August 12, 2022 16:40 TS. Yen Platz
Chiếc chuông đồng trên hiên chùa đã nhẵn bóng, chiếc mõ treo dưới cửa phòng ăn cũng đã lõm sâu vết thời gian. Ngày ngày lũ trẻ mồ côi ở Thiên Sơn Tự, cứ theo hiệu lệnh tiếng mõ mà đến phòng ăn. Trật tự, biết ơn, hiền lương và thánh thiện. Chúng không hề biết, ngoài kia, dưới chân cầu, lũ sông Hồng vẫn cuồn cuộn chảy xiết. Những cơn lũ sôi sục như đang rượt đuổi ấn tín của nhà Phật. Hai bờ thiện, ác vẫn đang giằng co thập loại chúng sinh...

*Cổ tích Thiên Sơn tự

Theo sử liệu tấm bia cổ năm Hoằng Định thứ 15 (1614) đời vua Lê Kính Tông, đã ghi chép về việc xây dựng chùa Bồ Đề và ghi rõ “đại công đức Bồ Đề của vua Lê Thái Tổ”. Tương truyền, xưa kia, nơi đây là bến Bồ Đề mà Lê Lợi đã đóng quân để đánh thành Đông Quan và đánh đuổi quân xâm lược nhà Minh. Ông đã cho lập dinh ở đây và đặt tên là dinh Bồ Đề. Vì, khi ấy trong khuôn viên này đã có hai cây Bồ Đề rất to. Cũng chính nơi đây, vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi đã từng sống và làm mưu sĩ giúp Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn chống quân xâm lược và thảo thư giúp nhà vua an dân... Có giả thuyết khác lại cho rằng: Chùa Bồ Đề được xây dựng từ cuối triều nhà Trần. Chùa nằm trên gò đất cao nên gọi là “Núi trời”, có tên chữ là “Thiên Sơn”. Trải qua thời gian chiến tranh, chùa đã bị tàn phá, đến năm 1614 chùa đã được tôn tạo trên nền cũ và được khắc in vào hai quyển Pháp Hoa kinh... Cổ tích Thiên Sơn tự tiếp tục được tụng truyền. Danh sĩ Ngô Thì Ức (1709 - 1736) đã từng viết:

                                      “... Bên đỉnh sông có chùa lộng lẫy

                                      Cảnh giới thanh ngộ đầy tào khê

                                      Gồ rồng đội nóc Bồ Đề

                                      Dòng xanh “đuôi yến” nước chia tràn bầu...”.

 Đến giữa thế kỷ XVIII, Chùa Bồ Đề bị thiên tai, lũ lụt, chiến tranh tàn phá nặng nề, chỉ còn trơ lại một đống đổ nát. Từ dấu tích ấy, Đại sư Thích Nguyên Biểu, tự hiệu là Nhất Thiết đại sư (1835-1906) đã gánh vác trách nhiệm cùng dân làng xây cất lại chùa. Chùa được thiết kế theo lối kiến trúc “Nội công ngoại quốc”, có Thượng Điện rộng năm gian, với bộ mái, khung, vỉ kèo còn giữ nguyên được dấu ấn của kiến trúc xưa. Đầu thế kỷ XX, sau khi Hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, Chùa Bồ Đề đã trở thành một trong những trung tâm đào tạo tăng ni chủ yếu của Hội cho đến tận năm 1946. Trải qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, Thiên Sơn tự lại một lần nữa bị phá hủy gần như hoàn toàn, chỉ còn lại tòa Thượng Điện... Nhưng trong tiềm thức của người dân thì chùa là biểu tượng của đức thiện, là nơi lưu giữ đạo lý làm người, là nơi lưu giữ linh hồn của làng nước... nên Thiên Sơn tự chưa bao giờ mất đi.

Năm 1972, ni cô Thích Đàm Lan đã đến nương nhờ cửa thiền Thiên Sơn Tự. Chùa lúc này cũng chỉ còn là đống hoang tàn, đổ nát. Đêm đêm lũ rắn trườn từ mái chùa chính dột nát, sang ngôi nhà tổ lụp xụp, rồi trườn ra sân chùa lầy lội... khiến ni cô nhiều phen sợ hãi. Nhưng dù là cả đêm thức trắng vì sợ hãi thì sáng ra, ni cô vẫn khăn áo chỉnh tề, lên thềm thỉnh chuông. Tuổi trẻ, phận nữ nhi, lại mới xuất gia nên mỗi khi mặt trời lặn, rời cuốn kinh kệ thì nỗi nhớ nhà, nhớ cha mẹ lại dâng lên, ni cô thường trốn ra sau vườn khóc thút thít. Cha của ni cô là một chiến sỹ Cách mạng. Ông từng bị giam cầm ở nhà tù Côn Đảo, và đã từng cùng các đồng chí của mình tìm cách vượt ngục. Ông là người am hiểu đạo Phật và thường giảng giải cho các con về  giáo lý của Đức Phật. Sau đó, cả sáu người con đều thiện nguyện lên đường, đi thụ nạp giáo lý, cứu độ chúng sinh. Họ chia tay nhau, mỗi người một ngả. Đàm Lan đã chọn đi về Hải Phòng và sau này đã đến nương nhờ Thiên Sơn tự.

Năm 1977, ni cô sang Chùa Quán Sứ (Hà Nội), theo học Cao học Phật giáo. Hàng ngày, Đàm Lan đã phải chứng kiến nhiều hành khất lên chùa xin ăn, ni cô chỉ còn biết gạt nước mắt, xin nhà chùa vài thẻ hương để biếu họ. Bản thân ni cô và các nhà sư trong chùa cũng thường xuyên phải đi đào củ rong, giã lấy bột để bán, còn bã thì ăn thay cơm. Năm 1986, ni cô Tốt nghiệp Cao học Phật giáo và được sư cụ giao phó trụ trì chùa Bồ Đề. Từ đó, ni cô đã dốc tâm, dốc lòng, cùng dân làng và du khách thập phương, tiến hành trùng tu, tôn tạo lại Thiên Sơn tự. Xây dựng lại nhà Tổ, thiết kế mới Hậu cung và mua sắm thêm các đồ tế tự... Sau này, Thiên Sơn tự đã trở thành di tích lịch sử được ghi vào sử sách chính thống của Nhà nước và là nơi trú ngụ, an bình của những trẻ em cồ côi và nhiều người già lang thang, cơ nhỡ.

* Người mẹ áo cà sa

          Người xuất gia thường hay lánh sự đời, nhưng sư thầy Thích Đàm Lan thì lánh đi thế nào, khi mà người ta thường đặt vào tay bà những đứa trẻ còn đỏ hỏn? Bà lánh đi thế nào khi mà ngày ngày thường nghe thấy tiếng trẻ khóc lạc giọng trong vườn chùa?... Đó là những đứa trẻ vô tội, bị bỏ rơi khi còn chưa rụng cuống rốn.

z3638371090804_f6d33d12b166f402a092b2dcca7f9083.jpg

Sư thầy Thích Đàm Lan và em bé mồ côi (Nguồn ảnh: Internet)

 

Nhà sư đã kể lại cảm giác lần đầu tiên bà chạm tay vào một hài nhi: “nó vừa ấm áp, vừa lo lắng, rất khó cắt nghĩa”. Khi đứa bé ngọ nguậy, khóc “oe oe” trên tay đã khiến bà trào nước mắt. Đó là đứa trẻ bị bỏ rơi ở chợ Liễu Giai và đã được bà lão bán nước mang vào chùa. Sư thầy đặt tên cho bé là Thích Quảng Dương, có nghĩa là ánh sáng tỏa lan. Từ đó, ánh sáng ấy đã “thắp ấm” cả ngôi chùa. Rồi một đứa trẻ khác lại đến. Vào một buổi sáng tinh mơ, khi sư thầy và các chú tiểu đang quét dọn sân chùa, bỗng nghe thấy tiếng trẻ khóc sau một ngôi tháp ngoài vườn. Nhà sư chạy đến, bế đứa bé lên thì thấy cái núm rốn của nó vẫn còn chưa kịp rụng. Trong chiếc khăn bọc đứa bé, có một cái kim tiêm. Mô Phật ! Sư thầy chợt hiểu ra, tiếng bước chân vội vã đã bỏ đi ngoài ngõ chùa đêm qua... Sau này, nhà chùa đã quen dần với sự viếng thăm đột ngột của “những vị khách” bé bỏng, quen dần với tiếng khóc thất thanh, thảm thiết, khuấy động giữa đêm, quen với việc phải tỉnh dậy trong đêm để đón các hài nhi, quen với tiếng những bước chân chạy trốn ngoài ngõ chùa...

Hoặc có vài trường hợp, những người mẹ đưa con lên chùa lễ Phật. Họ gửi con cho các nhà sư trông hộ để vào thắp hương, nhưng khi mãn tuần hương, mặt trời đã lặn mà người mẹ vẫn không quay trở lại... Mỗi lần gặp tình huống như vậy, sư thầy chỉ biết chắp tay niệm Phật, rồi cắt đặt công việc chăm sóc lũ trẻ...

Cứ như thế, những đứa trẻ bị bỏ rơi ở chùa ngày càng đông, để đảm bảo sức khoẻ cho chúng, hai tháng một lần, sư thầy lại đưa các em đi xét nghiệm máu. Bé nào bị nhiễm HIV thì nhà chùa gửi lên Trung tâm 2 (Ba Vì, Hà Nội) để điều trị kịp thời.

Sư thầy Thích Đàm Lan lánh sự đời thế nào, khi những đứa trẻ nhiễm HIV bị rỏ rơi, ngơ ngẩn trước cổng chùa? Trường hợp của bé Đức, bị mẹ bỏ lại với mảnh giấy viết nguệch ngoạc: “Kính gửi sư thầy, con của con bị nhiễm HIV, chồng con đã chết do AIDS. Con cũng sắp rời xa trần thế, không chăm sóc được cho cháu. Mong nhà chùa hãy thương cháu, lo cho cháu đến giây phút cuối đời”. Sư thầy đã đưa bé Đức đi xét nghiệm, nhưng hai lần kết quả đều dương tính. Bé Đức sợ hãi luôn miệng nói: “Bà ơi, con sắp chết rồi, con sợ lắm, con không muốn chết đâu”. Nhà sư thường ôm bé vào lòng mà ứa nước mắt: “Con chờ ít hôm nữa, bà sẽ đưa con lên Trung tâm của cô Phương. Ở đó con sẽ được uống thuốc, con đừng lo, chịu khó ăn nhiều vào cho chóng khoẻ”.

Nhà sư lánh sự đời thế nào, khi những nữ sinh lầm lỡ, đến chùa cầu xin sự che chở? Những nữ sinh đã trót dại, bị người yêu bỏ rơi, đành vác bụng đến chùa xin nương náu. Nhà chùa đã chăm sóc họ cho đến khi sinh nở, mẹ tròn con vuông. Rồi những người mẹ ấy cũng phải trở về với cuộc sống mưu sinh, đành gửi con lại nơi cửa Phật mà chưa hẹn ngày trở lại đón chúng... Hình như những đứa trẻ ấy cũng biết thương “Người mẹ áo cà sa”, chúng ăn rất khỏe, ít ốm đau, lớn nhanh và suốt ngày thích quanh quẩn bên chân bà. Sư thầy, ngậm ngùi: “Tôi cứu độ nhầm còn hơn là bỏ sót một kiếp người. Mỗi khi nhận về một cháu nào, tôi đều giữ gìn cẩn thận tất cả quần áo, khăn tã của các cháu. Hy vọng đó là kỷ vật để sau này cha mẹ các cháu có quay nhận con…”. Nhưng sự hy vọng ấy của bà thật mỏng manh. Hơn hai mươi năm qua, chỉ có duy nhất một người mẹ đã quay trở lại chùa xin nhận con. Người mẹ này đã bị vào tù vì tội buôn bán ma tuý. Đứa bé sống với bố. Trong một lần bố lên cơn vật thuốc thì đã bán em với giá 8 triệu đồng. May thay, hàng xóm đã phát hiện kịp thời và mang em đến gửi nhà chùa. Bây giờ, ngồi đối diện với người mẹ tội nghiệp ấy, những giọt nước mắt ân hận của cô ta đã khiến nhà sư cảm động.

Hơn hai mươi năm qua, ngoài phận sự tu tập và tôn tạo Thiên Sơn tự, “Người mẹ áo cà sa” đã phải vất vả lo cho hàng trăm miệng ăn, lo tiền học phí, tiền đường sữa, tiền thuốc men... cho các con khi đau ốm. Tối thiểu nhà chùa phải nấu 30kg gạo/ngày. Số tiền chi phí mua xà phòng, kem đánh răng, thức ăn… cũng chỉ được phép chi 150.000đồng/1ngày. Rau xanh trong vườn không đủ ăn nên vẫn phải mua thêm. Một ngày nhà chùa chi tằn tiện cũng phải là 500.000 đồng/ngày. Sư thầy thở dài: “Các cháu cũng ăn chay như các nhà sư, quanh năm chỉ có cơm rau, muối vừng, đậu kho… nhiều lúc nhà chùa không dám sắp mâm vì sợ không đủ suất ăn cho tất cả, cứ để trong nồi, đến khi thỉnh mõ thì các cháu tự động cầm bát đến xới cơm. Nhiều lúc có cháu ăn muộn, bị hết rau, mếu máo khóc, thương lắm mà không biết làm sao”.

Có lẽ, thẳm sâu trong tâm can của nhà sư vẫn là bản năng làm mẹ: “Tôi nghĩ những người mẹ đã phải rứt ruột bỏ rơi đứa con đẻ của mình, âu cũng vì bần cùng mà làm vậy. Họ cũng đau đớn lắm chứ! Lũ trẻ tội nghiệp kia nếu có cái gọi là tội thì chúng chỉ có một tội duy nhất là đã trót có mặt trên đời này. Không thể để chúng lớn lên mà cầu bơ cầu bất, tôi muốn chúng cũng có một mái nhà, một người mẹ và quyền được sống như tất cả chúng ta”, sư thầy tâm sự. Có lẽ chính bản năng và thiên mệnh của nhà tu hành đã thôi thúc bà mở rộng vòng tay để đón nhận tất thảy những mảnh đời bất hạnh ngoài ngõ chùa. Bà đã cố gắng “cải hóa” những phận người, lo cho lũ trẻ từ cái ăn, chỗ ở, chăm sóc sức khỏe, học hành cho đến khi chúng có công ăn, việc làm và cuộc sống ổn định...

Nhà sư lánh sự đời thế nào, khi ngày ngày phải chứng kiến những nghịch cảnh, những cụ già bị con cái bỏ rơi? Nhiều gia đình khá giả đã phó thác chuyện chăm sóc cha mẹ cho người giúp việc. Thậm chí, có nhà còn hắt hủi cha mẹ già khi họ ốm đau, bệnh tật... Nhiều cụ đã cảm thấy cô độc, tủi thân và bỏ nhà vào chùa xin tá túc. Nhà chùa đã mở rộng cánh cửa, đón nhận các cụ và chăm sóc họ như cha mẹ của mình... Tuổi già được sống trong tình yêu thương, đùm đọc và tiếng chuông chùa an lành hàng ngày đã khiến các cụ cảm thấy ấm lòng. Nhiều cụ đã sống ở đây cho đến lúc xế chiều, vãn bóng. Trường hợp cụ Nguyễn Thị Phúc đã sống ở chùa từ năm 58 tuổi đến gần 90 tuổi. Khi cụ tuổi cao, sức yếu, nhà chùa đã phải thuê thêm một người để chăm sóc cụ chu đáo. Lúc sắp ra đi, cụ đã rưng rưng: “Tôi chết ở nơi yên tịch này cũng được rồi”. Nhắc lại chuyện cụ Phúc, khiến nhà sư nhớ đến thân phụ, giọng bà bỗng chùng xuống: “Những ngày mới đến cửa Phật, tôi khóc hàng đêm vì nhớ bố mẹ. Không có tiền để mua vé tàu, tôi đành phải bán chiếc áo len ba mảnh duy nhất để mua vé về thăm ông bà cụ”.

* Kiếp nạn

Hiện nay, nhà chùa đang chăm sóc mười cụ già, năm mươi lăm em nhỏ. Trong đó, có hai mươi bé sơ sinh từ năm ngày đến sáu tháng tuổi, ba mươi lăm em còn lại đang trong độ tuổi học mẫu giáo, cấp 1, cấp 2, cấp 3, và bốn em học đại học (chuyên ngành Du lịch, Ngoại ngữ, Tin học). Dù cuộc sống của nhà chùa còn thiếu thốn nhưng bà đã luôn tạo mọi điều kiện cho các em học tập. Dãy phòng ở của các em lớn được bố trí gần sông, thoáng đãng. Trong phòng được trang bị khá đầy đủ như máy vi tính, bàn học và những chiếc giường tầng gọn gàng... Còn các em nhỏ và những người tình nguyện thì ở dãy nhà hai tầng trong vườn. Hàng ngày, vào mỗi buổi sáng các em nhỏ thường được theo sư thầy và các sư bác lên chùa học kinh và tham gia các khóa lễ. Cuối tuần, các em được tập luyện võ thuật và học thiền. Các em đều được nhà chùa dạy dỗ, chỉ bảo và uốn nắn kịp thời, từ lời ăn tiếng nói đến lẽ sống làm người. Có một lần, sau buổi cơm chiều, sư thầy đã nhìn thấy rất nhiều cơm thừa trong thùng nước gạo, ngay lập tức, thầy cho họp chùa. Một chú tiểu đã nhận lỗi. Thầy đã nghiêm khắc, căn dặn mọi người: “Phải tuyệt đối quí trọng sức lao động, quí trọng hạt gạo. Chính những hạt gạo tằn tiện ấy đã nuôi sống thầy trò, nuôi sống nhiều người tá túc ở chùa này”. Từ đó, không ai dám sơ suất nữa.

Trong lúc, sư thầy ngồi trò chuyện với chúng tôi ở nhà ngang, thì thỉnh thoảng lại có người lên thỉnh ý kiến. Mỗi lần như thế bà lại tất bật, chạy đi xử lý công việc, từ chuyện sắp mâm cúng, an ủi chia sẻ với Phật tử đến chuyện hướng dẫn các cô bảo mẫu cách chăm sóc các em nhỏ... Chuyện gì bà cũng phải đụng tay.

Chiều muộn, những đám mây đen kịt, sũng nước đang ùn ùn kéo về từ phía thượng nguồn sông Hồng. Lũ trẻ con vẫn vô tư, vui đùa, cười nói rổn rảng với các anh chị thanh niên tình nguyện. Cô nhà báo TrV, bế một bé trai lên rồi nói với chúng tôi rằng: “Em muốn xin thằng bé này về nuôi, nhưng nhà chùa nhất định không đồng ý”. Tôi đem câu chuyện đó hỏi lại sư thầy, thầy bảo: “Những đứa trẻ này đã bị bỏ rơi một lần rồi, chúng không thể bị bỏ rơi lần thứ hai nữa. Các Phật tử hảo tâm muốn nhận nuôi các cháu, nhưng cuộc sống của họ có thể ổn định cho cháu bé được bao nhiêu lâu hay các cháu lại bị bỏ rơi lần nữa? Vả lại, các cháu ở đây, để thỉnh thoảng những người mẹ lầm lỡ còn có dịp quay lại ngắm trộm con mình và an tâm vì biết chúng vẫn mạnh khoẻ. Biết đâu vào một thời điểm nào đó, những người mẹ ấy hối cải mà đón nhận giọt máu của mình thì đó là chút nhân duyên mà nhà chùa đã dành dụm cho các cháu”.

Câu chuyện của chúng tôi cũng đến lúc sắp kết thúc, thì em Thích Quảng Dương (5 tuổi) lũn cũn bước vào, chắp tay trước ngực, miệng ngọng nghịu: “Bạch thầy, con vừa đi học về ạ”. Sư thầy dang tay đón em. Cậu bé liền sà vào lòng để sư thầy hít hà khắp mặt: “Con xuống nhà ăn cơm với các cô, rồi đi ngủ nhé”. Cậu bé ngoan ngoãn, cúi đầu, chắp tay: “Bạch thầy con vâng”, em vừa nói vừa tuột khỏi vòng tay nhà thầy. Chỏm tóc trái đào, không quên quay sang gật gật đầu chào chúng tôi. Sư thầy thở dài: “Cuộc đời con người quá ngắn ngủi, tất cả đều hư vô. Đức Phật đã dạy tôi nhiều điều nhưng những nỗi khổ thì tôi vẫn phải học ngoài đời”.

Hàng ngày, người dân ngoại tỉnh vẫn ùn ùn kéo nhau vào Thủ đô, qua hai cây cầu Long Biên và Chương Dương để mưu sinh. Họ chất lên những chiếc xe cà tàng, nào là rau, củ, quả... và cả những ước mơ của kiếp người. Dưới chân cầu, Chùa Bồ Đề nằm tĩnh lặng, ẩn mình bên những lùm cây. Chiếc chuông đồng trên hiên chùa đã nhẵn bóng, chiếc mõ treo dưới cửa phòng ăn cũng đã lõm sâu vết thời gian. Ngày ngày, lũ trẻ mồ côi ở Thiên Sơn tự, cứ theo hiệu lệnh tiếng mõ mà đến phòng ăn. Trật tự, biết ơn, hiền lương và thánh thiện. Chúng không hề biết, ngoài kia, dưới chân cầu, lũ sông Hồng vẫn cuồn cuộn chảy xiết. Những cơn lũ sôi sục như đang rượt đuổi ấn tín của nhà Phật. Hai bờ thiện, ác vẫn đang giằng co thập loại chúng sinh. 

P/s: Tôi đã kết thúc những dòng cuối cùng này vào năm 2008, nhưng đến năm 2014 thì “Người mẹ áo cà sa” đã phải chịu một kiếp nạn khủng khiếp. Nhà sư đã chọn cách im lặng. Trời, Phật thấu hiểu bà, chỉ đáng thương cho “thập loại chúng sinh” ngoài kia...

Nguồn: Những mảnh ghép Quân Vương

(Nhà thiết kế thời trang La Hồng, Cộng hòa Áo)

TS. Yen Platz

Chị Cao Thị Thương (Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Cao Hoàng) đã không ngừng học hỏi từ thầy, từ các đồng nghiệp, từ việc đọc các tài liệu chuyên ngành... để nghiên cứu, pha chế, chiết xuất ra nhiều loại dược phẩm làm đẹp từ thảo mộc. Chị đã pha chế thành công một số loại dược phẩm và đang được đưa vào sử dụng rộng rãi ở hàng chục spa (thuộc hệ thống của công ty) trên toàn quốc. Công ty của chị đã được chọn là đối tác chiến lược phân phối mỹ phẩm thảo dược của Mỹ tại Việt Nam.

TS. Yen Platz

ĐẤU GIÁ