Thoạt nhìn chị không có gì nổi bật khi đứng cạnh những cô gái châu Á, chị càng trở nên lọt thỏm giữa những phụ nữ châu Âu. Vậy mà, người ta thích nhìn chị, đặc biệt là thích nhìn trộm, mỗi khi chị nói, hay mỗi lúc chị cười. Khuôn mặt đậm chất Á đông, đôi mắt đen tròn biết nói, khóe miệng lúc nào cũng tươi. Mái tóc dài, đen mượt, giọng nói trong, ngữ âm chuẩn và uyển chuyển cả khi chị nói tiếng Đức và tiếng Việt. Nhiều người bản xứ nói rằng họ biết đến Việt Nam qua chị.
Chị Đinh Thị Kim Dung, Giám đốc Công ty Handelsagentur Kim Trading
* Ai về Hà Nội cho tôi theo cùng
Đinh Thị Kim Dung đã Tốt nghiệp Thạc sĩ Kinh tế và Marketing, Đại học Johannes Kepler Linz, Áo; Đại học HEC Montreal, Canada, Đại học Kinh tế Vienna (WU), Áo. Hiện nay, chị giữ chức Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Áo, Ủy viên Ban Chấp hành Liên hiệp Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu. Chị đã xa Việt Nam khoảng gần ba mươi năm, đó là quãng thời gian đủ để chị lập nghiệp, đủ để chị có vị thế ngang bằng với những người bản xứ thành đạt và cũng đủ để chị cảm thấy nhớ quê mỗi khi ăn món canh chua, chả giò, phở Bắc…
Lần đầu tiên chúng tôi gặp chị là ở trời Âu, giữa cái lạnh âm 200C nơi đất khách. Chúng tôi trò chuyện với nhau, từ buổi chiều và kéo dài cho đến tận khuya. Đằng sau vẻ lịch lãm, giòn thắm của người đàn bà ấy là nỗi nhớ nhung, khổ sở tột cùng... linh cảm mách bảo tôi như vậy.
Một thời gian sau, tôi có dịp trở lại Vienna, để xác tín điều đó, tôi đã tìm gặp lại người đàn bà có “đôi mắt biết nói” ấy. Cũng đôi mắt ấy, từng ngơ ngác lắm, khi mới là đứa trẻ hơn mười tuổi, đã phải sống trong trại tị nạn, trong sự yếm thế và khốn cùng... Đứa trẻ ấy, chỉ biết ngước nhìn lên bầu trời mỗi khi có máy bay, bay ngang qua và thầm ao ước được bay về với chúng bạn, với những ngày ở quê hương yên bình. Mỗi lần nhận được thư bạn bè trách móc: “Mày luôn là niềm tự hào của cả trường, sao mày lại bỏ đi?”, cô bé chỉ biết khóc dấm dứt cả đêm. Gia đình Dung không bỏ quê ra đi để … đến trại tập trung này. Họ chỉ muốn đến một chân trời mới và Dung thì non nớt, khát khao trở thành nhà khoa học... Nhưng bây giờ, thì họ lại ở đây với... nước mắt! Và rồi, may mắn, trong một dịp cứu rỗi của những người theo đạo Thiên Chúa, Dung và gia đình đã được cứu và đưa sang Austria.
Chị kể lại: hình ảnh những chiếc máy bay đã luôn ám ảnh chị, duyên số đã đưa chị đến làm công nhân quét dọn ở sân bay Vienna, Áo. Chị đã đi làm để lấy tiền mua sách, đóng học và mua quần áo, điều mà Dung chưa từng làm trước đây. Hồi còn ở nhà, chị là một tiểu thư con nhà khá giả, bây giờ, với thân phận này, khiến chị sốc, khiến chị tủi và muốn nhào ngay lên mấy cái máy bay kia mà về với bạn bè. Năm trước, trong bài viết Gặp gỡ ở Vienna, nhà văn Nguyễn Trí Huân cũng đã khắc họa về nỗi nhớ day dứt của những người con xa xứ như chị Dung. Lúc đó, là vào mùa Đông, chị đã níu tay chúng tôi để nấu phở, nấu chè, làm nem thết đãi. Ánh mắt chị khẩn khoản: “Em ở lại với chị thêm một ngày nữa đi!”, “Chú và Yến về Hà Nội cho cháu theo về với nhé…”. Đó dường như là câu nói “chợt thức” của một cô bé trong trại tị nạn năm xưa.
Giờ đây, trên cương vị Giám đốc Công ty Handelsagentur Kim Trading, chuyên kinh doanh ngành giấy và thời trang, chị đã mang về Hà Nội nhiều dự án. Trong lĩnh vực giấy: sau một thời gian làm việc với các nhà máy sản xuất giấy của Áo, chị đã có được những kinh nghiệm trong sản xuất giấy chất lượng cao. Vào thời điểm đó, chất lượng giấy in ở Việt Nam còn nhiều hạn chế nên chị đã hợp tác với Công ty Giấy Tân Mai, Hà Nội, Công ty Giấy Bãi Bằng, Việt Trì và Bắc Ninh… sản xuất những lô giấy đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, xuất khẩu vào thị trường châu Âu và châu Á. Năm 2007, chị đã phối hợp tổ chức một cuộc Hội thảo qui mô Quốc tế cho ngành giấy tại Hà Nội. Tại đó, các doanh nghiệp đã cùng chia sẻ kinh nghiệm và cơ hội hợp tác Á - Âu. Còn trong lĩnh vực thời trang, chị cũng đã mang về Hà Nội nhiều dự án, như dự án may đồng phục cho Đội cổ động viên đua xe của Áo, những hợp đồng thiết kế, vẽ đồ trang sức... Một số công ty ở Hà Nội đã tạo được nhiều công ăn việc làm cho công nhân, cũng từ những hợp đồng của chị mang về. Đồng thời, với kinh nghiệm một số năm giữ vị trí Manager trong Tập đoàn IBM, VA-TECH thuộc Tập đoàn Siemens, nên chị cũng đã tư vấn cho một số công ty Việt Nam khi làm việc với ngân hàng và với các công ty quốc tế... Tuy nhiên, cũng có những lần chị đã bị “rớt đài”, bởi thói quen làm việc “ề à” của người Việt, bởi thời điểm khủng hoảng kinh tế, nhiều ngân hàng không cho các công ty giấy vay vốn khiến sản xuất bị đình trệ, hợp đồng bị phá vỡ, thất tín với đối tác châu Âu.
Chia sẻ với chúng tôi, chị buồn rầu: “thất bại trong thương trường là do các nguyên nhân khách quan nhưng đôi khi nó cũng thể hiện sự non kém, thiếu chuyên nghiệp, thiếu óc phán đoán, thiếu phương án dự trù, thiếu cả tính đoàn kết...”.
Chị không sinh ra ở Hà Nội, nhưng đó là thành phố mà chị đã và đang đóng góp công sức, của cải và trí tuệ của mình. Tại những dịp đặc biệt như: cuộc Gặp gỡ kiều bào tại Hà Nội, năm 2007; Small Talk doanh nhân tiêu biểu trên VTV1, VTV4; Hội nghị lần thứ nhất dành cho kiều bào hướng về quê hương, năm 2009… Báo chí - Truyền thông Việt Nam, đã dành nhiều tình cảm cho nữ doanh nhân này, vì những đóng góp mà chị đã dành cho mảnh đất Hà Thành.
* Vienna đã tiếp sức cho tôi
Nhiều người Việt Nam khi sống ở nước ngoài vẫn thường mặc cảm, tự ti vì thân phận dân tị nạn, ăn nhờ ở đậu, da vàng, mũi tẹt… nhưng chị lại biến những điều đó thành điểm mạnh của mình. Chị vẫn giữ mái tóc dài, đen óng, ăn mặc trang điểm vẫn giữ vẻ Á Đông, đặc biệt, là cách nói chuyện có duyên và “đôi mắt biết nói”, đã khiến người đối diện luôn có cảm tình với chị.
Có lần, khi đến làm việc với một cơ quan công quyền của Austria, chúng tôi đã được một người phụ nữ tiếp đón khá... lạnh nhạt và khó chịu. Điều đó khiến tôi tự nhủ: “liệu có phải là họ kỳ thị người nước ngoài?”. Biết chuyện đó, chị đã đề nghị được đi cùng chúng tôi. Lúc đến nơi, tôi không hiểu là chị đã nói câu gì (nói nhỏ) mà thấy người phụ nữ ấy đã cười rất tươi và còn hứa sẽ đến thăm Việt Nam...
Trong nhiều cuộc thương thảo với các công ty của Nga, chị đã mang về những hợp đồng lớn cho công ty của mình. Một số đối tác đã nói với chị rằng chính:“khuôn mặt rất Việt Nam” của chị đã khiến họ có cảm tình, họ rất yêu mến Việt Nam, đặc biệt là những người mẹ Việt Nam”... Bằng nỗ lực và khả năng của mình, chỉ sau một thời gian ngắn chị đã trở thành Sale Manager của Tập đoàn IBM rồi Siemens. Công việc thuận lợi đã khiến chị rất vui và luôn tự hào vì “khuôn mặt rất Việt Nam” của mình. Tuy nhiên, chị cũng chia sẻ rằng: “dù xã hội châu Âu có cởi mở đến mấy thì việc một người phụ nữ Việt trở thành lãnh đạo, đứng cao hơn nhiều người đàn ông bản xứ, quả là điều không dễ chấp nhận”. Thế nên, sau 20 năm làm việc với cường độ cao (sáu mươi giờ/một tuần), và làm bằng toàn bộ sức lực, nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị đã tích lũy được tiền bạc và kinh nghiệm để quyết định thành lập công ty riêng.
Nếu như nhiều doanh nhân thường ngưỡng mộ thuyết “Sức mạnh mềm” của Giáo sư Joseph Nye, thì chị lại ngưỡng mộ cách dạy con của mẹ mình, chính bà đã cho chị một nền tảng giáo dục vững chắc, tình yêu thương vô bờ, và nguồn cảm hứng vô tận... để chị bước vào đời.
Ngoài ra, chị còn cảm thấy luôn biết ơn những người bạn bản xứ, chị bảo: “tôi không dễ gì thành công nếu thiếu sự giúp đỡ của bạn bè, đồng nghiệp Austria. Họ đã dạy tôi biết cách mà một người muốn thành công ở châu Âu cần phải có, đó là, khả năng thực tế, tích lũy kinh nghiệm, có bằng cấp, và khả năng chinh phục. Bây giờ, mỗi lần đi công tác nước ngoài, lúc quay trở lại Vienna, gặp lại bạn bè, tôi thấy mình không thể hạnh phúc hơn được nữa... Đúng là tôi đã không thể thành công, nếu xã hội ở đây không yên bình”.
Một xã hội yên bình mà chị đang nhắc đến ở đây, khiến tôi cũng muốn bày tỏ đôi điều mà mình đã “mục sở thị”: nếu bạn đi lạc trên đường phố Vienna thì ngay lập tức sẽ có nhiều người xung phong chỉ dẫn cho bạn, một cách chu đáo và tận tình. Nếu bạn về các vùng quê thì sẽ bắt gặp, từ trẻ nhỏ đến người già, ai ai cũng mỉm cười với bạn. Dù bạn chỉ gặp một người công nhân thì anh ta cũng có thể nói chuyện với bạn hàng giờ về hội họa, âm nhạc, địa lý, phong cảnh của đất nước anh ta và châu Âu...
Chị kể: “thời sinh viên tôi từng nhiều lần để quên xe đạp ở góc phố, hàng tuần sau mới quay trở lại thì chiếc xe vẫn còn ở đó”, tôi cũng bảo:“em rất ngạc nhiên vì lần đầu nhìn thấy những chiếc xe máy Vespa, LX đắt tiền, để đầy ở gốc cây hàng đêm”. Chị cười, chia sẻ thêm: “nhiều người Áo nhân ái lắm em ạ”. Tôi nghĩ là chị sống ở đây thì phải bênh vực người ở đây là đúng rồi, nhưng sau này, khi có nhiều dịp làm việc với người bản xứ, tôi mới ngẫm lại điều chị nói là hoàn toàn có cơ sở.
Những người bản xứ tôi mà tôi đã gặp gỡ (từ người nông dân, công nhân, công chức, nhà báo, nhà văn, nhà lãnh đạo, chính khách…) trong hai chuyến công tác đến Vienna, vừa qua, đều cho tôi một cảm giác là: “họ rất yêu, rất tự hào và rất gìn giữ thành phố Vienna của họ”. Họ đã làm cho những kẻ “lạc xứ” như tôi, như chị, phải ngưỡng mộ.
* Có nhiều cách để yêu nước, riêng chị chọn nấu ăn
“Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương”
Nghe tôi đọc câu ca dao đó, chị im lặng vài phút như để nhẩm lại từng từ và để biết là mình chưa hẳn đã quên nó. Bản năng “tề gia nội chợ” của người phụ nữ Việt mà mẹ đã truyền cho chị, chưa bao giờ mất đi. Người ta có nhiều cách để bày tỏ tấm lòng yêu nước, nhưng sau tất cả những thành công, chị lại có sở nguyện “truyền bá văn hóa Việt” thông qua những món ăn truyền thống. Chẳng thế mà chị đã tự tay nấu món cua đồng rau nhút, canh chua, phở bò miền Bắc, tôm cuốn gỏi… để thết đãi nhà báo, nhà phê bình ẩm thực nổi tiếng của Áo Florian Holzer. Sau khi thưởng thức những hương vị ấy, Holzer chia sẻ: “Ẩm thực Việt Nam là một trong những thứ mà người Austria yêu thích. Người ta không thể quên được vị thanh nhã, ngọt tươi và càng không thể dứt ra được bởi sự sống động, hấp dẫn của những món ăn. Tôi ấn tượng về canh chua, nem, gỏi cuốn của quán này. Hương vị của chúng khiến tôi cảm thấy như đã chạm được đến từng vùng quê Việt Nam. Tôi muốn nói tôi yêu phở Việt Nam và mãi mãi muốn tìm hiểu về nó...”.
Áo không có biển, nhiều người dân không quen ăn đồ biển nhưng từ khi chị mở Nhà hàng, giới thiệu các món hải sản từ vùng biển Phú Yên, Đà Nẵng, Nha Trang… thì nhiều thực khách bản xứ đã đến ăn và trở nên “nghiện”. Chị thường say sưa “thuyết giảng” với họ về sự phong phú của ẩm thực Việt như: món canh chua này ở Nam Bộ thì phải nấu thế nào; món bún riêu ở ngoài Bắc thì phải nấu ra sao, ăn vào mùa nào là ngon nhất; món chè Huế, nấu bằng nguyên liệu gì, có tác dụng gì...
Một số chuyên gia “Hội Hữu nghị Áo - Việt” đã từng đến Việt Nam nhiều lần, ăn nhiều món ăn Việt, nên thỉnh thoảng họ cũng đến đây để “ôn lại” hương vị Việt. Cô Ingrid Rauch và anh đồng nghiệp Horst, sau khi thưởng thức món Nem (làm theo công thức của chị) đã nhận xét: “tôi tưởng tôi đang ở Hà Nội”...
Không chỉ người bản xứ, mà ngay cả những đoàn khách Việt, đoàn doanh nghiệp (trong nước và nước ngoài), đoàn chính khác... cũng thường ưu ái đến Nhà hàng của chị, mỗi khi họ có dịp đến châu Âu. Nhiều người đã rất cảm động bởi lòng tự hào về ẩm thực Việt của chị. “Tề gia nội trợ, công, dung, ngôn, hạnh” là việc đầu tiên mà các bà mẹ Việt thường hay dạy cho các cô con gái của mình! Bây giờ, chị mới thấm thía rằng, đó chính là thứ tài sản vô giá, đã giúp chị thành công trên con đường “hành trình ra thế giới”.
Năm 2010, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng và Đoàn công tác cũng đã đến Nhà hàng của chị, vừa như để “kiểm tra” chất lượng ẩm thực Việt, vừa như để thấy tấm lòng của người phụ nữ bé nhỏ đã dành cho quê hương. Ông nhận xét:"… Nhà hàng có vị trí đẹp, khung cảnh tuyệt vời, gần Trung tâm Hội nghị quốc tế, Khu giải trí tổng hợp tại trung tâm Thủ đô, rất thuận lợi, hiện đại trong dáng dấp kiến trúc châu Âu cổ kính. Các món ăn trong Nhà hàng phù hợp thị hiếu khách hàng, tôn vinh cho ẩm thực Việt Nam...”. Có lẽ, ông ấy không nhìn vào qui mô doanh nghiệp, mà nhìn vào “phương thức quảng bá văn hóa hóa Việt” của chị.
Nắng chiều tắt dần trên đường phố Vienna, chúng tôi chào chị để nhường chỗ cho những thực khách “chung thân” đang bước vào. Cô bạn tôi đưa tay ngắt một bông tầm xuân trắng - thứ hoa mà ở Việt Nam thường coi là hoa dại, trồng ở bờ rào, nhưng ở đây, nó được nâng niu và đang tỏa hương tinh khiết trong những khu vườn cổ kính.
P/s: Vài năm sau chị về TP HCM, mở công ty chăm sóc sức khỏe và chuyển giao một số thiết bị công nghệ mới nhất của Áo, EU về Việt Nam.
TIN LIÊN QUAN
“Tôi cho rằng, đối với người nước ngoài, đặc biệt là đối với cán bộ ngoại giao, việc tìm hiểu văn hóa, phong tục tập quán của địa phương là rất cần thiết. Các nhà ngoại giao bó buộc mình với cộng đồng người nước ngoài sẽ khó phát huy tối đa công việc của mình… ”Ông Mark Kent, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam nhấn mạnh.
TS. Yen PlatzXEM NHIỀU NHẤT
(Nhà thiết kế thời trang La Hồng, Cộng hòa Áo)
TS. Yen PlatzChị Cao Thị Thương (Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Cao Hoàng) đã không ngừng học hỏi từ thầy, từ các đồng nghiệp, từ việc đọc các tài liệu chuyên ngành... để nghiên cứu, pha chế, chiết xuất ra nhiều loại dược phẩm làm đẹp từ thảo mộc. Chị đã pha chế thành công một số loại dược phẩm và đang được đưa vào sử dụng rộng rãi ở hàng chục spa (thuộc hệ thống của công ty) trên toàn quốc. Công ty của chị đã được chọn là đối tác chiến lược phân phối mỹ phẩm thảo dược của Mỹ tại Việt Nam.
TS. Yen Platz
BÌNH LUẬN