Những năm gần đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trở thành tâm điểm của nhiều cuộc tranh cãi trên chính trường quốc tế, trong giới báo chí-truyền thông và công chúng khắp nơi trên thế giới. Lý do thì ai cũng biết, đó là, việc ông đã bất chấp dư luận quốc tế, để khôi phục nước Nga, việc “tham quyền cố vị”, việc hành xử với Crimea, với Ukraina, với Syria.
Tổng thống Nga Vladimir Putin
* Giáp mặt Tổng thống Putin
Tại Áo, châu Âu, ông cũng là chủ đề gây tranh cãi không ngớt trên các phương tiện báo chí - truyền thông. Càng gần ngày Tổng thống Putin thăm Áo (24/6/2014), các nhà báo quốc tế càng thăm dò nhau: “Tuần tới có đi gặp Putin không?”, người thì nói: “Đi chứ, chờ lâu rồi mà”, người lại bảo: “Không đi. Mọi việc xong rồi”, người lại ngờ vực: “Ván cờ chính trị ấy mà”... Một đồng nghiệp Reuters (có thân hình “hộ pháp”, cao khoảng 1m90) đùa tôi: “Putin trông cũng nhỏ con, ông ta chỉ cao hơn cậu một chút thôi”. Tôi cũng không vừa, đáp lại: “Người nhỏ bé thường hay tạo ra huyền thoại cho thế giới nhỉ, như Napoleon chẳng hạn” (cười)... Cứ thế, các cuộc bàn tán về Tổng thống Putin đã diễn ra sôi nổi trong cánh phóng viên chuyên theo dõi mảng chính trị, bên lề các cuộc hội nghị quốc tế, trong giờ giải lao, trên bàn ăn, giữa giờ chờ tin tức... Một nhóm cho rằng: “Cuộc chiến ở Crimea là cuộc chiến hòa bình, êm ả nhất, bởi vì nó đã diễn ra nhanh gọn, không tốn một viên đạn”, nhóm khác lại phản đối: “Việc đó hoàn toàn không ổn, vì nó sẽ tạo ra tiền lệ xấu cho các nước, khi lấy cớ bảo vệ người dân của mình để xâm chiếm lãnh thổ nước khác”, lại có ý kiến khác: “Trước đây Crimea là quà của Nga tặng Ukraine, nay bực mình thì đòi về, có thế thôi”, ý kiến này đã bị phản ứng rằng: “Nếu Nga làm như thế, truyền thông hùa theo, đồng ý như thế thì thế giới này phải phân chia lại bản đồ à”... Một thời gian sau, một số đồng nghiệp đã phải tạm biệt chúng tôi để đến Ukraina tác nghiệp, từ tháng 3 đến nay chúng tôi vẫn chưa gặp lại họ.
Trước chuyến thăm của Tổng thống Putin, một hôm, báo Profile Online đã tiến hành cuộc điều tra công chúng nhằm thăm dò tỷ lệ “Ủng hộ chuyến thăm của Tổng thống Putin đến Áo”. Kết quả cuộc điều tra, cho thấy: “58% ủng hộ, 30% phản đối, 12% không muốn bình luận”[1]. Những người ủng hộ chuyến thăm hy vọng rằng: Ông Putin sẽ trực tiếp giải thích rõ ràng về vấn đề của Ukraine. Họ đều biết, ông ấy đã sử dụng thành thạo tiếng Đức ngay từ hồi còn làm việc cho KGB. Trong cuộc họp báo hôm sau, tôi cũng thấy Tổng thống Putin không sử dụng tai nghe (phiên dịch), ngoại trừ một vài lần khi các phóng viên quốc tế đặt câu hỏi.
Lực lượng chuẩn bị cho cuộc công du của Tổng thống Putin đến Áo, rất hùng hậu, khoảng 300 nhà báo quốc tế, 500 cảnh sát, 2 máy bay trực thăng... Khoảng 12h trưa tôi đến nơi, đã thấy các đồng nghiệp của các hãng thông tấn, truyền hình quốc gia và quốc tế như Reuters, AP, ORF, APA... đứng chờ ở cổng. Trời lất phất mưa. Hàng chục xe cảnh sát đỗ ngay ngắn bên phải lề đường, trước Phủ Tổng thống. Trong sân, Đội lễ tân đang chuẩn bị các công việc như trải thảm đỏ, đặt cây cảnh... Hai chiếc xe chở thực phẩm cũng vừa tiến vào trong sân. Chúng tôi đứng chờ rất lâu, chuyện trò như pháo rang. Tôi mỏi chân, tìm ra công viên (bên cạnh) ngồi nghỉ, thì thấy, một số người mặc comple, cà vạt và cả thường phục đang ngồi rải rác trên các ghế đá. Thoạt đầu tôi không để ý nhưng khi thấy họ có vẻ chăm chú quan sát xung quanh nên tôi tò mò. Có lẽ họ không phải khách du lịch, cũng không phải người dân dạo chơi, bởi vì, khu vực này đã đến giờ “giới nghiêm”. Vài ba tốp khách du lịch cuối cùng cũng đang rút khỏi đây. Hôm nay, cũng sẽ có hai đám đông biểu tình ở gần đây, cuộc biểu tình của người dân Ukraine và cuộc tuần hành của người đồng tính. Hơn 13h, hai chiếc xe loại nhỡ chở quan khách và các nhà báo Nga xuất hiện. Đoàn người được mời vào ngay bên trong, tiếp đến là phóng viên của các hãng thông tấn quốc tế lớn, cuối cùng là các phóng viên nước chủ nhà. Chúng tôi lần lượt tiến qua cửa an ninh với một cuộc kiểm tra gắt gao, nhưng có vẻ nhẹ nhàng hơn đối với nữ giới, một anh an ninh đùa: “Cô có mang theo vũ khí không đấy?”. Tôi chả dại mà đùa lại, nên chỉ mỉm cười. Chúng tôi được chỉ dẫn vào sân trong Cung điện Hofburg, nơi sắp diễn ra cuộc tiếp đón. Vào đến nơi, chúng tôi lại phải đợi thêm một chập nữa. Trời hết mưa, lại nắng, lại gió, khiến mọi người mệt mỏi. Bỗng một đồng nghiệp từ đâu chạy đến nói nhỏ: “Putin sẽ đến muộn hơn lịch trình khoảng nửa tiếng. Ông ấy mặc áo chống đạn đấy nhé”. Chúng tôi, không biết thực hư thế nào vì anh ta còn “khuyến mại” thêm một nụ cười rất tươi.
Theo lịch, lúc 14h35, hai vị Tổng thống sẽ duyệt đội danh dự, nhưng đến lúc đó chúng tôi vẫn chỉ thấy... đội lính đặc nhiệm xuất hiện. Hơn 15h, tiếng còi hú xe cảnh sát dẹp đường vang lên, theo sau là đoàn xe hộ tống, tiếp đến là xe chở Tổng thống Putin. Ngay lập tức, tất cả các ống kính phóng viên đều hướng về phía đó, nhưng khi Tổng thống Putin vừa bước xuống xe, một vệ sĩ cầm một chiếc cặp to, chạy ngang qua trước mặt ông. Có lẽ, cử chỉ đó là nhằm tránh đạn cho nguyên thủ. Động tác đó cũng thường diễn ra đối với các nguyên thủ khác. Và thời khắc đó chúng tôi cũng thường bị chắn tầm nhìn. Tổng thống Putin đứng thẳng người và cài lại cúc áo vest. Tổng thống Áo tiến đến bắt tay ông, sau đó làm lễ chào cờ và duyệt đội danh dự. Chúng tôi đứng ở khoảng cách gần nên quan sát rất rõ, Tổng thống Putin có vẻ hơi căng thẳng. Đôi vai ông hơi run, điều này đã được lặp lại ở phòng họp báo.
Trong phòng họp báo, khuôn mặt Putin lộ rõ vẻ căng thẳng, thỉnh thoảng ông đưa tay quệt ngang cằm, ngang sống mũi, thậm chí phủi bụi trên mặt bàn... một số động tác thừa ấy như cử chỉ của một người đang bối rối. Không hiểu có phải tại sức ép của 300 “cái loa” quốc tế vây quanh, hay tại hàng tỷ công chúng ngoài kia, đang nóng lòng chờ “giải trình” về Ukraina, hay tại điều gì khác nữa... nhưng rõ ràng là ông ấy đang để lộ cảm xúc.
Đây cũng chính là thời điểm mà Tổng thống Putin và nước Nga đang phải hứng chịu búa rìu dư luận thế giới, phải gánh chịu các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ, EU... về vấn đề Ukraina. Một thực tế nữa, trong khi Việt Nam đang mâu thuẫn với Trung Quốc ngoài Biển Đông, dư luận quốc tế ủng hộ Việt Nam, Nga chưa có động thái rõ ràng nào ủng hộ người anh em Việt Nam, và kí kết hợp đồng năng lượng khổng lồ với Trung Quốc. Bài báo”Những thỏa thuận giữa Moskva và Bắc Kinh tốt hơn mọi tuyên bố” của nhà báo Nga Dmitri Kosyrev... càng “bồi” thêm những băn khoăn cho nhiều nhà báo quốc tế chuyên theo dõi mảng chính trị.
Tổng thống Nga Putin (bên trái) và Tổng thống Áo Heinz Fischer (bên phải) (2014)
Cuộc họp báo giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Heinz Fischer đã kéo dài 43 phút, xoay quanh 3 nội dung chính: Trình bày về vấn đề Ukraina; Ký thỏa thuận xây dựng đường ống dẫn khí South Stream; Ký thỏa thuận về chương trình hỗ trợ phòng chống thiên tai giữa hai quốc gia. Áo nằm trong khối Liên minh châu Âu (EU) nên hành động kí kết này, ít nhiều sẽ khiến cho Áo khó xử với EU và dư luận quốc tế. Chính phủ Áo hiểu rõ những hệ lụy mà họ sẽ hoặc không làm, quyền lợi của người dân luôn được đặt lên hàng đầu.
Trong một lần kết nối làm việc giữa các nhà khoa học chính trị Việt Nam với Tổng thống Áo Heinz Fischer, và một lần chứng kiến cuộc họp giữa ông và Tổng thống Secbia, cùng các cuộc họp báo khác, tôi đã trực tiếp nghe và cảm nhận được nỗi niềm của Tổng thống Áo về những mất mát mà nước Áo đã phải gánh chịu từ hai cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai. Nước Áo đã học được những bài học đau đớn từ lịch sử. Năm 1955, Áo đã kí sắc lệnh Tuyên bố trung lập vĩnh viễn, điều này đã được ghi trong Hiến pháp. Sự trung lập ấy đã đảm bảo đời sống bình yên cho nhân dân. Tính trung lập cũng đã trở thành nét văn hóa của người dân. Trong mấy năm gần đây, khi nền kinh tế châu Âu rơi vào khủng hoảng thì Thủ đô Vienna, Áo, vẫn 3 lần liên tiếp được hãng Mercer (Mỹ) xếp hạng là một trong”5 thành phố đáng sống nhất thế giới”. Mercer đã dựa trên 59 tiêu chí căn bản để chấm điểm, như hệ thống chính trị, kinh tế-xã hội, môi trường, y tế, giáo dục, giao thông... Mercer đã tiến hành cuộc điều tra này ở 221 thành phố trên thế giới và cho ra kết quả như trên. Đặc biệt, năm 2014, Thủ đô Vienna đã được tổ chức UN Habitat xếp hạnh thứ nhất trong “Mười thành phố có chỉ số thịnh vượng nhất thế giới” (Vienna (Áo), GPI là 0,936; New York (Mỹ) GPI là 0,934; Paris (Pháp) GPI là 0,927...
Trong những cuộc trao đổi thường ngày với người dân Áo, họ đã chia sẻ với tôi, đại loại là: Nếu Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Áo thì người dân Áo có thể cầm cự được 6 tháng, sau đó, phải tìm nguồn năng lượng thay thế. Điều đó rất nguy hiểm không chỉ với người dân Áo mà với cả người dân châu Âu, nhất là vào mùa đông. Năm 2009, khi Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Ukraina đã khiến người dân Áo và 18 nước châu Âu phải trải qua một thời gian tồi tệ. Nhiều cơ quan công quyền ở các nước này đã phải luân phiên đóng cửa để tiết kiệm năng lượng...
Tuy nhiên, hôm nay, nhiều nước châu Âu vẫn không thông cảm cho hành động “phòng vệ” chính đáng của Áo: Ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bildt đã chỉ trích trên tờ The Local Online: “Chúng tôi biết rằng Putin đang muốn chia rẽ EU (...). Áo mời Putin thời điểm này là không thích hợp”. Còn Tổng thống Estonia Toomas Heindrik Ilves cũng đã bức xúc: “Sau những vụ bạo lực ở Ukraina như vậy, thì Áo không thể bắt tay kí kết hợp tác với Nga”, ông ấy đã phát biểu như vậy trong chuyến thăm của Tổng thống Áo đến Estonia. Nhiều tờ báo quốc tế cũng đã đăng tải các phản ứng, chỉ trích của Mỹ và EU đối với dự án South Stream giữa Nga và Áo...
* Đồng nghiệp
Các đồng nghiệp Nga vào phòng họp báo trước chúng tôi. Hai cô gái tóc vàng, mắt xanh, xinh đẹp, loay hoay đứng trước bục kí kết để chụp ảnh “tự sướng”. Một số ghế ở vị trí đẹp đã được để sẵn tờ giấy “Press Russian”. Khi chúng tôi bước vào, một cô nhà báo Nga bảo chúng tôi đi tìm chỗ khác. Chúng tôi tôi hỏi: “cả dãy ghế này là của các bạn à?”, cô ấy bảo: “ồ không, chỉ chỗ này, chỗ kia, và chỗ kia nữa... còn lại các bạn cứ tự nhiên”. Lúc sau, thêm một cô mặc váy đen, bước vào, cô ấy ngồi xuống chỗ đẹp (mà đồng nghiệp đã “đặt gạch” từ trước). Rồi cô ấy lấy từ trong túi, một chai nước, Ipad, sổ sách, áo khoác và tiếp tục “đặt gạch” sang các ghế xung quanh. Thậm chí, cô ấy còn đặt cả chai nước vào cái ghế đã để sẵn tờ giấy “Press Russian”. Xong rồi, cô gọi các bạn của mình vào. Cảnh tượng đó khá nhộn nhịp. Tôi vừa quan sát vừa mỉm cười, không ngờ, hành động ấy đã bị một đồng nghiệp Nga “phát giác”. Cậu ấy đã nháy mắt và mỉm cười với tôi. Chúng tôi đã biết nhau từ các cuộc họp báo quốc tế trước đây. Cậu ấy khiêm tốn chọn ngồi phía ngoài cùng, cùng hàng ghế với tôi. Một lúc sau, cuộc họp báo diễn ra, thì những vị trí “đắc địa” hoàn toàn là phóng viên viết, chứ không thấy ai chụp ảnh. Một số phóng viên vừa viết vừa chụp ảnh như chúng tôi thì phải ngoái vẹo cả cổ. Chúng tôi đã chứng kiến nhiều cuộc họp báo của các nguyên thủ trong căn phòng này nhưng đây là lần đầu tiên nhìn thấy hiện tượng “đặt gạch” vị trí.
Trong lúc hai nguyên thủ vào phòng nghị sự, 300 nhà báo tiếp tục ngồi đợi bên phòng họp báo. Căn phòng dát vàng, phía trên là những chùm đèn pha lê sáng trắng. Hai bên tường kê thêm hai cột đèn to như đèn cao áp, chuẩn bị truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Quốc gia Áo (ORF). Các nhà báo đợi đến vã cả mồ hôi hột, nhiều người bắt đầu cởi bỏ áo vest. Một số người thì cầm báo quạt phần phật. Một tốp bỏ ra ngoài uống nước... Mấy vệ sĩ trong phòng cũng không giấu được vẻ uể oải, thỉnh thoảng có anh còn ngáp. Lúc sau, cánh nhà báo cũng thi nhau ngáp vặt...
Lịch trình của Tổng thống Putin trong ngày hôm đó đã bị lệch, muộn hơn cả tiếng đồng hồ so với chương trình ban đầu. Cuộc gặp sau đó của ông với Thủ tướng Áo, với Hội nghị kinh tế, và Lễ tưởng niệm đặt vòng hoa tại Quảng trường Schwarzenbergplatz cũng bị thay đổi, đây quả là điều hiếm gặp, kể từ khi chúng tôi tác nghiệp (đã hơn 4 năm nay) ở các cuộc gặp gỡ cấp cao tại đây.
Cuộc họp báo giữa hai nguyên thủ đã diễn ra trong 43 phút, rất nhiều cánh tay giơ lên nhưng chỉ có một số câu hỏi được đáp ứng. Thực tế, tôi cũng đã “găm” sẵn một câu hỏi về Biển Đông nhưng không có một cơ hội nào. Kết thúc cuộc họp, cậu đồng nghiệp Nga nhìn tôi vẻ ái ngại, trước đây, tại một cuộc Hội nghị các Bộ trưởng EU, tôi đã hỏi cậu ấy rằng: “Liệu có phải phần lớn báo chí-truyền thông Nga đều thực sự tự hào về Tổng thống Putin? “Cậu ta trả lời: “Báo chí chúng tôi đang có vấn đề... ”, kèm theo một cái lắc đầu.
300 nhà báo quốc tế tham dự cuộc họp báo giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Áo Heinz Fischer (2014) (fotoservice.bundeskanzleramt.at)
* Tổng thống Putin cần nhiều vệ sĩ hơn?
Trước khi Tổng thống Putin xuất hiện, hai chiếc trực thăng đã quần thảo trên bầu trời Cung điện Hofburg. Chúng tôi đứng dưới đất, zum ống kính cũng có thể nhìn thấy hai anh lính đặc nhiệm ngồi hai bên càng trực thăng. Ngoài ra, có nhiều lính đặc nhiệm khác cũng đã đứng trên các nóc nhà, các ô cửa sổ Phủ Tổng thống. Họ mặc đồng phục sẫm màu, trùm mũ kín mặt, người cầm súng, người cầm ống nhòm. Nhiều phóng viên đã giơ máy lên chụp, có người còn lia máy tìm những anh lính đặc nhiệm đang ẩn nấp ở các chỗ khác nhau. Hình như điều đó khiến họ khó chịu, một số anh lính đã cố tránh ống kính của chúng tôi.
Lính đặc nhiệm ngồi trên càng trực thăng
Nhiều lần quan sát các cuộc tiếp đón nguyên thủ tại thảm đỏ danh dự Hofburg, chúng tôi thường thấy người đầu tiên bước đến trước mặt các vị nguyên thủ (khách) khi vừa bước ra khỏi xe, không phải là nguyên thủ nước chủ nhà mà là một vệ sĩ. Chính anh ta là người đã cầm một chiếc cặp to, màu đen, vuông bản, đưa lên ngang ngực và chạy vụt qua trước mặt vị nguyên thủ khách. Đồng thời, bọc lót là vệ sĩ ngồi ghế trước (cùng xe nguyên thủ), ngay lập tức, chùng chân, xuống tấn và đưa tay phải xuống phía dưới cạnh sườn giống động tác rút súng. Hành động phối hợp của hai vệ sĩ này chỉ diễn ra trong vòng vài giây. Sau đó, nguyên thủ nước chủ nhà mới tiến đến bắt tay và đưa người đồng nhiệm vào thảm đỏ.
Tại cuộc họp báo và truyền hình trực tiếp giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Heinz Fischer, hôm nay, có đông vệ sĩ hơn các cuộc gặp gỡ nguyên thủ khác. Tất nhiên, chỉ có một số vệ sĩ lộ diện, còn lại một số lẫn vào đám đông. Bên phải phòng một số vệ sĩ cao to đứng xen giữa các quan chức hai nước. Bên trái phòng, có hai vệ sĩ nữa canh chừng. Ánh mắt họ luôn nhìn đan chéo nhau, người thì quét ánh nhìn từ trái sang phải, người thì quét từ phải sang trái, người nữa lại quét từ trên xuống dưới, người khác lại quét từ dưới lên trên. Họ đảo mắt hết lượt, không bỏ sót bất kỳ một hành động nào. Đã thế, chúng tôi cũng cố gắng không bỏ qua bất kì một hành động nào của Tổng thống Putin và họ.
Tôi chợt nhớ lại, một chuyện thú vị, trước đây có một nhà văn, nhà biên kịch đã mời tôi đóng vai chính trong bộ phim”Nữ vệ sĩ”. Họ bảo, lý do, chọn tôi là vì vừa tập võ, vừa làm báo. Tôi đã phải đọc kịch bản và gặp gỡ các vệ sĩ thật ngoài đời... Đúng là tôi “điếc không sợ súng”, may mà sư phụ ngăn cản kịp thời. Thế nên, hy vọng rằng trong số công chúng đọc bài báo này, ít nhất sẽ có một vệ sĩ để tôi được thỉnh giáo.
Trong khi cuộc gặp gỡ này vừa kết thúc, thì dư luận quốc tế lại “xông vào” “đập cửa nhà” Tổng thống Putin, vì vụ máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị rơi ở vùng chiến sự Donetsk, miền đông Ukraine (cách biên giới Nga 50km) (17/7). Chuyến bay chở 298 người (gồm 15 phi hành đoàn) được cho là đều đã chết. Đây là chuyến bay cất cánh từ Amsterdam tới Kuala Lumpur. Báo chí - truyền thông quốc tế đưa tin: Mỹ và Anh cho rằng MH17 đã bị trúng một tên lửa đất đối không, được bắn ra từ khu vực do phe ly khai (thân Nga) nắm giữ; Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cho biết họ bị quân ly khai gây cản trở không cho tiếp cận hiện trường máy bay rơi; Trên tờ Sunday Times, số ra ngày 20/7, Thủ tướng Anh Cameron tuyên bố cứng rắn rằng, nếu thực sự lực lượng ly khai Ukraine bắn rơi máy bay của Malaysia thì chính Nga đã “làm mất ổn định chủ quyền quốc gia, làm mất tính toàn vẹn lãnh thổ”. Ông Cameron nhấn mạnh: Nga phải thừa nhận trách nhiệm của mình, trong trường hợp Nga không thay đổi hành động thì buộc “châu Âu phải thay đổi cơ bản quan hệ với Nga”... Mặc dù, chưa có kết luận của các tổ chức điều tra quốc tế nhưng dư luận cứ “cột cổ” Nga đã tiếp tay cho quân ly khai Ukraine gây ra vụ việc này... Vậy là Tổng thống Putin đã luôn “giữ vững vị trí” là tâm điểm của các cuộc tranh cãi trên chính trường chính trị, trong giới báo chí-truyền thông và dư luận quốc tế. Có lẽ những chuyến công du sắp tới của ông sẽ cần nhiều vệ sĩ hơn?
TIN LIÊN QUAN
Liên kết báo chí truyền thông quốc tế-Trang thông tin điện tử Ban tuyên giáo Trung Ương
TS. Yen PlatzXEM NHIỀU NHẤT
(Nhà thiết kế thời trang La Hồng, Cộng hòa Áo)
TS. Yen PlatzChị Cao Thị Thương (Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Cao Hoàng) đã không ngừng học hỏi từ thầy, từ các đồng nghiệp, từ việc đọc các tài liệu chuyên ngành... để nghiên cứu, pha chế, chiết xuất ra nhiều loại dược phẩm làm đẹp từ thảo mộc. Chị đã pha chế thành công một số loại dược phẩm và đang được đưa vào sử dụng rộng rãi ở hàng chục spa (thuộc hệ thống của công ty) trên toàn quốc. Công ty của chị đã được chọn là đối tác chiến lược phân phối mỹ phẩm thảo dược của Mỹ tại Việt Nam.
TS. Yen Platz
BÌNH LUẬN