Cộng hòa Áo là xứ sở của những tòa lâu đài cổ kính và huyền bí, là nơi sản sinh những nhân vật lịch sử như thiên tài âm nhạc Mozart, nhà tâm lý học Sigmund Freud, nữ nhà văn Bertha von Suttner (giải Nobel Hòa bình) và nữ nhà văn Elfriede Jelinek (giải Nobel văn học)... cho đến hàng triệu công nhân "thấm đẫm" chất nghệ thuật. Chính họ đã tạo nên một Đế chế Áo hùng cường trong quá khứ, một nước Áo giàu tính nghệ thuật và bình yên trong hiện tại.
Ông Marcus Strohmeier, Trưởng ban Giáo dục-Văn hóa nghệ thuật, Tổng Liên đoàn Lao động Cộng hòa Áo
Ông Marcus Strohmeier, Trưởng ban Giáo dục, Văn hóa nghệ thuật, Tổng Liên đoàn Lao động Cộng hòa Áo (một trong 40 ứng cử viên Nghị sĩ Quốc hội Liên minh châu Âu năm 2009), chia sẻ kinh nghiệm về việc đưa văn hóa nghệ thuật đến với lực lượng công nhân Áo.
- PV: Thưa ông kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai đến những năm 1970, 1980 của thế kỷ trước, nước Áo đã chú trọng nhiều đến việc trang bị kiến thức văn hóa nghệ thuật cho tầng lớp công nhân, ngày nay công việc đó được được duy trì như thế nào?
Ông Marus Strohmeier: Như cô đã biết thì từ đầu Chiến tranh Thế giới thứ hai đến những năm 1970, 1980 của thế kỷ trước, nước Áo đã dành nhiều công sức, tiền của để trang bị những kiến thức văn hóa nghệ thuật cho tầng lớp công nhân. Điều này đã được quy định trong hoạt động của Công đoàn Áo. Người lao động, ngoài thời gian làm việc vất vả, cần phải có thời gian được nghỉ ngơi, phục hồi sức lao động. Họ phải được hưởng thụ những tác phẩm văn hóa nghệ thuật vừa mang tính giải trí, vừa nâng cao thẩm mỹ cho bản thân. Thập niên 80, nhiều nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ, nhà báo… đã được Chính phủ tạo điều kiện để tìm hiểu và sáng tác về tầng lớp công nhân. Thậm chí, Công đoàn đã khuyến khích công nhân viết bài đăng báo và xuất bản sách. Chúng tôi đã có một vài tờ báo, tạp chí dành riêng cho công nhân, nhưng đến thập niên 90, đặc thù này đã biến mất.
Hiện nay, theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì 80% công nhân không tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật; không đến bảo tàng, không đến nhà hát; Không tham gia các buổi triển lãm, giới thiệu sách… Các tờ báo dành riêng cho công nhân cũng bị xóa sổ. Những người làm nghệ thuật cũng không còn quan tâm, không xuống phân xưởng, nhà máy với công nhân.
- PV: Trước những khó khăn đó, Tổng Liên đoàn Lao động Áo đã có những giải pháp gì?
Ông Marus Strohmeier: Hàng năm, các hoạt động văn hóa nghệ thuật liên tục được diễn ra trên đất nước chúng tôi. Chi phí cho các hoạt động đó được lấy từ nguồn thuế của Chính phủ. Nguồn thuế đó chính là tiền thuế thu nhập của công nhân.Vậy tại sao họ không được hưởng thụ hay thậm chí không muốn hưởng thụ, "sản phẩm" mà họ đã trả tiền? Chính sự vô lý ấy, đã buộc chúng tôi phải tìm cách khôi phục các chính sách trước đây, trên cơ sở cải tổ cho phù hợp với tình hình xã hội hiện nay.
- PV: Xin ông cho biết cụ thể hơn về vấn đề cải tổ?
Ông Marus Strohmeier: Cuối năm 2007, chúng tôi đã khuyến khích công nhân viết về các vấn đề mới của xã hội như: khủng hoảng kinh tế toàn cầu; tệ nạn xã hội; ô nhiễm môi trường… Công đoàn đã hỗ trợ phần kinh phí tối thiểu, khuyến khích công nhân đến nhà hát, rạp chiếu phim, triển lãm… để thưởng thức và trao đổi các tác phẩm nghệ thuật. Kết quả là sau năm tháng đầu năm 2009, chúng tôi đã vận động được 2.000 công nhân tham dự đầy đủ mọi hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật trên lãnh thổ nước Áo.
Bên cạnh đó, Công đoàn còn hỗ trợ kinh phí cho hai công nhân xuất bản tác phẩm viết về xã hội Áo hiện thời. Đồng thời, chúng tôi cũng đã mời 20 công nhân tham dự hàng loạt các hoạt động về vấn đề "Phòng, chống tội phạm", tổ chức các hội nghị, tổ chức tham quan triển lãm, nghe các nhà văn (chuyên viết về tội phạm) nói chuyện... Sau đó, những công nhân này có hai tháng để suy nghĩ và viết một truyện ngắn về chủ đề này. Khi tác phẩm của họ hoàn thành, chúng tôi mời cảnh sát đến nói chuyện về chuyên môn. Dựa vào đó, các tác giả có thể kiểm nghiệm và chỉnh sửa phần kỹ thuật trong sáng tác của mình. Cuối cùng, chúng tôi xuất bản và tổ chức giới thiệu sách đến toàn thể công nhân Áo. Sau thành công đó, chúng tôi tiếp tục khuyến khích họ viết lại truyện bằng thứ tiếng Đức lóng (tiếng Đức địa phương) mà người công nhân thường hay sử dụng. Điều này tạo ra phong trào đọc sách, viết sách, bàn thảo tới vấn đề "Phòng, chống tội phạm"… rộng rãi trong công nhân.
- PV: Ngành cảnh sát Áo có trả thù lao cho các ông không? (cười)
Ông Marus Strohmeier: Việc nhận diện và phòng chống tội phạm đang là vấn đề nóng toàn cầu, mỗi công nhân là một cảnh sát cho riêng họ. Nếu đòi tiền công thì tôi phải đòi của cả lực lượng cảnh sát thế giới (cười).
- PV: Theo chúng tôi quan sát thì ở Áo thường có nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật là dành cho tầng lớp công chúng có thu nhập khá giả, liệu những người công nhân có cảm thấy thoải mái khi đến những nơi đó?
Ông Marus Strohmeier: Vì thế mà họ không bao giờ dám đi một mình đến nhà hát lớn, đến những buổi yến tiệc hay đại lễ… nếu chúng tôi không "cõng" họ đến, không "thủ thỉ mùi mẫn" vào tai họ hoặc "khích tướng" họ... Một hình thức khác mà chúng tôi cũng thường làm, đó là, tổ chức cho họ gặp gỡ các tác giả, nhà biên kịch... trước khi diễn ra buổi biểu diễn. Ví dụ, trước khi xem vở kịch của nhà văn Herry Mino (cô biết đấy, kịch của nhà văn này rất khó hiểu, thường chỉ dành cho giới trí thức), chúng tôi đề nghị họ đến rạp hát sớm hơn 1 giờ, để gặp gỡ, trò chuyện với nhà biên kịch. Khi đã có một chút thông tin và sự gợi mở về vở kịch thì họ hào hứng đón xem. Sau buổi tối hôm đó, chúng tôi vui vẻ đi uống bia cùng các công nhân xây dựng và nghe họ tranh cãi sôi nổi về vở kịch của Herry Mino.
- PV: Điều đó đã ảnh hưởng tích cực đến chất lượng công việc của họ?
Ông Marus Strohmeier: Chúng ta nên đặt câu hỏi ngược lại rằng: Văn hóa nghệ thuật được tạo ra để làm gì? Chức năng của văn hóa nghệ thuật là gì? Văn hóa nghệ thuật thúc đẩy con người sáng tạo hơn, làm cho tinh thần vui tươi hơn... Tôi đã từng tiếp xúc với giám đốc một hãng bia lớn ở Áo, ông ấy bảo: “Tại sao tôi phải trả tiền để đưa công nhân đến bảo tàng?” Tôi nói với ông ấy: Điều đó, thứ nhất là làm cho tinh thần của công nhân phấn chấn hơn, giúp họ có khả năng sáng tạo hơn; thứ hai là họ cảm thấy hài lòng hơn với công việc của mình đang làm; thứ ba, từ đó tạo sự gắn bó giữa họ với công ty. Những điều đó, giúp ích cho hoạt động sản xuất của ông chứ ?!". Sau cuộc nói chuyện đó, vị giám đốc đã đồng ý cấp kinh phí và huy động toàn bộ công nhân của công ty tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật, như đến nhà hát và tham dự các buổi triển lãm nghệ thuật...
- PV: Trong thời điểm khủng hoảng kinh tế toàn cầu như hiện nay, công nhân thì lo mất việc, doanh nghiệp thì lo sợ phá sản.. liệu sự thuyết phục của ông và Liên đoàn Lao động có phải lúc nào cũng khả thi không?
Ông Marus Strohmeier: Tôi cho rằng chính trong thời điểm khủng hoảng kinh tế như thế này, chúng ta càng cần phải tìm ra giải pháp, nhằm giảm bớt áp lực cho công nhân hơn là bắt họ phải lo lắng và sợ hãi. Chính các hoạt động văn hóa nghệ thuật giải trí sẽ làm được việc đó. 80% những cải tổ của chúng tôi được đón nhận đã là một thắng lợi lớn rồi.
- PV: Xin ông cho biết thêm về mức thu nhập bình quân của tầng lớp công nhân và vấn đề an sinh xã hội ở Áo?
Ông Marcus Strohmeier: Một công nhân bình thường ở Áo, có mức thu nhập trung bình là 1.300 Euro/1 tháng (số tiền thực chất là 1.800 Euro trừ đi các khoản thuế và an sinh xã hội...) thấp hơn công nhân Đức, nhưng lại được thụ hưởng chế độ an sinh xã hội cao hơn. Điều này là có sự góp sức đấu tranh tích cực của Tổng Liên đoàn Lao động Áo. 98% người dân Áo có sổ Bảo hiểm Y tế, không một người dân Áo nào "được quyền chết" vì không được khám, chữa bệnh. Cộng hòa Áo có nhiều trực thăng cứu thương cao nhất thế giới so với tổng số dân. Mười sáu chiếc trực thăng cấp cứu, bao phủ toàn bộ diện tích nước Áo. Trên nóc các bệnh viện lớn đều có sân đỗ trực thăng cứu thương. Hệ thống an sinh xã hội của chúng tôi gần như tốt nhất châu Âu.
- PV: Hôm nay là ngày Chủ nhật, tôi thấy các cửa hàng kinh doanh ở Áo hầu như đều đóng cửa?
Ông Marcus Strohmeier: Từ năm 1848 tổ chức Công đoàn Áo (khi đó mới chỉ là mạng lưới Công đoàn) đã đấu tranh để công nhân được nghỉ ngày Chủ nhật, nhưng mãi đến năm 1920, chúng tôi mới đạt được điều này. Ngày Chủ nhật, bố mẹ phải dành thời gian cho con cái. Họ cần phải được nghỉ ngơi vui vẻ bên nhau hoàn toàn. Hiện nay, Công đoàn Áo có 1.500.000 thành viên (trên tổng số 8.000.000 dân). 1.500 thư viện dành riêng cho tầng lớp công nhân. Ở đây, họ có thể tìm hiểu, truy cập tất cả các kiến thức về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật... của Áo và các nước trên thế giới. Công đoàn Áo được coi là một tổ chức mạnh nhất trong hệ thống Công đoàn ở châu Âu.
- PV: Có lẽ, bây giờ thì tôi đã phần nào hiểu được, vì sao mỗi công nhân Áo đều làm việc như những nghệ sĩ, mỗi công trình đều như những tác phẩm nghệ thuật?
Ông Marus Strohmeier: Khi những giá trị văn hóa nghệ thuật đã thẩm thấu vào đầu óc, vào trái tim thì không cứ là nghệ sĩ hay kiến trúc sư mà những người lao động bình thường cũng có thể "tiếp biến" chúng thành những sản phẩm nghệ thuật. Tôi cho rằng các công trình kiến trúc ở Áo phần nhiều được tạo nên từ trái tim biết yêu nghệ thuật của những người công nhân. Vì thế, chúng tôi không chỉ tạc tượng các thiên tài, các chính trị gia mà chúng tôi đã tạc tượng cả những người công nhân môi trường…
- PV: Trước đây, Việt Nam chúng tôi cũng có nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật dành cho tầng lớp công nhân, như tổ chức các cuộc thi sáng tác văn học dành cho tầng lớp công nhân, đưa các văn nghệ sĩ đi thực tế tại các vùng mỏ, nhà máy, nông trường để tìm hiểu và viết về cuộc sống của những người công nhân, xây dựng hình tượng người công nhân trong các tác phẩm phẩm văn học và đưa vào giảng dạy trong hệ thống các trường học...
Ông Marus Strohmeier: Tôi nghĩ là, mặc dù, điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội, chính trị… của Áo và Việt Nam là khác nhau, nhưng hoạt động Công đoàn thì luôn có mục đích chung, giống nhau, đó là, đều vì quyền lợi của tầng lớp công nhân. Ví dụ, tôi đã đến Cuba và tôi rất khâm phục cách làm của Công đoàn Cuba. Họ đã có 40 năm tổ chức các cuộc thi văn học nghệ thuật dành cho tầng lớp công nhân. Hàng năm, có khoảng 3.000 công nhân gửi bài dự thi cho Ban Tổ chức Công đoàn, sau đó, Ban Tổ chức biên tập các tác phẩm đó, in thành sách và phát lại cho công nhân. Chúng tôi biết là trong khi kinh phí dành cho Công đoàn còn hạn hẹp thì việc tổ chức được những cuộc thi như thế, đòi hỏi người lãnh đạo phải hết sức năng động, sáng tạo, để có thể tìm được các nguồn tài trợ... Tôi nghĩ là các bạn Việt Nam cũng có nhiều kinh nghiệm, chúng tôi rất muốn hợp tác với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thực hiện ngay một số công việc trong năm 2010 này, để cuối năm chúng ta sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau.
- PV: Xin cảm ơn ông luôn dành tình cảm cho Việt Nam. Chúng tôi hy vọng rằng, trong tương lai, Tổng Liên đoàn Lao động giữa hai nước sẽ có nhiều chương trình hợp tác thiết thực và thành công. Xin chúc ông luôn hạnh phúc bên cạnh người vợ Việt và những thiên thần của mình.
TIN LIÊN QUAN
Sáng 19-8, Liên đoàn Taekwondo Việt Nam (VTF) đã tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần 6 tại TP.HCM. Kết quả, ông Trương Ngọc Để lần thứ 3 liên tiếp được bầu làm chủ tịch VTF.
TS. Yen PlatzXEM NHIỀU NHẤT
(Nhà thiết kế thời trang La Hồng, Cộng hòa Áo)
TS. Yen PlatzChị Cao Thị Thương (Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Cao Hoàng) đã không ngừng học hỏi từ thầy, từ các đồng nghiệp, từ việc đọc các tài liệu chuyên ngành... để nghiên cứu, pha chế, chiết xuất ra nhiều loại dược phẩm làm đẹp từ thảo mộc. Chị đã pha chế thành công một số loại dược phẩm và đang được đưa vào sử dụng rộng rãi ở hàng chục spa (thuộc hệ thống của công ty) trên toàn quốc. Công ty của chị đã được chọn là đối tác chiến lược phân phối mỹ phẩm thảo dược của Mỹ tại Việt Nam.
TS. Yen Platz
BÌNH LUẬN