Tôi kính trọng và ngưỡng mộ nhiều phóng viên, nhà báo quốc tế mà tôi đã gặp. Họ có tầm hiểu biết, bao quát và ảnh hưởng sâu rộng trong giới truyền thông quốc tế. Dường như họ là sự “tập hợp” của cả một nhóm đối tượng công chúng, trong lĩnh vực mà họ theo đuổi. Kiến thức và lòng quả cảm của họ đã thật sự chinh phục công chúng. Thế nên, mỗi khi triển khai các đề tài, họ thường là đối tượng đầu tiên mà tôi “nhắm” đến, nhưng để được họ trả lời phỏng vấn thì thật không hề đơn giản một chút nào.
Tác giả tác nghiệp cùng các nhà báo quốc tế tại một sự kiện (Nguồn ảnh: ORF)
* Quan sát bối cảnh trước khi phỏng vấn
Tôi thường nghĩ về phong thái, lòng quả cảm và tài năng của nhà báo David Frost. Ông là một nhà báo truyền hình nổi tiếng của Anh quốc, người đã thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn với những nhân vật có quyền lực và ảnh hưởng nhất trên thế giới, trong đó có cuộc phỏng vấn với cựu Tổng thống Mỹ Richard M. Nixon vào năm 1977. Ông đã buộc Nixon phải bày tỏ sự hối tiếc về hành động của mình trong vụ bê bối Watergate và cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Cuộc phỏng vấn đó được coi là kinh điển trong giới truyền thông thế giới và đã được Hollywood dựng thành phim Frost/Nixon (năm 2008).
Tháng 11/2014, đồng nghiệp Trần Xuân (VTV4) đã đề nghị tôi hỗ trợ phỏng vấn kiều bào về sự kiện Quốc hội Việt Nam lấy phiếu tín nhiệm. Tôi đã nhận lời ngay, nhưng sau đó tôi đã đổi ý và đưa ra ý kiến với cô ấy là nên phỏng vấn các nhà báo quốc tế (những người chuyên theo dõi mảng chính trị quốc tế). Điều đó sẽ giúp VTV4 nhận được những ý kiến khách quan hơn khi phục vụ rộng rãi công chúng trong và ngoài nước. Trần Xuân đã từng tham dự một khóa học và nghiên cứu truyền thông quốc tế tại Áo nên cô ấy hiểu ngay vấn đề. Cô ấy lập tức đề xuất ý kiến lên cấp trên và được lãnh đạo đồng ý. Sau đó, chúng tôi đã lên kế hoạch chi tiết chuẩn bị cho các cuộc phỏng vấn.
Thông thường tôi sẽ phải nhờ một người nữa đi quay phim cùng, nhưng hôm đó tôi phải đi một mình, bởi vì, đó là Vòng đàm phán hạt nhân hạn chót (Iran Talks tại Vienna, Áo), nơi có 400 nhà báo quốc tế đang “trực chiến”. Phòng họp được canh phòng cẩn mật, chỉ những nhà báo có thẻ tác nghiệp tại sự kiện mới được quyền tham dự. Hôm ấy, tôi đến rất sớm. Quảng trường nhỏ Theodor Herzl Platz đã mọc lên một căn lều lớn và mấy căn lều nhỏ, bằng vải bạt màu trắng. Đối diện bên kia là khách sạn Coburg, nơi diễn ra các vòng đàm phán của các nhà lãnh đạo 6 cường quốc và Iran. Hàng tốp cảnh sát đứng chặn các ngả đường dẫn đến khu vực này. Trong những căn lều nhỏ, máy quay của các hãng thông tấn như Reuters, CNN, BBC... đã dựng sẵn. Xung quanh là hàng trăm nhà báo, tay lăm lăm máy quay, máy ảnh lớn nhỏ. Tất cả đều hướng ống kính về phía cửa khách sạn. Tôi bước vào căn lều bạt lớn. Nó rộng chừng 300 mét vuông. Tiếng máy phát điện chạy ầm ầm. Cuối phòng, ống dẫn khí nóng được luồn vào trong lều. Thời tiết châu Âu đang vào độ cuối thu, nhiệt độ ngoài trời khoảng 7 độ c, nhưng trong phòng thì nóng ran như mùa hè. Ở bốn góc phòng luôn có 4 vệ sĩ túc trực. Họ đứng như vậy từ 8h sáng đến 21 giờ tối, thỉnh thoảng thay ca. Đôi lúc, tôi nghe thấy tiếng họ thở dài. Chúng tôi ngồi cả ngày mà còn thấy mệt, huống hồ họ đứng suốt như vậy. Một trạm kiểm soát an ninh gồm 5 người được đặt ngay lối ra vào. Thông thường chúng tôi sẽ ngồi họp ở khu Austria Center Vienna, rộng mênh mông (bên cạnh khu Liên hiệp quốc), cách Coburg gần chục bến tàu điện ngầm. Hoặc sẽ được bố trí ngồi ở trong khách sạn Marriott, với một không gian nhỏ hơn, nhưng lần này, chúng tôi lại được bố trí ngồi ngay “tại trận”, chắc cũng vì độ nóng của vòng đàm phán. Tất cả động thái của các quan chức đều được các phóng viên ghi lại không sót chi tiết nào. Phóng viên nào cũng đứng ngồi không yên, chốc chốc tất tả vác máy ra, rồi lại vác vào. Mỗi lần như thế cả họ và đội an ninh đều vất vả vì phải kiểm tra lại từ đầu. Thậm chí chúng tôi đi vệ sinh, khi quay lại cũng đều bị kiểm tra từ đầu đến chân.
Sau khi quan sát các đồng nghiệp gần nửa buổi sáng, tôi đã nhận thấy tình hình có vẻ khó khăn cho cuộc phỏng vấn của tôi. Nhưng do sức ép về thời gian, tôi không có sự lựa chọn khác. Tôi đã tiến hành hỏi chuyện từng nhà báo - những người mà tôi biết là họ đã quan tâm đến Việt Nam (vì trước đây tôi đã trò chuyện và phỏng vấn họ). Đúng như tôi dự đoán, nhiều người đã từ chối trả lời tôi. Sau nhiều lần thăm dò tôi đã rút ra được 7 lý do cơ bản sau:
* Bảy lý do cơ bản khiến các nhà báo quốc tế từ chối trả lời phỏng vấn
1 - Do quy định của tòa soạn: một số hãng thông tấn, tòa soạn đã quy định không cho phép phóng viên, biên tập viên của mình trả lời phỏng vấn các tờ báo khác, các nước khác.
2- E ngại tòa soạn và các cơ quan chính phủ: một số nhà báo từ chối trả lời phỏng vấn vì e ngại tòa soạn và các cơ quan chính phủ sẽ trách mắng. Bởi vì họ được trả lương để theo dõi sự kiện hạt nhân, chứ không phải để “phục vụ” sự kiện chính trị cho các báo khác, các nước khác.
3- Sếp theo dõi: một vài nhà báo muốn trả lời phỏng vấn nhưng bị sếp theo dõi, nên đành từ chối trả lời.
4- Không biết tiểu tiết vấn đề: một số nhà báo không nắm được cụ thể vấn đề cuộc Bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội Việt Nam nên từ chối trả lời.
5- Hệ thống chính trị khác nhau: phần lớn các nhà báo quốc tế thuộc các nước tư bản nên họ giao ước rằng khi trả lời phỏng vấn họ sẽ nói về vấn đề dân chủ, nhân quyền và đảng phái...
6- Ảnh hưởng lợi ích quốc gia: trước đây, một số nhà báo đã trả lời phỏng vấn về tình hình căng thẳng ngoài Biển Đông giữa Việt Nam - Trung Quốc. Trong đó, họ đã tỏ ý ủng hộ Việt Nam, nhưng sau đó họ đã bị “ăn đòn”. Sếp của họ cho rằng phát biểu đó ít nhiều sẽ gây ra những tác dụng phụ cho mối quan hệ giữa chính phủ của họ với Trung Quốc.
7- Ảnh hưởng lợi ích cá nhân: một số nhà báo rất ủng hộ Việt Nam nhưng Trung Quốc lại đang thuê họ làm việc (Một đồng nghiệp trong nhóm này ngập ngừng mãi mới dám thú thật với tôi).
* Làm thế nào để có cuộc phỏng vấn chất lượng
Tôi đã dành gần một buổi chiều để trò chuyện, trao đổi với các nhà báo quốc tế. Tôi nhớ lại những cuộc phỏng vấn mà tôi đã thực hiện trước đây, khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD - 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Lúc đầu, tôi cũng đã gặp rất nhiều khó khăn và bị từ chối thẳng thừng. Nhưng sau mấy ngày trao đổi thì không những các nhà báo quốc tế đã trả lời phỏng vấn của tôi mà còn cung cấp cho tôi nhiều tư liệu quí giá khác. Thậm chí, vài nhà báo đã hoãn chuyến bay, để ở lại làm phóng sự “cuộc biểu tình của người Việt phản đối Trung Quốc” tại Vienna (7/2014). Đặc biệt, tôi đã có được ý kiến rất quan trọng về vấn đề Biển Đông của người phát ngôn Liên minh châu Âu. Ý kiến đó cũng thuộc phát ngôn chính thức của Liên minh châu Âu về Biển Đông.
Lúc đó, tôi đã nói gì với các chuyên gia, các nhà báo quốc tế? Tôi đã nói rằng: “Xét cho cùng thì cái ác chưa chắc đã đáng sợ bằng sự im lặng của những người tốt... Chúng tôi không cần các bạn phải bênh vực cho Việt Nam, mà chỉ cần các bạn nói lên tiếng nói của lương tri, của lẽ phải, như vậy là đủ”. Bây giờ, tôi phải nói gì cho cuộc phỏng vấn này đây? Tôi đã nghĩ nhiều nhưng rồi cũng mạnh dạn: “Anh/chị đang ở đây là đại diện cho đất nước của các anh/chị. Anh/chị là nhà báo quốc tế nên tầm hiểu biết là bao quát vấn đề, vì thế anh/chị có quyền bày tỏ quan điểm ở tầm quốc tế chứ không phải chỉ ở phạm vi quốc gia nữa. Thực tế, các bài báo của các anh/chị cũng đã chứng minh điều đó, ảnh hưởng của anh/chị cũng đã ở phạm vi quốc tế chứ không còn chỉ là nội bộ một quốc gia nữa. Tôi luôn cho rằng anh/chị đủ mạnh để giữ vững quyền và tư thế đó của mình, những thứ đã đương nhiên thuộc về anh/chị. Còn nếu vì một lý do nào đó mà anh chị không thể trả lời phỏng vấn của tôi, thì tôi cũng rất chia sẻ...”.
Cuối cùng, tôi cũng đã có được những cuộc phỏng vấn khá chất lượng. Vậy nên tôi thấy rằng, có những khó khăn chúng ta có thể lường trước, nhưng cũng có vô vàn những điều mà chỉ sau khi tác nghiệp chúng ta mới rút ra được bài học. Những khó khăn, va vấp, vất vả... ấy có thể coi như những thứ “di sản” quí báu, làm “vốn” cho cuộc đời làm báo của mỗi người.
TIN LIÊN QUAN
XEM NHIỀU NHẤT
(Nhà thiết kế thời trang La Hồng, Cộng hòa Áo)
TS. Yen PlatzChị Cao Thị Thương (Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Cao Hoàng) đã không ngừng học hỏi từ thầy, từ các đồng nghiệp, từ việc đọc các tài liệu chuyên ngành... để nghiên cứu, pha chế, chiết xuất ra nhiều loại dược phẩm làm đẹp từ thảo mộc. Chị đã pha chế thành công một số loại dược phẩm và đang được đưa vào sử dụng rộng rãi ở hàng chục spa (thuộc hệ thống của công ty) trên toàn quốc. Công ty của chị đã được chọn là đối tác chiến lược phân phối mỹ phẩm thảo dược của Mỹ tại Việt Nam.
TS. Yen Platz
BÌNH LUẬN