Hàng nghìn ánh mắt hướng về nhà vô địch không gian vũ trụ của Liên Hợp quốc, Scott Kelly, khi ông xuất hiện tại Hội nghị thượng định về không gian toàn cầu (UNISPACE+50). Ông là phi hành gia NASA giữ kỷ lục sống trong không gian lâu nhất với bốn nhiệm vụ trên trạm vũ trụ trong 520 ngày. Kelly có dáng người đậm, quắc thước, chắc nịch, mang trong mình 7% gen vũ trụ. Ông và người anh em song sinh đang tham gia một dự án nghiên cứu của NASA, mang sứ mệnh mở đường cho nhân loại tìm đến một hành tinh mới.
Phi hành gia Scott Kelly (bên trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama (bên phải)
(Nguồn ảnh: Internet)
Nhà du hành vũ trụ Scott Kelly, sinh ngày 21/2/1964 tại Orange, New Jersey, Hoa Kỳ. Ông là người gốc Ireland. Kelly là nhà vô địch không gian vũ trụ của Liên hợp quốc (UNOOSA) (nhiệm kỳ 2016-2018). Trong sự nghiệp của mình, ông đã nhận được nhiều phần thưởng, huân chương, huy chương danh giá của Mỹ, Nga, Liên hợp quốc. Ông là chỉ huy Trạm không gian Quốc tế (ISS) và là người lập kỷ lục về tổng số ngày sống trong vũ trụ, 340 ngày. Ông đã phá vỡ kỷ lục của chính mình, trước đó là 215 ngày (tháng 10/2015) (Tuy nhiên, kỷ lục thế giới vẫn thuộc về phi hành gia người Nga Valery Polyakov, đã trải qua 437 ngày trên trạm không gian Mir giữa những năm 1990).
Scott Kelly và người anh em song sinh cựu phi hành gia Mark Kelly đang cùng tham gia vào Dự án “Một năm trên không gian”, thuộc Chương trình nghiên cứu con người của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA). Công trình này giúp các nhà khoa học nghiên cứu về sự ảnh hưởng của các chuyến bay trong không gian dài ngày lên cơ thể con người và nghiên cứu chuyên sâu về tình trạng sức khỏe, tâm lý của Kelly so với người anh em song sinh ở Trái đất. Các kết quả nghiên cứu này có thể sẽ được NASA sử dụng để đưa con người lên sao Hỏa trong tương lai. Dự án này bắt đầu từ năm 2015 và kéo dài trong 3 năm. Theo Christian Science Monito: “Chính quyền của Tổng thống Obama đã yêu cầu NASA chuẩn bị kế hoạch đến năm 2025 phải đưa người lên Mặt trăng và giữa thập niên 2030 đưa người lên quỹ đạo sao Hỏa”. Dự án này mang sứ mệnh mở đường cho nhân loại tìm đến một hành tinh mới trong tương lai.
Tôi đã may mắn có dịp phỏng vấn người đàn ông vĩ đại ấy. Thần thái của ông rất sáng, sắc nhưng vẫn rất gần gũi và dí dỏm. Dường như ông muốn giấu mặt mình trước ống kính, nên đã khiến các nhiếp ảnh gia phải chỉnh máy liên tục. Thỉnh thoảng hội nghị lại rộ lên những trận cười vì những câu nói đùa của ông, trong khi mặt ông vẫn tỏ ra “tỉnh bơ”. Ông đã khiến khán giả cười cả khi đối diện lẫn trong các cảnh quay ở môi trường không trọng lực.
Kelly đã khiến công chúng và cả giới báo chí - truyền thông có cảm giác gần gũi với khoa học vũ trụ hơn bao giờ hết. Người đàn ông “mang gen vũ trụ” ấy vốn là một cậu bé “rất dở các môn khoa học” và là người “mơ mộng giữa ban ngày”. Ông đã từng chia sẻ với Tạp chí Time rằng: hồi bé ông không thích khoa học và nhiều môn khác, thậm chí suýt nữa thì không thể tốt nghiệp trung học. Ông là người “mơ mộng giữa ban ngày” và hầu như không thể tập trung vào những điều các thầy cô ở trường giảng dạy, dù ông rất muốn làm điều đó. Nhưng tất cả đã thay đổi, khi Kelly tình cờ đọc được quyển sách “The Right Stuff” của tác giả Tom Wolfe. Đó là tác phẩm kinh điển kể về cuộc đời của những người Mỹ đầu tiên khám phá không gian. Ông đã được truyền cảm hứng từ cuốn sách đó và quyết định trở thành một phi công, một phi hành gia. Quyết tâm đó đã thôi thúc Kelly học hành chăm chỉ nhất là môn khoa học và môn toán. Hàng ngày ông đã luyện tập nó như là chơi một môn thể thao và thi đấu với chính mình. Sau một thời gian, bản thân Kelly và bạn bè đều ngạc nhiên rằng “từ một học sinh học dở bắt đầu đạt điểm A môn kỹ thuật”. Khi vào đại học, Kelly càng quyết tâm hơn nữa, cuối cùng ông nhận được tấm bằng kỹ thuật để bước vào sự nghiệp phi công thử nghiệm và phi hành gia vũ trụ.
Vậy nên, nhiều lần Kelly đã chia sẻ với công chúng rằng: “Bất cứ ai cũng có thể học được môn khoa học chỉ là họ sẵn lòng làm việc đó”. Bằng kinh nghiệm thực tiễn của mình ông đã khuyên các bậc phụ huynh: “Nếu một đứa trẻ cho thấy “tia lửa” trong bất cứ chuyện gì, chúng ta cần giúp tiếp thêm nhiên liệu cho đám lửa đó”. Cha mẹ phải là người tạo ra điều kiện, những mối quan hệ cho con cái tiếp cận với lĩnh vực mà chúng yêu thích. Cho chúng gặp gỡ học hỏi những vị giáo sư, chuyên gia và lắng nghe những câu chuyện, con đường sự nghiệp của họ để hướng dẫn, tiếp động lực và truyền cảm hứng cho chúng.
Sau khi sống trên vũ trụ gần một năm, ông trở về và đã đi khắp thế giới để chia sẻ kinh nghiệm và truyền cảm hứng cho công chúng. Ông từng nói trên Tạp chí Time rằng: “Một trong những điều nghe được từ khán giả đã khiến tôi ngạc nhiên, đó là, họ tin rằng khoa học là quá khó, quá phức tạp, một người bình thường không thể hiểu được”. Với tư cách là nhà vô địch không gian vũ trụ của Liên hợp quốc, bằng cuộc đời và sự nghiệp của mình, Kelly đang truyền cảm hứng và từng bước chinh phục được đông đảo công chúng quan tâm đến lĩnh vực khoa học vũ trụ.
Chúng tôi cũng rất ấn tượng với phát biểu của ông tại Hội nghị thượng đỉnh về không gian toàn cầu của Liên hợp quốc (UNISPACE+50) (ngày 19/6/2018), nhân dịp Kỷ niệm 50 năm Hội nghị Liên hợp quốc về Thăm dò và sử dụng hòa bình không gian vũ trụ: “Để thành công trong cuộc sống, chúng ta cần nắm lấy thử thách. Hiểu những gì bạn có thể và không thể kiểm soát trong cuộc sống và tập trung vào điều bạn có thể kiểm soát”.
Phi hành gia Scott Kelly (bên trái) trao tặng Tổng thống Áo Van Der Bellen (bên phải) bộ tem đặc biệt do Cục Bưu chính quốc gia Hoa Kỳ phát hành nhân dịp UNISPACE+50
Tôi bắt đầu tò mò về vũ trụ - về nơi còn nhiều bí ẩn đối với loài người. Với vẻ hài hước và gần gũi người “mang gen vũ trụ” đã trả lời phỏng vấn của tôi:
Ấn tượng sâu đậm của Ngài khi thực hiện chuyến du hành vào vũ trụ là gì ?
- Scott Kelly: Nó thực sự là khó khăn, phức tạp và thực sự là thử thách, đó là những gì làm nên nó.
- Dự án trong tương lai gần của Ngài là gì?
- Scott Kelly: Dự án của tôi, tôi có một số ý tưởng. Tôi đã trình bày nhiều về chúng trước công chúng. Tôi đang làm việc với một số công ty. Tôi cũng đã viết trong một vài cuốn sách, ngoài ra tôi không có kế hoạch gì. Tôi là nhà vô địch của Liên hợp quốc về không gian vũ trụ, tôi tự hào về điều đó.
Ngành không gian vũ trụ sẽ đi về đâu trong vòng 20 năm tới?
- Scott Kelly: Trong 20 năm nữa ư, tôi không hình dung nó thế nào, nhưng điều mà tôi biết là nó có thể là bất cứ gì nó muốn. Tôi hy vọng là như vậy.
Có lẽ, trong thế kỷ XXI này, Scott Kelly là một trong những người đã may mắn được lựa chọn để “tận hiến” cho sứ mệnh khoa học vũ trụ của nhân loại. Nhưng chính nghị lực và sự quyết tâm của ông đã tạo ra may mắn đó. Kelly là phi hành gia NASA giữ kỷ lục sống trong không gian lâu nhất với 4 nhiệm vụ trên trạm vũ trụ trong 520 ngày. Ông đã lập kỷ lục là người ở trên vũ trụ trong thời gian liên tục dài nhất trong lịch sử của NASA. Ông đã di chuyển hơn 230 triệu km trong hơn 340 ngày sống trên Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS). Gần một năm sống trên vũ trụ, Kelly đã phải thường xuyên tự lấy mẫu chất lưu trong cơ thể như máu, nước bọt, nước tiểu, phân... và thực hiện hàng loạt các thử nghiệm, xét nghiệm y khoa. Khi trở về Trái đất, ông vẫn tiếp tục phải chịu nhiều xét nghiệm và chịu nhiều đau đớn.
Kelly chia sẻ: Cảm giác thiêu đốt da thịt mỗi khi vận động là một trong những cơn đau lớn nhất phải trải qua sau khi trở về Trái đất.
Các nhà nghiên cứu NASA cho biết, chuyến đi gần một năm của Kelly vào vũ trụ đã khiến ông trở thành một “con người mới”. Nó đã làm thay đổi đáng kể DNA của ông: Các telomere của Kelly quả thực đã trở nên dài hơn đáng kể trong vũ trụ (thường thì telomere, đầu mút của các nhiễm sắc thể ngắn lại khi con người già đi), hàng trăm “gen vũ trụ” đã được kích hoạt do chuyến bay kéo dài gần một năm, đã thay đổi hệ thống miễn dịch, chỉnh sửa DNA, tác động đến mạng lưới tạo xương, gây giảm ôxy trong mô, và răng CO2 trong máu của ông. Tuy chiều cao của Kelly và 93% DNA của ông trở lại bình thường sau khi trở về Trái đất, song 7% gen của ông đã thay đổi và có thể sẽ giữ nguyên như thế (gen vũ trụ). Phản xạ trí não và độ chính xác của ông cũng giảm đáng kể sau khi trở lại Trái đất”.
Theo Telegraph: sau khi trở về Trái đất, Scott Kelly trẻ hơn, cao hơn (5,8cm) so với người anh em song sinh (không chịu tác động của trọng lực trong thời gian dài) nhờ hiệu ứng “thời gian co giãn” (time dilation) trong thuyết tương đối của Albert Einstein. Tuy nhiên, cơ bắp, xương của ông lại chịu đau đớn gấp nhiều lần so với 159 ngày trong chuyến bay cuối cùng vào không gian trước đây mà ông đã thực hiện.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ca ngợi: “Sứ mệnh trong không gian 340 ngày của Scott Kelly (nhấn mạnh) đây là nhiệm vụ dài nhất so với mọi nhà du hành vũ trụ Mỹ trước đây”. Tuyên bố của Nhà Trắng cũng cho rằng: “Một năm sống trên vũ trụ của Kelly sẽ cung cấp dữ liệu quan trọng để các nhà nghiên cứu có phương pháp bảo vệ sức khỏe cho phi hành gia trong các hành trình dài và thực hiện kế hoạch đưa nhà du hành Mỹ lên sao Hỏa vào khoảng năm 2030”.
Người đàn ông “mang gen vũ trụ” ấy cũng rất đời, ông đã chụp được rất nhiều bức ảnh, video vô cùng ấn tượng và tuyệt đẹp về Trái đất cả ban ngày và ban đêm. Có lẽ do tính “mơ mộng giữa ban ngày” đã khiến ông làm việc đó chăng? Sau mỗi tấm ảnh chụp, ông đều ghi chú những dòng cảm xúc rất chân thành. Ông đã chia sẻ những bức ảnh quí đó trên trang mạng xã hội Twitter và Instagram của mình. Trong đó, có một bức ông đã chụp Thành phố Hồ Chí Minh lung linh vào ban đêm.
Thành phố Hồ Chí Minh vào ban đêm (do Scott Kelly chụp từ vũ trụ)
Ngày 01/3/2016 (giờ Mỹ), giới khoa học vũ trụ và hàng tỉ công chúng đã theo dõi nhà du hành vũ trụ Scott Kelly đáp xuống Trái đất tại Kazakhstan. Ông đã chia sẻ với Thời báo New York Times tại cuộc họp báo của NASA, ngày 4/3/2016 rằng: “Điều khiến tôi bất ngờ nhất là độ dài của một năm. Có vẻ như tôi đã sống ở đó cả cuộc đời. Khoảng thời gian đó dường như lâu hơn tôi nghĩ”. Người hùng còn vui vẻ nói với báo chí rằng: “Cơ quan có rất nhiều người tài năng và tôi cũng không có lý do để lên đó thêm lần nữa (...). Có lẽ trong 20 năm tới, bạn có thể mua vé giá rẻ cho một chuyến thăm ngắn tới đó”. Tài năng và sự hy sinh của Kelly cho nền khoa học vũ trụ hôm nay, chắc chắn sẽ được nhân loại ghi nhận. Người đàn ông “mang gen vũ trụ” - tâm điểm của thế giới ấy, đã đến quê hương Mozart chiều nay, thật nhẹ nhàng, chân thực và rất đỗi hiền hòa.
TIN LIÊN QUAN
Châu Âu đang phải trải qua những đợt rét kỉ lục, kể từ hơn 100 năm qua. Cái rét đêm đêm đánh thức tôi. Tôi thường thức dậy khi thành phố còn đang chìm trong giấc ngủ, trăng lên cao, ánh sáng phản chiếu qua những chùm tuyết lấp lánh đến cồn cào. Tiếng gà gáy từ bên kia bán cầu thường vang lên trong tâm thức, khiến tôi rất nhớ “những tia nắng miền nhiệt đới”.
WAJXEM NHIỀU NHẤT
(Nhà thiết kế thời trang La Hồng, Cộng hòa Áo)
TS. Yen PlatzChị Cao Thị Thương (Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Cao Hoàng) đã không ngừng học hỏi từ thầy, từ các đồng nghiệp, từ việc đọc các tài liệu chuyên ngành... để nghiên cứu, pha chế, chiết xuất ra nhiều loại dược phẩm làm đẹp từ thảo mộc. Chị đã pha chế thành công một số loại dược phẩm và đang được đưa vào sử dụng rộng rãi ở hàng chục spa (thuộc hệ thống của công ty) trên toàn quốc. Công ty của chị đã được chọn là đối tác chiến lược phân phối mỹ phẩm thảo dược của Mỹ tại Việt Nam.
TS. Yen Platz
BÌNH LUẬN