Khán giả Áo, Liên minh Châu Âu chăm chú theo dõi Đêm rối nước tại thành Wien
* Đêm rối nước tại thành Wien
“Rối nước là linh hồn của đồng ruộng”, nó gắn liền với nền văn minh lúa nước của người Việt. Rối nước đã thực sự được coi là một “báu vật” của văn hoá dân tộc Việt. Nghệ thuật múa rối nước thể hiện trí thông minh và bàn tay sáng tạo kì diệu của người Việt. Sân khấu rối nước được gọi là Thuỷ đình, được dựng trên mặt nước. Nó có giá trị biểu tượng về không gian của làng quê Việt Nam. Thuỷ đình mang dáng dấp của đình chùa với những đầu đao vút cong cổ kính... Nhân dịp Kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Áo (01/12/1972 - 01/12/2012), Đại sứ quán Việt Nam tại Áo đã tổ chức Tuần lễ rối nước tại Wien (đây là hoạt động mở màn cho chuỗi sự kiện văn hóa Việt Nam năm 2012 tại Áo) và một Đêm Nhã nhạc cung đình Huế. Những sự kiện như thế này đã góp phần quảng bá văn hóa Việt một rộng rãi và hiệu quả ra nước ngoài.
Tuần lễ rối nước tại Wien đã thu hút đông đảo bà con kiều bào và quan khách Áo, EU. Mọi người vừa được thưởng thức những món ăn truyền thống như nem cuốn tôm, nem dế, … vừa được “đến thăm” đời sống của người dân Việt thông qua những câu chuyện rối nước, đặc sắc.
Cornelia Meixner: Tôi thực sự ấn tượng khi lần đầu được xem múa rối nước Việt Nam tại Wien. Chương trình thực sự đặc sắc, các bạn cẩn thận, ngay từ chỗ tiếp đãi những món ăn truyền thống Việt. Nó cho tôi một cảm xúc tràn trề ban đầu (cười)... Buổi diễn đã cuốn hút tâm trí và trái tim tôi. Những âm thanh rối nước có sức cuốn hút kỳ lạ, đôi khi hiệu ứng của sự kết hợp ấy như kiểu “chơi khăm” nhau, ví dụ, âm thanh của rồng phun lửa, của ếch kiếm mồi, của vịt lạc đàn… Tôi thích phong cách kể chuyện ấy. Các nghệ sĩ kể về đời sống thường nhật của người nông dân mà như những câu chuyện cổ tích, rất lôi cuốn và hấp dẫn. Sự chuyển động của những con rối thật sinh động, mạnh mẽ, cho tôi một liên tưởng tuyệt vời về sự sống, về sức mạnh truyền thống của người dân Việt. Hơn nữa, màu sắc của những con rối khá độc đáo và nổi bật khi chơi trên sân khấu nước. Trước đây, tôi mới chỉ xem một vài đánh giá rất ngắn về môn nghệ thuật rối nước của các bạn, nhưng sau đêm diễn này, tôi bắt đầu để tâm và muốn tìm hiểu thêm về môn nghệ thuật này (về sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa âm nhạc và nghệ thuật tạo hình). Tôi sẽ rất ấn tượng nếu như được xem sự kết hợp trình diễn múa rối nước giữa nghệ thuật cổ xưa và đương đại.
Harald Seidl: Múa rối không phải là loại hình nghệ thuật mới đối với chúng tôi nhưng chưa bao giờ chúng tôi được xem các ý tưởng trình diễn rối dưới nước hay độc đáo như của các bạn. Đó là một niềm vui khi tôi và gia đình tới thưởng thức chương trình của Việt Nam. Đêm trình diễn được dàn dựng khá hoàn hảo với những giai điệu âm thanh bình yên và thư giãn. Đặc biệt, âm nhạc dân gian của các bạn đã “chạm” vào tôi, nhiều hơn cảm xúc khi tôi nghe nhạc pop quốc tế. Tuy nhiên, nếu nhạc dân gian của các bạn được phối thanh với nhạc Jazz hiện đại thì có thể hiệu quả sẽ rất tốt. Các nghệ sĩ đã rất khéo léo khi phác họa cho chúng tôi thấy phong cảnh đồng quê bình dị và sinh động. Tuần rối nước là một trong những hoạt động trao đổi văn hóa tích cực giữa hai quốc gia. Theo tôi, nên tổ chức các chương trình giao lưu có sự biểu diễn của các nghệ sĩ hai nước và được thực hiện bằng song ngữ, chắc chắn sẽ thu hút nhiều khán giả. Việc biểu diễn chung cũng sẽ thúc đẩy sự đối thoại giữa hai nền văn hóa, đặc biệt, giúp giới trẻ hiểu và lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống trong quá trình hội nhập. Tuy nhiên, những chương trình “dài hơi” như vậy cần có sự hỗ trợ của liên Chính phủ, các hiệp hội và các doanh nghiệp.
Michael Christian: Tôi đã từng xem múa rối nước hai lần tại Hà Nội, đây là lần thứ 3 (tại Wien) nhưng mỗi lần xem đều mang lại cho tôi những cảm xúc mới mẻ khác nhau. Đặc biệt, lần này tôi đã ngồi cạnh sân khấu và nhìn rất rõ mọi thứ, cả con rối và nghệ sĩ ngâm mình trong nước, họ chuyển động thật khéo léo. Tôi mong muốn được xem rối nước ở ao làng quê Bắc Bộ. Tôi cũng đang hào hứng chờ đợi di sản văn hóa phi vật thể của các bạn, đó là, Đêm Nhã nhạc cung đình Huế sắp tới. Nhìn lại lịch sử bang giao giữa hai nước, chúng ta thấy là đã có nhiều sự ủng hộ, sát cánh cùng nhau trong những thời khắc quan trọng như: Trước khi Mỹ đồng ý kí Hiệp định Pari năm 1972 chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình tại Việt Nam thì Cộng hòa Áo đã chính thức công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam; hay Ernst Frey và nhiều người lính Cộng hòa Áo đã từng chiến đấu và bên cạnh nhân dân Việt Nam, trong cuộc chiến đấu chống Pháp; hay Tổng thống đương nhiệm Cộng hòa Áo đã từng là người phản đối cuộc chiến tranh Mỹ ở Việt Nam. Chuyến thăm cấp nhà nước của ông đến Việt Nam vừa qua cũng đã mở ra nhiều triển vọng cho hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước... Thời điểm hiện nay, theo tôi Chính phủ hai nước nên tiếp tục: thứ nhất, hai nước nên tăng cường mối quan hệ trao đổi các hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật…; thứ hai, với tư cách là thành viên của Hội hữu nghị Áo - Việt, tôi cũng như nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam, mong muốn có một bảo tàng nhỏ trưng bày, giới thiệu về văn hóa, phong tục tập quán của 54 dân tộc Việt tại Wien (giống như Bảo tàng Người do thái tại Wien); thứ ba, sau đó, dựa trên những hiểu biết cơ bản về các dân tộc Việt, tôi nghĩ là sẽ có nhiều người dân Áo, EU dành tình cảm và chờ đợi những sự kiện văn hóa Việt Nam hơn nữa. Ngoài ra, Đại sứ quán Việt Nam tại Áo nên phối hợp tổ chức Ngày văn hóa Việt Nam, hàng năm tại đây. Tôi cho rằng chính các hoạt động văn hóa sẽ mở đường cho việc hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước hiệu quả hơn trong tương lai.
Khán giả thưởng thức ẩm thực và xem múa rối nước tại thành Wien
* Đêm Nhã nhạc Cung đình và thời trang áo dài
Đêm Nhã nhạc Cung đình và thời trang áo dài Việt Nam đã diễn ra (tại nhà hát nổi tiếng Wienner Konzerthaus, Cộng hòa Áo) trong sự tung hứng giữa các diễn viên Việt và khán giả Áo, EU, giữa nhạc truyền thống cung đình Việt và nhạc bác học châu Âu... trước sự chứng kiến của nhiều nhà báo quốc tế (Đêm diễn cũng đã kêu gọi ủng hộ Quỹ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam). Các phương tiện truyền thông Áo đã hết lời ca ngợi sự kiện nghệ thuật đặc sắc và ý nghĩa này.
Phần 1, Chương trình, mở đầu với tiết mục “Tam luân cửu chuyển”, khán giả ngồi im lặng, nhưng khi dàn người mẫu, Hoa hậu Áo, EU, khoác những bộ áo dài thướt tha bước ra sân khấu thì những tràng pháo tay bắt đầu nổi lên. Nhiều khán giả đã rướn hẳn người về phía trước để xem cho rõ. Tiếng vỗ tay lớn dần khi bộ sưu tập”Áo dài Việt Nam qua 300 năm phát triển” của NTK Sĩ Hoàng xuất hiện, chúng lộng lẫy, quyến rũ nhưng vẫn giữ được vẻ e ấp, đậm chất Á Đông. Những tà áo dài uyển chuyển trong giai khúc cung đình, đan xen là tiết mục múa lục cúng hoa đăng, lân mẫu xuất nhi… từ từ thu hút khán giả. Nhiều người nhấp nhổm, sử dụng điện thoại, máy ảnh, Ipad để ghi lại những hình ảnh đẹp ấy. Tổng thống Áo Heinz Fischer và Phu nhân Margit Fischer cũng hào hứng vỗ tay theo nhịp nhã nhạc.
Phu nhân Fischer chia sẻ: “Đêm diễn thật tuyệt vời, những tà áo dài thật lộng lẫy, thật tuyệt!”. Khi được hỏi: “Phu nhân có muốn mặc thử nó một lần không?”, bà cười và đáp: “Không chắc là dáng người tôi đã phù hợp”.
Càng lúc, sự tung hứng giữa diễn viên và khán giả càng hòa nhịp, khiến đêm diễn trở nên hết sức sôi động. Bốn phía nhà hát là các tay máy chuyên nghiệp và nghiệp dư “đứng canh”, ánh đèn flash thi nhau chớp nháy liên hồi.
Chuyên gia báo chí Wolfgang Renner, nhận xét: “Dạ tiệc này là một trong những sự kiện trang trọng nhất mà tôi từng biết. Tôi ấn tượng sâu sắc về những bộ áo dài truyền thống và hiện đại của các bạn. Tôi đặc biệt xúc động bởi tình hữu nghị giữa hai quốc gia. Buổi tối hôm nay đã khiến tôi thêm tự hào khi được làm việc với các sinh viên và đồng nghiệp Việt Nam”.
Nhà báo René: “Tôi thật sự rất thích đêm nghệ thuật này. Tôi hy vọng sẽ được xem thêm lần nữa”.
Kiều bào Ngọc Hà, xúc động: “Ông tổ Nguyễn Nhơn đời thứ chín của tôi là một trong ba người đã giúp nhà vua sáng lập ra Nhã nhạc cung đình Huế. Gia đình tôi cũng đã giữ gìn truyền thống đó cho đến đời của ba tôi. Ngày bé tôi thường là diễn viên của ba. Tôi còn nhớ dải lụa đỏ mà ông hay thắt ngang lưng cho tôi giống như dải lụa của các cô diễn viên Đoàn nhã nhạc hôm nay. Tôi vô cùng xúc động và không thể tưởng tượng nổi có một ngày nhã nhạc của tổ tiên mình lại được trình diễn ở kinh đô âm nhạc thế giới”.
Diễn viên Nguyễn Văn Mười (Nhà hát Cung đình Huế) vui mừng: “Chúng tôi đã từng lưu diễn nhiều nơi trên đất châu Âu nhưng đây là lần đầu tiên biểu diễn tại Vienna, Áo, nơi được biết đến như là trung tâm âm nhạc bác học của thế giới. Cũng tại nhà hát này các nhà soạn nhạc nổi tiếng như Mozart đã từng biểu diễn nên chúng tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào. Tôi đã kịp quan sát thấy từ ngài Tổng thống Áo đến các vị khán giả đều xem rất thích thú”.
* Đêm của sự tri ân
Nếu như phần 1 Chương trình với các giai điệu nhã nhạc u hoài, thê lương đã đưa khán giả lạc về thời của vua chúa nước Việt, thì phần 2 được thiết kế khá “phiêu”, nữ nghệ sĩ vĩ cầm đẹp tựa nữ thần, bước ra sân khấu, say sưa chơi những bản tình ca bất hủ của châu Âu. Tiếng vĩ cầm thánh thót, dường như đã chuyển đổi trạng thái cảm xúc của khán giả một cách rõ rệt. Giai điệu ấy làm nền cho bộ sưu tập áo dài “Bát tiên” của ngôi sao thiết kế thời trang La Hồng (người Áo, gốc Việt). Những cô hoa hậu, người mẫu Áo, EU, đã khoác lên mình những bộ áo dài cách tân khá gợi cảm và hấp dẫn...
NTK Karina (Áo), đã dành cho tà áo dài Việt Nam những lời “có cánh”: “Được cùng thiết kế áo dài Việt Nam với NTK La Hồng tôi cảm thấy như được lên cung trăng ấy, nó rất kì lạ, rất đẹp!”.
Chuyên gia Helmut Tuerk chia sẻ: “Đây là đêm diễn đẹp nhất của Việt Nam tại Vienna. Nó đã để lại nhiều cảm xúc cho chúng tôi. Nó cũng gợi tôi nhớ lại những kỉ niệm thú vị trước đây tôi đã đến thăm Huế, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Cảm xúc đêm nay mách bảo tôi rằng hãy nhanh chóng trở lại đất nước Việt Nam xinh đẹp vào thời gian sớm nhất có thể”.
Tiếng vỗ tay liên hồi đã khiến NTK Sĩ Hoàng ngỡ ngàng: “Thông thường khi biểu diễn thời trang, chúng tôi chỉ nhận được những tràng pháo tay sau khi đã trình diễn xong, nhưng ở đây, thật đặc biệt là cứ mỗi bộ áo dài xuất hiện thì khán giả lại vỗ tay nhiệt tình”.
NTK Sĩ Hoàng (cúi chào) và bộ sưu tập”Áo dài Việt Nam qua 300 năm phát triển” cùng dàn người mẫu, hoa hậu Áo, EU
Chứng kiến đêm diễn hôm nay, quả thật đã khiến người viết bài này rất xúc động. Hình như tôi chưa bao giờ có cảm xúc tự hào về văn hóa Việt Nam đến thế?! Tôi bỗng nhìn xung quanh, nghĩ và thấy sự hiện diện trực tiếp, gián tiếp của nhiều người bạn quốc tế đã yêu thương Việt Nam: nhà báo quốc tế Rene Rodríguez Mina (Đại diện khu vực châu Mỹ La tinh) dù mới biết đến tà áo dài Việt Nam chiều hôm trước, nhưng anh đã hào hứng quảng bá cho sự kiện này; Chuyên gia báo chí Wolfgang, người đã từng nhiều lần giảng dạy ở Việt Nam và hiện tại ông cũng đang giúp đỡ một số nghiên cứu sinh báo chí người Việt tại Áo; Tổng thống Áo đương nhiệm Heinz Fischer (người đã từng xuống đường biểu tình phản đối chiến tranh ở Việt Nam những năm 1970) đang vỗ tay theo nhịp nhã nhạc...; Đêm nay, Việt Nam cũng đã tri ân ngài Milo (nguyên Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Áo - Việt), người đã dành cả cuộc đời để giúp đỡ những nạn nhân trong chiến tranh và trẻ em nghèo ở Việt Nam. Trước lúc qua đời, ông đã có di nguyện là được thả tro cốt của mình ở Việt Nam (trên sông Mê Kông, khu vực Bến Tre). Tháng 7/2012, gia đình ông và Đại sứ quán Việt Nam tại Áo, Hội Hữu nghị Áo - Việt đã phối hợp thực hiện di nguyện của ông; Đêm nay, Việt Nam cũng đã tri ân người lính Ernst Frey (Nguyễn Dân) đã góp phần trong cuộc chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa…
TIN LIÊN QUAN
Bức Nắng trưa được hoạ sĩ Trần Thế Vĩnh vẽ tại Quảng Trị. Đây là tranh có giá khởi điểm thấp nhất, đã được đấu giá 5 triệu đồng
TS. Yen PlatzXEM NHIỀU NHẤT
(Nhà thiết kế thời trang La Hồng, Cộng hòa Áo)
TS. Yen PlatzChị Cao Thị Thương (Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Cao Hoàng) đã không ngừng học hỏi từ thầy, từ các đồng nghiệp, từ việc đọc các tài liệu chuyên ngành... để nghiên cứu, pha chế, chiết xuất ra nhiều loại dược phẩm làm đẹp từ thảo mộc. Chị đã pha chế thành công một số loại dược phẩm và đang được đưa vào sử dụng rộng rãi ở hàng chục spa (thuộc hệ thống của công ty) trên toàn quốc. Công ty của chị đã được chọn là đối tác chiến lược phân phối mỹ phẩm thảo dược của Mỹ tại Việt Nam.
TS. Yen Platz
BÌNH LUẬN