July 27, 2022 10:16 TS. Yen Platz
Nhạc trưởng Graham Sutcliffe (Giám đốc Nghệ thuật Hội đồng Anh tại Việt Nam) đã được Nữ hoàng Anh Elizabeth II trao tặng Huân chương Hiệp sỹ Vì sự nghiệp trao đổi văn hoá. Anh đã góp phần mang đến cho công chúng Việt Nam những chương trình giao lưu văn hoá nghệ thuật đặc sắc, qui mô và những tinh hoa âm nhạc của Anh quốc và thế giới. Sutcliffe là người tâm huyết với Việt Nam. Anh coi Việt Nam là nơi có dịp để trở về!
z3597466762785_6d2a78fce9ae160545e4770b94a7ee9c.jpg

Nhạc trưởng Graham Sutcliffe (Vương quốc Anh) (Ảnh: Unishanoi)

Graham Sutcliffe sinh ra và lớn lên tại Vương quốc Anh. Anh đã biết đến Việt Nam từ khi chưa đặt chân lên mảnh đất hình chữ S này qua những câu chuyện kể đầy đau thương, day dứt của những con người bất hạnh, trong trại tị nạn ở Singapore năm ấy…

Năm 1981, sau khi tốt nghiệp Khoa Ngoại ngữ Âm nhạc và Khoa Đức văn, Đại học Birmingham, Vương quốc Anh, Sutcliffe cũng có suy nghĩ giống như nhiều thanh niên châu Âu thời bấy giờ: “Kẻ giàu có là được đi du lịch nhiều, hiểu biết sâu sắc về thế giới mình đang sống”. Và anh đã quyết định sang Đức làm giáo viên âm nhạc trong vòng 7 năm. Nhưng rồi sự giàu có, ngăn nắp đến nhàm chán của châu Âu đã khiến anh nghĩ đến châu Á. Đó là miền đất còn ẩn chứa nhiều điều hấp dẫn, mới mẻ đối với anh cũng như nhiều thanh niên châu Âu khác. Anh lại quyết định đến Singapore làm việc. Tại đây, anh làm Giám đốc Đại học Ngoại ngữ. Trong một lần đến thăm trại tị nạn người Việt tại Singapore, lắng nghe họ kể chuyện, anh đã cảm nhận được nỗi đau buồn, nhớ nhà, nhớ người thân, nhớ quê hương của những con người tha hương ấy. Nhiều người tâm sự với anh rằng, họ đã bỏ ra cả đống tiền để vượt biên nhưng không ngờ là rốt cuộc lại phải ngồi trong trại tị nạn này. Cảm thông với hoàn cảnh của họ, Sutcliffe đã quyết định tình nguyện dạy tiếng Anh cho họ. Anh hy vọng rằng, việc làm đó sẽ phần nào giúp họ làm chủ được cuộc sống nơi xứ người sau này.

Hàng ngày, Sutcliffe vừa dạy tiếng Anh cho những người Việt tị nạn, vừa nghe họ kể về những miền quê yên bình của họ. Cứ như thế, họ đã vô tình vẽ nên những bức tranh rất đẹp trong tâm khảm anh, vô tình truyền sang anh cái cảm xúc nhớ quê hương da diết... Anh băn khoăn tự hỏi: “Vậy thì tại sao họ lại rời bỏ nơi đó mà đi?”. Điều đó đã thôi thúc anh thực hiện hai chuyến du lịch đến Việt Nam. Anh đã đến và đã bị sốc văn hóa. Nhưng năm 1992, Sutcliffe đã quyết định sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Thời gian đầu, anh dạy tiếng Anh ở Trường dạy nghề Phú Nhuận. Mỗi khi hết giờ làm, anh thường đến quán cà phê nghe nhạc. Ở đó, nhiều nhạc sỹ chuyên nghiệp và nghiệp dư thường đến biểu diễn. Anh kết giao với vài người, họ đã giới thiệu anh đến với Dàn nhạc thính phòng của Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh. Anh đã gắn bó với nơi đó một thời gian. Một thời gian sau, khi Thành phố Hồ Chí Minh thành lập Dàn nhạc thính phòng, anh đã đầu quân và chơi nhạc ở đó cho đến khi ra Bắc.

Sutcliffe đã học và am tường âm nhạc châu Âu. Anh đã từng biểu diễn với nhiều Ban nhạc trên thế giới. Vì thế, khi được sống trong bầu không khí âm nhạc với những người bạn Việt Nam, anh đã quyết định tiếp tục theo học lớp chỉ huy dàn nhạc ở Anh và Việt Nam (do nghệ sỹ Quang Hải hướng dẫn). Trong 3 năm, anh đã vất vả đi đi về về giữa Anh quốc và Việt Nam để học hỏi, tìm tòi, sáng tạo, so sánh công tác chỉ huy dàn nhạc... Cuối cùng, anh đã tạo dựng được phong cách riêng, độc đáo, trong làng âm nhạc thính phòng Việt Nam.

Năm 1997, Hội đồng Anh đã mời Nhạc trưởng Colin Melters tham gia giảng dạy chỉ huy dàn nhạc giao hưởng Việt Nam trong thời gian 3 năm. Sutcliffe đã được mời với tư cách là cố vấn dự án. Cơ hội này đã đưa anh ra miền Bắc sinh sống. Đó cũng chính là cơ hội để anh kiểm chứng lại lời kể của những người tị nạn ở Singapore năm xưa.

Sau mỗi ngày làm việc, anh thường dành thời gian đi dạo trên những triền đê, trên những cách đồng ngoại ô, đến những miền quê nghèo... ở đó, thật bình yên. Anh chia sẻ: “Tôi đã thấy những gì tôi đang đi tìm, giờ thì chỉ muốn ở mãi đây thôi”.

Năm 2000, Dự án Đào tạo chỉ huy âm nhạc tại Việt Nam kết thúc, Hội đồng Anh tại Việt Nam đã thuyết phục anh giữ cương vị Giám đốc nghệ thuật. Và anh đã nhận lời và ở lại Hà Nội. Đồng thời, anh cũng nhận lời làm nhạc trưởng cho Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam. Từ đó, hình ảnh vị Nhạc trưởng Sutcliffe trở nên quen thuộc với giới yêu nhạc Hà thành. Họ còn luôn cổ vũ anh khi anh dẫn chương trình bằng tiếng Việt. Anh nói tiếng Việt khá giỏi.

Anh đã làm cố vấn cho Hội đồng Anh tại Việt Nam, tổ chức thành công nhiều chương trình giao lưu văn học, văn hóa nghệ thuật Anh - Việt. Điển hình như: “Chương trình nghệ thuật đường phố”, tái hiện các hoạt động của bờ Nam sông Thames bên dòng sông Hương thơ mộng tại Festival Huế; Chương trình gặp gỡ giao lưu “Cà phê văn học”; Chương trình điện ảnh Anh tại Việt Nam, với những bộ phim mới nhất, những bộ phim đã được đề cử nhiều giải thưởng lớn trên thế giới như Bafta, Oscars, Quả cầu vàng… Anh có “tham vọng” là những chương trình đó sẽ đưa được không khí sáng tạo, trẻ trung, sôi động của giới trẻ Anh đến với giới trẻ Việt Nam, tạo ra những cuộc gặp gỡ văn chương quốc tế thú vị, giúp công chúng nắm bắt kịp thời hơi thở đương đại của nền văn hóa, nghệ thuật, điện ảnh Anh quốc và Việt Nam...

Sutcliffe là người sống nội tâm. Hồi nhỏ, gia đình anh thường phải chuyển nhà theo công việc của bố. Bố anh làm nghề kinh doanh bảo hiểm nên ông đã đưa cả nhà đi từ thành phố Hull miền Bắc đến sinh sống ở nhiều vùng khác nhau trên cả nước Anh. Em gái cũng theo con đường kinh doanh của bố nhưng trong lĩnh vực thể thao. Khác với anh, cô ưa mạo hiểm và là một vận động viên đua ngựa bán chuyên nghiệp. Anh tự nhận mình là kẻ nhút nhát. Từ khi bảy tuổi anh thường chỉ biết thì thầm với cây Violon. Anh chia sẻ rằng, mỗi lần gia đình chuyển nhà, anh lại phải cố gắng thay đổi mọi thứ, đặc biệt là phong cách chơi nhạc để phù hợp với Ban nhạc mới. Anh rất đồng cảm với nhân vật nữ Reiko của nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami: Reiko đã chơi nhạc từ khi lên bốn tuổi và đã chơi đến liệt cả ngón tay út. Nhưng cô chỉ chơi cho công chúng và danh vọng, đến lúc giật mình nhận ra là cô chưa bao giờ chơi cho chính mình. Đến một độ tuổi nào đó thì người nhạc sỹ phải có ý thức biểu diễn cho chính mình, cái đó mới là âm nhạc.

Năm 2005, Nhạc trưởng Graham Sutcliffe đã vinh dự được Nữ hoàng Anh Elizabeth II trao tặng Huân chương Hiệp sỹ Vì sự nghiệp trao đổi văn hoá. Anh đã góp phần mang đến cho công chúng Việt Nam những chương trình giao lưu văn hoá nghệ thuật đặc sắc, qui mô và những tinh hoa âm nhạc của Anh quốc và thế giới. Sutcliffe là người tâm huyết với Việt Nam. Anh đã coi Việt Nam là nơi có dịp để trở về.

Nguồn: Những mảnh ghép Quân Vương

(Nhà thiết kế thời trang La Hồng, Cộng hòa Áo)

TS. Yen Platz

Chị Cao Thị Thương (Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Cao Hoàng) đã không ngừng học hỏi từ thầy, từ các đồng nghiệp, từ việc đọc các tài liệu chuyên ngành... để nghiên cứu, pha chế, chiết xuất ra nhiều loại dược phẩm làm đẹp từ thảo mộc. Chị đã pha chế thành công một số loại dược phẩm và đang được đưa vào sử dụng rộng rãi ở hàng chục spa (thuộc hệ thống của công ty) trên toàn quốc. Công ty của chị đã được chọn là đối tác chiến lược phân phối mỹ phẩm thảo dược của Mỹ tại Việt Nam.

TS. Yen Platz

ĐẤU GIÁ