
Đại sứ Vũ Lê Thái Hoàng chính thức bắt đầu nhiệm kỳ ngoại giao tại Áo sau khi trình Quốc thư lên Tổng thống Alexander Van der Bellen. (Ảnh: ĐSQVN tại Áo)
Ngoại giao công nghệ: Từ sáng kiến địa phương đến chiến lược quốc gia
WAJ: Thưa Đại sứ, mục tiêu trọng tâm mà Việt Nam hướng tới thông qua Diễn đàn Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo Việt Nam – Áo lần thứ nhất là gì?
Đại sứ Vũ Lê Thái Hoàng: Theo tinh thần Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Bộ Ngoại giao Việt Nam và hệ thống cơ quan đại diện ở nước ngoài đã xác định "ngoại giao công nghệ" là ưu tiên hàng đầu trong nền ngoại giao toàn diện, hiện đại và vì phát triển.
Tùy theo điều kiện và thế mạnh của từng địa bàn, chúng tôi xây dựng các sáng kiến cụ thể. Tại Áo – quốc gia có năng lực mạnh về công nghệ lõi và công nghệ nguồn – Đại sứ quán Việt Nam đã đề xuất tổ chức Diễn đàn Hợp tác công nghệ cao và đổi mới sáng tạo Việt – Áo 2025 tại Vienna. Sáng kiến này nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Phòng Kinh tế Liên bang Áo (WKO), Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam (NIC), cùng các bộ ngành, tập đoàn công nghệ, trường đại học và viện nghiên cứu hai nước.
Đây sẽ là diễn đàn công nghệ đầu tiên do một Đại sứ quán Việt Nam tổ chức tại châu Âu, nhằm cập nhật chính sách, kết nối thị trường công nghệ và mở đường cho các hợp tác cụ thể.

PGS.TS. Vũ Lê Thái Hoàng, Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Áo (Ảnh: ĐSQVN tại Áo)
Tiềm năng hợp tác: Việt Nam cần – Áo có
WAJ: Trong bối cảnh Việt Nam đang thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, Đại sứ đánh giá thế nào về tiềm năng hợp tác với Áo, đặc biệt trong kết nối doanh nghiệp và viện nghiên cứu hai nước?
Đại sứ Vũ Lê Thái Hoàng: Công chúng có thể ngạc nhiên khi biết rằng hệ thống cáp treo tại các khu du lịch nổi tiếng ở Việt Nam là do công ty Doppelmayr của Áo chế tạo, hay xe điện VinFast cũng như các thương hiệu BMW, Mercedes đều có sự đóng góp của Magna Steyr và AVL – những công ty công nghệ ô-tô hàng đầu của Áo.
Áo là trung tâm công nghệ cao toàn cầu trong các lĩnh vực như chế tạo tiên tiến, công nghệ thông tin, bán dẫn, lượng tử, công nghệ sinh học và năng lượng xanh. Với vị trí chiến lược ở trung tâm châu Âu và vai trò trong "tam giác công nghệ cao" Đức–Áo–Thụy Sỹ, Áo có thể trở thành cửa ngõ để Việt Nam tiếp cận các trung tâm công nghệ lớn khác, hỗ trợ chuyển giao công nghệ nguồn và giúp doanh nghiệp Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các công nghệ như wafer bonding cho chip 3D, nano-lithography SmartNIL, AI trong giao thông và y tế, công nghệ sinh học cho y học tái sinh hay mã hóa lượng tử đều là lĩnh vực Việt Nam đang cần phát triển. Mô hình hệ sinh thái đổi mới của Áo – nơi Chính phủ, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và startup cùng phối hợp hiệu quả – là điều Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi.
Đại sứ Vũ Lê Thái Hoàng gặp gỡ các nhà trí thức khoa học người Việt tại Áo (Ảnh: ĐSQVN tại Áo)
Kết nối thực chất: Kỳ vọng những hợp tác cụ thể sau Diễn đàn
WAJ: Nhiều doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của Việt Nam và Áo sẽ tham gia thảo luận tại diễn đàn. Đại sứ kỳ vọng những cơ hội hợp tác cụ thể nào sẽ được hình thành sau sự kiện này?
Đại sứ Vũ Lê Thái Hoàng: Kinh tế Việt Nam đang trên đà tăng trưởng nhanh (7,09% năm 2024) và nằm trong top 35 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Để đạt mục tiêu trở thành nước công nghiệp phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam xác định phải đột phá về công nghệ, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh – đây chính là tinh thần của Nghị quyết 57.
Các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam như VNPT, Viettel, FPT đang dẫn đầu về nghiên cứu AI và xây dựng hạ tầng số. Các tập đoàn như Vingroup, Sovico, Genetica đang đầu tư vào bán dẫn và ứng dụng AI. Phía Áo có sự tham gia của nhiều công ty công nghệ hàng đầu cùng các viện nghiên cứu danh tiếng như TU Wien, TU Graz, AIT, IIASA.
Tôi hy vọng Diễn đàn sẽ tạo nền tảng để doanh nghiệp hai nước hiểu nhau hơn, xác định các hướng hợp tác cụ thể, đối thoại chính sách để tạo hành lang pháp lý thuận lợi, và thúc đẩy các chương trình đào tạo nguồn nhân lực. Đại sứ quán sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức các đoàn doanh nghiệp đi khảo sát, tìm kiếm đối tác, kết nối thị trường giữa hai nước.
Những lĩnh vực ưu tiên: Từ chip đến khởi nghiệp công nghệ
WAJ: Áo được xem là một trung tâm công nghệ cao, công nghệ lõi tại châu Âu. Đại sứ có thể chia sẻ những lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo nào đang được hai nước ưu tiên thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới?
Đại sứ Vũ Lê Thái Hoàng: Như tôi đã đề cập, Áo nổi bật với các lĩnh vực công nghệ lõi như ô tô, bán dẫn, công nghệ lượng tử, năng lượng xanh, sinh học và AI. Với hệ sinh thái đổi mới toàn diện và vai trò trung tâm trong tam giác công nghệ châu Âu, Áo có tiềm năng trở thành đối tác chuyển giao công nghệ chiến lược cho Việt Nam.
Trong giai đoạn tới, hai nước ưu tiên hợp tác trong các lĩnh vực như: giao thông thông minh, y tế số, sản xuất chip, năng lượng tái tạo và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ.
Đại sứ Vũ Lê Thái Hoàng và các nhà trí thức khoa học người Việt tại Áo trao đổi ý kiến chuẩn bị cho Diễn đàn Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo Việt Nam – Áo lần thứ nhất (Ảnh: ĐSQVN tại Áo)
Thông điệp cho cộng đồng doanh nghiệp: Thời điểm vàng để hành động
WAJ: Cuối cùng, Đại sứ có thông điệp nào muốn gửi tới cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư, nghiên cứu của Việt Nam và Áo để khuyến khích họ tham gia, đồng thời tận dụng hiệu quả cơ hội từ sự kiện lần này?
Đại sứ Vũ Lê Thái Hoàng: Đây là thời điểm thuận lợi và đầy triển vọng cho hợp tác Việt – Áo trong lĩnh vực công nghệ cao và đổi mới sáng tạo. Chúng ta đang chứng kiến sự gặp nhau giữa kỳ vọng và năng lực: Việt Nam là một nền kinh tế năng động, muốn vươn lên bằng công nghệ và đổi mới; còn Áo là trung tâm công nghệ nguồn của châu Âu, với hệ sinh thái đổi mới toàn diện và chính sách hỗ trợ tích cực.
Tôi mong các doanh nghiệp, viện nghiên cứu và startup công nghệ của Việt Nam tích cực tham gia Diễn đàn lần này. Đại sứ quán sẽ luôn là cầu nối hỗ trợ, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp để kết nối thị trường, xác lập quan hệ đối tác và tiến tới những thỏa thuận hợp tác cụ thể, hiệu quả.
WAJ: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!
TIN LIÊN QUAN

Cách đây 7 năm cuốn sách Tình thương của tác giả, nhà đầu tư Hà Huy Thanh ra đời (2017), đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc Việt Nam. Tác giả đã bàn về một vấn đề cốt lõi của nhân loại, đó là tình thương. Triết luận tình thương được tác giả phân tích, chiêm nghiệm, luận giải qua lịch sử nghìn năm văn hiến của dân tộc Việt- một dân tộc kiên cường, bác ái, đã trải qua 1000 năm Bắc thuộc, 100 năm bị đô hộ/thuộc địa, đánh, đàm và chiến thắng 2 đế quốc Pháp, Mỹ… bằng tình thương! Sau đây, WAJ có cuộc trò chuyện với tác giả nhân dịp cuốn sách đã xuất bản tại Italy và sắp được ra mắt tại Toà thánh Vatican.
WAJXEM NHIỀU NHẤT
(Nhà thiết kế thời trang La Hồng, Cộng hòa Áo)
TS. Yen PlatzChị Cao Thị Thương (Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Cao Hoàng) đã không ngừng học hỏi từ thầy, từ các đồng nghiệp, từ việc đọc các tài liệu chuyên ngành... để nghiên cứu, pha chế, chiết xuất ra nhiều loại dược phẩm làm đẹp từ thảo mộc. Chị đã pha chế thành công một số loại dược phẩm và đang được đưa vào sử dụng rộng rãi ở hàng chục spa (thuộc hệ thống của công ty) trên toàn quốc. Công ty của chị đã được chọn là đối tác chiến lược phân phối mỹ phẩm thảo dược của Mỹ tại Việt Nam.
TS. Yen Platz
BÌNH LUẬN