Nghệ sĩ Eleanor Clapham trong vai Xuý Vân giả dại (Ảnh: Trọng Chính)
* Nghệ sĩ Eleanor Clapham gặp “Từ Thức”
Xúy Vân, Hồ Nguyệt Cô là những nhân vật nữ tiêu biểu trong nghệ thuật sân khấu truyền thống Tuồng, Chèo Việt Nam: Xuý Vân mong ước cuộc sống vợ chồng trọn nghĩa vẹn tình, nhưng xã hội thời phong kiến, lệ đa thê, đa thiếp đã đẩy cô đến bi kịch, cô đã giả điên, để rồi sau đó, bị cuốn vào nỗi đắng cay, điên loạn thật sự; Hồ Nguyệt Cô đau đớn, phẫn uất với những xung đột, giằng xé nội tâm, được đẩy lên đến đỉnh điểm và không thể tìm ra lối thoát… Đó là những vai diễn thể hiện sự phức hợp trong cách biến đổi tâm trạng nhân vật, đòi hỏi người nghệ sĩ phải dày công khổ luyện. Vậy mà, Eleanor Clapham đã hóa thân trọn vẹn vào những nhân vật ấy.
Nghệ sĩ Clapham là một trong những công dân nghệ thuật của Thành phố Canberra. Một thành phố khá yên tĩnh và quy tụ nhiều nhà hát lớn nhỏ của Australia. Đó là nơi mà tất cả các nghệ sĩ chuyên nghiệp và nghiệp dư, đều có thể thỏa sức tưởng tượng và trình diễn. Họ luôn cố gắng tìm tòi, sáng tạo những vở diễn thử nghiệm, mới lạ. Điều quan trọng là họ đều được công chúng hào hứng đón nhận, cổ vũ hoặc cảm thông. Clapham chia sẻ rằng, thầy giáo của cô là người “không bao giờ làm nguội lạnh ước mơ của bọn trẻ, dù cho đó chỉ là ước mơ tầm thường hay viển vông”. Lũ trẻ có thể mơ ước mọi thứ ngoài tầm với của mình mà vẫn được thầy chấp nhận và khuyến khích. Lên 10 tuổi, Clapham đã tự thành lập một đội hát kịch. Cô và nhóm bạn đã mang những con rối đi biểu diễn ở khắp các trường học địa phương.
Clapham sinh ra trong một gia đình yêu nghệ thuật. Bố đam mê âm nhạc, mẹ đam mê kịch nghệ, anh trai là đạo diễn và diễn viên, em trai học nghề diễn viên cùng trường với cô. Ngọn lửa đam mê kịch nghệ của Clapham đã được hun đúc từ gia đình. Ngọn lửa ấy đã được thổi bùng lên khi cô gặp người thầy dạy kịch đáng kính ở trường Radford. Thầy đã tin tưởng, giao cho cô những vai diễn trong các tác phẩm kinh điển như Rorencrantz và Guildenstern phải chết, hay The Little Shop of Horrors... Sau đó, cô tiếp tục theo học bằng Cử nhân Nghệ thuật biểu diễn, Trường Đại học Wollongong. Tại đây, cô đã gặp Viện sỹ Nguyễn Đình Thi (Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội). Đó là người đã làm thay đổi hướng rẽ của cuộc đời cô. Khi đó, ông đang bảo vệ văn bằng Tiến sỹ tại Wollongong. Trong một phần nghiên cứu nghệ thuật truyền thống Việt Nam, ông đã giới thiệu vở diễn “Từ thức gặp tiên”. Đây là vở diễn dựa trên một câu chuyện cổ tích dân gian Việt Nam. Vở diễn kết hợp giữa vũ đạo múa truyền thống với nghệ thuật múa võ dân tộc và âm nhạc đương đại. Clapham đã được mời tham gia và đã góp phần làm nên thành công cho vở diễn.
Sau lần đó, cô đã suy nghĩ nhiều và mong muốn tìm hiểu về nền nghệ thuật truyền thống của Việt Nam. Đúng lúc đó, nghệ sĩ Tạ Duy Bình đã giới thiệu cuốn băng diễn Tuồng của anh, đồng thời, mời cô tham gia vở diễn “Mười một vùng cảm xúc”. Đó là tác phẩm kết hợp giữa hai phong cách nghệ thuật của Việt Nam - Úc. Cô đã nhận lời tham gia vở diễn. Như người say cô đã “bước” từ Chèo sang Tuồng: “Tôi tìm thấy nhiều điều thú vị ở các vở Chèo và Tuồng cổ. Tôi cảm nhận được sự mềm mại, dẻo dai từ điệu múa và tưởng tượng ra lá cờ như những cánh chim...”.
Rồi cô gặp nghệ sĩ Đăng Lan (nghệ sĩ nổi tiếng một thời ở Việt Nam), người đã sống tại Úc 30 năm. Cô đã học hát Dân ca từ bà. Một thầy một trò nên chẳng bao lâu họ đã “hoà thanh tương ứng”, thành thục những bài hát dân ca Việt Nam. Dần dần họ trở thành niềm mong đợi của công chúng tại những buổi hoà nhạc từ thiện ở xứ sở Kangaroo.
* Ước mơ Việt Nam
Giờ đây, khi ngồi đối diện với “Xúy Vân phương Tây”, trước live show, tôi hỏi: Cô đã từng ước mơ điều gì trong sự nghiệp?
Clapham mỉm cười: Khi còn nhỏ, tôi luôn mơ ước sẽ đoạt giải Oscar, nhưng bây giờ… (cười, ngập ngừng).
Một nhà báo đón lời: Bây giờ ước mơ của cô là gì ?
Clapham cười duyên: Tôi muốn trở thành Nghệ sĩ Nhân dân Việt Nam (NSNDVN).
Câu trả lời của cô khiến chúng tôi quá bất ngờ.
Tôi hỏi: Cô có biết những tiêu chuẩn để thành NSNDVN không?
Vẫn nụ cười duyên dáng, Clapham đáp lời: Tôi chưa rõ lắm, nhưng mong rằng tình yêu nghệ thuật sẽ chỉ cho tôi.
Ước mơ Việt Nam của Clapham thật đáng trân trọng! Tuồng, Chèo là môn nghệ thuật sân khấu truyền thống mang tính học thuật, ước lệ và khái quát cao. Để có thể diễn được cả hai loại hình này, người nghệ sĩ chỉ biết hát thôi chưa đủ, mà phải hiểu về lịch sử cốt truyện, tích truyện của các vở diễn... để có thể hoá thân tốt nhất vào các nhân vật. Từ đó, mới lột tả được trạng thái diễn xuất của từng vai diễn. Công việc này đòi hỏi sự khổ luyện, ngay cả đối với những nghệ sĩ diễn bằng tiếng mẹ đẻ. Vậy nên, mới thấy đam mê, tinh thần học tập của Clapham thật đáng phục. Cô kể lại: phải học từ việc luyến láy từng câu chữ, sao cho hơi xuân khác với hơi ai, hay cách chuyển giọng từ ai sang oán... rồi thu âm lại lời dạy của giáo viên ở trên lớp và sử dụng nó với các băng mẫu để ôn luyện. Khổ nhất là lúc mới đến Việt Nam, cô chỉ biết một chút tiếng Việt, thầy cô giáo cũng không biết tiếng Anh, nên nhiều khi “cô nói gà, trò nghe vịt”… Nhưng chỉ sau một năm học tập, Clapham đã hát được những tác phẩm Chèo, Tuồng như: Trích đoạn Xuý Vân giả dại, Thị Màu lên chùa, Thị Kính vu quy, Trích đoạn Hồ Nguyệt Cô hoá cáo, Ngũ Biến, Dư Hồng xuống núi, Xuân Đào cắt thịt... Và cô đã múa được những điệu múa cờ, múa cung, múa kiếm cơ bản. Niềm đam mê, khát khao và sự dấn thân của Clapham, đã khiến nghệ sĩ Thanh Tuyết chẳng thể cầm lòng mà truyền hầu hết bí kíp nghề nghiệp cho cô. Clapham là người nước ngoài đầu tiên đã theo học hai môn nghệ thuật truyền thống Tuồng, Chèo và có thể biểu diễn chuyên nghiệp trên sân khấu Việt Nam. Sau quá trình học, Clapham đã phối hợp với các nghệ sĩ Việt Nam tổ chức một liveshow tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình này đã nhận được sự giúp đỡ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nhà hát Tuồng Trung ương, Nhà hát Chèo Việt Nam, và nhất là sự động viên của các thầy cô giáo Việt Nam.
Clapham chia sẻ: “Buổi biểu diễn được thực hiện trước khi tôi tiếp tục nghiên cứu sâu và rộng hơn nữa về các môn nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Tôi cũng hy vọng rằng, buổi biểu diễn sẽ góp phần khơi gợi lại niềm đam mê, thưởng thức nghệ thuật truyền thống Tuồng và Chèo trong giới trẻ Việt Nam”.
Clapham đã nhanh chóng trở thành một hiện tượng đặc biệt được nhiều báo, đài của Việt Nam “săn tìm”. Cô có chương trình riêng trên sóng truyền hình. Cô được mời tham gia biểu diễn tại Hội nghị APEC và hầu hết các chương trình nghệ thuật biểu diễn lớn, truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Quốc gia.
Trước khi về Úc nghỉ Lễ Giáng sinh cùng gia đình, cô đã lên kế hoạch sẽ quay trở lại miền Nam để học Cải lương, vào năm sau. Các nghệ sĩ trong đó đang sẵn sàng đợi cô. Clapham mong muốn được sáng tạo và đạo diễn những vở diễn cổ của Chèo, Tuồng, Cải lương, kết hợp với các bài dân ca Úc, nhằm tạo ra những tác phẩm nghệ thuật mang phong cách mới lạ, hấp dẫn: “Tôi muốn các mô - típ quen thuộc của nghệ thuật Tuồng, Chèo mang ý nghĩa mới và được sử dụng trong hoàn cảnh mới”. Bên cạnh đó, cô cũng dự định sẽ mở một công ty biểu diễn, chuyên tổ chức các chương trình nghệ thuật, kết hợp giữa các nghệ sĩ Việt Nam và các nghệ sĩ Úc. Công ty sẽ phối hợp tổ chức các tour lưu diễn thường xuyên trên thế giới, đặc biệt là ở các nước có nhiều người Việt sinh sống: “Tôi muốn quảng bá những loại hình nghệ thuật Tuồng, Chèo rất độc đáo với khán giả Úc và thế giới”. Xin chúc cho những dự định của Clapham sớm trở thành hiện thực. Điều đó, không chỉ giúp cho bản thân cô thành danh mà còn giúp cho Việt Nam có thêm cơ hội quảng bá nền văn hóa nghệ thuật truyền thống Tuồng, Chèo, Cải lương đến với đông đảo công chúng quốc tế.
P/s: Eleanor Clapham đã trở về Úc trong khi đang rất nổi tiếng ở Việt Nam. Sau đó, cuộc sống ở quê nhà đã khiến cô cảm thấy mất phương hướng, năm 2010, cô quyết định quay trở lại Việt Nam, tổ chức một liveshow “Trở về” và tuyên bố trở thành nàng dâu Việt Nam. Cô từng chia sẻ: “Tôi có cảm giác như kiếp trước tôi là người Việt Nam”. Cô có tên Việt Nam là Hoàng Lan.
TIN LIÊN QUAN
NSND Thu Hiền đã giữ vững được vị trí hàng đầu ở dòng nhạc chính ca trong suốt cuộc đời làm nghệ thuật của mình. Tiếng hát đằm thắm, mượt mà, giàu năng lượng đã đi qua thời chiến đến thời bình, 47 năm qua chị đã dành tặng khán giả hơn 30 album nhạc...
TS. Yen PlatzXEM NHIỀU NHẤT
(Nhà thiết kế thời trang La Hồng, Cộng hòa Áo)
TS. Yen PlatzChị Cao Thị Thương (Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Cao Hoàng) đã không ngừng học hỏi từ thầy, từ các đồng nghiệp, từ việc đọc các tài liệu chuyên ngành... để nghiên cứu, pha chế, chiết xuất ra nhiều loại dược phẩm làm đẹp từ thảo mộc. Chị đã pha chế thành công một số loại dược phẩm và đang được đưa vào sử dụng rộng rãi ở hàng chục spa (thuộc hệ thống của công ty) trên toàn quốc. Công ty của chị đã được chọn là đối tác chiến lược phân phối mỹ phẩm thảo dược của Mỹ tại Việt Nam.
TS. Yen Platz
BÌNH LUẬN