Tôi không thể đồng cảm sâu sắc với nhà văn Nguyễn Khắc Phục về nỗi niềm “Đại đoàn kết dân tộc”; về việc cố gắng tìm kiếm những khuất lấp của các triều đại; về quan niệm “Tinh thần Diên Hồng vừa là động lực văn hóa, vừa là vũ khí vĩ đại nhất của người Việt Nam để dựng nước và giữ nước” ... nếu như tôi chưa từng thiên di xa Tổ quốc.
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục (Nguồn ảnh: Internet)
* Bóng dáng một nhà triết học
Khi biết tin nhà văn Nguyễn Khắc Phục - cha đẻ của trường thiên tiểu thuyết Kinh đô rồng (1), Một mất một còn (2), Thời Vàng son (3)... đã “lên tàu” về cõi khác, kỉ niệm trong tôi bỗng ùa về. Một ông già tóc bạc như cước. Nụ cười hiền từ. Ánh mắt tinh anh. Tấm lòng độ lượng, luôn đau đáu sự đời. Một nhà văn đa tài, có sức làm việc bề bỉ, đáng kính nể. Ông đã phải trả “học phí bằng máu” cho hàng ngàn trang viết, cuối cùng nhận được “tấm vé thông hành”, với dòng chữ “Ung thư phổi”. Mặc dù, tôi biết ông đã “đặt vé” cho chuyến tàu ấy từ lâu rồi, chỉ là để trống ngày mà thôi, nhưng tim tôi vẫn thắt lại. Báo chí đưa tin về ông: “Vua kịch bản lễ hội” Nguyễn Khắc Phục qua đời vì ung thư phổi”, “Nguyễn Khắc Phục: Sống để viết”, “Ông vua kịch bản” không chiến thắng được “kịch bản số phận”... Kèm theo là những bình luận của độc giả, với những lời biết ơn, tiếc nuối và cả những dè bỉu “rất đời”: Độc giả SN: “Chụp hình còn cầm điếu thuốc trên tay thì không bị ung thư phổi sao được. Đó cũng là bài học cho mọi người´´. Độc giả PVB: “Đây là một nhà văn có tài. Tác giả của Hoa muống biển những năm đầu chiến tranh phá hoại trên miền Bắc. Thật tiếc một tài năng sớm ra đi vì có lẽ tác phẩm hay nhất của ông vẫn còn ở phía trước...”. Độc giả Biển: “Nha Trang đẹp nhưng lại ít được chọn làm phông không gian nghệ thuật một cách đầy đặn cho phim ảnh. Tôi nhớ “Sơn ca trong thành phố” như là nhớ đến một tác phẩm điện ảnh, cho dù là phim đen trắng, đã đưa sắc vóc phố biển đến với rộng rãi công chúng. Nha Trang luôn ghi giữ tấm tình mà nhà văn Nguyễn Khắc Phục đã dành cho qua bộ phim ấy. Tôi, một người dân Nha Trang, xin chân thành tiễn biệt ông…
Thức khuya, quên ăn, làm việc cật lực, uống rượu, hút thuốc... là “bạn chí cốt” của những người thành công và nổi tiếng, không riêng gì nhà văn Nguyễn Khắc Phục. Hơn nữa, vấn đề thực phẩm bẩn, ô nhiễm môi trường, cũng là những tác nhân gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Thành phố mà ông đã gắn bó cả thể xác lẫn tâm hồn: “Có ngày chỉ số AQI lên đến 388 - mức ô nhiễm cao nhất trên thang đánh giá. Nồng độ bụi mịn PM 2,5 cao gấp 3 lần mức khuyến cáo theo quy chuẩn quốc gia, gấp 7 lần khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới”[1]. Điều này, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của ông. Tôi bần thần tiếc nuối giá như môi trường trong lành hơn, giá như thực phẩm sạch sẽ hơn, giá như, giá như... biết đâu, ông sẽ có thêm thời gian hoàn thành những việc còn đau đáu, thêm thời gian thức dậy mỗi sáng với người phụ nữ ông yêu, thêm thời gian chứng kiến các con của mình trưởng thành...
Ngày nhà văn Nguyễn Khắc Phục (là sếp và là thầy của tôi) qua đời (69 tuổi) cũng là ngày chúng tôi hồi hộp theo dõi cuộc tranh cử Tổng thống, của vị giáo sư 72 tuổi, Van Der Bellen (là sếp và thầy của chồng tôi). Ông ấy ho khan vài tiếng, nhưng có lẽ không phải do ô nhiễm môi trường (!). Tôi ngậm ngùi suy ngẫm, ở tuổi 72, giáo sư Van Der Bellen vẫn có cơ hội nhóm lên “ngọn lửa” Đoàn kết quốc tế, cho hàng triệu người dân Áo (đặc biệt là giới trẻ). Ở tuổi 69, nhà văn Nguyễn Khắc Phục đã phải dừng lại, với nỗi niềm đau đáu về “văn hóa Diên Hồng”. Nhưng có lẽ tư tưởng của ông trong (theo thống kê chưa đầy đủ): 12 cuốn tiểu thuyết, 100 kịch bản sân khấu, kịch bản phim nhựa, phim tài liệu, phim truyền hình, hàng trăm bức tranh, thơ, hàng chục kịch bản lễ hội... sẽ sống mãi trong lòng công chúng. Ông cũng đã được xã hội ghi nhận bằng hàng loạt các giải thưởng như: Huy chương Vàng cho kịch bản văn học - phim “Bọn trẻ” tại Liên hoan phim quốc tế Á- Phi (1994); Giải thưởng Nhà nước cho các tác phẩm sân khấu (năm 2007), và nhiều giải thưởng khác, của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Bộ Quốc Phòng..; Điều cao quí nhất, đó là, ông đã có được đông đảo và đa dạng các đối tượng công chúng.
Vậy nên, khi chúng ta ngẫm thật sâu, suy thật rộng, thì thấy rằng, dù được sống trong môi trường trong lành hay bị ô nhiễm, người trí thức chân chính, ở đâu cũng vậy, vẫn cứ đắm say và “thổ huyết” với mảnh đất mà mình gắn bó. Vẫn cứ hết lòng với lý tưởng dân tộc...
Một người bạn cùng chiến trường xưa với ông, đã viết: “Nhà văn Nguyễn Khắc Phục đã hiến dâng tất cả - tài năng và sức lực cho tới hơi thở cuối cùng cho đất nước và nhân dân”.
Một số báo chí, truyền thông mệnh danh ông là “Vua kịch bản lễ hội”. Riêng tôi, thiển nghĩ, khi chúng ta, liên kết (link) tất cả các mảng sáng tác: từ tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch bản sân khấu, kịch bản phim truyện, kịch bản phim tư liệu, kịch bản lễ hội, thơ, tranh vẽ... của ông lại, sẽ hiện lên bóng dáng của một nhà triết học.
* Một tấm lòng nhân ái
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục là một “cây đa, cây đề” trong làng văn. Ông “nổi đình, nổi đám” với cả chục kịch bản lễ hội, thế mà đã có lúc tôi “ngây thơ” chê ông:
- Chú ơi, người ta đang tung hô chú như ông vua viết kịch bản lễ hội, nhưng cháu nghĩ, sức chú nên viết những kịch bản phim, chinh phục công chúng quốc tế, hơn là những kịch bản hội hè, đình đám ạ”. - Nói đến đó, tôi ngừng lại.
- Cháu cứ nói đi: - ông bảo.
- Cháu vừa xem phim “Triệu Phú khu ổ chuột”, của đạo diễn Danny Boyle (Anh), chuyển thể từ tiểu thuyết Q&A của tác giả Vikas Swarup (Ấn độ). Bộ phim giành 8 giải Oscar (năm 2009). Chất liệu phim rất đơn giản, chân thực, nhưng nó đã chạm tới hàng triệu trái tim, chú đã xem chưa ạ? Cháu thấy chất liệu ở nước mình có khi còn phong phú hơn thế nhiều chú nhỉ”.
Ông im lặng. Lúc đó, tôi nghĩ là mình đã lỡ lời. Khoảng hơn một phút sau, ông nói:
- Cháu nói đúng, chất liệu ở nước mình không thiếu. Khu ổ chuột cũng nhiều. Bọn trẻ con lang thang gầm cầu, xó chợ cũng nhiều. Viết không khó. Ừ để chú xem...
Ông nói đến đó, khiến tôi giật mình. Bởi vì, chính ông cũng đang trải qua những tháng ngày thuê trọ, khi thì khu ổ chuột, lụp xụp, khi lại là những nơi sang trọng, đủ cả. Nhưng dù ở hoàn cảnh nào, ông vẫn cứ tha thiết với cuộc đời, vẫn cứ yêu thương chân thành, làm từ thiện và sáng tác như “lên đồng”.
Có lần, ông đã dành toàn bộ nhuận bút kịch bản “Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam” để tặng các cháu nhỏ dân tộc ít người Rơmăm. Ông dặn bạn bè ở Hội Văn nghệ Kon Tum: “Với tôi, 39 triệu đồng là cả một gia tài, nhưng các vị không được nói là tôi giúp các em mà phải nói thế này: Có một ông già ở.
vùng xuôi, bây giờ con cái lớn rồi, ông sống bằng lương hưu đủ rồi, và lần này ông làm thêm được một ít tiền, ông gửi biếu các cháu bé ở làng Le, Kon Tum là nơi chiến trường trước đây ông từng công tác”.
Tôi may mắn được làm việc và tham vấn ông, từ khi ông về làm Phó giám đốc Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam. Thỉnh thoảng ông cử tôi lên Thư viện quốc gia, chọn lọc tư liệu cho những bộ phim mà ông viết kịch bản. Tôi thường phân loại các tài liệu mục tiêu và tài liệu liên quan (có thể ông không cần tới). Lúc đầu, ông tỏ chút ngạc nhiên, nhưng sau khi nghe tôi trình bày, ông thường mỉm cười, lẩm bẩm: “con bé này được”. Thời gian sau, tôi chuyển sang báo Văn nghệ. Ông không ngăn cản, mà nhẹ nhàng bảo: “Đất bên đấy dữ lắm. Chú biết! Nếu cháu không ở bên đấy được thì về lại Hãng, về với các chú cháu ạ”. Chuyện “đất dữ” ở báo tôi, trong giới văn chương, hầu như ai cũng biết. Một con bé, học kinh tế, yêu văn chương, vừa mới ra trường, không phải con ông cháu cha như tôi, mà “dám ngồi ở mâm các cụ” thì thật không ổn. Có lần, một nhà văn đã không giấu giếm thái độ, khinh khỉnh nói với tôi như vậy. Lúc đó, nghĩ đến lời ông dặn, tôi lại ứa nước mắt.
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục luôn đối xử chân tình và tôn trọng lũ trẻ mới vào nghề như chúng tôi. Viết được chỗ nào, yếu chỗ nào, ông đều nói đến nơi, đến chốn. Ông thường khuyến khích chúng tôi bằng câu chuyện: “Mẹ chú không biết chữ nhưng bà cho chú cả một kho đồng dao, ca dao tục ngữ mà người biết chữ chưa chắc đã có được. Viết văn hay không phải chỉ giỏi chữ đâu cháu ạ...”. Một lần, tôi nhờ ông đọc bản thảo tập truyện ngắn đầu tay. Mặc dù, rất bận nhưng ông đã đọc và chỉ ra những điểm mạnh, điểm yếu cho tôi. Ông không chỉ góp ý một cách chân thành, đầy trách nhiệm, mà còn cẩn thận viết lời bạt và tham dự buổi tọa đàm ra mắt sách của tôi... Đối với tôi, ông là một người thầy lớn.
Lần khác, ông chuyển cho tôi kịch bản phim truyền hình “Nữ vệ sĩ” và bảo: “Chú thấy cháu rất hợp với bộ phim này. Cháu đến đài thử vai nhé”. Câu chuyện kể về cuộc đời một nữ võ sỹ, luôn đau đáu tinh thần chiến đấu vì màu cờ sắc áo quốc gia; một tâm hồn nhạy cảm, yêu văn chương... Tôi không tự tin nên đã giới thiệu cho mấy nữ võ sỹ khác. Bẵng đi, vào một buổi sáng, khi tôi đang dạy võ ở nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức, thì đạo diễn LL xuất hiện. Ông đề nghị tôi đến thử vai. Vì ông vẫn chưa chọn được được nhân vật chính. Thế là, tôi đánh liều một phen. Không ngờ, sau khi thử vai, cả đạo diễn LL và diễn viên TH (người đóng thử với tôi) đều chọn tôi. Họ cho tôi gặp một số công ty vệ sĩ, để học hỏi nghiệp vụ. Nhưng sau đó, vì lý do công việc, tôi đã xin dừng lại.
* Buổi gặp gỡ cuối cùng
Tôi không thể đồng cảm sâu sắc với ông về nỗi niềm Đại đoàn kết dân tộc; về việc cố gắng tìm kiếm những khuất lấp của các triều đại; về quan niệm
“Tinh thần Diên Hồng vừa là động lực văn hóa, vừa là vũ khí vĩ đại nhất của người Việt Nam để dựng nước và giữ nước”... nếu như tôi chưa từng thiên di xa Tổ quốc; nếu như tôi chưa từng có cơ hội suy ngẫm, lật dở những điều ông nói, ông viết khi ở xa; nếu như tôi chưa từng có dịp trở về - tham dự những sự kiện lớn, dành cho kiều bào... mà ở đó (các kịch bản lễ hội) in đậm dấu ấn tinh thần của ông.
Đầu năm 2016, tôi cùng nhà văn Văn Giá, nhà báo Hằng Nga đến thăm ông. Chúng tôi mạo muội mời một lương y bấm huyệt (khá nổi tiếng) đi cùng, với thiện ý thăm bệnh cho ông. Lúc đầu, ông và gia đình không tin tưởng, vì ông đã chữa trị đủ cách rồi. Đủ các bậc quí nhân trong nam, ngoài bắc, đã tìm thầy, tìm thuốc cho ông rồi. Thế nhưng sau hơn một giờ, lương y khai huyệt cho ông, ông khoan khoái bước ra phòng khách và bảo sẽ theo phương pháp này (nhưng sau đó ông lại không tiếp tục). Lúc đó, chúng tôi nảy ra ý định tổ chức triển lãm tranh cho ông. Phân công nhau, người chịu trách nhiệm tìm địa điểm, người phụ trách vận chuyển tranh, người phụ trách báo chí... Tôi thấy mắt ông cười. Miệng ông nhấn nhá “đợi sau xuân sẽ tính”.
Giờ thì, mùa hạ đã về. Cây cối đã xanh mướt, sau vài tháng ngủ vùi trong tuyết. Tự nhiên, tôi bần thần nghĩ đến ông (hơn12h trưa, ngày 20/5/2016), định bụng sẽ trao đổi với ông một kịch bản phim truyện về Liên minh Châu Âu. Tôi ngồi vào bàn, mở máy tính, một dòng tin hiện lên như điện giật: “nhà văn Nguyễn Khắc Phục vừa từ trần sáng nay” (lúc 3g45 ngày 20/5/2016).
Vậy là ngày Giáo sư Van Der Bellen trúng cử Tổng thống cũng là ngày nhà văn Nguyễn Khắc Phục về cõi trời. Kể từ hôm nay, hai ông già sẽ bắt đầu hai hành trình mới, điều chưa từng xảy ra trong cuộc đời họ. Bỗng nhiên, tôi tin rằng, ông chỉ “Bay qua cõi chết” để trải nghiệm và tìm kiếm chất liệu, rồi ông sẽ trở về, trong một hình hài và một tầm vóc khác. Nhất định ông sẽ về, bởi những cậu bé khu ổ chuột, khu gầm cầu xó chợ vẫn đang mong đợi để trở thành “những triệu phú tâm hồn”.
TIN LIÊN QUAN
Lễ Kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống là một dịp đặc biệt để nhìn lại chặng đường đã qua rất đáng tự hào của Viện Báo chí dựng xây và phát triển là dịp các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên gặp mặt, giao lưu, chia sẻ.
TS. Yen PlatzXEM NHIỀU NHẤT
(Nhà thiết kế thời trang La Hồng, Cộng hòa Áo)
TS. Yen PlatzChị Cao Thị Thương (Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Cao Hoàng) đã không ngừng học hỏi từ thầy, từ các đồng nghiệp, từ việc đọc các tài liệu chuyên ngành... để nghiên cứu, pha chế, chiết xuất ra nhiều loại dược phẩm làm đẹp từ thảo mộc. Chị đã pha chế thành công một số loại dược phẩm và đang được đưa vào sử dụng rộng rãi ở hàng chục spa (thuộc hệ thống của công ty) trên toàn quốc. Công ty của chị đã được chọn là đối tác chiến lược phân phối mỹ phẩm thảo dược của Mỹ tại Việt Nam.
TS. Yen Platz
BÌNH LUẬN