại phải học phát âm nữa đối với một người chưa có chút khái niệm nào về tiếng Việt quả là một điều không hề đơn giản. Vậy mà anh làm điều đó với cả một niềm say mê. Tôi rất hồi hộp trước buổi diễn này. Hồi hộp nhất là xem anh hát sẽ ra sao. Phải công nhận là tôi đã rất may mắn khi gặp được một người ca sĩ đầy nhiệt huyết như anh.
Người đầu tiên cũng như cuối cùng trong nhóm nghệ sĩ tôi muốn gửi lời cảm ơn là dịch giả Ngô Tự Lập. Tôi cảm ơn anh đã dành bao tâm huyết công sức và tình cảm cho công trình này ngay giữa những tháng ngày bận bịu nhất của anh. Bạn hãy thử đọc xem, những lời văn này có xao động lòng người hay không? Anh đã trải qua những gì, đã phải rút ruột mình ra như thế nào để có được những câu văn ấy?
“Dù khép mắt ta như vẫn nghe
Tiếng nồng nàn, tiếng trái tim,
Nhắm mắt và dù cố không nhìn
Vẫn nghe lời trái tim mình
Nhưng hoa nào lại nở trên nhà nàng
Và khi nào đời ta sẽ có em?
Có em trọn vẹn trong đôi tay này.”
Bản thân tôi buổi tối đó sẽ cùng với chị Dorothee Stanglmayr dẫn chương trình và chịu trách nhiệm giải thích về Hành trình mùa đông, đem Hành trình mùa đông lại gần với khán giả Việt.
William Shakespare đã từng nói “Chúng ta được tạo nên từ cùng chất liệu với chất liệu tạo nên những giấc mơ” (“We are such stuff as dreams are made on”). Nhóm nghệ sĩ chúng tôi tuy mỗi người mỗi vẻ, nhưng cùng được tạo nên từ một chất liệu - Chất liệu tạo nên những giấc mơ. Chúng tôi cùng chung một giấc mơ đưa được Hành trình mùa đông đến gần hơn với khán giả Việt.
*Cuối cùng, xin cho phép tôi được hỏi một số câu hỏi đặc biệt, được biết, trong quá trình dịch tác phẩm này dịch giả Chu Thu Phương và dịch giả, nhạc sĩ Ngô Tự Lập đã có sự kết hợp chặt chẽ, vậy xin phép được hỏi cả hai dịch giả về mức độ đồng điệu và quan điểm khác biệt của hai người trong quá trình dịch Hành trình mùa đông đã diễn ra như thế nào?
Anh Ngô Tự Lập và tôi thực ra rất gần gũi nhau trong một ý niệm chung về một bản dịch hoàn hảo. Ngay từ khi chưa biết về nhau, mỗi người trong chúng tôi đã theo đuổi lối dịch như vậy. Anh Ngô Tự Lập đã nhắc đến “ý niệm về một bản dịch hoàn hảo” trong cuốn “Dịch và dịch ca từ” (NXB Đại học quốc gia Hà Nội, 2016), tôi cũng theo đuổi cách dịch để người đọc có thể phân tích bản dịch như phân tích bản gốc về cả nhịp điệu, thi pháp, gieo vần, vị trí xuất hiện chữ quan trọng và cả cách chơi chữ nữa trong bản dịch tập thơ “Khúc đệm trữ tình” của Heinrich Heine (NXB Văn học, 2015). Những cuốn sách đó có thể nói là những tuyên ngôn cho cách dịch của chúng tôi. Bởi vậy, việc kết hợp với nhau hoàn thiện tác phẩm đã diễn ra rất thuận lợi.
Bước phân tích tác phẩm là không thể thiếu, việc đó do tôi đảm nhiệm, bởi tôi biết tiếng Đức. Để hiểu được tác phẩm này hoàn toàn không đơn giản. Về phần lời, tác phẩm có một số từ cổ, một số khái niệm vật lý như hiện tượng “mặt trời giả” nếu không biết sẽ dịch sai, hoặc không nắm bắt được cảm giác chính xác của không gian khi ấy. Về phần nhạc, có những điểm âm nhạc của Schubert phổ hợp một cách thiên tài với lời thơ. Ví như trong ca khúc Giấc mơ xuân, câu nhạc “mit lustigem VOgelgeschrei” chữ VOgelgeschrei (tiếng chim hót) được phổ một nốt thánh thót cao như tiếng chim hót. Nốt nhạc ấy trong tiếng Việt cũng dứt khoát phải thể hiện tiếng chim, bởi vậy tôi đã dịch chữ đó là “tưng bừng cùng HÓT rộn không gian” và dứt khoát không chịu nhân nhượng hay thay đổi vị trí chữ hót. Hay trong ca khúc Hy vọng cuối cùng, chữ Gedanken (suy nghĩ) được phổ rất đắt, tưởng như ta lạc đi vào một miền suy tưởng khác, chữ này ở vị trí này tôi cũng kiên quyết giữ lại sau rất nhiều tranh luận với anh Ngô Tự Lập. Ngược lại, cũng có những câu dịch rất đẹp của anh mà bất cứ ai cũng sẽ thấy lòng mình chao nghiêng “Lời em yêu anh còn đâu đây/Mẹ muốn nghe chuyện cưới xin/Lời em yêu anh còn đâu đây/Mẹ muốn nghe chuyện chúng mình.” Những câu chữ đẹp như thế này tôi phải theo anh chứ!
Bước vào hợp tác với nhau, mỗi người chúng tôi đều phải vượt qua nỗi lo ngại riêng. Chúng tôi hiểu sâu sắc rằng bất cứ nhà văn nào cũng rất yêu con chữ của mình và đương nhiên là không muốn nhân nhượng với người phê bình. Nhưng ý niệm chung về một bản dịch hoàn hảo và mục đích chung đã là cái giúp chúng tôi cùng nhìn về một hướng, bỏ qua những tự ái cá nhân và hợp tác trong tôn trọng và ngưỡng mộ lẫn nhau để ra được một tác phẩm chung thật đẹp. Bản dịch Hành trình mùa đông là kết hợp những điểm đẹp nhất trong lời dịch của hai chúng tôi, là tình yêu chúng tôi dành cho tập ca khúc ấy.
*Xin được hỏi riêng nhạc sĩ, dịch giả Ngô Tự Lập: Sự minh triết trong ca khúc của anh đã chinh phục được nhiều công chúng khó tính, vậy anh có kỳ vọng gì khi phối hợp dịch kiệt tác Hành trình mùa đông lần này với dịch giả Chu Thu Phương?
Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng một ngày nào đó mình sẽ dịch các bài hát của nhạc sĩ Franz Schubert, mặc dù ông là một trong những nhà soạn nhạc yêu thích của tôi. Mọi thứ bắt đầu một cách bất ngờ. Một buổi tối, tôi nhận được cuộc gọi trên Facebook từ cô Chu Thu Phương, một nhà ngoại giao đang làm việc tại Viên (Áo) và là một phiên dịch viên, người mà tôi đã gặp đôi lần tại các sự kiện văn hóa ở Việt Nam dù chưa có dịp trò chuyện.
Phương nói với tôi rằng cô ấy rất thích những bài hát do tôi dịch, tự hát và đưa lên tài khoản Facebook. Chúng tôi nhanh chóng trở thành bạn thân một số cuộc thảo luận về dịch thuật. Phương là một con người rất thông minh và nhiều ý tưởng. Chúng tôi rất đồng ý với nhau về cách dịch ca từ: bản dịch trung thành cả về ngữ nghĩa lẫn phong cách với bản gốc, đồng thời lời ca cũng cần phải “hát được”. Hơn nữa, bản tiếng Việt phải nghe tự nhiên như bản gốc.
Chúng tôi đã thảo luận rất nhiều về dịch thuật, dịch thơ và dịch lời bài hát nói riêng. Phương là một dịch giả rất giỏi của không chỉ một ngôn ngữ, và tôi đánh giá rất cao. Thế rồi một ngày, cô ấy gửi cho tôi bản dịch bài hát “Cây bồ đề” của Schubert. Bản dịch rất đẹp với tư cách là một bài thơ. Dù vậy, để biến nó thành ca từ, tức là để hát được, cần phải tốn thêm nhiều thời gian và năng lượng. Tôi chỉ đưa ra vài nhận xét.
Sau một thời gian, Phương nói với tôi rằng cô ấy đang bàn với một số nghệ sĩ Áo về việc tổ chức một buổi biểu diễn các bài hát của Schubert bằng tiếng Việt và tiếng Đức, và đề nghị tôi tham gia dự án. Tôi đã do dự khá lâu, bởi tôi không biết tiếng Đức và rất bận. Nhưng ý tưởng thú vị của Phương và sự nhiệt tình của cô ấy cuối cùng đã thuyết phục được tôi.
Tôi đã dành khoảng một tuần để làm việc với bản dịch bài “Cây bồ đề” của Phương, cố gắng điều chỉnh nó cho phù hợp với giai điệu mà vẫn giữ nghĩa gốc. Đây là một thách thức rất lớn do sự khác biệt giữa hai ngôn ngữ. Tiếng Việt có sáu thanh điệu, cùng một âm có thể cho các nghĩa khác nhau khi nó được phát âm bằng những thanh điệu khác nhau. Nghĩa là ý nghĩa của câu thơ sẽ bị thay đổi khi ghép một thanh điệu sai vào một nốt nhạc sai.
Sau đó, chúng tôi đã bàn bạc, thậm chí tranh luận, để đưa ra phương án tốt nhất cho bản dịch. Hài lòng với bản dịch, chúng tôi quyết định tiếp tục hợp tác dịch thêm năm bài hát nữa, đó là các bài “Người quay đàn dạo”, “Chúc ngủ ngon” “Giấc mơ xuân”, “Hy vọng cuối cùng”, và “Những giọt lệ đóng băng”. Cuối cùng chúng tôi đã hoàn thành công việc, mặc đó là thời gian bận rộn nhất đổi với cả hai chúng tôi.
Dịch Schubert là một thách thức thực sự, nhưng đồng thời cũng là một niềm vui lớn. Tôi muốn cảm ơn Phương vì đã mời tôi tham gia vào dự án tuyệt vời này. Cô ấy là người có tài năng tổ chức xuất sắc, đồng thời có cảm nhận tinh tế đối với ngôn ngữ.
Nhân đây, tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn tới các nghệ sĩ Áo, những người đã giúp chúng tôi hiện thực hoá ước mơ của mình: mang bản dịch của chúng tôi đến với những người yêu âm nhạc của thành Viên, thủ đô âm nhạc thế giới.
TIN LIÊN QUAN
Quan hệ giữa Việt Nam – Hàn Quốc ngày nay có thể được nhấn mạnh là sâu sắc về nội dung, đa dạng về hình thức và bao trùm trong triển khai. Trên thực tế hai nước có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với đúng nghĩa của từ này. Nhân chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đến Hàn Quốc từ ngày 30/6 - 3/7/2024, phóng viên WAJ đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ Vũ Hồ, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc về mối quan hệ bang giao lâu đời giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
TS. Yen PlatzXEM NHIỀU NHẤT
(Nhà thiết kế thời trang La Hồng, Cộng hòa Áo)
TS. Yen PlatzChị Cao Thị Thương (Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Cao Hoàng) đã không ngừng học hỏi từ thầy, từ các đồng nghiệp, từ việc đọc các tài liệu chuyên ngành... để nghiên cứu, pha chế, chiết xuất ra nhiều loại dược phẩm làm đẹp từ thảo mộc. Chị đã pha chế thành công một số loại dược phẩm và đang được đưa vào sử dụng rộng rãi ở hàng chục spa (thuộc hệ thống của công ty) trên toàn quốc. Công ty của chị đã được chọn là đối tác chiến lược phân phối mỹ phẩm thảo dược của Mỹ tại Việt Nam.
TS. Yen Platz
BÌNH LUẬN