Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Áo Sebastian Kurz duyệt hàng quân danh dự (Nguồn: Dragan Tatic)
1. Hai Thủ tướng và một Tuyên bố chung
Cánh nhà báo chúng tôi đến sớm, đứng chờ trong khu vực báo chí, trước Phủ Thủ tướng Áo, hàng quân danh dự cũng đã nghiêm trang chờ đợi. Tôi vừa đặt túi xuống cạnh cột điện thì một bạn đồng nghiệp Áo đã đi đến bắt tay chúc mừng. Chúng tôi bèn đứng tránh ra một góc để trò chuyện. Đột nhiên, một người đàn ông bước đến nhìn chăm chú vào bên trong chiếc túi của tôi (chiếc túi mở khóa), rồi rút phù hiệu cảnh sát ra hỏi: “đây có phải là túi của các cô không?”. Chúng tôi mỉm cười xác nhận và đứng gần lại chỗ để túi. Hóa ra họ sợ bị đặt bom! Các đồng nghiệp Áo hỏi tôi cách đánh vần họ tên của Thủ tướng Việt Nam, còn các đồng nghiệp Việt Nam thì hỏi tôi cách đánh vần họ tên của Thủ tướng Áo, tôi cũng đã giới thiệu đồng nghiệp của hai nước với nhau. Chúng tôi trò chuyện và chụp ảnh kỉ niệm.
Khi đoàn xe chở Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xuất hiện, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz đã ra tận thảm đỏ để đón ông. Khi quốc thiều của Việt Nam và Áo được tấu lên giữa Cung điện Hofburg khiến tôi cảm thấy xúc động vô cùng. Một số đồng nghiệp Áo đã tỏ ra ngạc nhiên, đây là lần đầu tiên lễ đón tiếp Thủ tướng nước ngoài có thêm nghi thức duyệt hàng quân danh dự. Vì thông thường nghi thức này chỉ thực hiện trong các cuộc tiếp đón của Tổng thống Áo với Tổng thống các nước. Có lẽ, đoán được thắc mắc này, trong cuộc họp báo, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz đã chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng, việc tiếp đón các quốc gia thân hữu một cách thân thiện, đó là một việc đúng đắn và có ý nghĩa...”.
Nhằm lưu lại những giây phút ý nghĩa, mang tính nền tảng cho chiến lược ngoại giao chính trị giữa Áo và Việt Nam, trong bài viết này, tôi cũng xin dẫn lại toàn văn Tuyên bố báo chí chung của hai nước:
1. Nhận lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Áo Sebastian Kurz, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã thăm chính thức Cộng hòa Áo từ ngày 14 đến ngày 16/10/2018.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với Thủ tướng Sebastian Kurz; hội kiến Tổng thống Liên bang Alexander Van der Bellen và Chủ tịch Quốc hội Wolfgang Sobotka. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thăm chính quyền bang Hạ Áo; dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Áo và tiếp lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế hàng đầu Áo.
2. Tại cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã thông báo cho nhau về tình hình chính trị, kinh tế-xã hội, những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mỗi nước; trao đổi về các biện pháp cụ thể thúc đẩy quan hệ song phương; thảo luận về các vấn đề quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm và có lợi ích.
3. Hai Thủ tướng nhất trí đánh giá quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Áo luôn được quan tâm thúc đẩy trong gần 5 thập kỷ và ngày càng phát triển tốt đẹp; hoan nghênh việc duy trì trao đổi đoàn các cấp thường xuyên giữa hai nước. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chúc Áo thành công đảm nhiệm Chủ tịch luân phiên EU nửa cuối năm 2018. Lãnh đạo hai bên đã thảo luận về Hội nghị cấp cao ASEM sắp tới sẽ diễn ra từ ngày 18-19/10 tại Brussels và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác chặt chẽ giữa hai nước trong việc xử lý các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và an ninh mạng.
4. Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương; ủng hộ việc ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (IPA) trong thời gian sớm nhất có thể. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tái khẳng định chính sách nhất quán cải cách kinh tế và hội nhập quốc tế của Việt Nam, bảo đảm thực thi các cam kết quốc tế liên quan.
5. Hai Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Áo về hợp tác kinh tế và thương mại; ghi nhận những tiềm năng và cơ hội hợp tác to lớn giữa hai nước; nhất trí chỉ đạo các bộ, ngành liên quan mỗi bên tích cực phối hợp triển khai các kết quả đã đạt được tại Khóa họp thứ 9 của Ủy ban đã diễn ra vào tháng 3/2017 tại Việt Nam và chuẩn bị tốt cho Khóa họp lần thứ 10 dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2019 tại Áo.
6. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn sự hỗ trợ quý báu của Chính phủ Áo dành cho Việt Nam trong những năm qua với việc cung cấp nguồn vốn ODA trong các lĩnh vực đường sắt, y tế, đào tạo nghề…; ủng hộ quyết tâm tích cực triển khai hiệu quả các dự án, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
7. Hai bên hoan nghênh việc ký Bản ghi nhớ về hợp tác Thương mại điện tử và Công nghiệp 4.0 giữa Bộ Công Thương với Bộ Số hóa và Kinh tế Liên bang Áo, Bản ghi nhớ về hợp tác Khoa học - Công nghệ giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Giáo dục, Nghiên cứu và Khoa học Liên bang Áo và Hiệp định tín dụng cụ thể về việc vay ODA để hoàn thành Dự án “Nâng cấp thiết bị trang thiết bị y tế Trung tâm Ung bướu Chợ Rẫy - Bệnh viện Chợ Rẫy, Bộ Y tế (gói 2) - 25 triệu euro ký giữa Bộ Tài chính Việt Nam thay mặt cho Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ngân hàng Raiffeisen Bank International AG.
8. Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và giao lưu nhân dân, nhất là các hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Áo được tổ chức trong năm 2017 tại hai nước.
9. Hai bên khẳng định tăng cường hợp tác tại các thể chế đa phương như Liên hợp quốc (UN), Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), ASEM và WTO nhằm góp phần duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển tại khu vực và trên thế giới.
10. Hai bên cam kết thúc đẩy bảo vệ quyền con người, nhận thức rõ vai trò của các bên liên quan trong việc hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương, giảm bất bình đẳng, thúc đẩy đổi mới, thịnh vượng và tăng cường phát triển bền vững.
11. Hai Thủ tướng tái khẳng định cam kết duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng và thúc đẩy hợp tác an toàn an ninh hàng hải, quyền tự do hàng hải và hàng không thương mại không bị cản trở; chống cướp biển và cướp có vũ trang trên biển, tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Hai nhà lãnh đạo nhất trí về tầm quan trọng của các biện pháp xây dựng lòng tin, kiềm chế không sử dụng vũ lực và giải quyết các tranh chấp theo nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương của Liên hợp quốc và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
12. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Sebastian Kurz nhất trí cho rằng cộng đồng người Việt Nam tại Áo và cộng đồng người Áo tại Việt Nam là nhân tố quan trọng thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia và nhân dân hai nước.
13. Hai bên bày tỏ hài lòng về kết quả chuyến thăm chính thức Cộng hòa Áo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chân thành cảm ơn sự đón tiếp trọng thị, nồng nhiệt mà phía Áo đã dành cho Thủ tướng, Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam. Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã mời Thủ tướng Sebastian Kurz sang thăm Việt Nam vào thời điểm phù hợp được hai bên thống nhất[1].
2. Câu chuyện về sự trùng phùng của lịch sử
Kể từ tháng 7/2018, Áo đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên EU, đây có lẽ là một trong những điều kiện thuận lợi để Áo có thể ủng hộ Việt Nam trong việc ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (IPA) trong thời gian sớm nhất có thể. Câu chuyện này đã khiến tôi liên tưởng đến một câu chuyện lịch sử năm xưa:
Tháng 5/1972, tại Salzburg, quê hương của thiên tài âm nhạc Mozart, đã diễn ra ba cuộc biểu tình phản đối cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Các cuộc biểu tình này nhằm vào Tổng thống Mỹ Richard Milhous Nixon. Khi đó, Tổng thống Nixon đang công du đến Liên Xô và chọn Salzburg làm nơi nghỉ chân. Ở đây, ông đã bị các đoàn biểu tình và giới báo chí, truyền thông quốc tế bao vây, khiến chiếc trực thăng không thể hạ cánh được ở nơi đã định trước. Ngày hôm sau, khi đọc báo Tổng thống Nixon mới biết rằng, vị thủ lĩnh của các phong trào biểu tình đó chính là Peter Kreisky - con trai Thủ tướng Áo Bruno Kreisky (người đồng nhiệm đang đón tiếp ông) thì ông rất ngạc nhiên... Chính các cuộc biểu tình đó đã gây nên một làn sóng, thúc giục Chính phủ Áo ký công nhận nền độc lập của Việt Nam (thiết lập quan hệ ngoại giao), trước khi Việt Nam được hoàn toàn độc lập. Áo đã trở thành một trong bốn nước đầu tiên ở châu Âu thực hiện nghĩa cử này đối với Việt Nam. Trong số hàng nghìn người tham gia các cuộc biểu tình đó, có nhiều người đã trở thành nhân vật quan trọng của Áo và châu Âu như: Ông Peter Kreisky, trở thành Chủ tịch đầu tiên của Hội Hữu nghị Áo - Việt (sau khi diễn ra các cuộc biểu tình trên, ông đã cùng các bạn của mình thành lập ra tổ chức này); Ông Jankowitsch đã trở thành Bộ trưởng Bộ Văn hóa và là Đại sứ đầu tiên của Áo tại Liên hợp quốc (hiện nay, ông đang giữ chức Chủ tịch Hội Hữu nghị Áo - Việt); Ông Heinz Fischer đã trở thành Tổng thống Áo (hai nhiệm kỳ, từ năm 2004 - 2016); Ông Robert Jungk đã trở thành nhà báo và nhận được giải Right Livelihood (1986). Ông đã được ngành bưu chính Áo chọn in tem và chính quyền Salzburg đã long trọng tổ chức 20 sự kiện triển lãm, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (1913 - 2013)... Họ đều đã và đang cố gắng đóng góp công sức vào việc gìn giữ và thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời giữa Áo - Việt Nam.
Giờ đây, chính phủ Áo đã hợp tác và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường Áo và châu Âu, cũng như thúc đẩy hai hiệp định quan trọng EVFTA, IPA sẽ sớm kí kết, như vậy câu chuyện trùng phùng của lịch sử được lặp lại như một sự tình cờ. Một chiến lược ngoại giao kinh tế “win-win”. Một câu chuyện lịch sử đương đại phải được ghi nhận.
Câu chuyện trùng phùng của lịch sử
Thủ tướng Sebastian Kurz nhấn mạnh: Với vai trò là Chủ tịch EU trong 6 tháng cuối năm 2018 và là một đối tác gắn bó với Việt Nam, Áo ủng hộ và sẽ thúc đẩy sớm ký và phê chuẩn Hiệp định EVFTA. Nhất trí EVFTA sẽ mở ra những cơ hội lớn cho hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU cũng như giữa Việt Nam và Áo; hai nước đã có 5 thập kỷ quan hệ tốt đẹp, trong đó, quan hệ kinh tế phát triển tích cực. Hai bên còn nhiều tiềm năng để nâng cao hơn nữa quan hệ hợp tác Việt Nam - Cộng hòa Áo, trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và đặc biệt là về du lịch bởi Việt Nam là điểm đến ngày càng hấp dẫn đối với người dân Áo; chúng tôi có 30 doanh nghiệp Áo đang hoạt động ở Việt Nam và các doanh nghiệp này rất hài lòng khi làm việc ở Việt Nam. Họ mong muốn tăng cường các hoạt động của họ và tôi mong muốn sẽ có càng nhiều doanh nghiệp Áo sang đầu tư tại Việt Nam; cộng đồng người Việt tại Áo tuy không lớn nhưng là cộng đồng thành công, hội nhập tốt và có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của sở tại, góp phần thúc đẩy quan hệ song phương.
Hiện tại, Việt Nam đang giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Áo tại Đông Nam Á, Áo nằm trong top 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại EU. Mặc dù, Áo là nước có diện tích nhỏ, dân số ít nhưng thuộc nhóm 30 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Chúng tôi nhất trí sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư, kinh doanh với quyết tâm đưa Áo trở thành một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam tại EU, nhất là trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU sắp được ký kết”.
Đại sứ Lê Dũng chia sẻ: “chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước đang phát triển hết sức tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại. Năm 2017, lần đầu tiên kim ngạch thương mại song phương đạt 4 tỷ USD, năm nay dự kiến có thể đạt 4,5 tỷ USD. Đóng góp vào kết quả này có công sức của hơn 4.000 bà con kiều bào sinh sống tại Áo”.
Sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Áo Sebastian Kurz, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội kiến Chủ tịch Quốc hội Áo, chào xã giao Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen, gặp gỡ Thống đốc bang Hạ Áo, tham dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Áo, chứng kiến lễ ký kết các văn bản thỏa thuận giữa hai nước, đồng thời tiếp một số doanh nghiệp hàng đầu của Áo, thăm một số cơ sở nghiên cứu, giáo dục đào tạo của Áo.
3. Chiến lược ngoại giao văn hóa
Chuyến thăm chính thức Áo là hoạt động mở đầu trong chuyến thăm, làm việc tại châu Âu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bao gồm: dự Hội nghị cấp cao Á - Âu (ASEM) lần thứ 12, Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác vì Tăng trưởng xanh và các Mục tiêu toàn cầu đến năm 2030 (P4G) và thăm chính thức Vương quốc Bỉ, Vương quốc Đan Mạch, thăm làm việc tại Liên minh châu Âu.
Đặc biệt, chiều tối ngày 14/10/2018, Thủ tướng và Phu nhân và đoàn lãnh đạo cấp cao đã có cuộc gặp gỡ bà con kiều bào Áo, Séc, Ba Lan, Slovakia, tại Thủ đô Vienna. Cuộc trò chuyện diễn ra cởi mở, thân tình. Thủ tướng đã lắng nghe các ý kiến của đại diện bà con kiều bào các nước, như: việc giữ gìn và mở trường dạy tiếng Việt cho con em kiều bào tại Áo; quảng bá văn hóa Việt thông qua văn hóa ẩm thực (phở Việt); vấn đề giữ gìn hình ảnh người Việt và mong muốn được giữ hai quốc tịch của kiều bào; cần có chế độ quan tâm, đãi ngộ đối với những người làm công tác cộng đồng, nhất là lực lượng trẻ kế cận...
Tôi cũng đã lấy hết can đảm, gửi tới tận tay Thủ tướng bản “Dự án Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu”. Đây là dự án tâm huyết của một số nhà khoa học, nhà báo, doanh nhân trong và ngoài nước, mong muốn quảng bá văn hóa tín ngưỡng Việt trên toàn cầu. Chúng tôi đã ấp ủ dự án này từ năm 2015, đến tháng 4/2018, với sự giúp đỡ của Cộng đồng kiều bào các nước, “Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu” lần đầu tiên đã được tổ chức đồng loạt tại Cộng hòa Séc, CHLB Đức, Liên bang Nga, Hungary.
Tôi cũng không thể ngờ được, Thủ tướng đã đón nhận và đánh giá cao dự án này, ông nói: “sẽ giao cho các cơ quan có trách nhiệm nghiên cứu kỹ lưỡng...”. Đồng thời, trong cuộc nói chuyện ngắn ngủi với bà con kiều bào, Thủ tướng đã ba lần nhắc đến dự án (hai lần cầm cuốn dự án trên tay) như một nghĩa cử, thể hiện sự đồng cảm với công sức và trăn trở của những nhà khoa học chúng tôi. Cái cảm giác ấy, khiến tôi nhớ lại, năm 2015, nhóm chúng tôi gồm 5 bạn trẻ đã “liều mình như chẳng có” đứng ra tổ chức chương trình “Ngày Việt Nam tại Áo” (lần đầu tiên). Chúng tôi có lòng nhiệt huyết nhưng không có kinh phí, may mắn thay chương trình đã được Thành phố Vienna, Đại sứ quán Việt Nam tại Áo, một số doanh nghiệp, hội đoàn và bà con kiều bào Áo ủng hộ nên sự kiện đã diễn ra thành công tốt đẹp. “Ngày Việt Nam tại Áo” đã thu hút hơn 3.000 lượt bà con kiều bào, bạn bè quốc tế, đặc biệt là sự quan tâm của các nghệ sĩ nổi tiếng, giới báo chí, truyền thông, giới chính trị Áo và nhận được Thư chúc mừng của Bộ trưởng Ngoại giao Áo Sebastian Kurz (chính là vị Thủ tướng đã đón tiếp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm nay). Trong thư có đoạn: “Các sự kiện giống như Ngày Việt Nam tại Áo có thể góp phần làm tăng cường sự giao tiếp giữa con người với con người... Tôi muốn nhấn mạnh đến sự đóng góp rất tích cực của cộng đồng Việt Nam tại Áo và các thế hệ người Áo gốc Việt. Họ không chỉ hội nhập tốt vào xã hội Áo mà còn tạo ra các giá trị đóng góp vào nền kinh tế và làm giàu thêm cuộc sống văn hóa...”
Trong bối cảnh người nhập cư đang ồ ạt tràn vào Áo, châu Âu, khiến phong trào “bài ngoại” ngày càng tăng cao, thì đây là một động thái có ý nghĩa vô cùng quan trọng của Ngài Bộ trưởng dành cho kiều bào Việt tại Áo. Chính sự khích lệ này của Ngài Sebastian Kurz đã khiến tôi và một số nhà khoa học, nhà báo, doanh nhân kiều bào, tiếp tục phát triển ý tưởng “Ngày Việt Nam” thành Dự án “Chiến lược phối hợp tổ chức Ngày Việt Nam và Ngày Giỗ tổ Hùng Vương trên toàn cầu” (gọi tắt là: Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu”. Dự án này tập trung giải quyết ba vấn đề trọng yếu, đó là:
(1) Bảo tồn và quảng bá rộng rãi Di sản văn hóa phi vật thể: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở nước ngoài, gắn kết sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.
(2) Đối thoại, kết nối, giao lưu liên văn hóa giữa Việt Nam và các nền văn hóa trên thế giới.
(3) Thực hiện chiến lược quảng bá giá trị/thương hiệu Việt trên toàn cầu, thông qua môi trường thực tế và thực tế ảo - môi trường báo chí-truyền thông quốc tế (một cách hệ thống, đồng bộ, toàn diện và thường niên).
Ngày hôm nay, khi phong trào bài ngoại vẫn đang gia tăng ở Áo, châu Âu, thì cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Áo Sebastian Kurz, và hàng loạt các văn bản hợp tác giữa hai nước được ký kết, đánh dấu thời khắc quan trọng và then chốt, nhằm thúc đẩy mối quan hệ thân tình giữa hai nước và tăng cường vị thế của Việt Nam, của Cộng đồng kiều bào Việt tại Áo và EU.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (thứ ba, bìa phải), Đại sứ Lê Dũng, các phu nhân cùng đại diện Ban dự án “Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu”
Hơn bảy năm tác nghiệp với hàng chục nguyên thủ trên thế giới tại Cung điện Hofburg, tôi đã mong ước một lần được nghe tiếng Việt ở đây. Hôm nay, điều đó đã trở thành hiện thực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam đã thăm chính thức Áo. Điều đặc biệt, Thủ tướng Sebastian Kurz và Chính phủ Áo đã thực hiện một nghi thức trọng thị để đón tiếp Thủ tướng Việt Nam, lần đầu tiên có nghi thức duyệt hàng quân danh dự đối với việc tiếp đón một Thủ tướng nước ngoài.
Nhiều năm tác nghiệp báo chí, văn chương với niềm biết ơn hai dân tộc, tôi đã nhận ra một điều thú vị rằng giữa Áo và Việt Nam có một điểm tương đồng văn hóa đặc biệt, đó là: Áo được coi là “kinh đô âm nhạc của thế giới” và có thiên tài âm nhạc Mozart, còn Việt Nam được ví là “cường quốc thi ca châu Á” và có đại thi hào Nguyễn Du. Hàng thế kỷ nay, thi ca và âm nhạc dường như đã ngấm vào máu thịt, tâm hồn và trái tim của người dân hai nước. Thiển nghĩ, từ điểm tương đồng đặc biệt này, chỉ cần hai vị Thủ tướng “nhấn nút” sẽ khiến cho hai dân tộc xích lại gần nhau hơn trong sự thấu hiểu, chân thành. Đây cũng chính là “chiếc chìa khóa vạn năng” để mở cửa mọi lĩnh vực hợp tác khác, ngày càng bền vững, sâu rộng và hiệu quả hơn giữa hai quốc gia.
TIN LIÊN QUAN
Võ sư Nguyễn Hồng Chương là nhân vật của “Chương trình những chuyện lạ Việt Nam”, Đài Truyền hình Việt Nam. Anh đã tập luyện khổ cực suốt ba mươi mốt năm, với biết bao mồ hôi, máu và nước mắt trong đó có 19 tiết mục kỳ lạ khiến người xem phải đứng tim.
TS. Yen PlatzXEM NHIỀU NHẤT
(Nhà thiết kế thời trang La Hồng, Cộng hòa Áo)
TS. Yen PlatzChị Cao Thị Thương (Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Cao Hoàng) đã không ngừng học hỏi từ thầy, từ các đồng nghiệp, từ việc đọc các tài liệu chuyên ngành... để nghiên cứu, pha chế, chiết xuất ra nhiều loại dược phẩm làm đẹp từ thảo mộc. Chị đã pha chế thành công một số loại dược phẩm và đang được đưa vào sử dụng rộng rãi ở hàng chục spa (thuộc hệ thống của công ty) trên toàn quốc. Công ty của chị đã được chọn là đối tác chiến lược phân phối mỹ phẩm thảo dược của Mỹ tại Việt Nam.
TS. Yen Platz
BÌNH LUẬN