November 01, 2022 00:46 TS. Yen Platz
Năm 1985, nhạc sĩ Đặng Ngọc Long được cử sang du học tại Nhạc viện Hanns Eisler Berlin, CHLB Đức. Năm 1987 ông đoạt giải thưởng đặc biệt của Cuộc thi Guitar quốc tế Heitor Villa Lobos tại Hungagry. Đồng thời, ông cũng đã đạt các giải thưởng guitar quốc tế trong 3 năm liên tiếp. Ông vinh dự là người nước ngoài đầu tiên làm Hiệu trưởng trường Âm nhạc Berlin-Gesundbrunnen, Đức (2004). Năm 2009 ông được phong hàm giáo sư và được mời giảng dạy tại Đại học quốc tế Kirgikixtan. Nhiều trường âm nhạc trên thế giới cũng phong ông hàm giáo sư danh dự. Ông đã cùng các nghệ sĩ guitar cổ điển nước ngoài đưa các điệu khúc dân gian Việt Nam như Bèo dạt mây trôi, Giận mà thương, Ru con, Núi rừng Tây Nguyên… đi khắp thế giới.
1.GS Dang Ngoc Long, CHLBDuc.png

Giáo sư Đặng Ngọc Long, Hiệu trưởng trường Âm nhạc Berlin-Gesundbrunnen, CHLB Đức (Ảnh. Tư liệu)

Thưa giáo sư, xin ông chia sẻ về nhân duyên ông đã đến với nước Đức?

GS. Đặng Ngọc Long: Tôi sinh năm 1957 trong một gia đình bố mẹ là công chức nghèo, tại xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu, Nghệ An. Từ bé tôi tự chế tạo những nhạc cụ đàn bầu, sáo để chơi vì đam mê quá. Bố mẹ tôi cũng yêu văn nghệ nên tôi cũng theo gene của bố mẹ. Thời xưa nhỏ, gia đình nghèo cho nên không có nhạc cụ tập luyện, tôi tự chế ra sao bằng tre, dùi mấy cái lỗ, rồi làm đàn bầu từ ống bơ hoặc căng bằng dây phanh của xe đạp. Năm 1975 tôi trúng tuyển vào Khoa guitar của Nhạc viện Hà Nội. Vào trường, tôi rất may mắn được học thầy Tạ Tấn – nhạc sỹ nổi tiếng nhất miền Bắc lúc bấy giờ. Sau khi tốt nghiệp xong tôi được biệt phái vào Tây Nguyên làm công tác giảng dạy cho trường Nghệ thuật Tây Nguyên khoảng 3 năm. Sau đó, tôi ra Hà Nội làm giảng viên. Năm 1985, tôi được cử đi du học tại CHLB Đức.

Ở Đức, tôi đã may mắn được học cùng giáo sư nổi tiếng ở Berlin. Sau 2 năm (1987), tôi được cử đi thi quốc tế năm tại Hungary. Ngày đó, thi quốc tế rất là khó khăn. Bởi vì hệ thống xã hội chủ nghĩa và thời bao cấp, thì người ta không phải thi như bây giờ đâu. Hồi đó thí sinh phải được tuyển từ trường, rồi mới được cử đi thi toàn quốc. Đặc biệt, việc xin visa cũng không phải là dễ, cho nên khi được đi thì tôi mừng lắm. Khi được giải tôi cũng không thể tin được. Đó là cột mốc của tôi, từ đó tôi miệt mài phấn đấu và tôi yêu say đắm guitar!

Giáo sư còn nhớ bản nhạc đầu tiên mà ông yêu thích?

GS. Đặng Ngọc Long: Ôi hồi còn bé, tôi thường nghe trên Đài bài hát ``Bài ca hy vọng`` của nhạc sĩ Hải Thoại. Khi tôi vào trường nhạc rồi thì may mắn lại được học với thần tượng, đi đâu tôi cũng biểu diễn bài này. “Từng đôi chim bay đi….” tôi mê mẩn những đoạn này, sao mà tài thế, đánh được những đoạn nhanh như thế mà bass vẫn đệm được. Sau đó tôi bằng mọi cách để thi vào Khoa Guitar. Lúc đó thì tôi mới 12 tuổi. Bản nhạc đó cứ thế theo mãi cho đến khi tôi vào trường nhạc là 18 tuổi. Nghe lại bản nhạc ấy nhiều lần mới thấy rằng âm thanh của nó quyến rũ lắm!

Thưa giáo sư, khi tham gia hoạt động trong môi trường âm nhạc chuyên nghiệp tại Đức nói riêng và quốc tế nói chung, ông đã gặp những thuận lợi và khó khăn gì?

GS. Đặng Ngọc Long: Thuận lợi là tôi đã gặp các đồng nghiệp, giáo sư rất giỏi, rất am hiểu âm nhạc. Tôi có tính tò mò , thích phát hiện cái mới, tìm tòi cái mới, cho nên họ rất trân trọng những cái mà tôi đề đạt, sáng tạo cũng như các kỹ thuật pha trộn của tôi. Tôi là người nghiên cứu khá tỉ mỉ. Tôi thường lấy tấm gương là các nghệ sĩ, các tài năng đi trước, họ đã sáng tác ra nhiều tác phẩm bất hủ. Ví dụ như khi tôi sáng tác bài mang âm hưởng Tây Nguyên thì tôi nghe một vài tác phẩm của nhạc sĩ rất nổi tiếng người Cuba. Ông ấy đã lấy nhạc của đất nước mình pha trộn vào thì thấy rất giống âm nhạc Tây Nguyên. Tôi cũng nghĩ là cái âm hưởng lạ nhất của nước mình sao không mang ra dùng. Vậy là tôi đã làm trước và công bố.

Cái khó là khi một trường phái mới ra đời, để người ta chấp nhận, phục mình thì cần phải có thời gian. Các nhạc sĩ tài năng họ rất công bằng. Mặc dù mình đã diễn đạt như vậy nhưng cùng với thời gian các đồng nghiệp đã xem và lắng nghe mình biểu diễn, rồi họ ngấm dần, quen dần, rồi thấy có lý và họ cảm nhận được.

2.GS Dang Ngoc Long, CHLBDuc.png

Giáo sư Đặng Ngọc Long nỗ lực cùng các nghệ sĩ guitar cổ điển nước ngoài đưa các điệu khúc dân gian Việt Nam đi khắp thế giới  (Ảnh. Tư liệu)

 Hầu như, nhạc sĩ nào cũng mong muốn tạo ra một trường phái của riêng mình, để làm được điều đó, họ thường phải ``đi đến tận cùng cái tôi để tìm ra cái ta của thế giới``. Chúng tôi thiển nghĩ, có lẽ ông cũng vậy, đã đi đến tận cùng hồn cốt của âm nhạc dân tộc và âm nhạc Tây Nguyên để pha trộn, sáng tạo ra những bản nhạc mới, và ông đã thuyết phục được các đồng nghiệp, công chúng quốc tế. Đặc biệt, ông và các giáo sư người Đức đã đặt nền móng và điều hành Cuộc thi guitar quốc tế Berlin trong suốt gần 20 năm vừa qua, xin giáo sư chia sẻ thêm về sứ mệnh của cuộc thi này?

GS. Đặng Ngọc Long: Hiện nay, có hàng trăm cuộc thi guitar thế giới. Nhưng Cuộc thi guitar quốc tế Berlin, thì bắt buộc thí sinh phải có tác phẩm âm nhạc pha trộn giữa Việt Nam và quốc tế, thì ngay từ lúc đấy cho đến bây giờ cứ nói đến cuộc thi ở Berlin người ta sẽ nghĩ ngay tới một trường phái Á -Âu. Và đấy là sứ mệnh của chúng tôi, không đi theo của một trường phái nào khác theo đường mòn. Cứ nói đến cuộc thi này, người ta nghĩ ngay đến là người châu Á, người Việt Nam làm ra. Trên thế giới loại hình này chỉ có một mà thôi. Sau một thời gian chúng tôi phát triển loại hình này thì được báo chí truyền thông rất chú ý, rồi đi mãi thì định vị được mình. Như chị nói, thì đó là sứ mệnh lan tỏa âm nhạc Việt Nam ra toàn thế giới.

Điểm lại một chút, các thí sinh muốn tham gia cuộc thi này thì phải tập tất cả các tác phẩm bắt buộc có sự pha trộn Á-Âu. Khi các thí sinh luyện tập, các thầy giáo cũng phải dạy cho các sinh viên đi biểu diễn nhiều nơi, để quen tay và thuần thục. Chính những buổi biểu diễn đó đã lan tỏa đến công chúng rồi. Ví dụ, thí sinh đạt giải khi về nước thì họ đã đi biểu diễn các bản nhạc đó ở nhiều nơi trên thế giới rồi.  

Giáo sư có dự định gì về các dự án âm nhạc trong tương lai ?

GS. Đặng Ngọc Long: Năm tới, Cuộc thi guitar quốc tế Berlin sẽ kỷ niệm 20 năm, tôi mong muốn một điều đặc biệt, đó là tổ chức tại Hà Nội, để khán giả được xem, cũng như thí sinh Việt Nam được tham dự và thí sinh quốc tế đến Việt Nam. Tôi phấn chấn vì dự định này của chúng tôi. Tôi nghĩ là mọi người cũng sẽ rất ủng hộ. Vì sao tôi có ý nghĩ này, là vì có một thí sinh người Đan Mạch, năm 2014 biểu diễn bài ``Ru con``đã khiến tôi và nhiều người rất ấn tượng. Nếu chúng ta nhắm mắt để lắng nghe thì sẽ tưởng đấy là người Việt Nam chứ không phải là người Đan Mạch. Chúng tôi cảm thấy thật tuyệt vời khi nghe một người nói Tiếng Việt cực kỳ chuẩn. Tôi muốn cậu thí sinh đó và nhiều người nữa sẽ chơi chính bản nhạc đó trên đất nước của chúng ta!

 Xin được mạo muội hỏi giáo sư là khi muốn chơi thật hay một bản nhạc của một đất nước nào đó thì người nhạc sĩ phải thẩm thấu được nền văn hóa của đất nước đó ?

GS. Đặng Ngọc Long: Đúng như vậy, người ta phải tìm hiểu về cội nguồn của nó. Ví dụ như bài ``Ru con``, đất nước nào cũng có những bài hát ru nhưng khi người nhạc sĩ muốn giọng ru của người Việt Nam sang đến Đan Mạch thì anh ta phải thấm nhuần và rung cảm với lời ru đó.

Buổi biểu diễn đặc biệt trong cuộc đời giáo sư?

GS. Đặng Ngọc Long: Cuộc biểu diễn ấn tượng nhất trong đời tôi, đó, là cuộc biểu diễn tại Praha do Đại sứ quán Việt Nam tại Praha đã mời tất cả các Đại sứ của các nước đến dự nhân kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ Séc-Việt. Khán giả là các Đại sứ. Tôi đã chơi các tác phẩm dân ca Việt Nam, sau khi nghe thì có một người Nhật đã đến và nói với tôi rằng: tôi rất cảm ơn Ngài đã biểu diễn một bản nhạc giống bản nhạc bên Nhật, khiến tôi có cảm giác như là tôi đã trở về nhà rồi. Các nhà ngoại giao họ thường đi xa đất nước của họ, nên khi nghe những bản nhạc về quê nhà thì họ rất cảm động, điều đó cũng khiến tôi rất vui và rất xúc động.

4.GS Dang Ngoc Long, CHLBDuc.jpg

Ước nguyện lan toả âm nhạc Việt ra thế giới (Ảnh. Tư liệu)

Kỷ niệm ấn tượng nhất của giáo sư với công chúng quốc tế ?

GS. Đặng Ngọc Long: Sau mỗi lần tôi biểu diễn thì mọi người thường gặp tôi để chia sẻ cảm nhận về bài Tây Nguyên: ông diễn tả đất nước gần thế, tôi cảm giác như tôi đang đi trên Tây Nguyên, mặc dù tôi không biết nó nằm ở đâu. Nhiều người bảo dứt khoát tôi sẽ về Tây Nguyên, và đã có nhiều người về rồi và họ viết thư cho tôi.

Thưa giáo sư, ngoài hoạt động âm nhạc, ông còn được biết đến là một diễn viên điện ảnh?

GS. Đặng Ngọc Long: Điện ảnh là nghề tay trái và cũng rất bất ngờ của cuộc đời tôi. Vì con trai tôi hồi bé hay được đi đóng phim, tôi hay chở cháu  đi. Có một lần, đạo diễn đã mời tôi đóng vai ông bố, sau đó, ông ấy đã khen tôi “mày đóng được phim đấy”. Thế là từ đó, tôi đóng phim thôi (cười). Tôi cũng đã cố gắng một chút, tham gia học một vài lớp nghiệp vụ điện ảnh để am hiểu về lĩnh vực này. Phim TV ``Rau, quả…`` mà tôi đã đóng, phim đạt được 6 giải (giải phim hay nhất của châu Âu, phim hay nhất do công chúng bình chọn, do Ban giám khảo chấm….). Vai chính tôi đóng ít, còn vai phụ thì khoảng trên 20 vai.

Ông bận rộn như thế thì phân chia thời gian cho âm nhạc và điện ảnh như thế nào?

GS. Đặng Ngọc Long: Mình phải phân chia cho nó phù hợp, khoa học thôi. Ví dụ, khi tôi đi biểu diễn âm nhạc thì tôi dứt khoát phải bỏ hết mọi thứ lại phía sau, nhưng khi không biểu diễn thì tôi đi đóng phim. Tôi cũng rất thích phim, nó làm tôi rất phân chấn. Đi đóng phim xong tôi lại làm công việc giảng dạy. Hoặc lúc nào buồn quá thì tôi lại sáng tác.

Chúng tôi rất xúc động khi nghe ``Bài ca hoà bình`` mà ông đã phổ nhạc làm nhạc hiệu cho Hội thảo quốc tế ``The mosaic of the King`` trong khi cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina đang diễn ra. Giáo sư và các nhà trí thức đã gửi gắm thông điệp/truyền đi cảm hứng cầu nguyện cho hoà bình, vậy theo giáo sư âm nhạc đóng vai trò như thế nào trong việc gìn giữ nền hòa bình chung của toàn cầu?

GS. Đặng Ngọc Long: Tôi nghĩ âm nhạc là tiếng nói của nhân loại. Tôi nhớ có một triết gia trên thế giới đã từng nói rằng: khi người ta không nói được thành lời thì âm nhạc vang lên. Âm nhạc là tiếng nói chung, đưa con người xích lại gần nhau hơn. Âm nhạc vang lên khiến trái tim rung động, con người đối xử với nhau thân thiện và hòa bình hơn. Cho nên âm nhạc là phương tiện để cho mọi người trên thế giới thấu hiểu nhau hơn, hoà ái với nhau hơn.

3.GS Dang Ngoc Long, CHLBDuc.jpg

GS Đặng Ngọc Long (thứ 3, bên phải) cùng các đồng nghiệp quốc tế (Ảnh.Tư liệu)

Có điều gì tâm đắc mà giáo sư muốn nhắn gửi đến các nghệ sĩ và đặc biệt là các nghệ sĩ trẻ người Việt trên thế giới?

GS. Đặng Ngọc Long: Mong muốn của tôi suốt từ hồi còn nhỏ cho đến bây giờ là lan tỏa âm nhạc của nước Việt Nam mình ra toàn thế giới. Đó là mục đích sống của tôi. Và tôi cũng muốn nhắn nhủ các thế hệ guitar, nghệ sỹ Việt Nam ở hải ngoại, nên lồng các chương trình biểu diễn của mình với các tiết mục nghệ thuật Việt Nam, có thể tự chuyển soạn, tự phối khí, phối âm để âm nhạc Việt Nam lan tỏa khắp thế giới và từ đó thế giới biết nhiều đến Việt Nam hơn.

Xin trân trọng cảm ơn giáo sư! Kính chúc ông luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, bình an và luôn là niềm tự hào của người Việt ở nước ngoài!

Berlin, 1/11/2022

(Nhà thiết kế thời trang La Hồng, Cộng hòa Áo)

TS. Yen Platz

Chị Cao Thị Thương (Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Cao Hoàng) đã không ngừng học hỏi từ thầy, từ các đồng nghiệp, từ việc đọc các tài liệu chuyên ngành... để nghiên cứu, pha chế, chiết xuất ra nhiều loại dược phẩm làm đẹp từ thảo mộc. Chị đã pha chế thành công một số loại dược phẩm và đang được đưa vào sử dụng rộng rãi ở hàng chục spa (thuộc hệ thống của công ty) trên toàn quốc. Công ty của chị đã được chọn là đối tác chiến lược phân phối mỹ phẩm thảo dược của Mỹ tại Việt Nam.

TS. Yen Platz

ĐẤU GIÁ