Hai vị Quân vương Philippe và Van der Bellen có thành phần xuất thân khác nhau, một người thuộc dòng dõi hoàng tộc, một người là con của gia đình tị nạn (từng thuộc dòng dõi quí tộc) nhưng giờ đây, trong mắt đông đảo công chúng châu Âu, cả hai Ngài đều toát lên thần thái mẫn tiệp, hiền lương và uyên bác.
Nhà vua Philippe và hoàng hậu Mathilde Vương quốc bỉ (bên phải), Tổng thống Áo Van der Bellen và phu nhân (bên trái)
1. Quân tử chi giao...
Ngày 1 tháng 10 năm 2018, nhà vua Philippe Léopold Louis Marie và Hoàng hậu Mathilde Vương quốc Bỉ đã thực hiện chuyến thăm cấp cao đến Cộng hòa Áo. Mối quan hệ giữa Áo và Bỉ cũng là mối quan hệ thân tình. Cả hai nước đều là nước nhỏ, nhưng đều có vị trí địa lý trọng yếu, có vai trò đặc biệt trên trường chính trị quốc tế. Hai nước đều là nơi đặt trụ sở của các cơ quan quốc tế như Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu, OPEC...
Trong sân cung điện Hofburg, đội quân nhạc danh dự đã chỉnh tề. Người dân đứng rất đông, xung quanh trong khu vực cho phép. Một lúc sau, Tổng thống Áo và phu nhân bước ra sân, chuẩn bị thủ tục tiếp đón nhà vua Philippe Léopold Louis Marie và Hoàng hậu Mathilde, Vương quốc Bỉ. Trong khi chờ đợi, Tổng thống Áo và phu nhân đã bắt tay và chào hỏi người dân. Một lúc sau, đoàn xe hộ tống Nhà vua và Hoàng hậu tiến về phía cung điện. Chiếc xe chở Ngài chầm chậm dừng lại trước thảm đỏ. Một vệ sĩ bước ra mở cửa xe, Nhà vua nhẹ nhàng bước xuống, theo sau là hoàng hậu. Họ bắt tay vị Tổng thống chủ nhà và phu nhân, rồi cùng nhau quay sang vẫy chào người dân. Không khí vô cùng lặng lẽ, trang nghiêm. Sau khi duyệt đội danh dự, hai vị quân vương cùng nhau tiến vào cung điện - nơi làm việc của Tổng thống Áo. Họ vừa đi, vừa trò chuyện và dừng lại ngắm nhìn kiến trúc của Cung điện Hofburg. Đây có lẽ là cuộc viếng thăm mang tính ngoại giao văn hóa nên không khí rất nhẹ nhàng, bình yên.
Người phụ trách báo chí của Văn phòng Tổng thống Áo xin các nhà báo chúng tôi chờ thêm vài phút, để Tổng thống và Nhà vua cùng các phu nhân yên vị. Chúng tôi im lặng, đứng đợi, gần chục phút trôi qua nhưng vẻ mặt ai cũng vui vẻ, không hề sốt ruột hay vội vã như nhiều cuộc tác nghiệp chính trị khác. Một lúc sau, cửa phòng làm việc của Tổng thống mở ra, chúng tôi được mời vào trong, thì thấy, Nhà vua Philippe và Hoàng hậu Vương quốc Bỉ ngồi ở vị trí chủ nhà, còn Tổng thống Áo và phu nhân thì ngồi ở vị trí của khách. Trên bàn đặt ba cuốn sách. Một cuốn có tên là “Phụ nữ - nghệ thuật và quyền lực”. Hai đĩa bánh truyền thống, mỗi đĩa có 6 chiếc nho nhỏ. Ba tách trà. Một bó hoa hồng hai màu vàng, đỏ. Không thấy tách trà của hoàng hậu. Họ đàm đạo nhẹ nhàng và luôn mỉm cười.
Căn phòng của Hoàng hậu La Mã Thần thánh Maria Theresia xưa kia, giờ là phòng họp báo của Tổng thống, không có cuộc họp báo như thường lệ. Chỉ có hai lá cờ, một bó hoa hồng hai màu vàng, đỏ, bộ bàn ghế nhung viền vàng, không khí yên lặng và tôn kính.
2. Nhà vua Philippe
Vua Philippe sinh ngày 15/4/1960, tại Cung điện Château de Belvédère, ngoại ô Laeken, thành phố Bruxelles, Vương quốc Bỉ. Tháng 7/2013, ông đã được vua cha Albert II truyền ngôi. Trong lúc nền kinh tế Bỉ đang gặp nhiều khó khăn nên lễ kế vị của ông diễn ra rất giản dị. Hơn nữa, nền chính trị của nước này cũng vừa lúc trải qua một giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng do bất đồng giữa vùng sử dụng tiếng Hà Lan và vùng sử dụng tiếng Pháp. Vì thế, trong Lễ tuyên thệ nhà vua cũng đã kêu gọi sự đoàn kết giữa hai cộng đồng này.
Vua Philippe đã theo học tại Học viện Quân sự Hoàng gia Bỉ, từ năm 1978 đến năm 1981. Tháng 9/1980, ông đã được phong hàm thiếu úy trong lực lượng Quân đội Hoàng gia Bỉ. Sau đó, ông tiếp tục học tại Đại học Trinity, Oxford, Vương quốc Anh. Năm 1985, ông đã tốt nghiệp cử nhân ngành Chính trị học, Đại học Stanford, California, Hoa Kỳ. Năm 1989, ông được phong hàm Thượng tá. Năm 2001, ông được phong quân hàm Thiếu tướng thuộc Lực lượng Bộ binh và Không quân Bỉ, rồi quân hàm Chuẩn đô đốc thuộc Lực lượng Hải quân Bỉ. Ngoài ra, ông còn nhận được nhiều giấy chứng nhận trong vai trò là lính nhảy dù và lính biệt động quân, ông đã liên tiếp tham gia nhiều khóa học tại Học viện Quốc phòng Hoàng gia Cao cấp.
Tháng 8/1993, ông là Chủ tịch danh dự của Bộ Ngoại thương Bỉ. Năm 2003, ông được bổ nhiệm làm Chủ tịch Danh dự Cơ quan Thương mại Quốc tế. Trên cương vị này, ông đã tham gia giải quyết nhiều vấn đề kinh tế quan trọng ở hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ngày 04/12/1999, ông đã kết hôn với Nữ bá tước Mathilde d'Udekem d'Acoz (nữ quý tộc gốc Ba Lan). Họ sinh được 4 người con là Công chúa Elisabeth (2001), Hoàng tử Gabriel (2003), Hoàng tử Emmanuel (2005), Công chúa Eléonore (2008).
3. Tổng thống Alexander Van der Bellen
Tháng 9/2015, lần đầu tiên, tôi đã gặp Giáo sư Alexander Van der Bellen trong một cuộc biểu tình ủng hộ người tị nạn. Đó là một trong những cuộc biểu tình lớn nhằm thúc ép chính phủ mở cửa đường biên giới đón nhận người tị nạn. Trong đoàn người biểu tình, tôi nhìn thấy hai người phụ nữ nhiều tuổi, chầm chậm đi bên lề đường, tôi bèn bước đến xin phỏng vấn. Hai bà mỉm cười, rồi chỉ tay về phía trước: “chúng tôi cảm ơn cô, nhưng cô nên phỏng vấn người đàn ông kia kìa”. Tôi nhìn theo hướng tay họ, rồi tiến lên gặp người đàn ông. Ông ấy gật đầu đồng ý, chúng tôi đứng vào lề đường, tránh lối cho đoàn người biểu tình. Tôi vừa đặt câu hỏi, vừa giơ máy quay lên ngang tầm mặt để quay phim. Đến câu hỏi thứ ba thì tôi chợt nhận ra, ông ấy chính là tác giả của cuốn hồi kí mà chồng tôi đã mang về nhà từ vài hôm trước. Ông chính là Giáo sư kinh tế, Đại học Tổng hợp Wien và là một trong những lãnh đạo chủ chốt của Đảng Xanh. Thế là tôi tiếp tục đặt câu hỏi về cuốn sách, về việc: “hình như sắp tới ông sẽ tham gia tranh cử chức Tổng thống Áo?”. Ông mỉm cười, không gật cũng không lắc, mà nói: “Chuyện này thì tôi xin được nói sau nhé...”. Thời điểm đó, thông tin về việc này, dường như mới chỉ được bàn bạc trong chiến lược nội bộ của Đảng Xanh.
Kể từ sau cuộc phỏng vấn đó, tôi đã nghĩ nhiều về ông. Hơn nữa, tôi cảm thấy thực sự xúc động bởi tấm lòng của nhiều người dân Áo, trong đó có ông, có Đảng Xanh đã dành cho những người tị nạn. Có một lần, tôi đã may mắn được tham quan căn phòng đặc biệt trong cung điện Hofburg - nơi trưng bày chân dung của các đời Tổng thống Áo và không thấy vị Tổng thống nào có học hàm giáo sư. Thế nên, quả thật đã có lúc, tôi cầu nguyện cho ông, mong rằng nước Áo sẽ có một vị giáo sư đầu tiên trở thành Tổng thống. Rồi tự nhiên, tôi có niềm tin, rằng điều đó sẽ trở thành sự thật! Không phải vì ông là thầy giáo của chồng tôi, cũng không phải vì ông là sếp của Đảng mà chồng tôi đang tham gia, mà đơn giản là tôi cảm nhận thấy một điều gì đó toát lên từ tấm lòng và khí chất của ông! Cũng như tôi đã từng cảm nhận được điều đó khi lần đầu tiên trò chuyện, phỏng vấn một vị thư ký nhà nước, sau này đã trở thành vị nguyên thủ trẻ nhất thế giới!
Trong giới báo chí - truyền thông, chúng tôi thường hay chia sẻ với nhau về “cảm nhận nghề nghiệp” của mình. Thầy giáo Wolfgang của tôi cũng thường đề cao “cảm giác nghề nghiệp” của các phóng viên. Thế nên, một số bạn thường đùa tôi rằng: “cô nhà báo châu Á này mà phỏng vấn ai là người đó sẽ thăng chức và nổi tiếng”.
Giáo sư Alexander Van der Bellen sinh ngày 18/01/1944 là nhà chính trị, nhà kinh tế người Áo. Ông sinh ra ở Vienna, Áo. Bố ông sinh ra ở Nga và thuộc tầng lớp quý tộc có gốc Hà Lan. Mẹ ông sinh ra ở Estonia. Gia đình ông thuộc tầng lớp quý tộc giàu có ở Nga, nhưng sau đó phải chạy tị nạn Chủ nghĩa Stalin sang Estonia (1919), Đức, Vienna - Tyrol - Vienna, Áo. Ông đã tự mô tả mình là một “đứa trẻ tị nạn”.
Van der Bellen từng giữ chức Ủy viên Hội đồng Quốc gia (1994-2012), Chủ tịch CLB Nghị viện và Phát ngôn viên Liên bang của Đảng Xanh (1997-2008). Năm 2016, ông đã tham gia tranh cử chức Tổng thống Áo. Ông đã đứng thứ hai trong tổng số 6 ứng cử viên ở vòng đầu tiên. Vòng thứ hai, ông bước vào cuộc đua với Norbert Hofer (Đảng Tự Do).
Giữa bối cảnh khủng hoảng người tị nạn tại Áo, châu Âu, ông và Đảng Xanh đã phải trải qua rất nhiều thử thách. Lần đầu tiên, kể từ sau Thế chiến thứ hai, giới trí thức Áo đã lo sợ “tư tưởng Hitle” quay trở lại trên quê hương mình. Thậm chí, cuộc bầu cử lần một của ông đã chiến thắng với tỉ số sát sao nhưng Đảng Tự Do (dân tuý hữu khuynh) đã tìm mọi kẽ hở đòi tòa án phải xem xét lại hình thức bỏ phiếu ở nông thôn, vốn đã trở thành nét văn hóa trong bầu cử của người dân Áo từ xưa đến nay. Vì thế, Tòa án Hiến pháp đã phải cho bầu lại (01/7/2016). Sau đó, ngày 04/12/2016, cuộc bầu cử được lặp lại, một lần nữa ông lại chiến thắng với 53,8% số phiếu bầu và trở thành vị Tổng thống thứ 12 của Áo (26/01/2017).
Tuy nhiên, lúc đó, một vài chính trị gia của Đảng Xanh đã chia sẻ với tôi rằng: “Chúng tôi đã chiến thắng nhưng bây giờ mới là lúc lo lắng nhất...”. Quả thật, sau đó cảnh sát đã phát hiện và đập tan ba âm mưu nhằm ám sát Tổng thống.
Ông ủng hộ chính sách tự do xã hội, chính sách xanh, ủng hộ người tị nạn và ủng hộ Liên minh châu Âu. Công chúng Áo, châu Âu vẫn thường thấy ông lên tiếng một cách mạnh mẽ ủng hộ người tị nạn, họ tin rằng ông sẽ luôn được nhân dân yêu mến!
Hai vị Quân vương luôn thể hiện sự hòa ái với dân chúng
Hai vị Quân vương Philippe và Van der Bellen có thành phần xuất thân khác nhau, một người thuộc dòng dõi hoàng tộc, một người là con của gia đình tị nạn (từng thuộc dòng dõi quí tộc) nhưng giờ đây, trong mắt đông đảo công chúng châu Âu, cả hai Ngài đều toát lên thần thái mẫn tiệp, hiền lương và uyên bác.
TIN LIÊN QUAN
XEM NHIỀU NHẤT
(Nhà thiết kế thời trang La Hồng, Cộng hòa Áo)
TS. Yen PlatzChị Cao Thị Thương (Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Cao Hoàng) đã không ngừng học hỏi từ thầy, từ các đồng nghiệp, từ việc đọc các tài liệu chuyên ngành... để nghiên cứu, pha chế, chiết xuất ra nhiều loại dược phẩm làm đẹp từ thảo mộc. Chị đã pha chế thành công một số loại dược phẩm và đang được đưa vào sử dụng rộng rãi ở hàng chục spa (thuộc hệ thống của công ty) trên toàn quốc. Công ty của chị đã được chọn là đối tác chiến lược phân phối mỹ phẩm thảo dược của Mỹ tại Việt Nam.
TS. Yen Platz
BÌNH LUẬN