Ngài Mark Kent, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam (bên trái)
(Nguồn ảnh: Tienphong.vn)
- PV: Một năm sống ở Thủ đô, Ngài thường tản bộ trên những đường phố và chứng kiến cảnh tắc đường, lấn chiếm vỉa hè, rác thải bừa bãi… và Ngài đã tham gia thu gom rác, mở blogs cá nhân vận động người dân Hà Nội cùng bảo vệ môi trường?
Đại sứ Mark Kent: Tôi chỉ viết trên blogs những gì tôi cảm nhận được, những gì tôi chứng kiến từ cuộc sống thường ngày. Tôi viết về môi trường và tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, bởi tôi cho rằng, đó là vấn đề rất quan trọng đối với cuộc sống của chúng ta. Một khi môi trường bị hủy hoại, chúng ta sẽ tốn kém rất nhiều tiền để khắc phục. Tôi rất vui bởi trong các cuộc gặp gần đây với lãnh đạo và các quan chức Việt Nam, chủ đề môi trường được đề cập rất nhiều. Nó chứng tỏ nhận thức về việc bảo vệ môi trường đang dần tăng lên ở Việt Nam, ở cả cấp độ Chính phủ và người dân.
- PV: Chúng tôi được biết là Hội đồng Anh đã và đang tổ chức các “Chương trình City talk” tại Việt Nam, xin Ngài nói rõ hơn về dự án này?
Đại sứ Mark Kent: Năm 2007, thế giới đã vượt qua con số thống kê đáng nhớ, lần đầu tiên trong lịch sử, hơn nửa dân số toàn cầu sinh sống tại các đô thị. Ở châu Âu, 80% dân số là cư dân thành phố. Tại khu vực Đông Á, trung bình hàng tháng có tới hơn 2 triệu người dân đổ về thành phố. Tại Việt Nam, các thành phố đang trải qua một quá trình chuyển đổi mạnh mẽ chưa từng có trong lịch sử. Đô thị hoá và hiện đại hoá đang nhanh chóng thay đổi mọi mặt cuộc sống. Các cuộc trò chuyện mang tên gọi “City Talk” được tổ chức hàng tháng, tập trung vào các khía cạnh văn hoá khác nhau của đô thị, như nghệ thuật công cộng, bản sắc đô thị, văn hoá sống, vai trò của nghệ thuật trong thành phố…, với sự tham gia của các nghệ sĩ từ các loại hình nghệ thuật khác nhau của Anh quốc và Việt Nam. Thế kỷ XXI là thế kỷ của thành phố, và nghệ thuật sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc định hình chất lượng sống đô thị. Do vậy, trong năm 2008, hàng tháng, Hội đồng Anh sẽ tổ chức các cuộc thảo luận về chủ đề Đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nhằm khuyến khích người dân thành phố suy nghĩ và hành động một cách sáng tạo hơn cho thành phố của mình. Đây là một phần của dự án nghệ thuật mang tên gọi “Thành phố Sáng tạo” là nơi: trí tưởng tượng, cảm xúc sáng tạo được duy trì, mở rộng cánh cửa cho sự khác biệt về văn hoá, sự đa dạng của cư dân, cam kết chất lượng sống được đảm bảo, tạo cơ hội học tập và chia sẻ.
- PV: Tình hình đô thị hóa ở Hà Nội, Việt Nam, liệu có khiến Ngài liên tưởng đến nơi nào trên thế giới?
Đại sứ Mark Kent: Khi còn ở Brazil, tôi đã chứng kiến người ta đập bỏ các tòa nhà cổ rất đẹp để xây dựng các tòa nhà chọc trời. Hà Nội có rất nhiều nhà cổ, chính chúng đã tạo nên sự duyên dáng cho Thủ đô. Quy hoạch Hà Nội dù theo hướng nào cũng cần phải bảo tồn, tu tạo các ngôi nhà cổ, các kiến trúc cũ. Khách du lịch đến với Hà Nội bị thu hút bởi vẻ đẹp cổ xưa chứ không phải sự hiện đại của các tòa nhà cao ngất trời. Mặt khác, khi quy hoạch, cần phải tính toán kỹ càng về hệ thống cơ sở hạ tầng. Trận lụt ở Hà Nội cuối tháng 10 vừa qua đã cho thấy nhiều bài học, bài học về hệ thống thoát nước, về xây dựng các khu đô thị mới... Cuối cùng, giao thông đóng vai trò lớn trong quy hoạch đô thị. Tôi cho rằng người dân cần được cổ vũ sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, sử dụng xe đạp đi lại trong những khoảng ngắn, đi bộ nhiều hơn nữa. Nhiều thành phố của châu Âu hiện đang dấy lên phong trào đi xe đạp, điều mà tôi cho rằng hoàn toàn có thể áp dụng ở các đô thị của Việt Nam.
- PV: Thưa Ngài, trong buổi họp báo đầu tiên khi đến Việt Nam nhậm chức Đại sứ, Ngài đã từng nói rằng:“đọc sách là một trong những điều mà tôi yêu thích, đặc biệt là sách văn học, tôi sẽ tìm đọc văn học Việt Nam trong năm tới”, phải chăng Ngài đã làm được điều đó?
Đại sứ Mark Kent: Vì quá bận nên tôi chưa đọc được nhiều sách như tôi mong muốn (cười). Tôi cần đầu tư nhiều thời gian hơn cho việc trau dồi kiến thức. Ưu tiên trước mắt là một số sách trong lĩnh vực quản lý kinh tế. Tôi cũng có một vài sách của các tác giả Việt Nam. Tôi có thể sử dụng chúng để nâng cao trình độ tiếng Việt của mình. Rõ ràng là về mặt đọc sách thì tôi không đạt điểm tối đa. Nếu tôi còn là sinh viên thì chắc chắn lời phê của cô giáo sẽ là “phải cố gắng hơn trong năm tới”.
- PV: (Cười), xin cảm ơn chia sẻ chân thành của Ngài, nhưng chúng tôi được biết là Ngài và Hội đồng Anh tại Hà Nội đã luôn quan tâm đến các hoạt động văn học tại Việt Nam?
Đại sứ Mark Kent: Năm 2007-2008, Hội đồng Anh đã thực hiện một dự án văn học qui mô vùng, với mục đích khuyến khích văn hoá đọc và giới thiệu văn học Anh tới công chúng Việt Nam. Chương trình café văn học đã được tổ chức hàng tháng tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh về các chủ đề văn học khác nhau, nhằm tạo cơ hội cho người yêu văn học Việt Nam gặp gỡ và trò chuyện cùng các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình, dịch giả của Vương quốc Anh và Việt Nam. Series sự kiện như, trình diễn thơ, phát triển độc giả của Văn học đương đại Anh và Việt Nam, giới thiệu các tác phẩm văn học dịch nổi tiếng, giới thiệu các tác phẩm mới của nhà văn, nhà thơ Việt Nam… đã tạo được tiếng vang lớn và được công chúng yêu văn học Việt Nam đánh giá cao. Tuy Dự án văn học vùng năm 2008 đã kết thúc vào tháng 3, vừa qua, chúng tôi đang tập trung thực hiện dự án vùng “Thành phố sáng tạo”, chắc chắn dự án này cũng sẽ bao gồm các hoạt động về văn học. Ngoài ra, cuối năm 2008, tiếp nối dự án văn học vùng, nhà thơ Dạ Thảo Phương đã tham gia chuyến lưu diễn thơ tại Vương quốc Anh cùng các nhà thơ Anh quốc và các nước trong khu vực. Chương trình này mang tên “Không lời”, đã diễn ra rất thành công và được công chúng tại các thành phố như London, Manchester, Liverpool và Birmingham, Bath… đánh giá cao.
Tháng 3/2008, Hội đồng Anh cũng đã hỗ trợ dịch 2 tác phẩm của tác giả Mc Ewan “Trên bãi biển Chesil” (đã được xuất bản) và “Atonement” (hiện đã dịch xong, đang hiệu đính) ra tiếng Việt. Đầu năm 2009, chúng tôi dự định sẽ thực hiện một số sự kiện để giới thiệu hai tác phẩm đặc sắc này đến đông đảo độc giả Việt Nam.
- PV: Thưa Ngài, chúng tôi thiển ví “ngôn ngữ Anh như mỏ dầu khí của Vương quốc Anh”, Ngài nghĩ sao về điều này?
Đại sứ Mark Kent: Chúng tôi rất tự hào vì tiếng Anh giờ là ngôn ngữ quốc tế, ngôn ngữ giao dịch thương mại, giáo dục... Sinh viên Việt Nam sang Anh du học sẽ có cơ hội hấp thu cả vốn kiến thức lẫn vốn liếng tiếng Anh. Một trong những lĩnh vực ưu tiên trong nhiệm kỳ của tôi tại Việt Nam là hợp tác giáo dục. Để duy trì tăng trưởng, Việt Nam cần một thế hệ thanh niên có trình độ học vấn cao, kỹ năng làm việc tốt. Năm 2008, triển lãm giáo dục Anh được tổ chức tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đã thu hút hơn 60 trường đại học của Anh tham dự, điều này cho thấy cả Việt Nam và Anh đều rất coi trọng hợp tác trong lĩnh vực giáo dục.
Đại sứ Mark Kent và Phu nhân
- PV: Chúng tôi lại được biết là Phu nhân đã “bỏ Ngài”, lên Thái Nguyên để giúp đỡ đồng bào miền núi và đặc biệt là để học tiếng Việt, Ngài đã ủng hộ quyết định đó?
Đại sứ Mark Kent: Tôi hoàn toàn ủng hộ việc vợ tôi đi học tiếng Việt ở Thái Nguyên. Tôi cho rằng, đối với người nước ngoài, đặc biệt là đối với các nhà ngoại giao, việc hiểu được văn hóa và tập tục ở nơi bản địa là rất cần thiết. Những nhà ngoại giao trói mình trong khuôn khổ cộng đồng người nước ngoài sẽ khó có thể phát huy tối đa công việc của mình. Học ngôn ngữ là để hiểu được xã hội nơi bạn đang sinh sống, hiểu được cảm xúc của người dân địa phương. Nhờ biết đôi chút tiếng Việt mà tôi có dịp được giao lưu nhiều hơn với người dân Việt Nam và tôi rất vui vì điều này.
- PV: Tết Cổ truyền dân tộc sẽ là một trải nghiệm thú vị, nếu như năm nay Ngài và gia đình quyết định ở lại đón năm mới cùng nhân dân Việt Nam?
Đại sứ Mark Kent: Năm ngoái, tôi vừa mới đến Hà Nội nhậm chức được hơn một tháng thì Tết đến. Tôi chưa quen biết nhiều người, vì vậy chưa cảm nhận hết những điều đặc biệt của Tết Cổ truyền Việt Nam. Năm nay, tôi đã có nhiều bạn bè hơn và tôi hy vọng mọi người sẽ mời tôi đến ăn Tết (cười).
- PV: Xin cảm ơn Đại sứ! Xin chúc Ngài và gia đình sẽ đón một cái Tết đầm ấm và hạnh phúc bên những người bạn Việt Nam.
TIN LIÊN QUAN
Năm 2012, lần đầu tiên Việt Nam trình diễn một “báu vật” và một di sản trên quê hương thiên tài âm nhạc Mozart, đó là, “Tuần lễ múa rối nước” và “Đêm Nhã nhạc cung đình Huế”. Những sự kiện này đã góp phần quảng bá văn hóa Việt đến đông đảo công chúng Áo và bạn bè quốc tế, một cách sâu rộng và hiệu quả.
TS. Yen PlatzXEM NHIỀU NHẤT
(Nhà thiết kế thời trang La Hồng, Cộng hòa Áo)
TS. Yen PlatzChị Cao Thị Thương (Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Cao Hoàng) đã không ngừng học hỏi từ thầy, từ các đồng nghiệp, từ việc đọc các tài liệu chuyên ngành... để nghiên cứu, pha chế, chiết xuất ra nhiều loại dược phẩm làm đẹp từ thảo mộc. Chị đã pha chế thành công một số loại dược phẩm và đang được đưa vào sử dụng rộng rãi ở hàng chục spa (thuộc hệ thống của công ty) trên toàn quốc. Công ty của chị đã được chọn là đối tác chiến lược phân phối mỹ phẩm thảo dược của Mỹ tại Việt Nam.
TS. Yen Platz
BÌNH LUẬN