Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam
bên cạnh Liên minh châu Âu (Foto: Internet)
- PV: Trước thềm bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá XII, hàng loạt cơ quan ngôn luận, Ủy ban Vì sự tiến bộ Phụ nữ, đều phát đi thông báo “ngày 01/7/2007 Luật Bình đẳng giới sẽ được thông qua cùng với ba Luật khác”. Thậm chí, văn bản Luật Bình đẳng giới đã được phát tới tận tay những nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội khoá XII, song cho đến nay, Luật Bình đẳng giới vẫn chưa được thông qua, thưa bà?
Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Đúng vậy! Luật Bình đẳng giới chưa được thông qua vì có nhiều ý kiến chưa thống nhất. Tôi cho rằng Việt Nam mình hay tự mãn về bình đẳng giới (BĐG). Tôi khẳng định và bảo vệ câu nói này. Không phải mình là một trong những nước đầu tiên đưa BĐG vào cương lĩnh của Đảng, vào Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước, và có Hội Liên hiệp Phụ nữ (HLHPN) đầu tiên sau những ngày độc lập, là BĐG sẽ tới mọi tầng lớp xã hội, hoặc là đương nhiên có BĐG. Tôi cho rằng tư duy như thế là rất xa rời thực tế. Ví dụ, Luật Giao thông của chúng ta có đầy đủ, bộ máy quản lý giao thông cũng vậy. Tháng nào cũng có tuyên truyền và vận động an toàn giao thông. Nhưng chúng ta đã có an toàn giao thông chưa? Tôi muốn nói là để thay đổi tác phong của mọi công dân trong xã hội, đòi hỏi phải có một quá trình. Trong đó, việc đưa ra đường lối chính sách, thậm chí đến luật cũng chỉ là giai đoạn đầu tiên. Luật là cơ bản, quan trọng nhưng chưa đủ.
- PV: Theo bà, hiện trạng phát triển BĐG ở Việt Nam hiện nay như thế nào và so với thế giới thì đang ở mức độ nào?
Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Nói một cách hình tượng thì BĐG của chúng ta bắt đầu chạy sớm, chạy nhanh nhưng rồi dần dần giảm tốc độ đi xuống. Trong khi đó, những nước trong khu vực như Thái Lan chẳng hạn, họ bắt đầu sau ta nhưng tốc độ của họ cao và duy trì được tốc độ, thậm chí còn tăng tốc trong thời gian dài. Khi còn làm công việc đối ngoại, tôi vẫn giới thiệu và khẳng định thành tựu BĐG của Việt Nam. Bởi vì thực sự là có thật. Nhưng phải tỉnh táo, đúng mức. Tôi thấy tỉ lệ Đại biểu quốc hội (ĐBQH) nữ khoá XI thực sự đáng khoe, chiếm tỉ lệ 27,3%, đứng thứ hai ở châu Á, sau New Zealand. Tuy nhiên, đây cũng là một bức tranh chưa đầy đủ, chúng ta phải hỏi là đã có bao nhiêu nữ Bộ trưởng? Quả thật chưa phải là cao. Trong khi đó, ở Newzealand thẩm phán Toà án nhân dân tối cao (chức vụ tưng đương với Bộ trưởng), Thủ tướng, Chánh án Toà án nhân dân tối cao... ba chức vụ ấy đều do nữ đảm nhiệm.
Tôi cho rằng, một điều đáng mừng là Chỉ số phát triển con người (HDIN) của Việt Nam cao hơn thu nhập bình quân đầu người hàng năm (GDP), nhưng đáng tiếc là trong đó BĐG chưa hẳn nổi bật. Trên sơ đồ của Ngân hàng Thế giới, những chỉ số về kinh tế, đói nghèo... của chúng ta có nhiều chuyển động, tiến bộ nhưng BĐG thì mười mấy năm nay gần như vẫn giậm châm tại chỗ. Các cụ xưa vẫn nói rằng:“Phải biết nhìn lên để cố gắng vươn lên”. Mình cứ tự mãn với con số đứng giữa ở châu Á là chưa ổn.
- PV: Xin bà nói rõ hơn về hiện trạng “giẫm chân tại chỗ” của BĐG ở Việt Nam?
Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Trước đợt bầu cử Quốc hội khoá XII, tôi đã cảnh báo về việc duy trì tỉ lệ nữ ĐBQH, và kết quả đúng là đã tụt xuống còn 25,8%. Sau 5 năm, kinh tế đã phát triển hơn nhiều, văn hoá đã được nâng cao, vậy tại sao tỉ lệ nữ trong ĐBQH lại giảm xuống? Bài học rút ra là chúng ta quan tâm chung chung thôi là không đủ, phải có những biện pháp, tổ chức thiết thực, thực chất hơn của các cấp. Tôi đã nói với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (HLHPVN) rằng, muốn đảm bảo tỉ lệ nữ luôn giữ vững thì phải để mắt đến Hội đồng bầu cử, Ủy ban bầu cử. Tôi đã từng ứng cử ĐBQH nên cũng có những trải nghiệm nhất định. Có thể, một tỉnh đưa ra rất nhiều nữ ứng cử viên đại biểu nhưng bố trí họ ở đơn vị bầu cử nào, chọi với ai, đó là nghệ thuật chính trị. Việc phân bố về đơn vị bầu cử là rất quan trọng. Ở các nước khác cũng vậy thôi. Đó là “luật chơi” của chính trị. Nhưng nếu Đảng, Nhà nước và HLHPN quyết tâm thực sự một cách thực chất chứ không phải hình thức, không phải vì sức ép của chủ trương công khai thì chúng ta sẽ có kết quả tốt hơn nhiều. Có 5 ứng cử viên nữ/12 ứng cử viên, nghe có vẻ ổn, nhưng trong 5 người đó chọn ai? Mặt khác, chọn ứng cử viên nữ là vô cùng quan trọng. Thà chọn được 3 người chất lượng hơn là chọn 5 người sàn sàn nhau. Tôi hy vọng bài học này sẽ giúp cho chúng ta có cái nhìn thiết thực hơn.
Tôi đã đi thăm Nhật Bản, một cường quốc kinh tế và khoa học kỹ thuật, nhưng không cấp tiến về BĐG, họ nói rằng phải học hỏi Việt Nam về vấn đề này. Mặc dù, trong lĩnh vực thiết kế robot, họ thuộc hàng đầu thế giới nhưng rất hiếm thấy phụ nữ Nhật ở giữ vai trò CEO, hay quản lý... Chúng ta cứ mặc nhiên nhìn vào tăng trưởng GDP là mặc nhiên có BĐG ư? Nhìn vào Nhật, Việt Nam sẽ là một nước Nhật thứ hai không? Tôi nói hơi cường điệu một chút để lột tả vấn đề. Tôi không bằng lòng. Tôi day dứt về không khí trong chính giới. Nhiều quan chức đang tự mãn về BĐG ở Việt Nam.
- PV: Nếu như chúng ta chỉ nhìn vào bộ mặt đô thị thì BĐG chưa phải là vấn đề cấp bách, song nếu về những vùng nông thôn, trung du, miền núi thì nữ giới là lao động chính trong gia đình, sự chênh lệch về bình đẳng giới cần phải được xem xét và hỗ trợ hơn nữa. Phụ nữ nông thôn, đặc biệt là phụ nữ người dân tộc thiểu số, 11-12 tuổi đã lấy chồng, khép lại cánh cửa trường học và từ đó là một cuộc sống lam lũ lao động kiếm sống và phục vụ gia đình. Theo bà làm thế nào để giảm thiểu việc bất bình đẳng này?
Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Muốn biết thực trạng thì phải đi từ chỗ khổ cực nhất, lạc hậu nhất đến chỗ sáng sủa nhất, tiên tiến nhất. Nếu lấy TP Hồ Chí Minh và Hà Nội làm chuẩn thì không chính xác và không mô tả đầy đủ bộ mặt BĐG ở Việt Nam. Thêm nữa, những phong tục, tập quán đã làm cho việc can thiệp vào BĐG không phải là dễ dàng. Vai trò của các hội phụ nữ địa phương là rất quan trọng. Song quan điểm của tôi quan trọng nhất vẫn là nhà trường, biện pháp trước nhất và căn bản nhất vẫn là vấn đề giáo dục. Phải nâng cao nhận thức. Nên tập trung cho các em gái nông thôn và vùng sâu vùng xa được đi học thêm vài ba năm nữa, thay vì cho họ một ít áo quần. Đa số trẻ em nữ bỏ học ở tuổi 11-12 tuổi, mà nhận thức của thiếu nữ tuổi 12 và tuổi 14 -15 đã rất khác nhau. Tôi nghĩ hội phụ nữ các cấp nên tập trung vào biện pháp này. Một người phụ nữ có ăn học sẽ khó chấp nhận việc mình bị chửi bới, đánh đập.
- PV: Theo nghiên cứu của PGS,TS Robin Harra, Đại học Eastern Kentucky, khoa Hình sự và Phòng chống tội phạm, thì hôn nhân giả mạo, khai thác, buôn bán tình dục, người giúp việc, bóc lột lao động... là các hình thức buôn người ở Việt Nam. Việt Nam xếp hạng cao trong số các nước khởi nguồn các vụ buôn người trong khu vực Đông Nam Á. Hiện tượng phụ nữ Việt Nam bị rao bán ở Malaysia, bị bạo hành ở Đài Loan, thậm chí bị giết hại ở Hàn Quốc... đang gia tăng, cùng hiện tượng tuyển người giúp việc, lấy chồng ngoại quốc của phụ nữ nông thôn nghèo, cho đến nay các cơ quan ban ngành đã có những động thái nào can thiệp ngăn chặn việc này, thưa bà?
Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Về phía Hàn Quốc cũng đã có phản ứng tích cực: họ sẽ xem xét lại hoạt động của các công ty môi giới; Huy động các tổ chức xã hội dân sự; Chính phủ Hàn Quốc đã giao tiền cho tổ chức di trú Quốc tế để hỗ trợ một số giải pháp cụ thể như làm chương trình gặp mặt cô dâu tương lai. Về phía Nhà nước Việt Nam, Hội LHPN cũng đã có những chương trình, kế hoạch cụ thể. Đối với cá nhân tôi thì chúng ta nên có một cách nào đó giúp phụ nữ đừng chọn “con đường dễ dàng” đó. Điều này thật đáng tiếc hơn là đáng lên án, hay trách móc. Họ lấy chồng vì nghĩ rằng sẽ được dựa dẫm, sẽ thoát cảnh nghèo khó hiện thời. Nếu tôi làm công tác xã hội phụ nữ ở địa phương thì tôi sẽ cho họ thấy những mặt trái khi lấy chồng ngoại quốc, nhất là cuộc sống nơi đất khách khi không có mối liên hệ xã hội nào (ngôn ngữ, người thân quen, tổ chức xã hội...). Tôi sẽ cố thuyết phục xem có cách nào tốt hơn không và sẽ khuyên họ đừng chọn con đường đó. Thà lấy người đàn ông Việt Nam đứng tuổi, góa vợ nào đó còn hơn, vì như thế họ sẽ vẫn được nương tựa, lại được sống trên quê hương, ngôn ngữ của mình và gần gũi người thân của mình... Mặt khác, “nước chảy chỗ trũng” là chuyện thường. Tại sao đàn ông Hàn Quốc, Đài Loan không lấy phụ nữ nước họ mà sang Việt Nam? Vì khó khăn hơn? Có “cầu” nên có “cung”. Đương nhiên “cung” chỗ nào dễ thì họ sẽ tìm đến. Ở đây là nhân tố kinh tế nữa. Vì vậy, mình muốn hạn chế cái “cung” này thì phải có biện pháp nâng cao nhận thức, giáo dục, dạy nghề, tạo công ăn việc làm... cho họ. Nếu phụ nữ có nguồn thu nhập thì họ sẽ độc lập. Độc lập về kinh tế thì người ta sẽ có lựa chọn tốt hơn.
- PV: Được biết bà đã và đang tổ chức xây dựng một mạng lưới phụ nữ Việt Nam hoạt động quốc tế, tổ chức này đã có những hoạt động hỗ trợ nào cho phụ nữ Việt Nam chưa thưa bà ?
Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Câu lạc bộ Phụ nữ Việt Nam hoạt động quốc tế của chúng tôi đã có giấy phép hoạt động. Đây là tổ chức sinh hoạt của các phụ nữ Việt Nam trong nước và thế giới có nhiều đóng góp ở tất các lĩnh vực. Chúng tôi chia CLB thành 4 lĩnh vực chính: Chính trị - xã hội; Kinh tế - kinh doanh; Khoa học; Văn hoá, nghệ thuật - truyền thông.
Trước hết, chúng tôi thu thập một ngân hàng dữ liệu, liên hệ với tất cả phụ nữ Việt thành đạt trên thế giới. Tôi làm đối ngoại nhiều năm nên có biết một số chị em nhất định. Câu lạc bộ này sẽ giúp chị em phụ nữ biết thêm sức mạnh của giới mình, hỗ trợ và gắn bó nhau hơn. Hoạt động hàng năm của chúng tôi là: Tổ chức hội nghị chuyên đề nâng cao nhận thức ngành nghề và xã hội; Tổ chức những chuyến đi tham quan du lịch khám phá khắp nơi trên thế giới; Tổ chức gala hàng năm, quyên góp tiền cho Quỹ tài năng nữ, nhằm hỗ trợ cho các chị em phụ nữ tài năng, gặp khó khăn về điều kiện kinh tế. Bên cạnh đó, chúng tôi có CLB Bàn tay ấm cũng nằm trong hoạt động của CLB, chuyên quyên góp giúp đỡ những phụ nữ nghèo khổ, khó khăn.
- PV: Xin trân trọng cảm ơn bà! Xin chúc CLB trở thành một mạng lưới gắn kết, nâng đỡ phụ nữ Việt Nam ngày càng mạnh mẽ hơn!
P/s: Bà Tôn Nữ Thị Ninh, sinh ngày 30/10/1947, hiện là Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TPHCM. Tháng 02/2013 bà được Chính phủ Cộng hòa Pháp tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh. Ngày 28/11/2017 bà được Đại học RMIT Việt Nam trao bằng Tiến sĩ danh dự.
TIN LIÊN QUAN
Cách đây 7 năm cuốn sách Tình thương của tác giả, nhà đầu tư Hà Huy Thanh ra đời (2017), đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc Việt Nam. Tác giả đã bàn về một vấn đề cốt lõi của nhân loại, đó là tình thương. Triết luận tình thương được tác giả phân tích, chiêm nghiệm, luận giải qua lịch sử nghìn năm văn hiến của dân tộc Việt- một dân tộc kiên cường, bác ái, đã trải qua 1000 năm Bắc thuộc, 100 năm bị đô hộ/thuộc địa, đánh, đàm và chiến thắng 2 đế quốc Pháp, Mỹ… bằng tình thương! Sau đây, WAJ có cuộc trò chuyện với tác giả nhân dịp cuốn sách đã xuất bản tại Italy và sắp được ra mắt tại Toà thánh Vatican.
TS. Yen PlatzXEM NHIỀU NHẤT
(Nhà thiết kế thời trang La Hồng, Cộng hòa Áo)
TS. Yen PlatzChị Cao Thị Thương (Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Cao Hoàng) đã không ngừng học hỏi từ thầy, từ các đồng nghiệp, từ việc đọc các tài liệu chuyên ngành... để nghiên cứu, pha chế, chiết xuất ra nhiều loại dược phẩm làm đẹp từ thảo mộc. Chị đã pha chế thành công một số loại dược phẩm và đang được đưa vào sử dụng rộng rãi ở hàng chục spa (thuộc hệ thống của công ty) trên toàn quốc. Công ty của chị đã được chọn là đối tác chiến lược phân phối mỹ phẩm thảo dược của Mỹ tại Việt Nam.
TS. Yen Platz
BÌNH LUẬN