Võ sư Nguyễn Hùng Sơn (thứ ba từ trái sang, hàng sau) cùng các võ sinh
CLB Taekwondo người trung - cao tuổi Hà Nội
* Người đặt nền móng cho Taekwondo Việt Nam
Trong khi cả thành phố còn đang ngái ngủ, vào lúc 5h sáng thứ 5 và Chủ nhật hàng tuần, võ sư Nguyễn Hùng Sơn thường thức dậy và phóng chiếc xe máy cà tàng đến Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức, Hà Nội. Đó là nơi tập luyện của “Câu lạc bộ Taekwondo người trung - cao tuổi Hà Nội”. Trong lúc đó, các võ sinh của ông cũng từ các ngả ùa về. Họ là những võ sinh đặc biệt - những võ sinh trung, cao tuổi. Nhiều năm trời, bất kể là ngày mưa hay ngày nắng, ông và các võ sinh đều nghiêm khắc tuân thủ lịch biểu ấy.
Võ sư Hùng Sơn có dáng người đậm, quắc thước, bước đi khoan thai, đôi mắt đầy thần khí, giọng nói ấm, vang nhưng sắc lạnh. Mỗi lên sàn, bàn tay ông thường nhẹ nhàng khi vỗ về, căn chỉnh động tác cho các vận động viên, song bỗng chốc trở nên cuồn cuộn như cục thép nguội khi thị phạm các đòn đấm mẫu... Các “võ sinh đặc biệt” đã luôn được truyền lửa từ ông: Những ông già thoắt cái đã “biến” thành những chàng trai, nhanh nhẹn, hoạt bát. Những ông già vừa còn co ro cởi áo khoác, thoắt cái đã có thể phát ra những cú đấm, đá, chắc nịch. Những ông già vừa ho khù khụ đấy, lại có thể phát ra những tiếng hét sung mãn... Võ sư Nguyễn Hùng Sơn đã có một quá khứ đầy bi tráng. Ông đã từng là vệ sĩ của một nguyên thủ thời Việt Nam cộng hòa, nhưng sau đó, bị đuổi việc vì “dám làm thịt con gà chọi yêu thích” của vị đó để thiết đãi bạn bè.
Tôi xin ông kể về ngày xưa, ông trầm ngâm, trải lòng: “Ngày ấy, lũ trẻ con trong làng ở xã Tân Phú Trung (huyện Củ Chi, tỉnh Gia Định) bị mắc bệnh dịch đậu mùa, hầu như chết hết chỉ còn mình tôi sống sót nhưng bị di chứng, mặt rỗ chằng, rỗ chịt. Còn nhiều người lớn thì cũng bị mù cả hai mắt. Hàng ngày, khi thả trâu ngoài bãi, tôi thường chọn những mô đất khô ráo để luyện võ. Nhiều lúc tập mệt, mồ hôi ướt đầm đìa, khiến cho những vết thuỷ đậu rất xót. Tôi thường bóc vẩy chúng, rồi vục mặt xuống sông mà rửa vết thương. Ba tôi tham gia chiến đấu rồi hy sinh ở chiến trường, mẹ đi bước nữa, tôi sống với ông bà nội và cô út. Cô út hi sinh chuyện riêng tư, không lập gia đình, tham gia cách mạng và nuôi dạy tôi.
Lớn lên, tôi được gia đình cho đi học ở trường Võ thuật và Thể dục Quân sự Thủ Đức. Sau đó, tôi đã tham gia khoá Huấn luyện viên Taekwondo, Khoá thứ hai do Hàn Quốc tổ chức tại Việt Nam. Sau khi Tốt nghiệp khóa huấn luyện này (10/10/1964), ngay lập tức tôi được mời làm trợ giảng tại miền Nam. Đồng thời, tôi cũng tham gia tập luyện và thi đấu ở hạng cân 54 kg. Nhờ có thể lực tốt, nên mỗi khi lên sàn tôi đều khiến đối thủ phải “thất điên, bát đảo”. Bạn bè gọi tôi là “Sơn lùn khói lửa” (và một biệt danh khác là “Sơn rỗ”). Năm 1966, tôi thi đậu Huyền đai đệ Nhị đẳng và được nhà trường cử đi học lớp Huấn luyện viên Cao cấp tại Pusan, Hàn Quốc. Sau những năm tháng khổ luyện, tôi trở về nước và làm giảng viên đầu tiên của môn Taekwondo tại Việt Nam. Đến ngày 25/12/1970, tôi thi đậu Huyền đai đệ Tam đẳng và đoạt chức vô địch Quân Khu II tại Nha Trang. Sau ngày đất nước giải phóng, tôi tiếp tục thi đậu Huyền đai đệ Tứ đẳng, Huyền đai đệ Ngũ đẳng (1989), Huyền đai đệ Lục đẳng WTF và Huyền đai đệ Thất đẳng của ITF (1992). Thời bấy giờ, ở Hàn Quốc có một biến cố lớn nên Taekwondo được phân chia thành hai hệ thống, mới (WTF) và cũ (ITF). Tháng 6/1999 Sơn tiếp tục thi đậu Huyền đai đệ Thất đẳng hệ Taekwondo (WTF), và là một trong ba võ sư Việt Nam đoạt đẳng cấp võ thuật cao nhất lúc bấy giờ. Tất cả các văn bằng, đẳng cấp của tôi đều do Viện Hàn lâm Kukkiwon, Hàn Quốc (Liên đoàn Taekwondo thế giới) chấm thi và công nhận.
Cơ duyên đã đưa Võ sư Nguyễn Hùng Sơn ra miền Bắc lập nghiệp, đó là: tháng 10/1988, ông dẫn Đoàn Taekwondo Miền Nam ra miền Bắc biểu diễn tại Hà Nội. Buổi biểu diễn đã rất thành công, đánh dấu thời điểm môn Taekwondo đặt viên gạch đầu tiên ở miền Bắc. Đích thân ông Hoàng Vĩnh Giang (lúc đó giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, kiêm Giám đốc Sở Thể dục Thể thao Hà Nội) đã mời ông ở lại làm chuyên gia huấn luyện Taekwondo cho Miền Bắc. Năm sau, 1989, ông đã nhận lời ra làm Huấn luyện viên (HLV) cho Đội Tuyển Taekwondo Hà Nội. Sáu tháng sau, ông Trương Ngọc Để (lúc đó giữ chức TTK) đã mời ông trở về miền Nam để cử đi Liên Xô tu nghiệp, nhưng ông đã xin ở lại miền Bắc (“nơi mà cả đời này tôi sẽ không bị cô đơn”).
Dưới sự huấn luyện của ông, sau một năm, Đội Tuyển Taekwondo Hà Nội tham dự Giải Taekwondo toàn quốc và đã đạt thành tích cao. Từ đó, ông dốc lòng cùng môn phái phát triển Taekwondo ra khắp các tỉnh thành Miền Bắc, gây dựng được hàng trăm võ đường, thu hút hàng nghìn võ sinh theo học... Ông và môn phái đã tuyển chọn được nhiều vận động viên ưu tú, trong số đó, để đưa lên Đội tuyển Taekwondo Hà Nội và Đội tuyển Taekwondo Quốc gia.
Năm 1997, ông được biệt phái sang Bộ Công an làm chuyên gia huấn luyện Taekwondo (cho đến lúc cuối đời). Ông cũng từng giữ chức Phó chủ tịch Thường trực Hiệp Hội Taekwondo Hà Nội nhiều năm. Ông đã được Liên đoàn Taekwondo Thế giới, Viện Hàn Lâm Kukkiwon trao tặng Bằng khen (2006) vì những đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển Taekwondo tại Việt Nam và được Liên đoàn Taekwondo Việt Nam trao Chứng nhận Huyền đai Thất đẳng (2010)... Võ sư Nguyễn Hùng Sơn là một trong những người đã đặt nền móng và phát triển môn Taekwondo tại Hà Nội và Việt Nam. Bên cạnh đó, ông còn tham gia đóng góp công sức vào việc phát triển các môn phái Võ cổ truyền tại Hà Nội và Việt Nam. Ông là một võ sư tài năng, đức độ, được rất nhiều người nể phục và kính trọng.
Chúng tôi đã may mắn được gắn bó với sư phụ từ những năm 1996, khi đó, trong một cuộc thi đấu quyền quốc gia (tại Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh), tôi là một trong hai võ sinh đã nhận được điểm 10 (sao) của thầy. Sau đó, thầy là một trong số những người đã tận tâm chỉ dạy tôi trong suốt quãng thời gian là VĐV, HLV, trọng tài quốc gia. Cuối đời thầy, thầy Lê Minh Khương, HLV Nguyễn Đình Toàn và tôi cùng phụ trách “CLB Taekwondo người trung - cao tuổi Hà Nội”.
* Những nỗi đau...
Năm ấy, vào một buổi tối, khi ông đi dạy võ về, cả nhà quây quần bên mâm cơm với những món ăn mà ông yêu thích. Ăn xong, vợ ông đặt bộ võ phục (đã được gấp thẳng thớm) ở một bên, còn cô ấy và ba đứa con ngồi một bên. Cô ấy hỏi: “Anh đã theo nghiệp võ để sinh tử và sống chết với nó, nay anh chỉ được chọn một hoặc là võ, hoặc là mẹ con em”. Ông đã lặng người đi, một lúc sau, ông đứng dậy xin lỗi vợ và các con, rồi ôm bộ võ phục ra đi.
Thời gian dài sau đó, ông đã sống trong sự giày vò, oán hận bản thân: “liệu mình có xứng đáng làm chồng, làm cha?”. Bởi vì, yêu võ thuật như sinh mạng của mình nên ông đành phải chấp nhận chia tay. Cậu con út ở với ông. Ông đã chăm bẵm và dạy dỗ con đến nơi, đến chốn. Nay con ông đã trưởng thành, lập gia đình và ông đã lên chức ông nội.
Sau đó, ra Bắc, ông đã gặp người vợ thứ hai. Gặp thời hoàng kim, ông đã kiếm được rất nhiều tiền nhưng chỉ chú tâm vào huấn luyện, còn tiền nong thì để vợ quản hết. Võ sinh kính thầy nên ngày lễ, Tết, sinh nhật... thường rủ nhau mang hoa đến thăm, cô ấy thì không thích điều đó (...). Ông rất buồn, rồi họ chia tay nhau. Ông lại dằn vặt mình: “đến bao giờ mới tìm được người yêu mình và yêu võ”. Sau này, nhiều lần ông đã phải nhập viện vì tinh thần suy sụp, tuổi già, bệnh tật... Nhưng có một lần nặng nhất, ông đã nằm hôn mê, bất tỉnh nhiều ngày ở bệnh viện. Ông bảo rằng: kể từ sau cơn đại dịch đậu mùa năm xưa, thì đó là lần thứ hai, ông đã “gặp thần chết”... Lúc đó, hàng đoàn võ sinh đã vào thăm và cầu nguyện cho ông. Có một người phụ nữ cũng thường lui tới chăm sóc ông...
Đến khi ông xuất viện, cả gia đình Taekwondo Hà Nội đã “rồng rắn” đến xin ăn hỏi người phụ nữ đó cho ông. Bà là người gốc Hà thành, muộn mằn chuyện tình duyên. Ông bà đã tình cờ quen nhau khi ông đi chọn vải may võ phục cho các võ sinh. Bà bảo: thấy ông hiền, tốt bụng nên bà quí. Từ khi ông có bà thì gia đình Taekwondo cũng cảm thấy yên tâm hơn. Ông đã hạn chế uống rượu, sức khỏe cũng ổn định hơn. Bà chăm sóc ông chu đáo, từ miếng ăn, giấc ngủ, đến việc là ủi võ phục, chuẩn bị tư trang cho ông những chuyến công tác xa... Công việc của ông thường phải đi sớm về muộn đều được bà chia sẻ. Thậm chí, nhiều lần bà đã theo ông đến các giải đấu để cổ vũ cho học trò.
Mỗi khi các trò đến thăm, ông thường vui vẻ kể lại chuyện ngày xưa, trong đó, có câu chuyện “tình đầu với cô gái thôn Vĩ Dạ”. Mỗi lần như thế bà chỉ tủm tỉm cười, véo ông một cái, rồi lại chạy vào bếp chuẩn bị đồ ăn, thức nhắm cho thầy trò. Ấy vậy, nhưng mỗi lần cao hứng, ông lại kêu bà mang thứ này, mua thứ kia “mau lên, mau lên”, khiến bà chạy cuống cả lên, nhưng vẫn nhẹ nhàng:“mình cứ từ từ rồi em sẽ phục vụ mình và các con đầy đủ”... Nhìn ông bà “tình tứ”, lũ học trò cũng cảm thấy ấm lòng. Có một câu chuyện vui “anh hùng cứu mỹ nhân” của ông bà đã lan truyền trong gia đình Taekwondo, thế này: Một hôm, bà vừa tắm xong thì cánh cửa phòng bị kẹt, bà kêu ông mở giúp. Ông liền vội vã chạy vào bảo: “Mình đợi anh một chút”, nói rồi, ông quay đá đòn Tuýtchagi (đá móc gót) đến rầm một cái nhưng cánh cửa vẫn không “nhúc nhích”.
Bà lại hỏi: “Mình ơi, mình đâu rồi, sao vẫn không mở được?”.
Ông ôm chân, loạng choạng đổ xuống sàn, nói vọng vào: “Gãy bố nó chân rồi”.
Sau sự cố đó, ông đã phải chống gậy mất vài tháng. Bây giờ ngồi kể lại với chúng tôi, ông cười lớn: “Lúc nghe thấy mỹ nhân kêu cứu, cuống quá, chả nghĩ là mình đã 70 tuổi rồi”. Mọi người đã ôm bụng cười. Nhớ lại thời huy hoàng của ông, có một chuyện, thế này: Hồi đó, mới ra Hà Nội, mỗi lần dạy võ xong ông thường đi uống bia hơi. Vài ba thanh niên biết ông dạy võ nên thường hay khiêu khích. Ông vẫn tự nhủ mình là phải nhẫn nhịn, nhưng một hôm không nhịn được, ông đã đá vỡ chiếc bàn đá (bàn uống bia) khiến đám thanh niên kinh ngạc. Từ đó trở đi, chúng không dám giỡn mặt với ông nữa.
P/s: Mùa Đông năm 2012, võ sư Nguyễn Hùng Sơn đã qua đời. Hôm đó, trời Âu tuyết rơi rất dày, tôi không về kịp, thắp nến, đóng cửa, ngồi một mình bên di ảnh của thầy, nỗi đau cứ thế dâng lên...
TIN LIÊN QUAN
NGÀY QUỐC TỔ VIỆT NAM TOÀN CẦU - LỄ GIỖ TỔ & VINH DANH CON CHÁU VUA HÙNG TOÀN CẦU 2024 Lời đầu tiên, chúng tôi xin gửi lời chào trân trọng và lời cảm ơn chân thành đến các Quý cơ quan báo chí, truyền thông, đồng bào, kiều bào và bạn bè quốc tế đã luôn nỗ lực bảo tồn các Di sản văn hoá của nhân loại, đặc biệt là Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của Việt Nam.
TS. Yen PlatzXEM NHIỀU NHẤT
(Nhà thiết kế thời trang La Hồng, Cộng hòa Áo)
TS. Yen PlatzChị Cao Thị Thương (Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Cao Hoàng) đã không ngừng học hỏi từ thầy, từ các đồng nghiệp, từ việc đọc các tài liệu chuyên ngành... để nghiên cứu, pha chế, chiết xuất ra nhiều loại dược phẩm làm đẹp từ thảo mộc. Chị đã pha chế thành công một số loại dược phẩm và đang được đưa vào sử dụng rộng rãi ở hàng chục spa (thuộc hệ thống của công ty) trên toàn quốc. Công ty của chị đã được chọn là đối tác chiến lược phân phối mỹ phẩm thảo dược của Mỹ tại Việt Nam.
TS. Yen Platz
BÌNH LUẬN