TS. Nguyễn Thanh Mỹ. (Photo: baophapluat.vn)
WAJ: Thưa Tiến sĩ, ông đã có hàng trăm bằng sáng chế do Hoa Kỳ cấp và đã ghi dấu trên bản đồ kinh doanh về ngành in ấn và bao bì thế giới?
TS. Nguyễn Thanh Mỹ: Đúng vậy. Sáng chế thì nhiều, tôi được Mỹ và nhiều nước cấp bằng sáng chế, trong đó, có Việt Nam. Ấn tượng nhất với tôi là hai bản quyền quốc tế về bản in ốp sét. Trước đây, khi làm bản in ốp sét (gọi là bản kẽm) thì mình phải tạo hình trên đó, phải làm phim ở trong phòng tối, lấy phim rửa rồi để lên trên bản kẽm để in: Tạp chí, báo, vé số… và rất nhiều thứ trong lĩnh vực truyền thông.
Năm 1994, khi tôi về làm việc với Công ty Polychrome, sau này là Kodak Polychrome Graphics thì tôi mới thấy điều đó rất vô lý. Vô lý là khi tạo hình trên bản kẽm, chi phí tiền phim là 65%, trong khi chỉ sử dụng có 35% tiền bản kẽm thôi. Tôi nghĩ, nếu có thể chế tạo một bản kẽm mà không cần sử dụng phim hoặc là có thể tạo hình trực tiếp trên bản in ốp sét mà không cần sử dụng phim để có thể tiết kiệm tiền, môi trường, thời gian. Trước khi về làm ở Công ty Kodak Polychrome Graphics thì tôi làm ở tập đoàn IBM ở Ormadan Research Center, San Jose, chúng tôi sử dụng rất nhiều về laser. Do đó, tôi đã sử dụng laser để làm ra những bản in offset CTP cho công ty Polychrome Graphics và 2 năm sau bắt đầu bán ra thị trường, nó đã làm thay đổi ngành in ấn của thế giới. 3 năm sau, tôi thấy đó là tiềm năng mà tôi có thể tạo ra những bản in ốp sét sử dụng công nghệ CTP ưu thế hơn, tôi đã quyết định về Canada thành lập công ty năm 1997. Sau một năm, tôi nghiên cứu và phát triển những vật liệu mới hơn, tốt hơn, sản xuất bản in ốp sét CTP dễ hơn. Tôi đã đăng ký bản quyền về vật liệu mới và bản quyền về ứng dụng vật liệu đó trong sản xuất bản in ốp sét CTP. Tôi có viết phần đó trong cuốn sách mà tôi vừa xuất bản đầu tháng 9 này. Hai bản quyền đó, sau này tôi đã chuyển giao công nghệ cho rất nhiều tập đoàn, như là Huaquang Lucky ở Trung Quốc (hiện nay là công ty sản xuất bản in ofset CTP lớn nhất thế giới), Ipasage ở Spain, Top High Image ở Đài Loan. Doanh thu mang về cho Công ty của chúng tôi trong 20 năm là gần 300 triệu USD. Đó là thành quả của hai bản quyền khi tôi khởi nghiệp sau năm 1997, và công ty tôi đã có được lợi nhuận và doanh thu lớn.
Năm 2004, Tôi đã về Trà Vinh xây dựng Tập đoàn Mỹ Lan, tập trung làm về ngành in và sản xuất chất dẻo hấp thu tia hồng ngoại để cung cấp cho những công ty thuê các bản quyền của mình. Đồng thời tôi cũng sản xuất máy in phun công nghiệp, mực in phun công nghiệp sử dụng cho việc truy xuất nguồn gốc hoặc là in ngày giờ sản xuất, ngày giờ hết hạn. Hiện nay công ty chúng tôi đã xuất khẩu cho 76 quốc gia trên thế giới và Công ty cũng là OEM cho một số công ty in ấn hàng đầu thế giới như Hitachi, Domino (là công ty con của Brother Industries), Cytronics, Ale và một số công ty khác về ngành in lớn trên thế giới.
WAJ: Ở Việt Nam, ông hiện được biết đến là Nhà khoa học của nhà nông?
TS. Nguyễn Thanh Mỹ: Cuối năm 2015, lúc đó, tôi 60 tuổi, trong Hội đồng quản trị của Tập đoàn Mỹ Lan và tôi hết nhiệm kỳ làm Tổng Giám đốc. Họ muốn muốn thay đổi cách vận hành của Mỹ Lan do có một số cổ đông mới. Tôi dừng không tiếp tục làm CEO của Tập đoàn mặc dù là cổ đông lớn nhất trên 60% cổ phần nhưng mà tôi cảm thấy cũng nên để cho giới trẻ có thể vận hành Tập đoàn ở cái nhìn khác hơn.
Đầu năm 2016 thì tôi về hưu, con trai tôi bên Singapore thành lập công ty RYNAN Technologies. Cháu muốn tôi giúp thành lập công ty RYNAN Technologies Vietnam để tập trung vào ứng dụng công nghệ kỹ thuật số cho nông nghiệp và thủy sản, sản xuất những sản phẩm như cảm biến độ mặn, cảm biến pH, nhiệt độ nước, cảm biến về thủy triều để xây dựng mạng lưới giám sát quan trắc xâm nhập mặn của đồng bằng sông Cửu Long. Ở đồng bằng Sông Cửu Long bắt đầu từ tháng này thì những con sông bắt đầu bị xâm nhập mặn, bà con không có nước để tưới cây, trồng lúa. Tôi muốn xây dựng mạng lưới để có thể theo dõi và upload lên internet và bà con nông dân có thể download những ứng dụng này dễ dàng. Họ có thể xem lúc nào nước mặn và lúc nào nước ngọt. Có nước ngọt thì họ lấy nước vào để tưới cây. Bây giờ những người nông dân đã dùng ứng dụng RYNAN Mekong, lấy nước mặn vào để nuôi tôm. Và ở đồng bằng sông Cửu Long bây giờ thì xâm nhập mặn được coi như là một nguồn tài nguyên mới. Chỗ nào mặn thì bà con nông dân nuôi tôm, tôm thẻ chân trắng có giá trị cao hơn nhiều so với lúa. Còn lúc nào có nước ngọt thì họ trồng lúa hoặc cây ăn trái. Hiện nay, công ty có mạng lưới khoảng 100 trạm ở nhiều tỉnh, bà con nông dân có thể download app để xem thông tin. Một số đài phát thanh cũng như truyền hình ở một số tỉnh cũng dựa vào những dữ liệu mạng lưới của bên tôi làm để thông báo cho bà con ở vùng đồng bằng sông Cửu Long biết lúc nào nước mặn, lúc nào nước ngọt để có thể khai thác, sử dụng cho hiệu quả.
Nông dân đồng bằng sông Cửu Long trồng lúa nhiều. Rất nhiều rầy nâu phá hoại, nông dân thì cứ thấy rầy nâu là xịt thuốc nhưng khi xịt như vậy thì lại giết chết luôn cả mấy con thiên địch (có lợi). Do đó, càng ngày càng sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật hơn làm ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên. Cũng từ đó, công ty tôi làm hệ thống giám sát côn trùng thông minh. Đến nay, có khoảng 80 trạm ở 14 tỉnh. Bà con cũng có thể lên download ứng dụng RYNAN Mekong, có phần về côn trùng để biết ở gần khu vực của họ có côn trùng sâu hại loại gì, thiên địch loại gì để họ biết và không phải sử dụng quá dư thừa thuốc bảo vệ thực vật có hại cho sức khỏe cũng như cho lúa, cây ăn quả. Đó là những ứng dụng công nghệ 4.0 trong nông nghiệp mà công ty RYNAN Techonologies đã làm trong thời gian qua. Những sản phẩm đó đã được đăng ký bản quyền. Chúng tôi đã ứng dụng điện toán biên, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để làm ra các thiết bị như vậy. Hiện nay, chúng tôi đã cung cấp các thiết bị đó sang Nhật, chuẩn bị sang Thái Lan.
Năm 2019, tôi đã được Hội Nông dân tỉnh Trà Vinh đề cử Giải thưởng Nhà khoa học của nhà nông. Nhận được danh hiệu đó thì tôi cũng vui lắm. Các nhà khoa học của nhà nông đã làm việc và có đóng góp nhiều cho nhà nông từ rất lâu rồi, còn tôi chỉ mới có ba năm làm việc với nhà nông. Trong lễ trao giải, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ hỏi tôi là trong 3 năm đó anh đã làm gì. Tôi trả lời: Thầy Võ Tòng Xuân và anh Hồ Quang Cua đóng góp rất nhiều cho phát triển nông nghiệp của Việt Nam trong mấy chục năm qua, còn tôi thì làm nông nghiệp trên mây. Đi lẹ lắm, có 3 năm thì tôi cũng làm được, tôi nói đùa. Nông nghiệp dưới đất, nông nghiệp trên mây. Tôi và công ty RYNAN Technologies đã làm nông nghiệp trên mây nhiều hơn.
WAJ: Thưa Tiến sĩ, xin ông chia sẻ thêm về những công trình nghiên cứu của ông đã được ứng dụng hiệu quả trong nông nghiệp Việt Nam tính đến thời điểm này?
TS. Nguyễn Thanh Mỹ: Bây giờ tôi cũng muốn làm thay đổi ngành nuôi tôm của Việt Nam bằng ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, điện toán biên. Để làm được điều này tôi đã xây dựng phần mềm quản lý trang trại, đồng thời, thiết kế cách xây dựng một trang trại nuôi tôm làm sao đó không có khí thải nhà kính. Giảm sử dụng năng lượng điện, giảm sử dụng nước, tăng hiệu quả sử dụng đất, đó là, các thành quả cụ thể tôi đã làm. Tôi đã đăng ký rất là nhiều bản quyền cho công nghệ nuôi tôm này. Ở RYNAN Technologies Vietnam, từ năm 2016 tới nay tôi đã đăng ký tổng cộng khoảng 374 bản quyền. Rất nhiều bản quyền đã được công nhận ở nhiều nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Việt Nam, Thái Lan. Bây giờ, công ty chúng tôi bắt đầu thương mại những sản phẩm đó. Chúng tôi đã bán sang Nhật các hệ thống giám sát côn trùng thông minh (hiện tại đã lắp đặt được 50 cái); xây dựng các trang trại nuôi tôm ở Thái Lan, Indonesia.
Quy trình công nghệ nuôi tôm, đầu tiên, chúng tôi phải phát triển sản phẩm nghiên cứu, làm prototype và thử nghiệm, sau đó xây dựng trang trại nuôi tôm ở Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Xây dựng trang trại như vậy để sử dụng công nghệ, chuyển đổi số cho ngành tôm, ngành nông nghiệp để làm sao canh tác hiệu quả hơn, cũng như giảm được phát thải khí nhà kính.
WAJ: Với nhiều vai trò khác nhau như nhà khoa học, doanh nhân, ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch BAOOV, Chủ tịch Câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu... và đặc biệt là người sáng lập Quỹ Nguyễn Thanh Mỹ, trao học bổng cho sinh viên, hỗ trợ bệnh nhân viêm gan B, xây dựng nhà tình thương… vậy triết lý sống và kinh doanh của Ông là gì?
TS. Nguyễn Thanh Mỹ: Mọi người ai cũng muốn hạnh phúc, ai cũng muốn viên mãn, ai cũng muốn sống có ý nghĩa. Với tôi, hạnh phúc là khi mình còn sáng tạo. Có nghĩa là mình còn sáng tạo thì mình có hạnh phúc, mình có ý tưởng mới thì mình rất hạnh phúc. Viên mãn là mình cố gắng để mình làm chủ được cái gì đó, đạt được cái gì đó. Và cuối cùng, ý nghĩa cuộc sống là mình có cộng đồng xung quanh luôn luôn hạnh phúc, viên mãn và luôn tốt hơn. Đó là triết lý sống của tôi. Cá nhân tôi cho tới bây giờ thì hình như những điều đó, tôi đã đạt được ở một mức độ nào đó, nếu có qua đời thì tôi cũng không có hối tiếc gì. Đối với tôi cuộc sống như bây giờ là hạnh phúc và viên mãn, những thứ tôi làm hằng ngày rất là ý nghĩa, nhất là chung quanh tôi có 800 nhân viên trẻ, có đạo đức. Lúc nào chúng tôi cũng muốn đóng góp cho cộng đồng của mình ngày càng tốt hơn. Tôi cảm thấy hạnh phúc là mình đã thực hiện được những ước mơ của mình, đó là xây dựng công ty tạo công ăn, việc làm giúp cho nhiều người trong làng có cuộc sống tốt hơn. Tôi đã viết trong sách của tôi, về những ước mơ đã nói với vợ năm 1982, khi đó, chúng tôi mới quen nhau, tôi thì làm bếp, bà xã làm bồi bàn trong một nhà hàng. Sau này khi tôi thực hiện được ước mơ của cuộc đời mình, nhất là được hỗ trợ từ vợ thì tôi cảm thấy rất là hạnh phúc.
WAJ: Với cương vị là cố vấn và nguyên Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài ông có những ý tưởng và kỳ vọng gì trong việc kết nối, xây dựng cộng đồng doanh nhân kiều bào trên toàn thế giới?
TS. Nguyễn Thanh Mỹ: Vâng, trong 14 năm qua thì Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài đã trải qua nhiều thay đổi. Nhiệm kỳ tới, chúng tôi muốn trẻ hóa Ban thường vụ cũng như trẻ hóa Hiệp hội. Chúng tôi muốn có những người trẻ hơn để kế thừa, để làm sao có thể giới thiệu được nhiều sản phẩm về nông nghiệp, thủy sản… của Việt Nam ra các nước, giúp đỡ được người nông dân Việt Nam nhiều hơn. Đồng thời, giúp bà con người Việt và bạn bè quốc tế hiểu về Việt Nam nhiều hơn nữa. Đó cũng là những định hướng mới trong nhiệm kỳ sắp tới của Hiệp hội. Dù tôi không tham gia Ban chấp hành nữa nhưng tôi sẽ làm trong Ban cố vấn để có thể đóng góp kinh nghiệm, hỗ trợ Ban chấp hành mới xây dựng Hiệp hội ngày càng vững mạnh.
WAJ: Ông thường nói rằng ông bán mô hình kinh doanh chứ không bán sản phẩm, xin ông giải thích thêm về điều này?
TS. Nguyễn Thanh Mỹ: Cái đó thì cũng không đúng lắm. Ví dụ, hiện nay, về nuôi tôm thì tụi tôi làm một mô thức mà không gọi là mô hình. Mô thức là khi mà công nghệ hiện tại không đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng, của đất nước thì đến lúc phải có một mô thức mới. Mô thức phải bắt đầu từ tư duy mới, từ những công nghệ mới, khoa học mới, tiêu chuẩn mới và cách thực hiện mới, hay là những mô hình mới thì đó là mô thức. Một khi, mình phát triển một mô thức mới hay những dòng sản phẩm mới thì thông thường người ta gọi là Discontinuous Innovation Disruptive Technology là nó không còn đúng, không còn đi theo cái trước nữa, do đó, mình không thể phát triển, không thể bán những sản phẩm trong mô thức mới đó cho những người cũ. Mình phải tạo ra một nhu cầu mới, thị trường mới và những người nông dân mới. Đó là, khi có công nghệ mới hay mô thức mới, nhất là trong nông nghiệp, thủy sản thì phải tạo ra một lớp nông dân mới, những người mới (chứ không phải là nông dân nuôi tôm theo tư duy, mô hình cũ). Vì vậy, phát triển hay chuyển giao mô thức TOMGOXY - nuôi tôm công nghệ của chúng tôi khác trước, không thể bán những sản phẩm riêng lẻ cho những người người đang nuôi tôm hiện tại, theo mô hình cũ mà phải chuyển giao công nghệ cho cả một mô thức mới, một tư duy mới cho những con người mới. Nếu thăm trang trại nuôi tôm của chúng tôi sẽ thấy khác người ta lắm, hiệu quả về sử dụng đất, nước, năng lượng tốt hơn nhiều. Tuy nhiên, tiền đầu tư nuôi tôm công nghệ cao cũng sẽ nhiều hơn. Vì bây giờ, với điện đoại di động, chúng tôi có thể điều khiển tất cả trang trại nuôi tôm từ xa. Tất cả những thông tin như độ mặn, độ P,H rồi oxy hòa tan, nhiệt độ nước, độ lớn của tôm lúc nào người nuôi tôm cũng có thể biết.
WAJ: Ngoài việc nghiên cứu khoa học, kinh doanh, giảng dạy, ông còn viết sách, viết báo, mới đây là cuốn sách “Người ngoài khung - Nghĩ khác làm khác để bền vững” nói về quá trình khởi nghiệp, định vị thương hiệu của ông trên toàn cầu. Vậy, xin tiến sĩ chia sẻ thêm về thông điệp của cuốn sách mà ông muốn gửi gắm tới giới trẻ, nhất là các doanh nhân kiều bào trẻ khi khởi nghiệp?
TS. Nguyễn Thanh Mỹ: Vâng, thì bạn phải nghĩ khác, làm khác để có thể phát triển bền vững. Thông điệp của tôi là vậy. Nói khác, nghĩ khác, rồi làm khác như thế nào, gần đây tôi có viết một bài báo trên khoa học phổ thông, tôi đã nói rằng: trước đây khi học lớp 6 chúng ta được học động vật là những sinh vật có khả năng di chuyển, tự tìm thức ăn và hội nhập nhanh chóng vào môi trường xung quanh. Thực vật là những sinh vật không có khả năng di chuyển chủ động thường phải quang hợp để tạo thức ăn. Mà thực vật là nền tảng của nông nghiệp. Thì câu hỏi đặt ra là cái cây có biết đi không? Tư duy cũ thì cái cây không biết đi, nhưng tư duy mới thì cái cây biết đi. Vì cái cây không đi nhưng cái rễ của nó đi hàng ngày, hai, ba chục thước liền. Rồi cái cây biết nói không, nó biết. Mỗi lần có sâu ăn lá thì nó phát ra những chất gọi là chất truyền tin để thông báo cho các cây bên cạnh biết là nó đang bị tấn công bởi con sâu này, các cây khác nên phòng thủ. Cây sẽ tiết ra những chất để phòng thủ làm sao cho lá đắng hơn, độc hơn để con sâu không ăn nữa. Đồng thời, cây sẽ tiết ra các chất khác để dẫn dụ con thiên địch tới (con chim) tới ăn sâu. Cây nó biết nói và cũng biết nghe. Mình cho cây nghe đúng tần số sóng thì nó tăng trưởng nhanh hơn, kháng bệnh tốt hơn, chịu hạn tốt hơn và có thể làm trái chín chậm hơn. Ví dụ, trái xoài, tuần tới nếu mình biết giá nó xuống thì mình cho nó nghe đúng bài nhạc, nó sẽ chín chậm khoảng 3 tuần sau. Vì vậy, cây cũng biết đi, biết nói, biết nghe, đó là tư duy khác, tư duy mới. Điều này đã được khoa học chứng minh rất rõ ràng. Nếu chúng ta cứ dựa vào khung mà mình đã được dạy từ lớp 6 thì mình không có cách nào thay đổi được nền nông nghiệp. Vì vậy, tôi phải suy nghĩ khác, có nghĩa là mới hơn, hiện đại hơn, phù hợp với những nghiên cứu, những khám phá mới của khoa học hơn. Nhất là khi khởi nghiệp phải khác, phải độc đáo hơn, nếu không thì không bao giờ tồn tại được. Đó là những thông điệp của tôi.
WAJ: Một số cuộc mạn đàm trong giới doanh nhân kiều bào với giới khoa học, và giới báo chí, họ đã đề cập đến sự thành công của ông và Tập đoàn Mỹ Lan như một điển hình tiêu biểu của chiến lược kinh doanh khác biệt - một nhà khoa học làm kinh doanh, ông có ý kiến gì về điều này?
TS. Nguyễn Thanh Mỹ: Tôi sinh ra ở làng Thanh Mỹ, huyện Châu Thành Tỉnh Trà Vinh. Tốt nghiệp khoa Hóa, Đại học Bách khoa TP. HCM năm 1978. Di cư sang Canada năm 1979, nhận bằng cử nhân Hoá học phân tích tại Đại học Concordia, Canada (1986), bằng tiến sĩ Khoa học năng lượng và vật liệu tại Trung tâm quốc gia nghiên cứu về năng lượng, vật liệu và viễn thông Canada (1990). Sau 25 năm làm việc tại Canada và Mỹ, tôi đã trở về quê hương Trà Vinh, sáng lập công ty công nghệ cao đầu tiên của tỉnh. Đến nay, thì tôi cũng đã tham gia đồng sáng lập 8 doanh nghiệp.
Những nhà khoa học làm kinh doanh thì thông thường có lợi thế là họ biết công nghệ, họ biết sản phẩm, nhưng không phải nhà khoa học nào cũng có thể làm kinh doanh thành công. Muốn thành công anh phải có DNA của doanh nhân (Builder - Opportunist – Specialist - Innovator): Người xây dựng (B-Builder), người có thể xây dựng nhiều doanh nghiệp từ hai bàn tay trắng; Người nắm bắt cơ hội (O-Opportunist), người không bỏ qua một cơ hội nào, điều này dễ khiến họ phải trả giá, họ có thể thắng nhiều, cũng có thể thua nhiều; Chuyên gia (S-Specialist), người rất giỏi chuyên môn của họ. Họ làm kinh doanh gia đình rất giỏi nhưng không nhân rộng được; Nhà sáng kiến (I-Innovator), người luôn luôn đổi mới, nghiên cứu giỏi nhưng lại không giỏi buôn bán. Khi xác định rõ mình thuộc nhóm người nào, biết điểm mạnh, điểm yếu của mình, lúc đó mình mới chọn được mẫu mô hình doanh nghiệp phù hợp và đối tác có DNA tương hỗ để hợp tác. Ví dụ như Donald Trump, Elon Musk và tôi gọi là doanh nhân đa nghiệp. Những người làm khoa học mà khởi nghiệp có lợi thế hơn nhưng mà phải có DNA của những người builder - Những người mà xây dựng doanh nghiệp từ không thành có. Nếu là những nhà khoa học giống như những specialist thì sẽ làm rất tốt cho doanh nghiệp gia đình nhưng không làm lớn được. Còn những người innovator, như giáo sư, tiến sĩ, những người làm nghiên cứu rất thành công, họ rất sáng tạo nhưng mà họ không thương mại hóa được sản phẩm. Do đó, nhà khoa học mà khởi nghiệp, kinh doanh thì phải có thêm DNA là những nhà xây dựng (builder) hoặc phải kết hợp chung với những người có DNA khác. Ví dụ, như nhà sáng kiến (innovator) mà có được builder (nhà xây dựng) là co-founder của một doanh nghiệp thì bầu trời không là giới hạn. Anh thì đổi mới còn anh thì thực hiện nó. Do đó, mình phải biết cách hợp tác với những người khác, những người co-founder với mình, những người có DNA bổ sung (complement) cho mình, thì mới thành công.
WAJ: Theo Tiến sĩ báo chí truyền thông đóng vai trò như thế nào trong việc định vị thương hiệu doanh nghiệp?
TS. Nguyễn Thanh Mỹ: Nếu doanh nghiệp biết tận dụng báo chí truyền thông thì rất là tuyệt vời, ít tốn kém, nhất là truyền thông của Việt Nam ít tốn kém hơn ở nước ngoài nhiều. Truyền thông, báo chí đóng vai trò rất quan trọng, hiệu quả trong phát triển thương hiệu doanh nghiệp và những sản phẩm mới nếu biết tận dụng nó. Đây là một trong những điều mà tôi thường áp dụng và được báo chí phỏng vấn, đưa tin, thì công chúng biết đến mình. Do đó, những doanh nhân, những người khởi nghiệp mà biết tận dụng truyền thông trong nước thì không tốn kém nhiều nhưng rất hiệu quả. Đầu tư thời gian để phát triển thương hiệu doanh nghiệp cũng như hình ảnh cá nhân là có trách nhiệm hơn với cộng đồng. Mình chia sẻ những suy nghĩ của mình để làm sao cộng đồng, đất nước tốt hơn thì báo chí truyền thông cũng đi theo và họ cũng đưa những tin đó, những ý tưởng mình muốn làm tốt. Từ đó, nhiều người biết tới sản phẩm của mình, biết tới mình, biết tới doanh nghiệp mình.
WAJ: Có thể nói rằng chính sự coi trọng việc kết hợp giữa khoa học, các trường đại học và doanh nghiệp đã đưa đến thành công cho ông và tập đoàn, vậy theo tiến sĩ thì các cơ quan chức năng của Việt Nam nói chung, các doanh nghiệp và các trường đại học nói riêng nên làm gì để thúc đẩy việc gắn kết giữa khoa học và doanh nghiệp nhằm mang lại hiệu quả cao nhất cho các bên?
TS. Nguyễn Thanh Mỹ: Tôi nói có vẻ hơi khó nghe nhưng là thực tế, kiềng ba chân: Doanh nghiệp - Nhà trường- Nhà nước, thì nhà nước nên bớt tham gia vào việc can thiệp đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Còn trường đại học, viện nghiên cứu thì nên đào tạo ra những kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ giỏi chứ không phải là những người làm sản phẩm giỏi. Bớt làm sản phẩm để đào tạo một người cho thật giỏi, còn để doanh nghiệp họ làm ra sản phẩm. Còn những người như tôi làm sản phẩm là vì tôi nhìn thấy nhu cầu của cộng đồng, còn trường đại học, mấy thầy làm ra sản phẩm là vì có tiền nghiên cứu. Hai cái đó nó khác nhau. Ở trường, làm nghiên cứu là vì trách nhiệm với khoa học cộng đồng. Doanh nghiệp làm là vì trách nhiệm với cổ đông. Không làm lỗ công ty thì cổ đông không làm phiền mình. Bác Hồ nói rất đúng, trường có sứ mệnh trăm năm trồng người giỏi cho các doanh nghiệp, nên tập trung dạy người cho giỏi, dạy người có đạo đức, có trách nhiệm, dạy người có minh bạch thì mới được, nhà nước thì quản lý, doanh nghiệp thì làm ra sản phẩm. Còn nếu anh cứ can thiệp quá sâu, xen lấn vai trò của người khác thì phiền quá. Cái mình không giỏi thì nhất định không làm!
Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!
Wien, 27/12/2023
Yen Platz (Austria), Thao Nguyen (Vietnam)
TIN LIÊN QUAN
TALKSHOW HUNG KING’S 66: NHỮNG MẢNH GHÉP QUÂN VƯƠNG XVII (Nhịp cầu kết nối sức khoẻ)
WAJXEM NHIỀU NHẤT
-
1
Tiến sĩ Razan Jadaan
-
2
Ông Trương Ngọc Để lần thứ 3 liên tiếp làm chủ tịch Liên đoàn Taekwondo Việt Nam
-
3
Jazz sẽ mách bảo khán giả cách tận hưởng mới
-
4
KARLOVY VARY MÙA YÊU THƯƠNG
-
5
The Mosaics of the King Global Summit 2022: Connecting and converging ideas of international intellectuals and scholars
(Nhà thiết kế thời trang La Hồng, Cộng hòa Áo)
TS. Yen PlatzChị Cao Thị Thương (Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Cao Hoàng) đã không ngừng học hỏi từ thầy, từ các đồng nghiệp, từ việc đọc các tài liệu chuyên ngành... để nghiên cứu, pha chế, chiết xuất ra nhiều loại dược phẩm làm đẹp từ thảo mộc. Chị đã pha chế thành công một số loại dược phẩm và đang được đưa vào sử dụng rộng rãi ở hàng chục spa (thuộc hệ thống của công ty) trên toàn quốc. Công ty của chị đã được chọn là đối tác chiến lược phân phối mỹ phẩm thảo dược của Mỹ tại Việt Nam.
TS. Yen Platz
BÌNH LUẬN