NSND Thu Hiền (Nguồn ảnh: Internet)
Mười tuổi, Thu Hiền đã được theo chân các nghệ sĩ trong Đoàn nghệ thuật Liên khu V để học ca kịch bài chòi và bốn năm sau được cử vào phục vụ tuyến lửa khu IV. Tuổi niên thiếu của chị đã hát trong bom đạn, hát trên mâm pháo, hát dưới những địa đạo, hát cho quân dân miền Trung khói lửa và hát cho cả những tử sĩ bên sông…
- PV: Trong tác phẩm “Nhớ về Quảng Trị” có câu “nơi mối tình đầu tôi đã đánh rơi”, nhiều lần hát đến đó, đồng nghiệp đã thấy chị khóc, có lẽ nào nơi đó lớn hơn một mối tình...?
- NSND Thu Hiền: Năm 1968, lần đầu tiên tôi đặt chân đến Quảng Trị. Đạn vãi ở Cửa Việt như vãi gạo. Tình cờ tôi gặp một anh bạn, hơn tôi nhiều tuổi học Trường Đại học Quân sự. Anh trêu: “Ngày xưa tao thích mày lắm”. Tôi chẳng vừa, đã trêu lại: “Sao anh không nói với em”… Không ngờ, khi tôi quay lại Cửa Việt, cả đơn vị anh đã hy sinh, sau một trận pháo kích của địch. Sau đó, tôi được một nhạc sĩ đưa cho ca khúc “Nhớ về Quảng Trị”. Trong bài hát có câu: “Nơi mối tình đầu tôi đã đánh rơi…”. Tôi đã oà khóc nức nở khi hát đến câu đó. Đó là những năm tháng không thể nào quên trong cuộc đời ca hát của tôi. Đối với tôi bây giờ, mảnh đất đó lớn hơn một mối tình.
- PV: Chị không sinh ra ở miền Trung nhưng lại rất thành công với các ca khúc, từ dân ca đến tân nhạc mang âm hưởng Trung bộ như: Quảng Bình quê ta ơi, Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh, Câu hò bên bờ Hiền Lương, Tiếng hò trên đất Nghệ An, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ… ?
- NSND Thu Hiền: Vâng, tôi không sinh ra ở miền Trung nhưng đã có một mối tình đầu ở nơi khói lửa ấy. Nơi bom rơi, đạn nổ, nơi người dân oằn mình trồng khoai sắn trên những trảng cát rát bỏng… để nuôi sống thế hệ chúng tôi. Nơi ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi, nuôi dưỡng những cảm xúc nghệ sĩ trong tôi. Tôi đã được theo chân các chiến sĩ trên khắp mặt trận Quảng Trị và tôi may mắn đã để lại tiếng hát trên bầu trời đó. Bây giờ, trời đã xanh hơn và cây cũng rất nhiều hai bên cung đường ấy. Tôi vẫn thường khóc thầm mỗi khi ngồi trên tàu vút qua rẻo đất miền Trung. Tôi mong ước một ngày gần nhất sẽ được theo chân một đoàn bộ đội, hành quân quay lại đường Chín, dốc Miếu, đường Bảy, đường Khe Sanh...
- PV: Thưa chị, tôi hiểu tâm trạng của chị, cũng sắp đến ngày Kỷ niệm 50 năm đường Trường Sơn rồi, có lẽ sẽ có một đoàn quân mời chị cùng đi...?
- NSND Thu Hiền: Vâng, tôi vẫn đang chờ.
-PV: Album “Lời ca dâng Bác” là một chuỗi ca khúc tóm lược về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ khi sống cho đến lúc qua đời, việc này giúp chị nhìn lại chặng đường nghệ thuật đã hát những ca khúc về Người?
- NSND Thu Hiền: Các ca khúc viết về Bác đều rất cảm động, nhiều nghệ sĩ đã thể hiện rất thành công nhưng chưa có ai phát hành album. Tôi phải cảm ơn Vietnamnet đã giúp đỡ tôi hoàn thành album này. Trong đó là những ca khúc thể hiện tấm lòng chung của mọi miền đất nước khi nghĩ về Bác. Album này như một món quà nhỏ, tôi góp cùng các nghệ sĩ để kính dâng lên Người.
- PV: Thưa chị, khi hát các ca khúc về Chủ tịch Hồ Chí Minh thì điều gì là khó nhất?
- NSND Thu Hiền: Ngoài việc người nghệ sĩ phải có kỹ thuật cao, thì cần nhất đó là sự rung cảm từ tấm lòng. Phải hiểu rõ chất liệu, màu sắc, thổ ngữ, âm ngữ, cách luyến láy… của từng ca khúc ở từng vùng miền. Hát từ Làng Sen thì chất giọng phải dung dị khác với hát từ Việt Bắc. Khi hát “Đôi dép Bác Hồ” thì giọng phải trong, cao. Hát từ Đồng Tháp Mười “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” thì phải trải rộng, hào sảng chất Nam Bộ. Hát từ Nghệ An thì phải trữ tình, sâu lắng... Người nghệ sĩ phải thể hiện như thế nào để cho thế hệ sau nghe mà xúc động, mà hình dung ra tấm lòng của nhân dân trên khắp mọi miền đất nước khi hướng về Bác, hình dung ra vị cha già vĩ đại của dân tộc với tình cảm yêu mến và tôn kính nhất.
- PV: Hơn 40 năm qua mà chất giọng của chị vẫn giữ được sự đằm thắm, mượt mà, giàu năng lượng... như thách thức thời gian?
- NSND Thu Hiền: Bây giờ tôi ít xuất hiện trên sân khấu, bởi tôi biết đâu là “sân” của tôi. Tôi rất yêu con đường mà tôi đã chọn, chỉ ngậm ngùi là mình không còn trẻ nữa để được “bùng cháy” lên thôi (cười). Nhưng dẫu sao tôi vẫn là người may mắn, bởi vì, tôi còn sức khoẻ và sự yêu nghề vẫn luôn sôi lên trong tôi. Ngay cả lúc này, khi tôi đã bước vào tuổi năm mươi tám rồi, tôi vẫn luyện thanh mỗi sáng, chiều nghe đĩa và lên Hãng phim Trẻ tìm kiếm những bài hát phù hợp với chất giọng để làm album theo chủ đề vùng miền. Tôi vừa hoàn thành Album “Những tình khúc quê hương” của hai nhạc sĩ Phạm Duy và Hoàng Thi Thơ. Tôi cũng đang tiếp tục chuẩn bị các ca khúc về xứ Huế cho album “Huế xưa và nay”. Dù đất nước đang bước vào công cuộc phát triển mạnh mẽ, nhiều dòng nhạc nhẹ lên ngôi, nhưng tôi tin, nhạc truyền thống, dòng nhạc chính thống - linh hồn của người Việt vẫn còn đó, vẫn sống và đợi con cháu tìm về, nếu như ai đó đã lỡ lãng quên.
- PV: Chị có suy nghĩ gì, khi thời đại công nghệ truyền thông, công nghệ lăng xê hiện nay đã giúp nhiều ca sĩ “có chất giọng tạm ổn” nhanh chóng trở thành “ngôi sao”?
- NSND Thu Hiền: Thời của chúng tôi đã cách xa thời của các bạn trẻ 8X, 9X, nên so sánh điều gì cũng là khập khiễng. Nhưng theo tôi, trong nghiệp cầm ca có một điều tối quan trọng không thay đổi, đó là, tài năng và sự đam mê công hiến. Công nghệ có thể tạo nên một ngôi sao rất nhanh chóng, nhưng nếu không có tài năng và sự rèn luyện thì ngôi sao đó cũng nhanh chóng lụi tắt. Tôi hơi “ngậm ngùi” vì hiện nay rất ít các bạn trẻ quan tâm và hết mình với dòng nhạc dân tộc cả trong thanh nhạc và sáng tác. Nghệ thuật đích thực không phải là thứ nhất thời, càng không thể đo bằng tiền. Nó phải là một quá trình lâu dài, cần tới sự khổ công của người nghệ sĩ. Chỉ những người tài năng và nghiêm túc với nghề mới được nghề “trả công” xứng đáng.
- PV: Chị nghĩ như thế nào về quan điểm của nhà văn Murakami rằng: “Nghệ sĩ đích thực là người phải biết lắng nghe mình hát”?
- NSND Thu Hiền: Hát lần đầu là hát cho chính mình nghe, bởi vì mình mà cảm thụ được tác phẩm thì mới được khán giả chấp nhận. Hát lần cuối cũng là cho chính mình nghe, như thế để kiểm nghiệm lại bản thân và cũng là tôn trọng chính mình, tôn trọng đồng nghiệp và tôn trọng khán giả. Thời trẻ khi cầm một bản nhạc trên tay, tôi có thể say mê hát ngay, hát trên đường hành quân, hát trên công trường, hát trước đám đông không cần phải chuẩn bị gì cả, nhưng bây giờ mỗi khi ra một album tôi phải nghe đi nghe lại rồi mới cho phát hành.
- PV: Tính đến thời điểm này, chị đã cho ra đời hơn ba mươi album nhạc và đều do các nhà sản xuất đặt hàng. Mỗi album mang một sắc thái khác nhau và đã để lại ấn tượng sâu đậm cho người nghe. Chị có dự định làm một liveshow xuyên Việt không ?
- NSND Thu Hiền: Tôi được sinh ra trong một gia đình có ba đời theo nghệ thuật ca hát. Bà tôi, mẹ tôi đã để lại giọng hát cho tôi. Mỗi người chọn một cách riêng để lưu lại giọng hát trên dương thế, còn tôi, tôi chọn cách để lại giọng của mình chứ không chỉ để lại bóng hình.
- PV: Xin cảm ơn NSND Thu Hiền. Xin chúc chị luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và tràn đầy năng lượng để cống hiến cho công chúng, cho sự nghiệp.
TIN LIÊN QUAN
Ngày 10/4/2022 (tức ngày 10/3 âm lịch), Ban Dự án Ngày Tổ quốc Việt Nam toàn cầu, Trung tâm Liên văn hóa, Khoa học và Truyền thông quốc tế phối hợp với các cá nhân, đơn vị, tổ chức. Các hiệp hội, cộng đồng kiều bào và bạn bè quốc tế đến từ hơn 30 quốc gia trên thế giới tổ chức trực tuyến: “Ngày Tổ quốc Việt Nam toàn cầu 2022 - Giỗ Tổ và Tôn vinh con cháu Vua Hùng trên toàn cầu”.
TS. Yen PlatzXEM NHIỀU NHẤT
(Nhà thiết kế thời trang La Hồng, Cộng hòa Áo)
TS. Yen PlatzChị Cao Thị Thương (Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Cao Hoàng) đã không ngừng học hỏi từ thầy, từ các đồng nghiệp, từ việc đọc các tài liệu chuyên ngành... để nghiên cứu, pha chế, chiết xuất ra nhiều loại dược phẩm làm đẹp từ thảo mộc. Chị đã pha chế thành công một số loại dược phẩm và đang được đưa vào sử dụng rộng rãi ở hàng chục spa (thuộc hệ thống của công ty) trên toàn quốc. Công ty của chị đã được chọn là đối tác chiến lược phân phối mỹ phẩm thảo dược của Mỹ tại Việt Nam.
TS. Yen Platz
BÌNH LUẬN