NSUT Ymoan say sưa thể hiện nhạc phẩm “Trời ơi”
Chiều nay, người đàn ông vẫn ngồi chỗ cũ, để tiễn mặt trời và để đợi những vị khách trong “Đêm giao lưu Đam San” tối hôm qua. Anh bảo: “Các bạn đến chơi thì tôi nói chuyện, chứ không được viết báo đâu đấy, tôi không có gì để viết cả”...
Chúng tôi bước lên nhà bằng cầu thang Cái, tôi gửi lời hỏi thăm của bố tôi tới anh. Thời trẻ, bố tôi rất mê giọng hát của anh. Ông có thể ngồi hàng giờ bên chiếc đài băng hai cửa, màu đỏ, bên ấm trà móc câu và chiếc điếu cày, cùng vài người bạn, để nghe Ymoon hát. Ông vừa nghe vừa say sưa ngợi ca chất giọng đậm âm hưởng rock của chàng trai Tây Nguyên.
Khi cuộc trò chuyện của chúng tôi đã đến độ thân tình, anh cho thêm củi vào bếp rồi thổi lửa. Ngọn lửa bừng sáng, những tia sáng nhảy nhót như thể va đập vào dãy chum choé, chiêng cồng xếp xung quanh. Chiếc áo vỏ cây treo im lìm trên vách tường. Chiếc ghế Kpan ngủ dài dưới sàn nhà. Chiếc trống da trâu thủng toang hoác một tang… Ngọn lửa bốc cao, soi tỏ mọi đồ vật trong nhà. Tư gia của anh, quả thực như một bảo tàng thu nhỏ, khiến chúng tôi phần nào cảm nhận được sự giàu có của văn hoá dân tộc Êđê. Ngọn lửa bốc cao, soi tỏ người đàn ông trung niên, săn chắc như một dũng sĩ Đam San. Ông có thân hình tầm thước, nước da cháy nắng, đôi mắt cương nghị...
Lúc sau, anh mang rượu ra mời chúng tôi. Giọng anh nghèn nghẹn: “Có những thời điểm mình đi hát tưởng như rách cả phổi đã phải vào Thành phố Hồ Chí Minh để chữa trị...”, anh vừa nói, vừa ho khùng khục. Rồi anh với lấy cây đàn và bảo: “mình sẽ hát bài Trời ơi, đây là khúc gan ruột của mình, mỗi khi mình ngắm mặt trời đi ngủ”. Thế rồi, anh hát, càng hát giọng anh càng tha thiết, như thể muốn gọi mặt trời quay trở lại. Tôi chợt ngộ ra là “vì sao anh-NSUT Ymoan đã ngồi ở đây từ mấy chục năm qua và có lẽ vẫn sẽ ngồi ở đây cho đến khi mặt trời tắt trong anh”, nhưng tôi vẫn muốn nghe anh kể:
* Vì sao thời hoàng kim của mình, anh không về thành phố lập nghiệp?
- Tôi sống với núi rừng, rừng đại ngàn đã thấm vào máu thịt, tôi hát như cái cây ngọn cỏ của núi rừng. Nếu tôi về thành phố thì giọng hát của tôi sẽ không được cất lên từ đây (anh đập mạnh bàn tay vào lồng ngực).
* Nhưng bây giờ các con của anh đang ở thành phố?
- Chúng có sự lựa chọn của chúng.
* Hai chàng trai Yvôl và Ygari có thay thế được anh không?
- Không. Giọng ca của các cháu xa rừng núi, xa buôn làng, nên phải rèn luyện vất vả hơn. Tôi lo lắng, nếu chỉ hát bằng kỹ thuật thì các cháu sẽ giống với các ca sỹ thị trường hiện nay.
* Vậy việc tìm kiếm một Ymoan kế cận cho đồng bào thì hình như là khó khăn?
- Có lẽ vậy!
* Những kỉ niệm lưu diễn cho bà con?
- Nhà nước giao cho Đoàn ca nhạc Đắk Lắk chúng tôi đảm nhiệm vài trăm đêm diễn một năm, phục vụ đồng bào các tỉnh Tây Nguyên. Mỗi đêm diễn phải mất vài ngày vì đường sá đi lại khó khăn, không có điện, nhiều đêm phải chờ đến khuya, bà con đi nương, đi rẫy về thì mới biểu diễn.
* Chuyện sinh hoạt ăn uống, ngủ nghỉ của đoàn chắc rất khó khăn?
- Tôi là trưởng đoàn nên phải lo chỗ ăn, chỗ ở cho anh em. Chúng tôi nấu ăn cùng bà con, nhiều khi xin bà con củ khoai, củ mì để ăn tạm, nếu không có thì nhịn đói cũng phải hát. Đêm đêm xin ngủ nhờ nhà bà con, nhiều lúc không có chỗ anh em đành ngủ bờ rào, bờ rừng vậy thôi. Nếu có điện thì anh em hát bằng micro, không có điện thì đành hát chay.
* Bà con có thích nghe các anh hát không?
- Bà con giỏi băng rừng, vượt núi, giỏi làm ra ngô, ra thóc, vì thế phải hát thật hay, thật khoẻ, thật giỏi thì bà con mới chịu.
* Nhân duyên của anh và nhạc sĩ Nguyễn Cường?
- Ông trời, ông Phật đã mang nhạc sĩ Nguyễn Cường đến cho Tây Nguyên chúng tôi. Ca từ của Nguyễn Cường đã trở thành dân ca Tây Nguyên và dân ca Tây Nguyên cũng đã trở thành âm nhạc Nguyễn Cường. Bà con thường hát nhiều ca khúc của Nguyễn Cường nhưng nghĩ rằng đó là dân ca của họ. Nhờ âm nhạc Nguyễn Cường mà khán giả khắp nơi hình dung ra sự hùng vĩ của núi rừng đại ngàn, nhiều người biết đến sức sống mãnh liệt của các dân tộc đang sinh sống nơi đây. Tôi và thầy Nguyễn Cường đã mang âm hưởng núi rừng đi diễn nhiều chương trình giao lưu quốc tế. Vì thế, công chúng nhân dân thế giới ngày càng biết đến Tây Nguyên đại ngàn, có cà phê, cao su và nắng gió…
* Âm nhạc đã góp phần kiến tạo nên giá trị phi vật thể cho vùng đất Bazan?
- Mình là người nghệ sĩ, chỉ biết truyền tải cảm xúc đến người nghe, còn việc ảnh hưởng đến văn hoá xã hội như thế nào thì để xã hội đánh giá. Mình đã đưa nhiều nhà nghiên cứu về buôn để tìm hiểu nền văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên, đó cũng là một phần trách nhiệm của người nghệ sĩ với đồng bào.
* Ở tầm tuổi này anh còn ước mơ điều gì?
- Sau những lời ca, tiếng hát thì tôi cũng không còn biết làm gì thêm. Ymoan vẫn là Ymoan. Tiếng hát của tôi thấm với đất, với rừng và tôi sẽ chỉ ở đây. Tôi mơ ước hai điều, từ bây giờ cho đến khi xuôi tay, nhắm mắt sẽ phải: ghi lại toàn bộ những bài hát của các nhạc sĩ đã viết về Tây Nguyên; ghi lại những bài hát hay nhất của các ca sĩ đã hát về Tây Nguyên.
* Anh lo lắng văn hoá dân tộc đang dần bị bào mòn?
- Đúng vậy! Nhưng tôi tin tưởng các nhạc sĩ sẽ gắng sức mình, khơi nguồn cho suối chảy, lật đá cho thác đổ, để giọng hát núi rừng sẽ còn mãi. Tôi mong muốn các trường đào tạo nên dành nhiều sự quan tâm hơn nữa cho con em các đồng bào dân tộc. Tôi mong những đứa trẻ trưởng thành từ quê hương, hãy quay về phục vụ, trau dồi bản thân trước khi phục vụ đồng bào. Bởi vì, tiếng hát của núi rừng thì phải sống với núi rừng, phải thấm máu rừng thì mới hát hay được.
* Khi vừa về đến Thủ đô, chúng tôi chợt giật mình như đã đánh rơi điều gì đó ở Tây Nguyên, tôi gọi điện:“Anh ơi, liệu em có thể nghe lại bài hát “Trời ơi” một lần nữa?”.
Chuông điện thoại đổ dồn, đầu dây bên kia NSUT Ymoan nhấc máy: Vâng, tôi sẽ hát thật chậm nhé, vì mặt trời sắp sửa đi ngủ rồi:
Tôi yêu cha như yêu núi rừng
Tôi yêu mẹ như yêu dòng sông
Tôi yêu cha rừng tôi cháy rồi
Tôi yêu mẹ bao bọc Trường Sơn
Bao giọt mồ hôi như lưng cong của mẹ
Như nắng ban chiều cuối trời mênh mông
Bao giọt mồ hôi như lưng cong của mẹ
Rừng đã tàn dần, cuối trời, trời ơi!”.
P/s: Mùa thu, năm 2010, chúng tôi đã phải tiễn biệt NSƯT Ymoan. Anh đã về cõi vĩnh hằng, nhưng tôi tin rằng trái tim và linh hồn của anh đã gửi lại đại ngàn, để đến một ngày nào đó anh sẽ trở thành huyền thoại của núi rừng Tây Nguyên.
TIN LIÊN QUAN
TALKSHOW HUNG KING’S 64: NHỮNG MẢNH GHÉP QUÂN VƯƠNG XV- MÙA XUÂN QUAN HỌ
TS. Yen PlatzXEM NHIỀU NHẤT
(Nhà thiết kế thời trang La Hồng, Cộng hòa Áo)
TS. Yen PlatzChị Cao Thị Thương (Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Cao Hoàng) đã không ngừng học hỏi từ thầy, từ các đồng nghiệp, từ việc đọc các tài liệu chuyên ngành... để nghiên cứu, pha chế, chiết xuất ra nhiều loại dược phẩm làm đẹp từ thảo mộc. Chị đã pha chế thành công một số loại dược phẩm và đang được đưa vào sử dụng rộng rãi ở hàng chục spa (thuộc hệ thống của công ty) trên toàn quốc. Công ty của chị đã được chọn là đối tác chiến lược phân phối mỹ phẩm thảo dược của Mỹ tại Việt Nam.
TS. Yen Platz
BÌNH LUẬN