August 01, 2022 16:18 TS. Yen Platz

Tết thường là dịp nỗi niềm bánh chưng dưa hành câu đối đỏ, nỗi niềm bố mẹ lúc xế chiều, nỗi niềm xa anh em, bè bạn… có”cơ hội” kéo đến với những người con xa xứ. Trong số đó có những cô dâu Việt, được đào tạo, học hành bài bản, rồi một ngày “theo chồng bỏ cuộc chơi”. Dâu Việt nhớ nhà, đã đành, họ còn kéo theo cả những chàng rể Tây, những đứa con lai cũng “lây” tâm trạng “chiều cuối năm”. Có nàng dâu may mắn thì năm nào cũng được cùng chồng con về Việt Nam quây quần đón Tết với gia đình. Còn có nàng thì chỉ biết tự an ủi mình, lủi thủi chuẩn bị những mâm cỗ Tất niên đậm đà bản sắc để giới thiệu với gia đình, bạn bè nhà chồng và cũng như để xua đi nỗi nhớ chiều cuối năm trên đất khách.

1. Mối tình Hà Nội - Gia đình chị Hà, anh Don Townsend (Australia)

Anh Don Townsend đã từng sống và làm việc 12 năm ở Việt Nam. Anh là chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực phát triển các Dự án giao thông nông thôn và nông nghiệp. Đồng thời, anh còn là một nhà văn. Nhiều lần anh đã định rời xa Hà Nội. Bởi nơi này đã gợi cho anh kỉ niệm về một mối tình buồn! Nhưng rồi một vài bạn văn đã khuyên nhủ anh thế nào mà khiến anh xiêu lòng ở lại. Anh đã quyết tâm ở lại Hà Nội để tìm thêm tư liệu cho cuốn tiểu thuyết thứ hai (sau cuốn tiểu thuyết thứ nhất anh đã xuất bản ở Thái Lan).

Đúng là định mệnh! Không lâu sau, trong quá trình tìm kiếm tư liệu, anh đã tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời mình. Anh gặp chị. Chị tên là Thanh Hà. Chị là biên tập viên của Đài Truyền hình Việt Nam. Chị xinh đẹp, đằm thắm và tinh tế. Anh ào đến với chị như cơn bão. Cảm hứng trào dâng trên môi mắt, giúp anh hoàn thành cuốn tiểu thuyết thứ hai “Những chiếc lá bàng cuối cùng”. Chuyện kể về một mối tình đẹp giữa người con gái Hà Nội với một chàng trai nước ngoài. Tiểu thuyết mang hơi thở của cuộc sống đương đại Hà Nội. Cuốn sách do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành bằng hai thứ tiếng Anh, Việt. Cuốn sách ra mắt độc giả tại Hà Nội vào một buổi chiều mưa. Phố cũ buồn và đẹp đến nao lòng!

Sau đó, anh chị đã tổ chức lễ cưới tại Việt Nam. Đám cưới thật giản dị và lặng lẽ, bởi cả hai cũng đã qua một lần đò. Họ đã thấm thía những mất mát và khổ đau nên họ biết thế nào là đủ, là hạnh phúc! Một thời gian sau, bé Jenny chào đời. Đôi mắt, cái mũi và làn da giống bố. Hai lúm đồng tiền giống mẹ.

z3610547480513_562ace3e0c59b4694adba425a7b8c7a6.jpg

Gia đình chị Hà, anh Don Townsend

Có lúc anh đã xúc động chia sẻ với bạn bè: “Tôi không ngờ cuộc đời mình lại may mắn đến thế. Thế là tôi chúng tôi lại có thêm một cuốn tiểu thuyết tuyệt vời nữa rồi. Hà Nội thật hào phóng với tôi!”. Và thế là, kể từ khi gặp chị, anh mới thực sự có khái niệm về sự sum vầy. Anh nhớ, Tết đầu tiên anh cùng vợ và con về quê chị. Anh chở họ ra Cửa Lò bằng xe máy, ai nhìn thấy cũng ngạc nhiên. Cả nhà đi dạo biển. Bãi biển ngày Tết vắng lặng.

Anh nhìn ngắm những “kiệt tác” của mình với sự biết ơn:`Kể từ khi tôi nhìn ngắm hai mẹ con đi dạo biển, tôi biết, mỗi cái Tết tôi sẽ thuộc về nơi này”. Những cái Tết ở quê vợ quả thật là món quà lớn đối với anh. Đó là dịp anh được trải nghiệm những phong tục, tập quán của dân tộc Việt. Mặc dù, anh không thể nói được nhiều tiếng Việt nhưng khi bánh chưng được bóc ra, rể Tây lóng ngóng cầm đũa, thế nào cũng khiến mọi người cười ồ. Rồi cả nhà sẽ xúm vào dạy anh cái này, chỉ anh cái kia, chị và cô con gái lớn sẽ chạy quanh để phiên dịch… Họ nhanh chóng hòa đồng vui vẻ dường như không còn khoảng cách Tây Ta nữa. Anh bảo: “đó là điều may mắn to lớn cho một người nước ngoài cô đơn như tôi”. Trước đây, cuộc sống của anh cũng khá nhiều màu sắc. Anh thường chia sẻ đồng lương của mình với những người nông dân nghèo, cho dù anh chỉ gặp họ một lần. Anh giúp họ có vốn chăn nuôi, giúp những sinh viên nghèo đóng học phí… cho đến khi gặp chị, anh vẫn giữ thói quen đó. Chị đã rất đồng cảm với anh. Chị bảo: “Đôi khi tôi cảm thấy anh ấy như một Đức Chúa vậy!”.

* Bà ngoại, lá dong và những bậc cầu thang... - Gia đình chị Huyền, anh Dupasquier (Singapore)

Anh Dupasquier là người Thụy Sỹ. Sau khi lấy chị một thời gian họ đã chọn giải pháp sống ở Singapore để được thường xuyên về thăm mẹ già ở Quảng Ninh. Thế nên, các con chị thường dùng từ “về” chứ không bao giờ dùng từ “đi” Việt Nam. Chúng thuộc làu từng bậc cầu thang, góc bếp nhà bà ngoại. Chị nhớ Tết năm ngoái, anh bận việc nên đành để chị và các con về gói bánh chưng với bà ngoại. Năm nào về đến đầu ngõ chị cũng thấy mấy bó lá dong xanh tươi đã được dựng sẵn ở góc sân. Đêm gói bánh chưng, tụi trẻ con hớn hở, xúm xít trên hai chiếc chiếu được trải trong bếp. Chúng thích thú vì được tập gói bánh bằng khuôn và lá dong thật chứ không phải đùm dây gai tạm bợ như chúng từng làm hồi còn ở Thụy Sỹ.

Đêm ba mươi, Khoa (cậu con trai thứ) sẽ “mừng tuổi” bà bằng một câu tiếng Việt chuẩn nhất mà cậu đã tự luyện hàng năm: “Cháu chúc bà năm mới mạnh khoẻ, phát tài". Bà ngoại bảo, đó là những giây phút hạnh phúc của đời bà. Anh chị cũng mong rằng những ký ức về ngày Tết, về bà ngoại, về quê hương Việt Nam… sẽ theo hai con trai Long và Khoa lớn lên từng ngày. Thậm chí, anh chị cũng đã làm việc đó với con cái của anh trai mình. Chị tâm sự: “Có những chuyến về Việt Nam, không phải là về cho mình mà là về cho con, cho cháu, cho bà ngoại. Bà già rồi, chẳng biết mình còn gặp được mấy Tết nữa. Đứa cháu liệu năm sau có còn được ở với bà hay bố mẹ nó lại lôi đi…”. Vì thế, có những cái Tết gia đình chị cuống cuồng về rồi lại cuống cuồng đi ngay sáng ngày mồng 2. Thậm chí, có nhiều lúc chị đã phải ôn bài ngay trên máy bay để kịp giờ thi vào ngày hôm sau, khi trở lại Singapore.

Chồng chị là chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng nhưng lại hết sức quan tâm đến chuyện bảo tồn văn hóa truyền thống gia đình. Mười lăm năm lấy nhau mà việc anh đi ăn tối một mình ở ngoài chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Chuyện dạy các con cư xử theo văn hóa Việt, chị cũng không cần phải bận tâm vì anh đã nhận trách nhiệm đó rồi. Năm nay, do công việc bận nên anh chị và các con sẽ ăn Tết ở Singapore. Vì thế, cả nhà sẽ về thăm bà ngoại trước Tết. Anh chị hiểu, vào mỗi chiều cuối năm thì bà ngoại, lá dong và những bậc cầu thang… lại ngóng đợi con cháu trở về.

Tôi quen biết chị trong một hoàn cảnh buồn. Đó là, tôi khi đăng tải bức thư thỉnh cầu của cậu bé Nguyễn Văn Hưởng, gửi đến Bộ trưởng Bộ Y tế, trên trang Facebook cá nhân của mình (Cậu bé bị mắc bệnh u màng não nhưng là một cậu bé kiên cường). Chị đã tình cờ đọc được bức thư ấy, và rồi chị đã cùng một số nhà báo cố gắng, tìm cách liên hệ với Bộ trưởng. Chúng tôi đã phối hợp cùng nhau để giúp cậu bé, nhưng không bao lâu sau thì cậu bé ấy đã qua đời. Chuỗi ngày sau đó chị và tôi, người ở châu Á, kẻ ở châu Âu, nhưng đã cùng nhau đọc kinh niệm Phật cho cậu bé. Đó chỉ là một trong những công việc chị thường giúp mọi người. Tôi rất cảm động trước tấm lòng của chị. Chị học hành giỏi giang và “bước” ra thế giới từ rất sớm. Với lòng trắc ẩn của mình, chị đã luôn ở bên cạnh những mảnh đời khốn khó, cho dù chị chưa từng được gặp họ một lần.

* Không có ngày lễ nào thật đúng là ngày lễ của những người xa xứ - Gia đình chị Dung, anh Steve, bang Colorado (Mỹ):

Anh Steve từng là giảng viên trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Trong khoảng thời gian gần chín năm ở Hà Nội, anh đã yêu và cưới chị Dung. Anh bảo, chị là một đồng nghiệp chân thành, luôn tận tâm chia sẻ với anh mọi vui buồn của cuộc sống. Họ sống ở Hà Nội, nhưng cứ vào dịp Tết là anh chị lại đưa nhau về quê vợ ở Nghệ An. Vì thế, Steve cũng đã có được những trải nghiệm về không khí Tết Việt. Anh nhớ nhất là những lần đội mưa ra đồng thắp hương cho tổ tiên. Đường thì lầy lội, trơn trượt, bùn bắn lên tận đầu, nhiều lần chàng rể Tây đã suýt “vồ ếch”. Đêm giao thừa thì thể nào anh cũng được ăn món bánh nếp chấm mật rất ngon. Món ăn mà mẹ vợ thường nấu cho anh từ những ngày mới về làm rể. Anh bảo, ăn quen, lâu dần đâm ra bị “nghiện” món đó. Anh bảo mình cũng được giữ một bản gia phả (phô tô) của dòng họ nhà vợ, để sau này nhắc nhở các con nơi chúng phải trở về.

Từ ngày theo chồng sang Mỹ, anh chị vẫn giữ thói quen sắm mâm cơm cúng tổ tiên vào chiều cuối năm. Bánh chưng thì mua ở cửa hàng Denver. Đồ xào, nấu thì mua ở siêu thị. Cả nhà lại cùng nhau sửa soạn Tết như hồi còn ở Việt Nam. Mấy ngày đó, chị cũng thường dành thời gian để đọc báo Tết (trên mạng). Đặc biệt, chị thích đọc những bài viết về tâm trạng của những người Việt xa xứ, nhưng đọc rồi thì lại sụt sùi nhớ quê hương.

z3610573247401_6d616cdb01058d6ba6897e97c1319791.jpg

Gia đình chị Dung, anh Steve, Bang Colorado, Mỹ

Cũng có năm anh chị đón Tết vui hơn, như năm nay chẳng hạn, cả nhà sẽ lại có dịp mặc áo dài khăn đóng, cung kính, chỉnh tề đến dự Tết với các bạn sinh viên Việt Nam tại Mỹ. Chị kể, ngày 30 mọi người quây quần gói bánh chưng, bánh tét rồi cùng luộc bánh và trò chuyện thâu đêm. Năm nay, mọi người không mượn được nồi to nên đành phải luộc bánh trong mười cái nồi nhỏ và luộc bằng bếp điện. Rồi sáng mồng Một, mọi người cùng nhau trang trí băng rôn, cờ quạt, hoa đào, hoa mai (giả) và bày cỗ... Đến khoảng 3 giờ chiều thì ai nấy đều áo dài, khăn đóng chỉnh tề, xếp hàng đứng đợi bạn bè quốc tế. Họ là các giáo sư, tiến sĩ người Mỹ. Cả chủ và khách khoảng chừng 100 người. Thế là vui rồi. Chương trình được mở màn bằng các clip giới thiệu về quê hương đất nước Việt Nam, tiếp đó là trò chơi kéo co, hay bịt mắt bắt dê. Trẻ con thì nhận lì xì. Sau đó, mọi người cùng nhau phá cỗ. Và tiết mục cuối cùng là cùng nhau hát karaoke, hát những ca khúc về Việt Nam. Trước khi hát thì mọi người cũng giao hẹn với nhau rằng, không ai được hát bài buồn. Vì họ sợ tâm trạng chiều cuối năm. Mặc dù, mọi người tha hương với nhiều lý do khác nhau, nhưng hình như mỗi chiều cuối năm, họ lại có chung nỗi niềm: nỗi niềm bánh chưng, dưa hành, câu đối đỏ, nỗi niềm nhớ bố mẹ lúc xế chiều, nỗi niềm xa anh em, bè bạn, người thân… Thế nên, dù chỉ một bài hát buồn cũng sẽ khiến họ khóc. 

Chị ngùi ngùi: “đối với người xa quê thì hình như không có ngày lễ nào thật đúng là ngày lễ của họ”: Tết Việt, thì mọi người có trang trí nhà cửa, có hoa đào (giả), bánh chưng xanh… nhưng không có không khí Tết. Các phố xung quanh vẫn bình lặng, không mơ, cũng chẳng đào. Gió rét cũng rất khác cái rét nơi quê nhà. Còn dịp Noel và Tết Tây thì có nến, có thông và có quà. Hay Ngày Lễ tạ ơn thì chị cũng nấu mấy món Việt rồi vợ chồng con cái kéo nhau đến thăm một đôi vợ chồng già người Mỹ (vì họ không có con)… Không khí những ngày Tết, Lễ của Tây thì cũng đầm ấm, sum vầy, nhưng sao chị vẫn cảm thấy xa lạ... Có nhiều lúc, chị cảm thấy buồn muốn khóc, nhưng rồi tâm trạng đó cũng qua đi, vì chị biết mình sẽ phải gắn bó với nơi này - nơi có chồng và hai thiên thần bé nhỏ luôn hết lòng yêu thương chị, đó là cuộc đời của chị!

 

 

Nguồn: Những mảnh ghép Quân Vương

(Nhà thiết kế thời trang La Hồng, Cộng hòa Áo)

TS. Yen Platz

Chị Cao Thị Thương (Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Cao Hoàng) đã không ngừng học hỏi từ thầy, từ các đồng nghiệp, từ việc đọc các tài liệu chuyên ngành... để nghiên cứu, pha chế, chiết xuất ra nhiều loại dược phẩm làm đẹp từ thảo mộc. Chị đã pha chế thành công một số loại dược phẩm và đang được đưa vào sử dụng rộng rãi ở hàng chục spa (thuộc hệ thống của công ty) trên toàn quốc. Công ty của chị đã được chọn là đối tác chiến lược phân phối mỹ phẩm thảo dược của Mỹ tại Việt Nam.

TS. Yen Platz

ĐẤU GIÁ