- PV: Thưa chị, cảm xúc của chị như thế nào khi được đại diện cho thanh niên, sinh viên Việt Nam tham dự “Liên hoan thanh niên, sinh viên thế giới Lần thứ 19” do Liên đoàn Thanh niên Dân chủ Thế giới tổ chức tại Matxcova, Liên bang Nga?
PGS, TS Nguyễn Thị Trường Giang: Tôi thực sự xúc động, vui mừng, vinh dự, tự hào khi được đại diện cho thanh niên, sinh viên Việt Nam tham gia “Liên hoan thanh niên, sinh viên thế giới Lần thứ 19” tại nước Nga hùng vĩ - trước đây đã cứu loài người khỏi họa phát xít. Liên hoan này đã khới xướng và tạo thêm động lực, khơi nguồn sức mạnh của tuổi trẻ, khẳng định vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong việc xây dựng thế giới này tốt đẹp hơn. Qua các tham luận, thảo luận tôi thấy nổi lên những giá trị cốt lõi, xây dựng chuẩn mực hành vi ứng xử của thanh niên mang đậm tính nhân văn trên tinh thần dân chủ và trách nhiệm cao. Ước mơ, hoài bão, khát vọng cống hiến, sáng tạo không ngừng, dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng đón nhận những khó khăn thử thách, không ngừng vươn lên làm chủ khoa học và công nghệ… là những nét chủ đạo, nổi bật. Có rất nhiều tham luận đã giúp tôi và đoàn Việt Nam sáng tỏ nhiều vấn đề về thế giới và tuổi trẻ. Ngược lại những tham luận của đoàn Việt Nam cũng đã được bạn bè quốc tế hoan nghênh nhiệt liệt. Giao lưu rất thẳng thắn nhưng đầy tình nghĩa bạn bè, tinh thần dân chủ rất cao.
PGS, TS. Nguyễn Thị Trường Giang (thứ ba từ trái sang) cùng các đại biểu Việt Nam tại “Liên hoan thanh niên, sinh viên thế giới Lần thứ 19”, Matxcova, Liên bang Nga
- PV: Tổng thống Nga Putin đã phát biểu tại lễ khai mạc liên hoan, rằng: “Người trẻ luôn đem lại sự cải tiến cho thế giới, các bạn có năng lực để thể nghiệm, tranh cãi và thắc mắc trước mọi thứ. Vì vậy hãy tiếp tục, tạo tương lai chính bạn, cố gắng thay đổi thế giới và làm cho nó tốt đẹp hơn”. Sự cổ vũ này có ý nghĩa như thế nào đối với cá nhân chị nói riêng và đối với Đoàn đại biểu thanh niên, sinh viên Việt Nam nói chung?
PGS, TS Nguyễn Thị Trường Giang: Tổng thống Putin đã khẳng định vai trò vô cùng to lớn và bao trùm rất nhiều lĩnh vực của thanh niên, của tuổi trẻ! Ông đã rất tin tưởng rằng tuổi trẻ có thể thay đổi được tất cả, bởi tuổi trẻ có sức mạnh về thể chất, tinh thần, trí tuệ, sự sáng tạo... Sự cổ vũ đó có ý nghĩa lớn lao không những đối với cá nhân tôi mà đối với đoàn thanh niên, sinh viên Việt Nam. Thay đổi thế giới là mục tiêu cuộc sống của những người trẻ tuổi chân chính. Tôi nghĩ, để thay đổi thế giới, trước hết phải thay đổi chính mình! Tự làm mới mình, nỗ lực cống hiến, đóng góp cho xã hội, cho đất nước. Những cống hiến, đóng góp nhỏ bé tích tụ lại sẽ tạo nên một sự thay đổi lớn. Tôi cũng như các bạn trẻ trong đoàn đại biểu thanh niên, sinh viên Việt Nam nói chung, luôn khát khao thay đổi, khát khao đóng góp, cống hiến công sức nhỏ bé của mình cho xã hội, cho đất nước và rộng hơn là cho thế giới!
- PV: Chúng tôi được biết, chị là Phó Giáo sư trẻ nhất của đoàn đại biểu, đồng thời là một nữ lãnh đạo trẻ nhất Học viện Báo chí và Tuyên truyền, sau chuyến công tác này, chị có kế hoạch cụ thể nào để “mang tinh thần” của Tổng thống Putin, tinh thần của tuổi trẻ quốc tế về với tuổi trẻ của Học viện?
PGS, TS Nguyễn Thị Trường Giang: Tôi chỉ nghĩ đơn giản, mình là một giảng viên thì phải cống hiến cả đời cho giáo dục. Không phải vì tiền, vì danh tiếng cá nhân mà vì ước vọng mang tri thức, nhân cách của nhà giáo đến cho học trò vì một ngày mai tươi sáng. Vì vậy, “tinh thần của Putin” trước hết được thực hiện trong hành động của chính bản thân tôi. Đã là giảng viên đứng trên bục giảng phải hội tụ rất nhiều điều kiện, muốn vậy thì tôi phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, học tập để nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, khả năng tiếp cận khoa học công nghệ tiên tiến… để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và tạo nên một sự thay đổi, dù rất nhỏ. “Tinh thần Putin” cũng được lồng ghép vào từng giờ giảng trên lớp. Là giảng viên, đâu chỉ có dạy mà còn là cố vấn, người bạn đồng hành giúp đỡ sinh viên mọi mặt, hướng họ phát triển theo hướng tích cực. Khát khao chinh phục và thay đổi thế giới của người giảng viên cũng được truyền qua việc chia sẻ tri thức, triết lý sống, niềm tin và truyền cảm hứng cho học trò. Là lãnh đạo khoa, tôi đã tự dặn mình: thanh niên, sinh viên bao giờ cũng là lực lượng đáng tin cậy nhất, vì vậy việc quan tâm, chăm sóc, đầu tư cho thanh niên, sinh viên phát triển toàn diện vừa là trách nhiệm, vừa là tình cảm. Tôi đã yêu cầu Đoàn thanh niên của khoa có kế hoạch cụ thể, thiết thực trên nhiều lĩnh vực để giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao đạo đức, thể lực, trí lực, vật lực cho thanh niên. Ngược lại, tôi cũng yêu cầu thanh niên, sinh viên nhận thức đúng tình hình đất nước và trách nhiệm của họ với Tổ quốc, nhân dân nói chung, đối với Khoa và Học viện nói riêng.
- PV: Theo chúng tôi quan sát, hiện nay, việc đầu tư cho đội ngũ nghiên cứu khoa học trẻ của Việt Nam vẫn chưa thực sự thỏa đáng, vậy quan điểm của chị về vấn đề này như thế nào?
PGS, TS Nguyễn Thị Trường Giang: Việt Nam đã nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng của khoa học công nghệ đối với việc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước - nhất là thời đại khoa học công nghệ 4.0. Song, trên thực tế còn khá nhiều vướng mắc, tồn tại khiến khoa học nước nhà phát triển không như ý muốn. Hiện tại, việc đầu tư kinh phí cho nghiên cứu khoa học trong các trường đại học - nơi tạo ra phần lớn nguồn nhân lực cho khoa học công nghệ còn khá thấp. Theo quan sát và hiểu biết của tôi, các trường đại học (nói chung) đang dồn phần lớn nguồn lực (nhân lực, vật lực, thời gian…) cho hoạt động đào tạo, nên còn coi nhẹ việc nghiên cứu khoa học, điều này, là không thể tránh khỏi! Mặt khác, bên cạnh kinh phí, còn là vấn đề thiếu quy hoạch đầu tư trọng điểm - nhất là đội ngũ khoa học trẻ. Nhiều lãnh đạo chưa thực tin tưởng lớp trẻ thì làm sao có sự quan tâm đầu tư cho đội ngũ nghiên cứu khoa học trẻ? Bất cập là ở đó! Theo tôi, để khoa học phát triển tốt, làm động lực thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển thì chúng ta phải có cơ chế thu hút nhân tài, đội ngũ nghiên cứu khoa học trẻ. Cần có cơ chế chính sách đồng bộ, nhất là cơ chế tài chính để tạo động lực cho những người tài phát huy được hết khả năng của mình và đóng góp cho đất nước.
- PV: Chị đã đạt được hàm PGS kể từ khi còn rất trẻ, vậy xin chị chia sẻ đôi điều về kinh nghiệm và nỗ lực của bản thân?
PGS, TS Nguyễn Thị Trường Giang: Rất nhiều người thành công trong công việc đều phải trải qua nhiều khúc quanh của cuộc đời, tôi cũng không ngoại lệ! Ba, mẹ tôi là nhà giáo, sống trong thời bao cấp, chỉ muốn con gái có công ăn, việc làm ổn định là toại nguyện lắm rồi. Tôi là đứa mạnh mẽ không chịu như vậy! Ngay thời học cấp 2, tôi đã có ước mơ cháy bỏng trở thành nhà báo. Khi chuẩn bị hồ sơ thi Đại học, ba tôi làm cho tôi ba bộ đều thi vào khoa Văn, tôi làm thêm một bộ nữa thi vào Phân viện Báo chí và Tuyên tuyền (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Tôi đã thi đậu cả 4 trường. Ba mẹ tôi nhất nhất bắt tôi phải học Khoa văn, Đại học Sư phạm, vì theo ba tôi thì sẽ có “đầu ra”. Tôi không chịu, và đã phải thuyết phục ba mẹ mãi mới cho đi học trường báo. Vậy là niềm đam mê ban đầu của tôi đã thắng! Chính niềm đam mê, khát vọng cháy bỏng đó, là một trong những thành tố tạo nên thành công của tôi. Đó cũng là động lực thúc đẩy tôi phát triển không ngừng. Ngạn ngữ Tây Ban Nha, có câu: “Mọi công việc thành đạt đều nhờ sự kiên trì và lòng đam mê”. Ngoài đam mê, cần phải có mục tiêu, để có động lực phấn đấu và thành công. Vả lại, ở đời, thái độ sống cũng rất quan trọng. Tôi luôn sống tích cực, lạc quan, điều đó mang đến cho tôi thành công trong công việc. Thử ngẫm mà xem, người bi quan luôn tìm thấy những khó khăn trong mọi cơ hội, người lạc quan luôn nhìn thấy được những cơ hội trong khó khăn. Do vậy, việc của mỗi người đơn giản là lựa chọn cách sống nào để vượt qua. Ở đời, đừng mơ ước hão huyền, đừng ngồi chờ vận may, mà phải bắt tay vào làm việc, nỗ lực không ngừng nghỉ mới mong có được chút thành công. May mắn của tôi là có được người chồng tuyệt vời, vì trong hoàn cảnh nào anh cũng ủng hộ tôi, dù tôi có thức khuya, dậy sớm, đi sớm, về muộn vì công việc, vì khoa học. Không có hậu phương ấy thì mình có cố mấy cũng khó thành công! Ai cũng có một cuộc đời để sống. Hãy sống và đam mê công việc mà mình đã chọn. Chỉ cần biết mình khát khao cháy bỏng điều gì và bắt tay vào làm việc hết mình thì thành công sẽ đến. Ai muốn tỏa sáng thì hãy cháy lên!
- PV: Xin trân trọng cảm ơn Phó Giáo sư!
TIN LIÊN QUAN
PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV),Ở Việt Nam, công chúng thị trường báo chí là vấn đề tương đối mới, xét cả trong lý luận và thực tiễn báo chí.
TS. Yen PlatzXEM NHIỀU NHẤT
-
1
Ngày Tổ quốc Việt Nam toàn cầu 2022 - Lễ giỗ Tổ và vinh danh con cháu Vua Hùng toàn cầu
-
2
Xin không nói lời vĩnh biệt nhà văn Tô Hoài
-
3
Nguyên sơ như thế anh đến với cuộc đời
-
4
Việt Nam ký kết biên bản ghi nhớ với Ủy ban Liên Hợp Quốc về Luật Thương mại Quốc tế (UNCITRAL)
-
5
Lễ kỷ niệm 55 năm ngày thành lập ASEAN tại trụ sở Liên Hợp Quốc tại Vienna
(Nhà thiết kế thời trang La Hồng, Cộng hòa Áo)
TS. Yen PlatzChị Cao Thị Thương (Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Cao Hoàng) đã không ngừng học hỏi từ thầy, từ các đồng nghiệp, từ việc đọc các tài liệu chuyên ngành... để nghiên cứu, pha chế, chiết xuất ra nhiều loại dược phẩm làm đẹp từ thảo mộc. Chị đã pha chế thành công một số loại dược phẩm và đang được đưa vào sử dụng rộng rãi ở hàng chục spa (thuộc hệ thống của công ty) trên toàn quốc. Công ty của chị đã được chọn là đối tác chiến lược phân phối mỹ phẩm thảo dược của Mỹ tại Việt Nam.
TS. Yen Platz
BÌNH LUẬN