“Khoảng lặng” trong âm nhạc của nữ nghệ sĩ nổi tiếng Monika Stadler, hôm ấy, đã kể cho tôi nghe một câu chuyện buồn: thường vào mùa tuyết rơi, có một người đàn bà cô đơn ngồi bên cửa sổ. Người đàn bà ngồi đó, từ khi tóc còn xanh cho đến khi bạc trắng, xõa rụng trên nền nhà mà người tình vẫn chưa quay trở về... Có lẽ, tôi đã can dự quá sâu vào “khoảng lặng” cô độc của Stadler, để rồi hương á phiện ấy đã xui khiến tôi đi tìm cô giữa bời bời tuyết trắng chiều nay.
Nghệ sĩ Monika Stadler (Nguồn ảnh: https://www.harp.at/en/press.html)
Năm 2009, nữ nghệ sĩ Monika Stadler (Austria) đã đến Việt Nam, trong dịp “Liên hoan âm nhạc châu Âu”. Lúc ấy cô không thể mang theo chiếc đàn Harp (Hạc) của mình và đã phải chơi chiếc đàn do Ban tổ chức chuẩn bị, nhưng không vì thế mà những bản nhạc của cô kém hấp dẫn... Nếu như tiếng đàn Harp của nữ nghệ sĩ nổi tiếng Monika Stadler đã từng mê hoặc, dẫn dụ khán giả châu Âu, thì nay nó bắt đầu quyến rũ khán giả Việt (số ít), đi từ khu vườn tĩnh lặng đến những tòa lâu đài huyền bí soi bóng bên hồ... để cuối cùng hòa quyện vào nỗi cô đơn của người đàn bà, thường ngồi bên cửa sổ vào mỗi mùa tuyết rơi! Bản nhạc cuối cùng vừa dứt, khán giả ùa lên sân khấu xin chữ kí. Họ trò chuyện với cô và ngắm nghía cây đàn kỳ lạ. Đám đông ồn ào khiến tôi chỉ kịp chào cô và ra về với một tâm trạng băn khoăn: “vì sao Stadler lại có những khoảng lặng ám ảnh đến thế ?!”.
Cuối năm đó, tôi đã có dịp may đến Cộng hòa Áo trong một Chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật. Ngày đầu tiên tôi đặt chân đến quê hương Mozart thì tuyết bắt đầu rơi. Tôi run rẩy vì lần đầu được chạm vào thứ băng giá ấy. Càng run rẩy hơn khi thư ký đoàn, thông báo rằng, đã thu xếp cho tôi gặp lại nữ nghệ sĩ Monika Stadler.
Vào ngày hẹn, chúng tôi đến quán Café Schwarzenberg, nằm trên đường Schwarzenbergplaz, Wien, sớm hơn dự định khoảng 30 phút. Cô thư ký xinh đẹp nói nhỏ với tôi rằng: “Quán cà phê này là một trong những quán sang trọng nhất nhì ở Wien. Ở đây, thỉnh thoảng người ta cũng có thể được nghe những bản tình ca mà Monika Stadler đã viết từ thuở 15, 17 tuổi”. Nữ nghệ sĩ Stadler thường ngồi ở đây, sau mỗi lần trở về từ những chuyến lưu diễn khắp thế giới.
Ngoài trời tuyết bắt đầu rơi mỗi lúc một dày, trong quán những vị khách lịch lãm, sang trọng, ngồi yên lặng, đọc báo, bên những tách cà phê vương vất khói. Chi tiết đó, khiến tôi mường tượng đến những “khoảng lặng” trong các bản nhạc của Stadler. Chợt cánh cửa quán mở ra, tôi ngước nhìn, người phụ nữ nhỏ nhắn bước vào, cô rũ những bông tuyết còn vương trên tóc, rồi đưa mắt tìm chúng tôi. Tôi đứng dậy, chìa tay đợi cô, cô mỉm cười, tiến nhanh về phía tôi. Nhưng cô đã không bắt tay mà ôm chầm lấy tôi, như ôm một người bạn lâu ngày gặp lại. Ngoài trời tuyết đang rơi lã chã...
Stadler bắt đầu theo học đàn Harp từ năm 13 tuổi tại Nhạc viện Bruckner, Linz dưới sự hướng dẫn của nghệ sĩ Annemarie Zangerle (Salzburg). Mười lăm tuổi cô theo học trường trung học âm nhạc ở Linz. Năm 1982 đến 1990 cô học nhạc Harp hòa tấu tại Học viện Âm nhạc và Nghệ thuật trình diễn Vienna, dưới sự dẫn dắt của giáo sư Adelheid Blovsky - Miller. Đồng thời, cô là thành viên của Dàn nhạc giao hưởng Vienna và Dàn nhạc tham dự lễ hội mùa hè Carinthian. Năm 1990, cô tốt nghiệp loại xuất sắc và được nhận học bổng theo học nhạc Jazz tại Nhạc viện Bruckner dưới sự hướng dẫn của nhạc gia Dejan Pecenko. Do không thể nghiên cứu nhạc Harp Jazz tại châu Âu nên cô đã sang Mỹ để thực hiện kế hoạch đó (trong thời gian đó cô cũng nhận được các học bổng khác). Cô tiếp tục theo học tại Trường âm nhạc Berklee, Boston Bang Massachusetts, dưới sự hướng dẫn của nhạc gia David Darling (nhạc ngẫu hứng). Ngoài việc tham gia biểu diễn trong các chương trình hòa nhạc quốc tế, cô còn tham gia tổ chức các buổi hội thảo trao đổi về âm nhạc ngẫu hứng và nhạc Jazz tại châu Âu và châu Mỹ. Năm 1992, cô đã giành giải nhất Chương trình biểu diễn tài năng do Đài Phát thanh và Truyền hình quốc gia Áo tổ chức tại Velden. Stadler cũng đã giành được hai giải Nhì tại Liên hoan nhạc Harp Jazz và Pop, tổ chức tại Chicago và Orlando, Mỹ. Có lần, cô đã chia sẻ với báo chí rằng: “Những bản nhạc tôi viết cho đàn Harp là nhằm xoa dịu nỗi đau và trấn an tâm hồn con người”.
Những “khoảng lặng” trong tác phẩm của Stadler, chính là khoảng kể về những câu chuyện, những buổi sáng cô đơn, chỉ có tuyết trắng bời bời và người đàn bà ngồi bên cửa sổ, chiêm ngẫm về cuộc đời, về sự sinh, diệt, về cõi nhân gian... và người nghe được can dự vào “khoảng lặng ấy”. Cả hai đã hòa quyện vào nhau, tạo nên linh hồn cho những bản tình ca đàn Harp của Stadler... Tách cà phê nguội dần trong tay Stadler, cô bảo: trong 7 đĩa CD mà tôi tâm đắc, thì có một số bản phối hợp linh hoạt với nhạc Jazz, phần còn lại là những bản tình ca solo, tự sự, miêu tả những cung bậc cảm xúc khác nhau, trong mỗi giai đoạn của người đàn bà.
Stadler đã thổi một luồng âm thanh tươi mới vào đàn Harp, bằng sự kết hợp giữa khúc tố của âm nhạc dân gian với nhạc Jazz, nhạc cổ điển và đặc biệt là với những “khoảng lặng”… Ví dụ, trong CD “My imaginary garden” là sự hòa tấu giữa âm hưởng đàn Harp và âm nhạc Phật giáo, đã mang đến sự huyền bí, mới lạ cho những bản nhạc của cô.
Khi tiếng nhạc của Stadler cất lên, dường như nó đã khơi dậy mọi tri cảm của người nghe. Có lẽ, biệt tài của nữ nghệ sĩ Standler không phải là ở sự làm mới âm nhạc truyền thống, mà là làm cũ, làm cổ, làm già đi, làm trầm tư và làm ra những “khoảng lặng” cho đàn Harp. Giai âm của Stadler rung ngân, tinh tế, quyến rũ như thể rút ruột, rút gan từ chính sự cô đơn của người đàn bà vậy. Tôi cảm thấy, hình như có mùi hương á phiện trong những cung bậc Harp của Stadler.
Ở châu Âu hay Nam Mỹ, các nghệ sĩ đàn Harp thường được yêu mến hơn nhưng đời sống của họ vẫn chịu thiệt thòi hơn các nghệ sĩ Piano, Guitar, Sacxophone... Một số bạn trẻ ở Áo cũng cho rằng, giới trẻ Áo ngày nay (cũng giống như giới trẻ Việt Nam) ít quan tâm đến âm nhạc truyền thống. Nhiều bạn trẻ đã không hề biết đến khởi nguyên của chiếc đàn Harp là có hình dáng nhỏ, gọn chứ không to như chiếc đàn Harp ngày nay: Đàn Harp ra đời cách đây 5000 năm và có xuất xứ từ Thổ Nhĩ Kỳ và vùng Trung Á. Trải qua nhiều thập kỉ, chiếc đàn Harp được cải biên như ngày nay, có 47 dây, 7 bàn đạp chân, khoảng 700 cung nhạc. Giữa các cung ấy lại có thể tạo nên một cung khác, việc này phụ thuộc nhiều vào các bàn đạp chân. Khi chơi đàn Harp, người nghệ sĩ phải phối hợp toàn bộ tri giác, cảm xúc, lực tay và chân để tạo ra những cung nhạc mình cần. “Khoảng lặng” của nó, có lẽ chỉ có thể được tạo nên từ trái tim của người nghệ sĩ...
Nghệ sĩ Stadler chia sẻ rằng, những chuyến hành trình của cô từ Tây sang Đông, từ Bắc xuống Nam, ở khắp nơi trên thế giới, không chỉ để trình diễn, mà còn để nạp thêm cảm xúc cho mình. Stadler đã hệ thống những bản tình ca của mình thành những chủ để khác nhau, những câu chuyện kéo dài từ Tây sang Đông, giúp khán giả liên tưởng đến những miền đất lạ, những tòa lâu đài trầm lặng, những câu chuyện tình lãng mạn, hay sự cô đơn của loài người, sự chia ly của kiếp người ngắn ngủi… Đặc biệt, “khoảng lặng” trong những tác phẩm của Stadler đã dành chỗ cho người nghe được can dự vào, được “bước” vào, tâm cốt của những câu chuyện trữ tình. Đó chính là yếu tố làm nên sự độc đáo trong âm nhạc của cô.
Chỉ một lần duy nhất nghe Stadler chơi đàn và cũng chỉ một lần duy nhất ấy, tôi đã nhận ra có những “khoảng lặng” đẹp đến thế trong âm nhạc. “Khoảng lặng” hôm ấy đã kể cho tôi nghe một câu chuyện buồn: thường vào mùa tuyết rơi, có một người đàn bà cô đơn ngồi bên cửa sổ. Người đàn bà ngồi đó, từ khi tóc còn xanh cho đến khi bạc trắng, xõa rụng trên nền nhà mà người tình vẫn chưa quay trở về... Có lẽ, tôi đã can dự quá sâu vào “khoảng lặng” cô độc của Stadler, để rồi hương á phiện ấy đã xui khiến tôi đi tìm cô giữa bời bời tuyết trắng chiều nay.
TIN LIÊN QUAN
XEM NHIỀU NHẤT
-
1
Diễn đàn quốc tế: những mảnh ghép Quân Vương
-
2
Global Integration Brand - GLOBAL SUMMIT: MOSAICS OF THE KING 2022
-
3
KHAI MẠC ĐẠI HỘI ĐỒNG IAEA LẦN THỨ 68 TẠI TRỤ SỞ LIÊN HỢP QUỐC-VIENNA
-
4
Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu 2022-Lễ giỗ tổ và Vinh danh con cháu Vua Hùng toàn cầu
-
5
Chúng ta đang tự mãn về bình đẳng giới
(Nhà thiết kế thời trang La Hồng, Cộng hòa Áo)
TS. Yen PlatzChị Cao Thị Thương (Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Cao Hoàng) đã không ngừng học hỏi từ thầy, từ các đồng nghiệp, từ việc đọc các tài liệu chuyên ngành... để nghiên cứu, pha chế, chiết xuất ra nhiều loại dược phẩm làm đẹp từ thảo mộc. Chị đã pha chế thành công một số loại dược phẩm và đang được đưa vào sử dụng rộng rãi ở hàng chục spa (thuộc hệ thống của công ty) trên toàn quốc. Công ty của chị đã được chọn là đối tác chiến lược phân phối mỹ phẩm thảo dược của Mỹ tại Việt Nam.
TS. Yen Platz
BÌNH LUẬN