Chuyên gia Jason Picard là người Mỹ gốc Do Thái. Từ năm 1996, anh đã tiến hành nghiên cứu lịch sử Việt Nam thông qua lăng của kính văn học. Anh chia sẻ: “Văn học thường phản ánh rõ nét về một thời kỳ của xã hội, vì thế, nghiên cứu lịch sử thông qua lăng kính văn học là niềm say mê của tôi”.
Chuyên gia Jason Picard đang tìm hiểu về văn hóa trầu cau của Việt Nam
- PV: Vì sao anh đã chọn nghiên cứu lịch sử Việt Nam thông qua lăng kính văn học?
Chuyên gia Jason Picard: Tôi đang là nghiên cứu sinh Ngành Sử học châu Á, Trường Đại học Brekly, Mỹ. Đối với một người nước ngoài, muốn trở thành một nhà Việt Nam học thì phải học tất cả mọi thứ. Học về sử học thì phải biết về văn hoá, văn học, nhân học, ngôn ngữ, phong tục, tập quán… Tôi thấy một điều rất đặc biệt của người Việt Nam, thậm chí, cả những người ở trình độ giáo dục thấp mà cũng biết về thơ ca, hò, vè... Trong một cuộc hội thoại với bất kỳ người dân Việt Nam nào, bạn cũng dễ nhận thấy là họ sẽ dùng những từ, những nhân vật trong các tích truyện để so sánh, để ví von, hoặc những câu tục ngữ, câu ca dao… mang tính chất văn học. Đây là một điều rất thú vị. Nếu tôi nghiên cứu văn học Việt Nam thì ít nhất tôi cũng phải biết Thị Nở là ai, Chí Phèo là ai, Bá Kiến là ai, Sở Khanh là ai…Văn học thường phản ánh rõ nét về một thời kỳ của xã hội, vì thế, nghiên cứu lịch sử thông qua lăng kính văn học là niềm say mê của tôi.
- PV: Trong quá trình tìm kiếm tư liệu, anh đã gặp những thuận lợi và khó khăn gì?
Chuyên gia Jason Picard: Để phục vụ cho hai đề tài nghiên cứu Lịch sử và Văn học, thì ngoài việc tìm hiểu các tư liệu ở Viện Văn học Việt Nam, tôi đã có những chuyến đi và sống thực tế ở các vùng nông thôn, miền núi, thị trấn, thành phố... để hiểu, để thu lượm các kiến thức văn hoá, phong tục, tập quán của mỗi vùng miền. Thuận lợi nữa là tôi nghiên cứu văn học của các bạn trên chính đất nước các bạn, nên được đọc nhiều tác phẩm phản ánh đời sống, xã hội và những biến đổi của con người. Đồng thời, được gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với các tác giả hiện đại, đã giúp tôi hiểu rõ hơn những điều họ viết. Còn khó khăn, chúng ta đang sống trong thời kỳ hiện đại, nên việc tìm hiểu những tác phẩm giai đoạn trước cũng gặp nhiều khó khăn. Mặc dù, tôi thường gặp gỡ với các nhà văn, nhà lý luận phê bình, họ thường đề cập với nhau về những tác phẩm mới, thậm chí là tôi chưa được nghe bao giờ. Chỉ trong một thời gian, tôi vừa phải tìm hiểu những tác phẩm quá khứ, vừa phải theo kịp với dòng mới (truyện mới, tiểu thuyết mới…) thì cũng rất khó.
- PV: Anh lựa chọn nghiên cứu giai đoạn nào của nền văn học Việt Nam?
Chuyên gia Jason Picard: Tôi chọn nghiên cứu hai giai đoạn, đó là, Giai đoạn văn học 1930-1945 và Giai đoạn văn học hiện đại (sau 1945 đến nay). Vì đây, chính là hai giai đoạn có nhiều biến động của nền văn học Việt Nam: Trước những năm 30, văn học Việt Nam chỉ có thơ, chưa có tiểu thuyết và truyện ngắn. Tiểu thuyết Việt Nam đầu tiên có tên là “Tố Tâm” của nhà văn Hoàng Ngọc Phách, đã được in trên Báo Phong hoá của Nhất Linh và Thanh Hương. Vì vậy, giai đoạn từ năm 1930 - 1945, các nhà văn Việt Nam nói chung đã cố gắng tìm kiếm lối thoát để vượt lên chính tác phẩm của mình. Đến cuối những năm 1980, đầu những năm 1990, Việt Nam đã mở cửa về đối ngoại, có nhiều sự thay đổi trong xã hội, trong cộng đồng, trong gia đình… những sự thay đổi đó đều được phản ánh trong văn học; Lý do nữa khiến tôi chọn văn học giai đoạn hiện đại là vì cách viết và cách dùng từ tiếng Việt dễ hiểu, khác nhiều so với Hán Việt cách đây 70 hay 100 năm.
- PV: Thể loại tác phẩm nghiên cứu chính của anh?
Chuyên gia Jason Picard: Theo tôi, đỉnh cao của một ngôn ngữ là văn học và trong nền văn học Việt Nam thì điểm cao nhất là Truyện Kiều của Nguyễn Du. Ví dụ hai câu thơ: “Trăm năm trong cõi người ta/Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”. Nếu là người nước ngoài hoặc thậm chí là một người Việt, chưa được học về Truyện Kiều của Nguyễn Du, khi nghe câu thơ trên, có thể không hiểu được. Vì mỗi câu thơ đều có nghĩa đen và nghĩa bóng. Hai nữa là cách viết của những nhà thơ trước đây hầu như hoàn toàn bằng Hán Việt. Vì vậy, để tiếp cận, nghiên cứu nền văn học Việt Nam, tôi đã chọn nghiên cứu thể loại văn xuôi (truyện ngắn và tiểu thuyết) là thuận lợi và gần hơn cả.
- PV: Anh có nhận xét gì về những tác phẩm văn học Việt Nam hiện nay?
Chuyên gia Jason Picard: Từ năm 1930 đến nay, văn học Việt Nam đã thay đổi nhiều, vì những ảnh hưởng của chế độ Pháp thuộc, ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng Nga và Đông Âu, của chiến tranh Mỹ, của nền kinh tế thị trường và hiện nay là xu hướng toàn cầu hoá trên thế giới. Có thể nói, trước đây người dân Việt Nam nói chung và các nhà văn nói riêng thường viết và nói nhiều về quá khứ, bây giờ, tôi thấy họ suy nghĩ và nhìn về tương lai nhiều hơn. Điều đó cũng được phản ánh rõ trong bước chuyển mình của văn học Việt Nam. Văn học xưa, Nguyễn Trãi, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Du… họ viết, họ phải suy nghĩ đến đất nước, đến gia đình, đến bố, mẹ… Nhưng bây giờ, người viết hay suy nghĩ đến cá nhân, đến con người. Đây là một sự thay đổi lớn trong văn học và xã hội Việt Nam. Vì vậy, nếu độc giả Mỹ chưa biết gì về Việt Nam mà đọc những truyện ngắn của các tác giả Việt Nam hiện nay thì rất khó hiểu đúng về xã hội Việt Nam, mà họ chỉ có thể hiểu được bề mặt của vấn đề, chứ không hiểu được nội dung và cội rễ bên trong.
- PV: Anh có suy nghĩ gì về nghề viết văn ở Việt Nam?
Chuyên gia Jason Picard: Hiện nay, ở Việt Nam, trong một trăm nhà văn thì có khoảng hai hoặc ba người thành công, còn đại đa số mọi người phải tìm việc khác để kiếm sống. Những thanh niên, sinh viên giỏi văn, được đào tạo trong trường Đại học, nhưng sau khi ra trường họ thấy không thể sống được bằng nghề văn, nên đành phải đổi nghề, làm cho các công ty nhà nước, nước ngoài, hoặc chuyển sang các ngành nghề khác.
Hơn nữa, ở Việt Nam - nơi bố mẹ có tiếng nói trong việc quyết định tương lai của con cái, nếu con cái nói với bố mẹ rằng: “Con muốn trở thành một nhà văn” thì tôi nghĩ rằng, đa số bố mẹ sẽ bật cười và nói là “không được”. Không phải là họ không yêu con, mà lý do chính là họ yêu con nên họ sợ nghề nghiệp đó của con cái không ổn định, không có tài chính, sợ con mình phải sống khổ.
Vì vậy, xã hội chúng ta phải tạo ra nghề văn học và nghề dịch thuật văn học. Phải coi đó là hai nghề ổn định có thu nhập cao như nhiều ngành nghề khác. Phải tạo dựng cho văn học có sự lôi cuốn, quyến rũ, như một loại ngành nghề hấp dẫn, không chỉ với thế hệ trẻ, mà cả thế hệ bố mẹ họ. Rồi họ sẽ đồng ý, nếu biết con cái mình chọn nghề văn, họ tin con cái sẽ có điều kiện để kiếm tiền, có điều kiện để lập gia đình.
- PV: Thưa anh, công chúng Mỹ có quan tâm tới văn học Việt Nam không?
Chuyên gia Jason Picard: Độc giả Mỹ chưa có điều kiện tiếp xúc nhiều với nền văn học Việt Nam, một phần vì đối với người Mỹ nói chung thì ấn tượng về Việt Nam vẫn sâu đậm là chiến tranh. Họ không biết gì nhiều về nền văn hoá và văn học của dân tộc Việt Nam. Phần nữa là, chiến tranh Mỹ và Việt Nam đã kết thúc năm 1975, Mỹ đã thực hiện lệnh cấm vận đối với Việt Nam gần hai mươi năm, do đó, hai nước đã không có sự trao đổi, giao lưu văn hoá, văn học, kinh tế, thương mại… Đây có thể là một hậu quả tình cờ của thời cấm vận giữa Mỹ đối với Việt Nam. Lý do thứ ba là, Mỹ và Việt Nam đều không có nhiều dịch giả có điều kiện dịch văn học Việt Nam sang Tiếng Anh.
Năm 2003, nhà văn Hồ Anh Thái đã hợp tác với một nhà văn Mỹ, dịch tuyển tập truyện ngắn của những nhà văn hiện đại Việt Nam, có tựa đề: “Tình yêu sau chiến tranh” (Love after the war). Việc này cũng đã gặp những khó khăn trong khâu xuất bản. Vì các nhà xuất bản lớn của Mỹ thường quan tâm tới lợi nhuận. Ví dụ, nếu họ in khoảng 100.000 đến 200.000 bản, nhưng chắc chỉ có mấy chục nghìn người Mỹ sẽ mua tác phẩm (có thể văn học Việt Nam đối với độc giả Mỹ có nhiều điểm khác nhau). Tuy nhiên, nhà văn Hồ Anh Thái và nhà văn Mỹ đã vận động tổ chức phi Chính phủ và một nhà xuất bản để in tác phẩm này. Tập truyện ngắn “Tình yêu sau chiến tranh” đã được các nhà phê bình văn học Mỹ đánh giá rất cao, cả về cách dịch thuật và chất lượng của các truyện ngắn.
- PV: Theo anh, làm thế nào để văn học Việt Nam có thể tiếp cận sâu hơn vào thị trường văn học Mỹ ?
Chuyên gia Jason Picard: Thứ nhất là phải xây dựng đội ngũ dịch thuật văn học giỏi: Vấn đề đặt ra là chúng ta phải đào tạo được thế hệ dịch giả có khả năng dịch tốt, bắt kịp thế giới, không chỉ về kinh tế, chính trị, công nghệ thông tin… mà đặc biệt là phải dịch được những điều sâu sắc của đỉnh cao văn hoá, đó là, văn học và lịch sử.
Thứ hai là tạo dựng môi trường dịch thuật sôi động: Vấn đề cần giải quyết hiện nay là, giữa Mỹ và Việt Nam còn hiểu lầm nhau ở nhiều lĩnh vực. Ví dụ, như lĩnh vực kinh tế là các vụ kiện tôm, cá ba sa… gần đây. Lý do chính theo tôi là vì chưa có đủ người Việt Nam và người Mỹ hiểu biết sâu sắc về văn hoá, phong tục, tập quán, luật pháp... của hai bên. Vậy, chúng ta phải tạo ra môi trường dịch thuật sôi động nói chung, nhất là lĩnh vực dịch thuật văn học nói riêng.
Thứ ba là thành lập các tổ chức dịch thuật: Tôi đã suy nghĩ nhiều đến việc làm thế nào để giới thiệu các tác phẩm văn học Việt Nam đến với công chúng Mỹ, tôi đang cố gắng thành lập một tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam: Tạo ra một Hội đồng dịch giả, tập trung đến vấn đề dịch thuật văn học Việt Nam và văn học nước ngoài; Tập trung đến những vấn đề giao lưu văn hoá, văn học, xã hội…
- PV: Theo suy nghĩ chủ quan của tôi thì ở anh hội tụ đầy đủ tài năng và điều kiện của một dịch giả giỏi, vậy anh có ý định dịch các tác phẩm văn học Việt Nam trong thời gian tới?
Chuyên gia Jason Picard: Tôi là người Mỹ gốc Do Thái. Tôi biết tiếng Việt. Điều kiện dễ nhất đối với tôi bây giờ là dịch thuật, nhưng tôi không phải là người Việt, nên có nhiều vấn đề của người Việt tôi không thể tham dự vào. Tôi cũng suy nghĩ về thế hệ trẻ hiện nay, những người đáng phàn nàn, vì họ không kính trọng văn học, không chịu khó, chịu khổ đào sâu nghiên cứu văn học. Văn học Việt Nam là kho báu trong kho tàng văn hóa Việt Nam, các bạn đừng để nó mai một theo thời gian.
TIN LIÊN QUAN
“Chúng tôi muốn kết nối các quốc gia không giáp biển với các quốc gia đổ bộ đường biển để có thể tạo điều kiện cho hàng hóa của các quốc gia có chung biên giới được phân phối rộng rãi hơn…”, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon.
TS. Yen PlatzXEM NHIỀU NHẤT
(Nhà thiết kế thời trang La Hồng, Cộng hòa Áo)
TS. Yen PlatzChị Cao Thị Thương (Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Cao Hoàng) đã không ngừng học hỏi từ thầy, từ các đồng nghiệp, từ việc đọc các tài liệu chuyên ngành... để nghiên cứu, pha chế, chiết xuất ra nhiều loại dược phẩm làm đẹp từ thảo mộc. Chị đã pha chế thành công một số loại dược phẩm và đang được đưa vào sử dụng rộng rãi ở hàng chục spa (thuộc hệ thống của công ty) trên toàn quốc. Công ty của chị đã được chọn là đối tác chiến lược phân phối mỹ phẩm thảo dược của Mỹ tại Việt Nam.
TS. Yen Platz
BÌNH LUẬN