August 01, 2022 16:53 TS. Yen Platz
Sau những mùa sen, tôi mới hiểu được thế giới của chị - thế giới tiêu biểu của những người phụ nữ trung niên thành đạt trong công việc và chuyện gia đình. Những mùa sen cứ thế úa tàn theo năm tháng, nhưng những búp trà sen của chị thì quanh năm vẫn tỏa hương dịu ngọt trong căn phòng của tôi ở trời Âu.
z3610639392017_1b38c333101deeddab05eaf6e436ef3b.jpg

Chị Lê Thị Thu Hương (bên phải) cùng bạn bè gói trà sen

Hàng năm cứ đến mùa sen, tôi lại thấy chị cùng các bạn tụ tập để gói trà sen, phần để dùng cho gia đình, phần để tặng bạn bè phương xa. Hai mấy năm về trước, họ là những nữ sinh khoa văn trẻ trung, xinh đẹp và đầy mơ mộng, nay các chị đều đã là những người vợ, người mẹ, có người còn “nhấp nhỏm” làm mẹ chồng, mẹ vợ... Không ít người trong số các chị đang giữ trọng trách, đứng đầu các cơ quan, báo chí - truyền thông của Việt Nam. Dù cuộc sống có nhiều biến động, dù hoàn cảnh, điều kiện sống của mỗi người không giống nhau, nhưng họ vẫn luôn cố gắng giữ cho tâm hồn mình có những khoảng yên tĩnh, cùng nhau gói trà sen, tán gẫu, chia sẻ kinh nghiệm công việc và chuyện chăm sóc gia đình...

Năm nào tôi cũng nhận được những bông trà sen từ tay chị, để rồi, mỗi lần hương sen dâng lên, thơm dịu vào mùa tuyết lại khiến tôi nhớ đến đôi mắt biết nói, nhớ đến chất giọng thủ thỉ nhẹ nhàng, nhớ đến khuôn mặt thanh tú, mái tóc ngắn bồng bềnh và sự dịu dàng của chị. Tôi quen chị qua một người bạn. Khi đó họ là những lãnh đạo trẻ, đang được cử đi tu nghiệp ngắn hạn tại Vương quốc Anh. Chị làm trong ngành xuất bản.

Năm 1996, sau khi Tốt nghiệp Khoa văn, Đại học Tổng hợp (nay là Đại học KHXH&NV) chị Hương đã làm việc tại TTXVN. Ban đầu, chị làm phóng viên, biên tập viên, Ban Biên tập tin Đối ngoại, kéo dài 12 năm, đến khi TTXVN thành lập báo điện tử VietnamPlus, chị được cử sang làm Trưởng phòng Biên tập. Tiếp đó, chị được phân công làm Phó Tổng biên tập, NXB Thông tấn. Chị là người tâm huyết với nghề. Chị từng trăn trở với tôi về những tồn tại, khó khăn, vất vả của cơ quan, của ngành xuất bản. Vì tôi cũng làm nghiên cứu trong lĩnh vực báo chí - truyền thông nên chị em đã có phần “đồng thanh tương ứng”.     

 Mỗi lần đón tôi trở về Hà Nội chị lại “nhích” lên từng bước trong công việc. Chị là người bình tĩnh và luôn cố gắng hài hòa được cả công việc và chuyện chăm sóc gia đình. Khi đã ở trên cương vị Tổng biên tập, chị vẫn tỉ mỉ đọc từng tập bản thảo dày cộp, với mong muốn cơ quan có được những xuất bản phẩm chất lượng nhất, nhưng khi trở về nhà chị lại lao vào làm “ôsin”, mong sao nấu được những bữa ăn cho chồng, cho con ngon lành nhất.

- Tôi hỏi: Làm thế nào mà chị vẫn giữ được thế giới riêng của mình yên tĩnh và cân bằng được công việc và chuyện chăm sóc gia đình?

Chị cười: Tôi cũng không biết là đã làm thế nào, mà thực ra là cũng không biết đã cân bằng được điều đó hay chưa nữa. Tôi còn nhớ, ngày mới bước chân vào TTXVN, với vai trò là phóng viên, rồi biên tập viên báo điện tử, công việc lúc nào cũng đầy ắp thông tin cần xử lý, với lịch trực tối, làm ngày, luôn thay đổi, lại còn phải học thêm hết lớp bồi dưỡng này đến lớp ngắn hạn khác, vừa phải chăm sóc con nhỏ nên rất căng thẳng. Hồi đó, cũng không biết sao mình có thể thu xếp được thời gian nữa. Nghĩ lại thấy mình cũng chưa làm tròn bổn phận của người mẹ, người vợ trong gia đình, nhiều khi vì công việc mà cũng sao nhãng việc con cái đấy. Giờ thì cuộc sống đã ổn định hơn, bọn trẻ cũng đã lớn, lẽ ra tôi có nhiều thời gian cho công việc hơn, nhưng lúc này tôi lại chủ động dành thời gian nhiều hơn cho gia đình, gần gũi khích lệ các con để bọn trẻ tự tin hơn trong cuộc sống, học tập và công việc. Bây giờ, tôi tự thấy mình cân bằng hơn giữa công việc và gia đình, mà hình như đang nghiêng nhiều hơn cho gia đình thì phải (cười).

- Theo chị thì người đàn ông đóng vai trò như thế nào trong việc hỗ trợ người phụ nữ của họ vừa có thể thành đạt trong sự nghiệp và hạnh phúc trong hôn nhân?

Tôi nghĩ, người phụ nữ đừng quá trông cậy vào đàn ông, phụ nữ có thể cần một chỗ dựa của mình nhưng đừng dựa dẫm, đừng phụ thuộc hoàn toàn. Khi đã xác định những việc gì thuộc về mình như quán xuyến gia đình, chăm sóc con cái thì cố gắng làm hết sức, không đạt mức xuất sắc thì tối thiểu là đạt yêu cầu. Trong gia đình tôi, mỗi người một việc, phân công rất rõ ràng, người nọ có thể hỗ trợ người kia nếu được yêu cầu, nhưng ai cũng phải tự chịu trách nhiệm về phần việc của mình. Gia đình tôi cũng khá là theo nếp truyền thống, vợ đảm nhận việc trông coi, chăm sóc con cái, nội trợ, hậu cần, chồng gánh vác lo toan những việc bên ngoài. Đôi khi chồng giúp vợ những việc ngoại giao, đối nội đối ngoại... nhưng phần công việc hậu cần thì tôi phải tìm cách xoay xở sao cho ổn thỏa, tránh để công việc bên ngoài lấn át việc nhà.

- Luật Bình đẳng giới đã được Quốc hội Việt Nam thông qua từ năm 2006 nhưng đến nay vấn đề này vẫn còn rất nan giải?

Luật làm việc của luật, còn mình làm việc của mình chứ (cười). Nói vui vậy thôi, chứ luật chỉ điều chỉnh những vấn đề mang tính chất vi phạm hay không vi phạm còn cuộc sống thì muôn hình vạn trạng, có phải luật lúc nào cũng đi vào từng ngóc ngách, giải quyết được hết các vấn đề đâu. Ý của tôi là bản thân phụ nữ phải ý thức được vai trò của mình, phải cố gắng làm tốt các công việc của mình, phải luôn trau dồi bản thân mình để trưởng thành hơn, sống có kỹ năng hơn, làm tốt hơn vai trò của bản thân trong các mối quan hệ xã hội. Không ai mang sự bình đẳng dúi vào tay mình, đặt lên vai mình. Cô về Việt Nam cũng thấy đấy, bây giờ, ngày càng nhiều phụ nữ thoát khỏi cảnh sống phụ thuộc, nhiều người thành đạt, giỏi giang hơn nam giới, hơn người đàn ông của họ nhiều chứ. Đó là do nhận thức xã hội đã thay đổi, phụ nữ đã được tạo điều kiện hơn trước đây. Nhưng để có được sự thành công thì đa phần do sự nỗ lực cố gắng của họ. Những người phụ nữ hết mình cho công việc, thành công bên ngoài xã hội nhưng về nhà lại lo toan việc nhà, giữ gìn mái ấm trọn vẹn là những người thực sự rất giỏi giang, rất đáng ngưỡng mộ phải không.

- Xu hướng của những người phụ nữ hiện đại là chọn tận hiến tuổi trẻ và sức lực cho sự nghiệp hơn là chuyện lập gia đình?

Người trẻ họ có suy nghĩ và nhận thức của người trẻ, khát khao được khẳng định mình, được thành công, đó là điều chính đáng và tôi nghĩ nên khích lệ. Hơn nữa, tôi nghĩ đam mê, tận hiến tuổi trẻ cho một điều gì đó cũng là tốt và như vậy mới thật sự là tuổi trẻ. Phụ nữ biết đam mê cống hiến cho công việc thường là những người rất thông minh, cô có nghĩ vậy không? Mà đã là phụ nữ thông minh thì họ sẽ tìm được cách để cân bằng, tìm ra cách để họ hạnh phúc.

- Lời khuyên của chị dành cho những người phụ nữ đồng thời muốn thành công trong sự nghiệp và chuyện gia đình?

Tôi nghĩ, đam mê hay cân bằng đều là sự lựa chọn của mỗi người. Nói là bình đẳng thôi chứ phụ nữ trong xã hội ta hiện nay vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi, gánh nặng hơn các nước phương Tây. Vì vậy, nếu cứ đem mình ra so sánh với phụ nữ chỗ này chỗ khác thì khó tìm được câu trả lời cho hạnh phúc. Lời khuyên của tôi là mỗi phụ nữ hãy sống là chính mình, đừng thấy người khác cân bằng mà mình cũng tròn trịa, nhu mì; cũng đừng thấy người khác đam mê, dữ dội mà cũng vứt bỏ hết để chạy theo công danh, sự nghiệp. Vì trông thế thôi, chứ cuộc sống của mỗi người đều có những trắc trở, khó khăn, nỗi niềm riêng, nếu chỉ nhìn từ bên ngoài thì không thấy, chỉ những người trong cuộc mới biết thôi. Những ai an yên, cân bằng đó biết đâu lại đang thèm muốn cuộc sống độc lập, nhiều thử thách, sóng gió, một tâm thế dám sống, dám trải nghiệm của những phụ nữ sống đam mê, tận hiến? Vì vậy, phụ nữ chỉ cần hạnh phúc theo cách mà mình lựa chọn, những điều khác có hay không, không quan trọng...

 Sau những mùa sen, tôi mới hiểu được thế giới của chị - thế giới tiêu biểu của những người phụ nữ trung niên thành đạt trong công việc và chuyện gia đình. Những mùa sen cứ thế úa tàn theo năm tháng, nhưng những búp trà sen của chị thì quanh năm vẫn tỏa hương dịu ngọt trong căn phòng của tôi ở trời Âu.

Nguồn: Những mảnh ghép Quân Vương

(Nhà thiết kế thời trang La Hồng, Cộng hòa Áo)

TS. Yen Platz

Chị Cao Thị Thương (Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Cao Hoàng) đã không ngừng học hỏi từ thầy, từ các đồng nghiệp, từ việc đọc các tài liệu chuyên ngành... để nghiên cứu, pha chế, chiết xuất ra nhiều loại dược phẩm làm đẹp từ thảo mộc. Chị đã pha chế thành công một số loại dược phẩm và đang được đưa vào sử dụng rộng rãi ở hàng chục spa (thuộc hệ thống của công ty) trên toàn quốc. Công ty của chị đã được chọn là đối tác chiến lược phân phối mỹ phẩm thảo dược của Mỹ tại Việt Nam.

TS. Yen Platz

ĐẤU GIÁ