Nghệ sĩ Stefan Osterjo là một trong những nghệ sĩ độc tấu xuất sắc nhất Thụy Điển. CD đầu tay của anh đã đoạt giải Grammy Thụy Điển năm 1997. Tác phẩm “Negotiating the Musical Work” của anh đã được trường Đại học Lund ấn bản và phát hành. Osterjo sinh năm 1967, chơi guitar cổ điển 10 dây, guitar điện và trình diễn ngẫu hứng. Anh đã gặt hái được nhiều thành công lớn trong sự nghiệp và đã thực hiện nhiều chuyến hành trình khắp châu Âu, châu Á để sáng tác. Lần này, Osterjo được mời đến Việt Nam trong chương trình “Ha noi new music meeting 2009”.
Nghệ sĩ Stefan Osterjo từng đoạt giải thưởng Grammy Thụy Điển
- PV: Anh đang ấp ủ “tham vọng” đoạt tiếp giải Grammy cho dòng nhạc đương đại?
- Nghệ sĩ Stefan Osterjo: (Cười). Hiện tại, tôi đang tham gia một công trình nghiên cứu “Âm nhạc đương đại” lớn ở châu Âu. Trong những năm gần đây, tôi thường được mời thuyết giảng và đứng lớp tại các trường đại học, làm chỉ huy dàn nhạc ở các lễ hội và các hội thảo học thuật.
- PV: Liệu đó có phải là anh đang quan tâm đến sự tương tác giữa các tác phẩm điện tử và các tác phẩm thể nghiệm với những cây đàn dây hơn là guitar cổ điển?
- Nghệ sĩ Stefan Osterjo: Không hẳn như vậy. Hiện tại, tôi đang bận rộn nghiên cứu âm nhạc về khúc ngẫu hứng của các nền văn hóa khác nhau ở Viện Âm nhạc Malmo. Tôi cũng đang giữ chức giám đốc âm nhạc của dàn nhạc đương đại Ars Nova, Thụy Điển.
- PV: Trong đó có “khúc ngẫu hứng” nào của nền văn hóa Việt Nam không thưa anh (cười)?
- Nghệ sĩ Stefan Osterjo: Năm 2006 tôi đã từng được làm quen với âm nhạc truyền thống Việt Nam. Trong dịp đó, tôi đã chơi guitar với các nghệ sĩ ở cả hai miền Nam, Bắc. Sau đó, tôi đã viết tác phẩm “Trong khi thành phố ngủ”. Tôi sẽ biểu diễn nó nhân dịp này. Đó là những âm thanh ban đêm của thành phố. Phần băng ghi âm là tư liệu mẫu - âm thanh từ giọng người, harp, organ và các tiếng động khác nhau, được thực hiện trong studio tại nhà tôi. Trong chương cuối, tôi cũng dùng những mẫu, từ một đĩa thu năm 1901 phần nhạc đêm trong Tristan & Isolde, như tiếng động từ một quá khứ âm nhạc đã lụi tàn. Phần khí nhạc dành cho hai nhạc cụ truyền thống Việt Nam, được viết một cách phóng khoáng, sao cho kỹ thuật diễn tấu và âm chất truyền thống của những nhạc cụ này có thể hòa quyện với thế giới âm thanh của nhạc điện tử.
- PV: Việc kết hợp giữa âm nhạc truyền thống và âm nhạc hiện đại sẽ hứa hẹn điều gì thưa nghệ sĩ ?
- Nghệ sĩ Stefan Osterjo: Việc kết hợp này sẽ tạo ra sự phát triển nhảy vọt cho âm nhạc đương đại châu Âu. Hiện nay xu hướng âm nhạc đã trở nên toàn cầu hoá.
- PV: Toàn cầu hoá âm nhạc?
- Nghệ sĩ Stefan Osterjo: Tôi lấy ví dụ như cuộc “chơi” chung giữa các nghệ sĩ châu Âu và Việt Nam lần này, sẽ không hoàn toàn bị hoà trộn đến mức mất bản sắc. Bởi vì, mỗi quốc gia đều có những nhạc cụ, những dòng âm nhạc truyền thống khác nhau. Nếu bạn nghe một buổi biểu diễn tổng phổ, kết hợp giữa các nghệ sĩ Á, Âu thì bạn sẽ nhận ra ngay âm thanh, chất liệu riêng của từng khu vực, chứ không có nghĩa rằng cách pha trộn ấy sẽ làm âm nhạc châu Âu trở thành âm nhạc Việt Nam và ngược lại. Khi âm nhạc trở nên toàn cầu hoá, có nghĩa là tính chất phát triển của âm nhạc sẽ mang lại nhiều sự giao lưu cho nghệ sĩ. Thông qua các chương trình gặp gỡ, họ sẽ học hỏi được những ưu điểm về cách thể hiện cũng như về chất liệu... để có nhiều “vốn liếng” hơn cho những sáng tác của mình.
- PV:“Toàn cầu hoá âm nhạc” sẽ mở rộng đối tượng công chúng trên phạm vi toàn cầu cho nền âm nhạc của mỗi quốc gia?
- Nghệ sĩ Stefan Osterjo: Nếu muốn tìm hiểu về nền âm nhạc của các quốc gia thì chúng ta có thể tìm hiểu chúng trên Internet. Nhưng như thế là không đủ để chúng ta biết đến những nền âm nhạc độc đáo, khác biệt như của Anh, Đức, Thuỵ Điển, Việt Nam… Vì vậy, tôi muốn nhấn mạnh rằng những chương trình giao lưu như “Hanoi new music meeting 2009” - là lấy cái hay của từng quốc gia để tạo ra một thứ ngôn ngữ âm nhạc hoàn toàn mới. Ở đó, mỗi nghệ sĩ đại diện cho mỗi quốc gia, sẽ tham dự vào cuộc chơi chung, qua đó đưa âm nhạc độc đáo của họ vào những thể nghiệm mới, là rất hiệu quả.
- PV: Ở trình độ nào thì người nghệ sĩ có thể “chơi phăng”, biến tấu, pha trộn... thành một loại âm nhạc khác?
- Nghệ sĩ Stefan Osterjo: Khi người nghệ sĩ đã rất giỏi về nguyên tắc âm nhạc. Hiểu rõ mình, hiểu rõ ngôn ngữ âm nhạc của mình. Từ đó, họ có thể phát triển chơi sang các thể nghiệm mới. Tuy nhiên, cũng có những ngoại lệ, ví dụ như âm nhạc tiếng ồn thì ý tưởng, cách chơi đến rất bất chợt, ngẫu hứng và ngay trong lúc mọi người tập chung biểu diễn cùng nhau.
- PV: Xin nghệ sĩ giải thích rõ hơn về khái niệm âm nhạc tiếng ồn?
- Nghệ sĩ Stefan Osterjo: Việc chơi giỏi âm nhạc thử nghiệm, hay âm nhạc tiếng ồn, phần nhiều phụ thuộc vào độ “feeling”- cảm xúc tức thì, cái tôi của nghệ sĩ, mà không phải là một khuôn mẫu định trước.
- PV: Những yếu tố quan trọng để một nghệ sĩ có thể đoạt giải Grammy?
- Nghệ sĩ Stefan Osterjo: Ngoài kỹ năng chơi nhạc cụ tốt, điều quan trọng là năng khiếu cảm thụ âm nhạc của người đó. Điều đặc biệt nữa là khi biểu diễn, nghệ sĩ phải luôn luôn tôn trọng khán giả, phải suy nghĩ một cách cầu thị để đưa đến cho khán giả những tác phẩm tốt nhất.
- PV: Công chúng, khán giả như một “ông vua háo sắc”, làm thế nào mà người nghệ sĩ có thể vừa “cầu thị” vừa không đánh mất “cái tôi” ?
- Nghệ sĩ Stefan Osterjo: Âm nhạc châu Âu cần có hơi thở mới, tôi thường xuyên làm việc với các nhà sáng tác nhạc trong và ngoài nước, chúng tôi cùng nhau soạn ra các tiết mục sô lô và âm nhạc thính phòng bằng guitar. CD mới nhất của tôi là những bài hát ngẫu hứng, hoà phối theo ba cách khác nhau. Trong đó, tôi đã kết hợp với một nhạc sĩ điện tử người Anh, để tạo nên sức sống mới cho các tác phẩm âm nhạc cổ điển châu Âu. Như vậy, chúng tôi vẫn giữ được “cái tôi” và vẫn đáp ứng được thị hiếu của khán giả châu Âu.
TIN LIÊN QUAN
(Nhà báo, nhà phê bình ẩm thực Florian Holzen, Austria) “Ông là một trong những nhà báo, nhà phê bình ẩm thực nổi tiếng nhất nước Áo. Các bài viết của ông xuất hiện thường xuyên, liên tục trên các tờ báo Falter, Kurier, Courier... và những cuốn sách ẩm thực ngày nay”, nhận xét của nhà báo Harald Frohnwieser.
TS. Yen PlatzXEM NHIỀU NHẤT
(Nhà thiết kế thời trang La Hồng, Cộng hòa Áo)
TS. Yen PlatzChị Cao Thị Thương (Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Cao Hoàng) đã không ngừng học hỏi từ thầy, từ các đồng nghiệp, từ việc đọc các tài liệu chuyên ngành... để nghiên cứu, pha chế, chiết xuất ra nhiều loại dược phẩm làm đẹp từ thảo mộc. Chị đã pha chế thành công một số loại dược phẩm và đang được đưa vào sử dụng rộng rãi ở hàng chục spa (thuộc hệ thống của công ty) trên toàn quốc. Công ty của chị đã được chọn là đối tác chiến lược phân phối mỹ phẩm thảo dược của Mỹ tại Việt Nam.
TS. Yen Platz
BÌNH LUẬN