August 01, 2022 11:19 TS. Yen Platz
Đại tá, NSƯT Đặng Xuân Hải đạo diễn không nhiều phim nhưng mỗi bộ phim của ông đều để lại dấu ấn riêng trong lòng công chúng và những nhà chuyên môn. Mỗi thước phim đều thể hiện cái nhìn táo bạo, sâu rộng và sự trăn trở của ông về bước đi của điện ảnh Việt Nam.
z3609736064629_ab59e167eb51a9480a453bf4acf27540.jpg

Ông Đặng Xuân Hải tại  chiến trường Trị Thiên - Huế (1968 - 1972) (Nguồn Internet)

“Đông Cổ Am, Nam Hành Thiện”, các cụ ta xưa ví đó là hai trong số những mảnh đất hiếu học của miền Bắc. Tuổi thơ của NSUT Đặng Xuân Hải đã lớn lên từ đó. Thời chăn trâu cắt cỏ ấy, lũ trẻ con chỉ có những trò chơi dân gian như đánh đáo, bơi sông... chứ mấy khi được xem phim ảnh. Thế nên, mỗi lần có đoàn chiếu phim về xã là bọn trẻ lại rủ nhau trèo rào vào xem trộm. Anh còn nhớ như in những bộ phim “xem trộm” ấy: “Khi đàn Sếu bay qua” (Liên Xô), “Vượt sông trinh sát”, “Bạch Mao Nữ” (Trung Quốc)...

Thời kỳ chiến tranh, vùng quê anh bị Pháp chiếm đóng. Dân làng phải tản cư lưu lạc vào tận Thanh Hoá. Đến năm 1954 gia đình anh mới được trở về quê. Trẻ con nhà quê cứ thế sống và lớn lên trong bom đạn, đến khi vỡ giọng ồm ồm thì xung phong đi bộ đội. Anh cũng thế. Anh biết đôi chút nghề chụp ảnh nên được cử đi học lớp quay phim ở mặt trận Bình Trị Thiên. Trong số 5 người bạn cùng học với anh thời bấy giờ thì nay chỉ còn mình anh là theo nghiệp.

Những năm cuối thập kỉ 60 thế kỷ XX, với chiếc máy quay khoác lệch vai, anh đã đi khắp nơi, vào Nam ra Bắc. Từ những chuyến đi ấy đã giúp anh dần định hình được hoài bão của tuổi trẻ. Anh đã nhận ra: “Nghề quay phim đôi khi giống như một thằng đầu sai cho đạo diễn”. Nhiều khi bực bội là thế nhưng vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt, vẫn phải hăng say để theo nghề, theo nghiệp. Vậy nên, anh đã quay được nhiều tư liệu quí giá, mà có lẽ trong đời mỗi nhà quay phim đều rất muốn có, như: Sự kiện Tết Mậu Thân năm 1968 tại Huế, hình ảnh lá cờ Giải phóng ở Phú Văn Lâu (Thành Nội) đã nằm trọn trong tầm ngắm của anh. Tiếc thay, sau 7 ngày cùng các chiến sỹ Quân giải phóng lăn lộn với Huế, anh đã bị thương và được đưa ra miền Bắc điều trị. Khỏi rồi, anh lại được tiếp tục cử đi học; Cho đến đầu năm 1972, anh được vào Quảng Trị, quay trận quyết chiến và cuộc trao trả quân trên sông Thạch Hãn; Năm 1975, anh vào Sài Gòn, và thật đáng tiếc là chậm mất hơn một tiếng để chứng kiến thời khắc lịch sử của ngày miền Nam toàn thắng, nhưng anh và đạo diễn cùng ekip vẫn kịp quay lại toàn bộ nội các Dương Văn Minh bị bắt và bị giam giữ trong các phòng lân cận ở Dinh Thống Nhất; Khi chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, các nhà đạo diễn cũng đã kịp thời tới nơi, mỗi người mỗi cách cảm nhận, mỗi cách quay và cách tiếp cận đề tài khác nhau. Họ đã ghi nhận được sự khốc liệt của tiếng súng, tiếng bom ở chiến trường. Riêng anh, khi nhận được kịch bản Thị xã trong tầm pháo giặc, anh đã tình nguyện xung phong lên biên giới làm đạo diễn. Trong bối cảnh khốc liệt ấy, anh đã nhìn thấy và cảm nhận được những phút giây yên tĩnh của thị xã. Sau khi bộ phim ra đời, nó được đổi tên thành Thị xã vẫn yên tĩnh. Trong phim anh đã luận về vấn đề yên tĩnh trong tâm thế của những người dân thị xã Hà Giang. Với cách nhìn mới lạ, hấp dẫn, bộ phim đã dẫn dụ người xem đến chỗ nhìn thấy và cảm thấy được sự yên tĩnh của thị xã trong chiến tranh. Với người dân nơi ấy thì đánh giặc hay lao động, sản xuất đều là một cách để tiếp tục duy trì cuộc sống. Kiên cường. Bản lĩnh và yên tĩnh... Bộ phim tài liệu Thị xã vẫn yên tĩnh đã nhận được giải Bông Sen Bạc tại Liên hoan phim Quốc gia trước sự ngỡ ngàng của những bậc đạo diễn đàn anh.

Trong suốt thời gian làm quay phim, anh cũng nghĩ ra nhiều thứ và muốn sáng tác nhưng không được. Anh luôn phải làm theo ý tưởng của đạo diễn, lâu dần anh thấy mình nhỏ nhoi và vô lý với chính bản thân. Sau Bộ phim Thị xã vẫn yên tĩnh, anh đã dành một khoảng yên lặng để suy ngẫm và cuối cùng đi đến quyết định, theo học nghề đạo diễn.

Ở cái tuổi 40, anh mới thấy mình gần như đã chín. Đó là khoảng thời gian anh làm luận văn tốt nghiệp. Do quá hồi hộp và sốt sắng với đứa con tinh thần nên chưa đến ngày bảo vệ tốt nghiệp anh đã quyết định gửi Luận văn là bộ phim tài liệu Nước mắt nụ cười tham dự Liên hoan phim Quốc gia. Nội dung bộ phim kể về người lính tình nguyện Việt Nam chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Nước mắt: mạch phim mà anh theo từ đầu đến cuối là hình ảnh đất nước Campuchia chìm ngập trong sợ hãi vì nạn diệt chủng dưới chế độ Pônpốt. Đó là những tháng năm đẫm máu và nước mắt. Nụ cười: là khi người lính tình nguyện Việt Nam xuất hiện như một phép màu đã biến đổi nước mắt khổ đau của người dân nơi đó thành những nụ cười. Nụ cười của dân tộc Campuchia vốn đã trở thành biểu tượng trên bốn mặt của đền thờ Angcovát (từ hàng nghìn năm trước). Nước mắt và nụ cười còn theo đến sau cuộc chiến, đến tận biên giới khi họ tiễn đoàn quân tình nguyện Việt Nam chiến thắng trở về... Kết phim là hình ảnh hai bà mẹ Việt Nam và Campuchia ôm nhau, vui mừng cho hai Tổ quốc từ nay được bình yên. Ngôn ngữ hình ảnh truyền cảm ấy đã khiến cho người xem nghĩ rằng đó là một bộ phim truyện hơn là một bộ phim tài liệu. Phim Nước mắt nụ cười không có nhiều lời bình, chỉ bằng những hình ảnh chân thực, những khuôn mặt khổ đau, và những khuôn mặt rạng rỡ… tất cả những điều đó đã giúp bộ phim đoạt giải Bông Sen Bạc của Liên hoan phim Quốc gia. Việc này đã diễn ra trước khi anh nộp bộ phim Nước mắt nụ cười để bảo vệ tốt nghiệp.

Khi anh làm việc ở Điện ảnh Quân đội nhân dân, anh vẫn hăng say, nhiệt thành, với những chiêm nghiệm về những cuộc chiến đã qua, anh công tâm với nó, với thời cuộc và với chính mình... đồng nghiệp quí mến và nể trọng anh. Anh đã liên tục được tín nhiệm được bầu làm quản lý, Phó Giám đốc, rồi Giám đốc Điện ảnh Quân Đội Việt Nam, và Phó Chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam... Sau này, ông đã giữ chức Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam và được phong tặng danh hiệu NSND.

Chúng tôi đến thăm anh, thấy cơ man nào là những bản thảo, trên làm việc, bàn nước, trong tủ kính và... trong trí nhớ. Cái thì anh đã xử lý, cái vẫn còn đang ngẫm ngợi, đến độ phân tâm. Anh rót chén trà nóng, đặc sánh, mời chúng tôi, rồi chép miệng mà như nói với chính mình: “Mình học làm đạo diễn mà có được làm đạo diễn đâu”.

Những năm tháng làm việc ở Điện ảnh Quân đội đã giúp ông tích luỹ được nhiều cứ liệu vô cùng quan trọng của chiến tranh. Sau mười năm, ông đã có cơ hội vàng để đạo diễn bộ phim tài liệu Cột mốc vàng Điện Biên Phủ. Đó là trận chiến nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà trên cả thế giới, nên cũng đã có rất nhiều đạo diễn trong và ngoài nước làm phim. Muốn vượt được họ, quả thật là không dễ dàng. Ông đã chọn cách khắc họa cho Cột mốc vàng Điện Biên Phủ, không chỉ có sự dữ dội của bom đạn, mùi khét lẹt của thuốc súng, những đám mây đen đặc, đạn khói mù trời, những hàng rào dây thép gai cháy dở... mà còn có hình ảnh của những tấm thân tươi trẻ còn ấm nóng và lặng im. Dù các anh đã nằm đó nhưng các anh vẫn tiếp tục chiến đấu - truyền sức mạnh, lòng quả cảm cho những đồng đội của mình. Họ đã cùng nhau chân trần vượt bom đạn, vượt chông gai... để viết nên trang sử vàng. Bộ phim đã khai thác triệt để thế mạnh của phim tài liệu, ở sự chân thực và những nhân chứng có ảnh hưởng nhất định trong lịch sử. Đó là những yếu tố đã làm nên thành công cho bộ phim. Năm 2004, Cột mốc vàng Điện Biên Phủ đã nhận được giải thưởng Bông Sen Bạc tại Liên hoan Phim Quốc gia. Đặc biệt, bộ phim đã thu hút được sự quan tâm của hầu hết Đại sứ quán các nước tại Việt Nam. Họ đã xin lưu giữ bộ phim như một phần chứng tích lịch sử quan trọng về chiến tranh Việt Nam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (vị Tư lệnh Chiến dịch Điện Biên Phủ), đã xúc động chia sẻ: “Trong các bộ phim làm về Điện Biên Phủ, tôi thích nhất bộ phim này”. Còn nhà văn Chu Lai thì nhận xét: “Một bộ phim xinh xắn, đậm đặc tư liệu và có hồn vía của sự kiện”.

Đại tá, NSƯT Đặng Xuân Hải đạo diễn không nhiều phim nhưng mỗi bộ phim của ông đều để lại dấu ấn riêng trong lòng công chúng và những nhà chuyên môn. Mỗi thước phim đều thể hiện cái nhìn táo bạo, sâu rộng và sự trăn trở của ông về bước đi của điện ảnh Việt Nam.

Nguồn: Những mảnh ghép Quân Vương

(Nhà thiết kế thời trang La Hồng, Cộng hòa Áo)

TS. Yen Platz

Chị Cao Thị Thương (Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Cao Hoàng) đã không ngừng học hỏi từ thầy, từ các đồng nghiệp, từ việc đọc các tài liệu chuyên ngành... để nghiên cứu, pha chế, chiết xuất ra nhiều loại dược phẩm làm đẹp từ thảo mộc. Chị đã pha chế thành công một số loại dược phẩm và đang được đưa vào sử dụng rộng rãi ở hàng chục spa (thuộc hệ thống của công ty) trên toàn quốc. Công ty của chị đã được chọn là đối tác chiến lược phân phối mỹ phẩm thảo dược của Mỹ tại Việt Nam.

TS. Yen Platz

ĐẤU GIÁ