Bìa sách “Sen ở Xứ sở tinh khiết yên bình”, xuất bản tại Hàn Quốc tháng 9.2024 .(Ảnh: NVCC)
Tiểu Linh: Điều gì đã thúc đẩy ông khởi xướng và hoàn thành tuyển tập thơ Hàn-Việt 2024 – “Sen ở Xứ sở tinh khiết yên bình”, và dự án này phản ánh như thế nào mối liên hệ của ông với truyền thống văn học Hàn Quốc và Việt Nam?
Dịch giả, nhà thơ, Tiến sĩ Byeong Cheol Kang: Sự ra đời của tuyển tập thơ Hàn-Việt này phần lớn được truyền cảm hứng từ tình bạn của tôi với nhà văn, nhà thơ, dịch giả Kiều Bích Hậu. Tôi đã rất xúc động khi đọc truyện ngắn của cô ấy về một đứa trẻ mắc chứng tự kỷ. Tôi đồng cảm với nỗi đau của gia đình có con tự kỷ và muốn giới thiệu tác phẩm của cô đến độc giả Hàn Quốc. Ban đầu, tôi chỉ định tập trung vào tuyển tập của cô ấy, nhưng sau đó tôi nghĩ sẽ tốt hơn nếu giới thiệu cuốn sách bao gồm các tác phẩm của những nhà thơ khác nữa. Tôi tin rằng tuyển tập này sẽ khuyến khích thêm các cuộc giao lưu giữa các tác giả Hàn Quốc và Việt Nam. Khi có người mở ra một con đường, con đường đó sẽ tự nhiên ngày càng rộng dài hơn.
Tiểu Linh: Ông có thể chia sẻ suy nghĩ của mình về ý nghĩa văn hóa và văn học của việc xuất bản tuyển tập thơ Hàn-Việt dưới dạng bìa cứng tại Hàn Quốc vào tháng 9 này? Ông hy vọng nó sẽ ảnh hưởng thế nào đến độc giả của cả hai quốc gia?
Dịch giả, nhà thơ, Tiến sĩ Byeong Cheol Kang: Trong mọi tác phẩm, nội dung quan trọng hơn hình thức. Tuy nhiên, vì đây là một tuyển tập văn chương được tạo nên lần đầu tiên bởi các tác giả Hàn Quốc và Việt Nam, chúng tôi không tiếc chi phí. Nhà thơ Yang Geum-Hee, chủ tịch hiện tại của Hiệp hội Văn học Thế giới Hàn Quốc, và nhà thơ Lee Hee-Kuk, phó chủ tịch, đã chi trả phần lớn chi phí, trong khi các nhà thơ tham gia khác sẵn sàng chia sẻ phần còn lại. Họ đều là những nhà thơ đáng kính, hết lòng vì người khác. Tôi xem đó là một vinh dự khi được tạo nên tuyển tập này cùng với những con người tuyệt vời như vậy.
Người Hàn Quốc và người Việt Nam có những suy nghĩ và cảm xúc rất giống nhau. Giống như tôi có tình cảm sâu sắc với người dân Việt Nam, những người khác cũng đánh giá cao các nhà văn, nhà thơ Việt Nam. Các nhà văn Việt Nam tìm kiếm cái đẹp mà họ có thể chia sẻ dễ dàng với độc giả qua tác phẩm. Ở Hàn Quốc có rất nhiều nhà văn, nhà thơ, có lẽ số lượng gấp mười lần so với Việt Nam. Đôi khi, chúng tôi gặp phải những tác phẩm khó chia sẻ ở mức độ cảm xúc. Tôi hy vọng tuyển tập này sẽ tạo cơ hội cho các nhà thơ Hàn Quốc và Việt Nam học hỏi những điểm mạnh của nhau.
Tiểu Linh: Tình yêu sâu đậm của ông dành cho văn hóa và văn học Việt Nam được thể hiện rõ trong công việc dịch thuật nhiều tác phẩm văn học Việt Nam sang tiếng Hàn trong thời gian 3 năm qua. Điều gì ban đầu thu hút ông đến với văn học Việt Nam và niềm đam mê này đã phát triển như thế nào theo thời gian?
Dịch giả, nhà thơ, Tiến sĩ Byeong Cheol Kang: Tôi mang tư duy toàn cầu và đã đi thăm 50 quốc gia. Là một nhà khoa học chính trị quốc tế, tôi đã nghiên cứu các vấn đề toàn cầu và sự chung sống hòa bình, đặc biệt là tranh chấp ranh giới biển. Năm 2012, tôi cũng tham gia một hội thảo quốc tế do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức. Tình cảm của tôi dành cho người dân Việt Nam dường như đã có từ khi tôi sinh ra. Có lẽ một trong những tổ tiên của tôi đã từng từ Việt Nam đến Hàn Quốc. Tại một sự kiện trao đổi của tổ chức Văn Bút Quốc tế, tôi đã gặp nhà văn, nhà thơ, dịch giả Kiều Bích Hậu, và sau đó chúng tôi có nhiều cuộc thảo luận về trao đổi văn học, điều này dẫn đến việc giới thiệu hàng loạt tác phẩm các nhà văn Việt Nam đến độc giả Hàn Quốc.
Tuy nhiên, nỗ lực trao đổi và hợp tác của tôi không giới hạn ở Việt Nam; tôi cũng hợp tác với các nhà văn từ các quốc gia khác. Tôi đã tích cực làm việc với các nhà văn Đài Loan. Hiện tại, tôi đang chuẩn bị cho việc xuất bản một tuyển tập của 20 nhà thơ Đài Loan vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Vì vậy, gần đây tôi cũng còn bận rộn giới thiệu các nhà thơ Đài Loan đến độc giả Hàn Quốc.
Tiểu Linh: Dịch các tác phẩm văn học là một quá trình phức tạp và đầy thử thách. Ông có thể mô tả hành trình dịch thuật văn học Việt Nam sang tiếng Hàn của mình? Làm thế nào để ông đảm bảo rằng tinh thần và vẻ đẹp của các tác phẩm gốc được giữ nguyên?
Dịch giả, nhà thơ, Tiến sĩ Byeong Cheol Kang: Tôi hiểu rằng đòi hỏi sự hoàn hảo trong công việc dịch thuật là không thể. Đó là lý do tại sao, bất cứ khi nào có thể, tôi đều cố gắng xuất bản bản gốc kèm theo bản dịch. Chúng tôi đã xuất bản cuốn sách “Sen ở Xứ sở tinh khiết yên bình” bằng ba ngôn ngữ: Hàn-Anh-Việt. Đã dịch nhiều cuốn sách học thuật liên quan đến chính trị quốc tế và viết các bài xã luận báo chí trong nhiều thập kỷ, tôi luôn cố gắng hiểu rõ những gì tác giả muốn truyền đạt. Tuy nhiên, tôi không bao giờ quên rằng bản dịch của tôi sẽ luôn có một số thiếu sót.
Dịch giả, nhà thơ, Tiến sĩ Byeong Cheol Kang. (Ảnh:NVCC)
Tiểu Linh: Ông đã thực hiện nhiều chuyến đi đến Việt Nam, bao gồm một chuyến đi quan trọng cùng với 20 nhà thơ Hàn Quốc thăm và giao lưu với nhiều tác giả tại Hội Nhà văn Việt Nam vào năm 2022. Trải nghiệm đó đã ảnh hưởng như thế nào đến công việc của ông và cam kết của ông trong việc trở thành cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc?
Dịch giả, nhà thơ, Tiến sĩ Byeong Cheol Kang: Mỗi khi tôi đến Việt Nam, tôi đều cảm thấy hạnh phúc. Thực tế, vào năm 2022, tôi đã đến Việt Nam cùng 20 nhà thơ Hàn Quốc và gặp nhiều nhà văn, nhà thơ, nhưng ngoài tác giả, dịch giả Kiều Bích Hậu, tôi không đặc biệt nhớ ai khác. Nếu không có những cuộc trao đổi ý nghĩa, theo thời gian, con người sẽ phai mờ trong ký ức. Người Việt Nam mà tôi gặp đều rất tốt bụng và đối xử với tôi bằng sự ấm áp, chân thành. Tôi là người tin vào bản chất tốt đẹp của con người. Tôi chưa bao giờ có những cuộc gặp gỡ tồi tệ ở bất kỳ quốc gia nào mà tôi đã đến - ở mọi nơi, tôi đều có những trải nghiệm thú vị. Tuy nhiên, nếu tôi không gặp Kiều Bích Hậu tại Việt Nam và phát triển tình bạn sâu sắc, sẽ không có sự hợp tác nào sẽ diễn ra. Tôi thậm chí đã viết một bài thơ về Kiều Bích Hậu và xuất bản nó trên báo chí ở nhiều quốc gia. Tôi tin rằng cô ấy là một tài sản quý giá trong số các nhà văn Việt Nam. Cô ấy có tình bạn với nhiều tác giả nổi tiếng thế giới và tôi tin rằng cô sẽ đóng góp to lớn vào việc mở rộng con đường đi của văn học Việt Nam ra toàn cầu.
Tiểu Linh: Là một đại sứ văn hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc, ông đã gặp phải những thách thức nào trong việc quảng bá văn học Việt Nam tại Hàn Quốc, và ông đã vượt qua chúng như thế nào?
Dịch giả, nhà thơ, Tiến sĩ Byeong Cheol Kang: Tôi có mối quan tâm sâu sắc đến việc trao đổi văn học giữa Hàn Quốc và Việt Nam, nhưng các nhà văn từ nhiều quốc gia đang tiếp cận tôi với các đề xuất, khiến tôi vô cùng bận rộn. Nhà thơ nổi tiếng Nepal, ông Rupsingh Bhandari, đã đề nghị chúng tôi xuất bản một tuyển tập thơ Hàn-Nepal vào năm tới, và tuyển tập thơ Hàn-Nepal dự kiến sẽ được xuất bản vào năm 2025. Tôi mong rằng nhiều tổ chức văn học và các nhà văn khác tại Hàn Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy việc trao đổi văn học giữa Hàn Quốc và Việt Nam. Tháng 9 này, tôi được mời tham dự Liên hoan Thơ Quốc tế Đài Loan và dự kiến sẽ tham dự sự kiện này hàng năm trong tương lai.
Tiểu Linh: Trong tương lai, ông nhìn thấy những dự án hay sự hợp tác nào để tiếp tục củng cố mối quan hệ văn hóa và văn học giữa Việt Nam và Hàn Quốc?
Dịch giả, nhà thơ, Tiến sĩ Byeong Cheol Kang: Tôi dự định giới thiệu thêm nhiều tác phẩm của các nhà thơ và nhà văn Việt Nam đến độc giả Hàn Quốc và mở rộng hợp tác của tôi với tác giả, dịch giả Kiều Bích Hậu thêm nữa.
Xin cảm ơn nhà thơ!
Thực hiện, Tiểu Linh
TIN LIÊN QUAN
XEM NHIỀU NHẤT
(Nhà thiết kế thời trang La Hồng, Cộng hòa Áo)
TS. Yen PlatzChị Cao Thị Thương (Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Cao Hoàng) đã không ngừng học hỏi từ thầy, từ các đồng nghiệp, từ việc đọc các tài liệu chuyên ngành... để nghiên cứu, pha chế, chiết xuất ra nhiều loại dược phẩm làm đẹp từ thảo mộc. Chị đã pha chế thành công một số loại dược phẩm và đang được đưa vào sử dụng rộng rãi ở hàng chục spa (thuộc hệ thống của công ty) trên toàn quốc. Công ty của chị đã được chọn là đối tác chiến lược phân phối mỹ phẩm thảo dược của Mỹ tại Việt Nam.
TS. Yen Platz
BÌNH LUẬN