Đại tá, Anh hùng lao động Nguyễn Đăng Giáp, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty 36-Bộ Quốc Phòng, Việt Nam) (Ảnh.NVCC)
WAJ: Thưa Đại tá, AHLĐ Nguyễn Đăng Giáp, Chiến thần Bạch Khởi đã từng nói rằng: “Có được thiên hạ không khó, khó là ở lòng người. Có được lòng người không khó, khó là giữ được lòng người”, ông đã “giữ lòng người “ như thế nào để có thể biến một đơn vị thua lỗ, sắp giải thể trở thành một đơn vị đầu ngành trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam ?
- Đại tá, AHLĐ Nguyễn Đăng Giáp: Một câu hỏi rất là hay! Tiêu chuẩn làm tướng là gì? Trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, giữa hiểu nhân tình. Khi nắm được nhân tình – lòng dân – thì mọi việc luôn dễ dàng. Thứ hai, vai trò của người đứng đầu là phải quy tụ được tất cả mọi lực lượng. Và chính người đứng đầu phải gương mẫu, trở thành vị thủ lĩnh, minh chủ, thắng không kiêu, bại không nản, dù gian lao khổ hạnh cũng không sờn lòng. Và sống hay chết cũng không nản chí.
WAJ: Công trình đánh dấu bước ngoặt của Tổng công ty 36 và của cuộc đời Đại tá là công trình nào thưa ông?
- Đại tá, AHLĐ Nguyễn Đăng Giáp: Tôi làm hàng trăm công trình không những ở VN mà còn ở Lào nhưng công trình mang dấu ấn cuộc đời tôi là công trình thủy điện Môn Sơn năm 2000. Đây không phải công trình đầu tay nhưng tôi ví công trình này như trận chiến Sơn Tinh và Thủy Tinh. Công trình tốn nhiều giấy mực của báo chí, truyền hình. Phải nói là công trình giải quyết được nhiều vấn đề trị thủy, là công trình của sự kết hợp giữa an ninh và quốc phòng ở sát biên giới Việt Lào và cứu được dân tộc Đan Lai có khả năng bị tuyệt chủng. Và công trình Hội trường Bộ Quốc phòng là công trình có kết cấu thông tầng vượt nhịp mà tại thời điểm đó chưa có công trình tương tự nào. Phải nói là công trình ghi rất nhiều dấu ấn và đến bây giờ chưa có công trình nào hiện đại bằng. Sau đó, công trình nhà làm việc của Thủ tướng Chính phủ cũng là một dấu ấn và nhiều công trình của ban Đảng, Truyền hình TW, Truyền hình Quân đội và rất nhiều công trình nữa, nhưng công trình thủy điện Môn Sơn để lại cho tôi nhiều dấu ấn và không những có giá trị lâu dài mà còn là điểm nhấn cảnh quan về kiến trúc.
Đại tá, Anh hùng lao động Nguyễn Đăng Giáp (giữa) khảo sát công trình (Ảnh.NVCC)
WAJ: Dư luận xã hội không mấy thiện cảm với việc quy hoạch kiến trúc và nhiều công trình xây dựng đã phá vỡ cảnh quan thiên nhiên của Việt Nam hiện nay, quan điểm của ông về việc này như thế nào?
- Đại tá, AHLĐ Nguyễn Đăng Giáp: Bảo vệ cảnh quan thiên nhiên là một trách nhiệm của công dân VN, khi anh có tấm lòng yêu nước, yêu thiên nhiên. Chúng tôi là một công dân phải có trách nhiệm đặc biệt là đơn vị xây dựng. Tất cả những quy hoạch mà phá vỡ cảnh quan thiên nhiên chính là một tội đồ của đất nước, tổ tiên. Với dải đất hình chữ S đã để lại một di sản rất là quý báu, con cháu và các thế hệ nối tiếp sau này phải có trách nhiệm giữ gìn và phải chống lại những tư tưởng phá vỡ cảnh quan thiên nhiên môi trường. Chúng ta phải lên án điều này, như vừa rồi, ngôi nhà số 8 Lê Trực đã phá vỡ cảnh quan khu Ba Đình thì Nhà nước phải cưỡng chế là như vậy.
WAJ: Chúng tôi nghĩ rằng đã đôi phần thấu hiểu được tấm lòng, trái tim của những người lính đã làm nên những công trình đặc biệt quan tâm đến cảnh quan môi trường và có thể là di sản để lại cho thế hệ sau. Đại tá có nói một câu là “lửa thắp lên rồi sẽ cháy tận cùng thôi”, xin ông chia sẻ về chiến lược phát triển của TCT 36 trong tương lai?
- Đại tá, AHLĐ Nguyễn Đăng Giáp: Thực sự giành chính quyền đã khó, xây dựng chính quyền còn khó hơn. Với TCT 36, ngày 23-9 tới đây là tròn 20 năm tôi về nhận vị trí Giám đốc Xí nghiệp xây dựng 36 và xây dựng thành TCT hàng đầu Việt Nam, phải nói rằng, phải bảo vệ thương hiệu của 36 là thương hiệu mạnh không chỉ ở trong nước mà còn quốc tế.
WAJ: Xin Đại tá có thể giải thích thêm về ý nghĩa của tên công ty 36 ?
- Đại tá, AHLĐ Nguyễn Đăng Giáp: Phiên hiệu 36 là một phiên hiệu doanh nghiệp của Quân đội làm kinh tế, trước đây làm nhiệm vụ xây dựng sân bay Nội Bài. Cái tên 36 lại trùng khớp với phong thủy là tài lộc nên tôi nghĩ là thương hiệu này ngày càng tỏa sáng. Với slogan: Chúng tôi sẽ đến được những nơi cần đến!
WAJ: Soi chiếu vào lịch sử của các tiền nhân thì chúng tôi lại mường tượng ra 36 binh pháp của Tôn Tử và 36 binh pháp của TCT 36- của những người lính và của Anh hùng lao động Nguyễn Đăng Giáp có điểm gì đó trùng nhau. Thưa ông, một số công chúng báo chí đã ví ông như ``một vị tướng`` văn võ song toàn trong thời bình, ông nghĩ sao về điều này?
- Đại tá, AHLĐ Nguyễn Đăng Giáp: Thực tế tôi không dám nhận là ``một vị tướng`` trong thời bình đâu, mà người ta bảo là công trình 36 để lại trong lòng dân. Còn “văn võ song toàn” là người ta nghĩ đến văn chương, thơ phú của tôi. Cái văn hóa doanh nghiệp tôi xây dựng trước hết là để phục vụ hoạt động của doanh nghiệp và thứ đến là để lan tỏa văn hóa doanh nghiệp trước là trong toàn quân nay là toàn quốc, để luôn luôn chúng ta thấy được rằng văn hóa doanh nghiệp có sự phát triển, lan tỏa lớn và chuyển tải thương hiệu của 36 đến với công chúng trong nước và quốc tế.
Đại tá, Anh hùng lao động Nguyễn Đăng Giáp (bên phải) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp (2006) (Ảnh.NVCC)
WAJ: Thưa Đại tá phẩm chất văn chương có ảnh hưởng gì đến các quyết sách lãnh đạo doanh nghiệp của ông?
- Đại tá, AHLĐ Nguyễn Đăng Giáp: Về văn chương có ảnh hưởng vì như ĐH Đảng lần thứ 13 khẳng định văn hóa ngang hàng với kinh tế-chính trị-xã hội. Cho nên, văn chương nói riêng và văn hóa nói chung đóng vai trò rất quan trọng. “Văn chương thiên cổ sự”, nó để lại cho thế hệ kế cận và kế tiếp biết truyền thống của cha ông. Như doanh nghiệp 36 xuất phát là một đơn vị của quân đội đã làm tròn sứ mệnh là kinh tế kết hợp quốc phòng, và bây giờ là phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân, trở thành một công ty đại chúng để cho các lực lượng kế cận tiếp tục xây dựng thương hiệu trường tồn.
WAJ: Truyền thống gia đình có ảnh hưởng như thế nào đến sự nghiệp của Đại tá?
- Đại tá, AHLĐ Nguyễn Đăng Giáp: Gia đình là tế bào của xã hội và gia đình chính là bệ đỡ cho tôi trong quá trình cống hiến và sâu xa hơn, gia đình là cái nôi, truyền thống của gia đình khơi dậy được tinh thần yêu nước, tư duy sáng tạo. Đó là giá trị cốt lõi để mỗi người càng ngày càng phát triển. Mỗi chúng ta đều coi gia đình là điểm tựa.
Đại tá, AHLĐ Nguyễn Đăng Giáp (thứ nhất bên trái) và gia đình. Anh Giáp là anh cả trong gia đình có 8 anh em trai đều là lính (trong đó, người em thứ 3 là liệt sĩ) (Ảnh.NVCC)
WAJ: “Công trình để lại chính là lòng dân”, Đại tá đã từng 6 lần đoạt giải doanh nhân châu Á Thái Bình Dương và doanh nhân thế giới, vậy việc mà Tổng công ty 36 tự hào nhất, có thể giới thiệu với bạn bè quốc tế là gì thưa ông?
- Đại tá, AHLĐ Nguyễn Đăng Giáp: Chúng tôi không những xây dựng công trình có giá trị hàng trăm năm ở VN và Lào nhưng công trình bền vững nhất là công trình của lòng dân. Tôi nói ví dụ như công trình nhà B6 Giảng Võ. Suốt 12 năm không ai làm được mà TCT 36 làm được. Đó là tỷ lệ 1% xây dựng nhà chung cư ở Hà Nội, nếu không vì nhân dân phục vụ thì không bao giờ làm được điều như vậy. Thứ hai, không những công trình ở HN mà có công trình ở vùng sâu vùng xa, phi lợi nhuận nhưng chúng tôi vẫn làm với tinh thần phục vụ nhân dân như: thủy điện, đường xá. TCT 36 đến đâu được bà con nhân dân ủng hộ. Thậm chí có những con đường Tỉnh Nghệ An đặt tên là đường 48 nhưng bà con nhân dân gọi tên là đường 36, công trình 36. Tôi nghĩ rằng, công trình chính là để lại lòng dân, 36 nói là làm. Doanh nghiệp thường tính lợi ích lên trên hết nhưng TCT 36 coi hạnh phúc con người mới là quan trọng. “Tiền tài như phấn thổ, đạo nghĩa tựa thiên kim” và chúng tôi xứng đáng với đội quân vì lợi ích của quốc gia dân tộc, nhân dân trên hết và trước hết.
WAJ: Một số kiều bào có chia sẻ rằng họ đã đọc cuốn hồi ký ``Như tôi đã sống`` hàng nghìn trang của Đại tá và rất say mê. Họ rất cảm động về những bài thơ ông đã viết về quê hương, đất nước, gia đình, bạn bè. Xin ông gửi tặng bài con xa xứ một vài đoạn thơ mà ông tâm đắc?
- Đại tá, AHLĐ Nguyễn Đăng Giáp: Thơ tôi làm rất nhiều trong đó điển hình, có lẽ cũng hy hữu chưa ai chuyển thể thành công từ một quyển hồi ký “Như tôi đã sống” (do NXB Quân đội phát hành). Nó có một cái gì đấy gần như “Thép đã tôi thế đấy”, nó dựa trên cơ sở từ thực tiễn. Thơ của tôi không phải “mơ theo trăng và lơ lửng cùng mây” mà thơ của tôi đi từ thực tiễn cuộc sống đúc kết và chứng minh.
Đi từ cát bạc, cồn khô
Mà nay đã lấy Bờ Hồ "làm quê"
Sông Lam vẫn nặng lời thề
Gừng cay, muối mặn - không hề phôi pha
Trên ba mươi nước đã qua
Chim bằng tung cánh, trời xa - trời gần
Thời "oanh" đi đó, đi đây
Mai kia thời "liệt" biết còn đi đâu!
Sống ngay thẳng - chẳng cúi đầu
Trực ngôn - bạch thoại, dễ rầu lòng ai
Kiếp sau nếu được làm người
Ta còn bạch thoại hơn mười kiếp nay
Đã mang chí lớn làm trai
"Chọc trời khấy nước" mấy ai sánh bằng
Doanh nhân, tâm sáng - chí bền
"Liêm minh - chính trực - nghĩa tình - thủy chung"
Âm vang danh hiệu Anh hùng
Chắc cương, Xích Thố - dặm trường ta phi.
WAJ: Nhà thơ Khuất Nguyên nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, khi được nhà vua hỏi rằng: Thiên đồn nhà ngươi làm thơ rất hay? Khuất Nguyên thưa rằng: làm thơ có 3 loại, đó là làm thơ cho thần, làm thơ cho người/nhân loại, làm thơ cho mình, thần mới chỉ dám làm thơ cho mình thôi. Vậy ông làm thơ cho…?
- Đại tá, AHLĐ Nguyễn Đăng Giáp: Thơ của tôi rất đơn giản. Trước hết là làm để hóa giải công việc của một doanh nhân, quân nhân và thể hiện là 1 thi nhân, phục vụ cho tầng lớp doanh nhân và những người có tinh thần khởi nghiệp và đặc biệt là cho những người xa xứ. Vì tôi quê ở Nghệ An, nay sinh sống ở Hà Nội. Và tất cả những vùng quê tôi đã đi qua và ở lại thì chính thơ của tôi là nhật ký ghi lại, ghi lại cuộc đời tôi (PV-làm thơ cho mình).
Qua buổi giao lưu ngắn ngủi, tôi cũng rất xúc động và xin gửi lời cảm ơn kiều bào ở nước ngoài và gửi tới các bạn cộng đồng ở nước ngoài. Chúng ta tin tưởng vào dân tộc Việt Nam con lạc cháu hồng trên bản đồ hình chữ S. Trách nhiệm của người Việt trẻ hiện nay dù bất cứ nơi đâu phải chứng minh được mình là con lạc cháu hồng, là bản lĩnh của người Việt và khi cầm quyển hộ chiếu Việt Nam thì tự hào là công dân Việt Nam.
Đại tá, AHLĐ Nguyễn Đăng Giáp (bên phải) và nhà thơ Trần Đăng Khoa (thần đồng thơ Việt Nam) (Ảnh.NVCC)
WAJ: Xin Đại tá chuyển một thông điệp đến thế hệ trẻ người Việt trong và ngoài nước?
- Đại tá, AHLĐ Nguyễn Đăng Giáp: Thông điệp đối với trong nước và quốc tế, thực sự chúng tôi xây dựng những chương trình khởi nghiệp vì hiện nay thanh niên khởi nghiệp rất khó khăn. Tôi nghĩ rằng, TCT 36 là một mô hình mà mỗi công dân trong nước và quốc tế học tập. Vì tôi đi lên từ một đơn vị âm 34 tỷ và nhận các đơn vị phá sản mà nhiều doanh nghiệp lớn trong toàn quân không dám nhận, nhưng đã đào tạo ra một đội ngũ kế cận và kế tiếp với lòng say mê nhiệt tình, xây dựng thương hiệu. Vì thế TCT 36 là một mô hình để các doanh nhân trẻ học tập. TCT 36 là minh chứng sống động cho việc học trong lý luận và cả thực tiễn.
WAJ: Xin cảm ơn ông! Xin chúc Đại tá và đơn vị luôn phát triển, hưng thịnh và luôn là niềm kiêu hãnh của người Việt trong và ngoài nước.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang Việt Nam và phu nhân (thứ 2, 3 bên trái) thăm mẹ và gia đình Đại tá, AHLĐ Nguyễn Đăng Giáp (2019) (Ảnh.NVCC)
*Tổng công ty 36 - Đơn vị anh hùng
Trưởng thành từ một doanh nghiệp Quân đội, với lịch sử hơn 27 năm xây dựng, và phát triển, hiện nay Tổng công ty 36 - Đơn vị anh hùng là một nhà thầu đa năng đáp ứng đầy đủ năng lực về tài chính, kỹ thuật, nguồn nhân lực cũng như kinh nghiệm quản lý điều hành để đầu tư, thi công các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp, giao thông, thủy lợi, thủy điện, các công trình hạ tầng,các dự án bất động sản, san lấp mặt bằng, lắp đặt hệ thống điều hòa, thang máy, thang cuốn, tư vấn thiết kế... đòi hỏi kỹ, mỹ thuật cao ở trong nước và khu vực. Với sự cống hiến không mệt mỏi, trong những năm qua Tổng công ty 36 đã được Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý: Danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lao động; 01 Huân chương Lao động hạng Nhất, 02 Huân chương Lao động hạng Nhì, trong đó 01 Huân chương Lao động hạng nhì do nước CHDCND Lào trao tặng, 08 Huân chương Lao động hạng Ba, nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cúp Vàng “Doanh nghiệp tiêu biểu Việt Nam”, Cúp vàng thương hiệu và nhãn hiệu, Giải thưởng Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển, ISO vàng tiêu biểu, Cờ chất lượng, Huy chương vàng công trình chất lượng cao. Cá nhân đồng chí Chủ tịch Hội đồng Quản trị Nguyễn Đăng Giáp được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2010, 2 lần được vinh danh Doanh nhân Thế giới (năm 2018, 2022) và 6 lần được vinh danh Doanh nhân Châu Á Thái Bình Dương (2017-2022).
Lược sử Tổng công ty 36 - Đơn vị anh hùng (Ảnh.NVCC)
Hà Nội, 11/6/2023
TS Yen Platz & Hội đồng biên tập
TIN LIÊN QUAN
PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV),Ở Việt Nam, công chúng thị trường báo chí là vấn đề tương đối mới, xét cả trong lý luận và thực tiễn báo chí.
WAJXEM NHIỀU NHẤT
(Nhà thiết kế thời trang La Hồng, Cộng hòa Áo)
TS. Yen PlatzChị Cao Thị Thương (Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Cao Hoàng) đã không ngừng học hỏi từ thầy, từ các đồng nghiệp, từ việc đọc các tài liệu chuyên ngành... để nghiên cứu, pha chế, chiết xuất ra nhiều loại dược phẩm làm đẹp từ thảo mộc. Chị đã pha chế thành công một số loại dược phẩm và đang được đưa vào sử dụng rộng rãi ở hàng chục spa (thuộc hệ thống của công ty) trên toàn quốc. Công ty của chị đã được chọn là đối tác chiến lược phân phối mỹ phẩm thảo dược của Mỹ tại Việt Nam.
TS. Yen Platz
BÌNH LUẬN