Đến hẹn lại lên “Liên hoan âm nhạc châu Âu” trở lại trong sự mong đợi của các nghệ sĩ, các nhà chuyên môn và đông đảo công chúng Việt và những công dân châu Âu đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam. Từ lâu, âm nhạc đã trở thành “vị đại sứ thiện chí” của các nền văn hóa trên thế giới. Nó vượt qua mọi rào cản ngôn ngữ, văn hoá, chính trị, địa lý... để đưa công chúng ngày càng xích lại gần nhau. “Liên hoan âm nhạc châu Âu” năm nay, qui tụ các nghệ sĩ hàng đầu châu Âu, đến từ Bỉ, Pháp, Áo, Ý, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha. Họ trình tấu các dòng nhạc Jazz, cổ điển, world music, pop... kết hợp cùng các nghệ sỹ dòng nhạc dân tộc của Việt Nam, để tạo ra sự đa dạng âm sắc. Đó cũng chính là những cuộc trò chuyện “vô ngôn”, nhằm đưa khán giả Việt đến với sự sang trọng và hàn lâm của âm nhạc châu Âu, đồng thời, đưa khán giả Âu trở về với sự mộc mạc, độc đáo của âm nhạc truyền thống Việt Nam.
“Liên hoan âm nhạc châu Âu” là tiền thân của sự kiện “Liên hoan nhạc Jazz châu Âu” do Phái đoàn Wallonie - Bruxelles (một trong những thành viên) khởi xướng năm 2000. Lần đầu tiên, Trưởng Đại diện của Phái đoàn Wallonie - Bruxelles tại Việt Nam, đã mời hai nghệ sĩ nhạc Jazz của Bỉ và Cộng Hoà Séc đến biểu diễn chung trong chương trình nhạc Jazz xuyên Việt. Không ngờ rằng, chương trình này đã thành công “ngoài sức tưởng tượng” của Phái đoàn. Sau đó, các Đại sứ quán tại Việt Nam đã bàn bạc với Phái đoàn Bỉ và Ủy ban Liên minh châu Âu, nên kế hoạch tổ chức chương trình “Liên hoan âm nhạc châu Âu” thường niên tại Việt Nam. Có thể coi đây là mốc đánh dấu việc “du nhập” âm nhạc châu Âu vào Việt Nam theo con đường ngoại giao, chính thống và qui mô. Đồng thời, mở ra con đường giao lưu triển vọng, giữa âm nhạc châu Âu và âm nhạc truyền thống Việt Nam.
Đêm khai mạc: là màn hòa tấu giữa nghệ sĩ Piano Charles Loss và nghệ sĩ Saxophone Quyền Thiện Đắc cùng ca sĩ Trần Mai Hạnh. Điều thú vị là nghệ Charles và nghệ sĩ trẻ Quyền Thiện Đắc đã từng học chung một trường (Đại học Berklee, Boston, Mỹ). Tuy nhiên, Charles theo học ở đó từ năm 1972. Thế nên, khi bản nhạc “Không có gì, không có gì” (tạm dịch) của Charles được tấu lên, khán giả chỉ còn thấy một Charles say sưa lướt trên những phím nâu gụ, một Quyền Thiện Đắc thị tấu vô cùng ăn nhịp. Hai nghệ sĩ, một già một trẻ, một Á, một Âu ấy đã tạo ra một cuộc trò chuyện “vô ngôn” đầy lôi cuốn và tha thiết.
Charles sinh ra tại Bruxelles, Bỉ. Ông đã từng theo học nhạc cổ điển tại quê hương, trước khi sang Mỹ tu nghiệp. Các sáng tác của ông trong những vở nhạc kịch như: “Các nhà thơ của nhạc jazz”, “Antigone”, “Chào Lenny”, “No wall no wall”, “California 1991”... đều lấy cảm hứng từ nhạc thính phòng, dân ca, Jazz cổ điển và nhạc đương đại. Vì thế, ông đã tạo ra những âm vị, tiết tấu rất riêng biệt. Không giống bất kì ai và không ai có thể bắt chước được ông. Khi ông chơi solo hay song tấu với các nghệ sĩ nổi tiếng Steve Houben, Jean Pierre Catoul, Weber Iago… hay tam tấu, hay trong dàn nhạc giao hưởng thính phòng thì người nghe vẫn có thể nhận ra “giọng” của ông. Charles là người đặc biệt thích biểu diễn solo tự sự và thu đĩa đơn. Ông cũng là người thiên về công việc nghiên cứu, giảng dạy mang tính hàn lâm.
Ông chia sẻ: “Sau một lần nghe tôi chơi nhạc cùng nghệ sĩ Saxophone, bà tôi liền bảo rằng: “Cháu đừng bao giờ chơi chung với Saxophone nữa nhé”. Điều đó, khiến tôi băn khoăn trước khi nhận lời chơi chung với Đắc lần này”. Nhưng dù, cho nghệ sĩ Charles có trầm tính bao nhiêu, có “cảnh giác” bao nhiêu thì hôm nay, khi đến Việt Nam, ông đã bị nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc chinh phục ngay từ lần chơi chung đầu tiên, trong Liên hoan này.
Charles đã tỏ ra bất ngờ trước cách thị tấu rất chắc, rất tốt của nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc: “Tôi rất ấn tượng về cách chơi Saxophone của nghệ sĩ Đắc. Tôi muốn mang theo Quyền Thiện Đắc bên mình”.
Khi nhà báo Partric băn khoăn rằng: nhạc Jazz chưa phổ biến, nên việc biểu diễn kiếm tiền của nghệ sĩ dòng nhạc này khó khăn hơn nhạc pop, rock, thậm chí cả âm nhạc cổ điển...?”. Charles đã bày tỏ sự đồng tình với ý kiến đó, nhưng ông chia sẻ thêm: “Đối với tôi, khi nhạc Jazz chưa bị thương mại hóa thì tôi tin là Jazz vẫn có mối quan hệ tinh khôi, mật thiết với khán giả. Những người bắt đầu đến với Jazz nên nghe nhạc phẩm của Luix Amstrong. Điều quan trọng nhất, giúp nghệ sĩ mê hoặc được khán giả không phải ở chỗ bản nhạc gửi gắm điều gì mà là cách biểu diễn thành tâm của người nghệ sĩ với bản nhạc”...
Đêm diễn thứ 2: Tiêu điểm của sân khấu vẫn là chiếc đàn piano nâu gụ, kiêu sa. Vài chiếc trống nhỏ, một chiếc đàn tranh, một chiếc mõ, một cây đàn bầu của nhóm nhạc Bắc Hà.
Nghệ sĩ dương cầm Mike Del Ferro đến từ Amsterdam, Hà Lan đã điệu nghệ, vừa chơi piano vừa điều chỉnh bàn nhạc điện tử cùng một lúc. Mặc dù, hai nhạc cụ này đặt ở hai vị trí hơi xa nhau. Tiếp đến, khán phòng bỗng rộn lên tiếng vỗ tay khi nhóm nhạc Bắc Hà, gồm hai thiếu nữ mặc áo tứ thân cách tân, cùng ba chàng trai mặc áo nâu sòng, lướt nhanh về phía những nhạc cụ đã chờ sẵn trên sân khấu.
Nghệ sĩ Mike cùng nhóm nhạc Bắc Hà đã cùng nhau hòa tấu những bản tình ca, trải dài từ cách đồng hoa Tulip đến vùng châu thổ Sông Hồng, đến mạn ngược Tây Bắc Việt Nam... Khán giả vô cùng bất ngờ khi nghe thấy nhạc Jazz phát ra từ chiếc trống “tom” “chát”, từ âm thanh run rẩy của cây đàn bầu, nốt thánh thót vọng từ chiếc đàn tranh… Jazz hoà tấu, dập dìu đôi chân những khán giả Âu - Việt. Nhiều khán giả chưa từng thấy sự thăng hoa của nhạc Jazz từ các nhạc cụ dân tộc như đàn Tứ, đàn Đáy, Tam thập lục, đàn T’rưng… Hóa ra, Jazz đã ẩn chứa đâu đó trong những nhạc cụ đậm chất dân gian, từ chuyến lưu diễn Hà Lan của các nghệ sĩ Bắc Hà, năm 2008. Công chúng Hà Lan đã từng cổ vũ rất nhiệt tình cho sự kết hợp mới lạ này. Không những làm chủ những âm khúc dân gian quen thuộc mà các nghệ sĩ Bắc Hà còn diễn tấu xuất sắc với nghệ sĩ Mike, tạo nên những bản Jazz đầy thi vị và ngẫu hứng. “Âm nhạc là thứ khó có thể nắm bắt, bạn chỉ có thể cảm nhận tức thì và ngưng đọng thành những vệt vọng hưởng, những khoảnh khắc kỳ lạ, không hình hài và khó nắm giữ. Nếu cố gắng miêu tả lại một bản Jazz cho người khác thì thật là khó và chưa đầy đủ, cách tốt nhất là bạn nên nghe và trải nghiệm nó”.
Cuối cùng, là tiết mục hòa tấu giữa hai nghệ sĩ Áo, Klaus Paier (đàn Accordion) và nghệ sĩ Asja Valcic (đàn Cello) là một sự kết hợp hiếm hoi và hoàn hảo. Bởi hai loại nhạc cụ này ít được chơi chung với nhau. Dường như họ không chỉ biểu diễn những bản nhạc cổ điển mang đậm bản sắc của quê hương thiên tài âm nhạc Mozart, mà còn “tham vọng” làm mới/cách tân trong sáng tác của Paier. Hai nghệ sĩ đã đưa nhạc cụ Accordion và Cello đến chỗ tương đồng, bổ sung cho nhau, có thể cùng song song kéo dài nốt (khác với piano là từng nốt một chỉ có thể xuống luôn mà không thể kéo dài). Khuông nhạc đồng điệu, trường độ lên cao xuống thấp nhịp nhàng. Họ đã đưa khán giả từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, từ điệu nhảy Muy- xét Pháp (Valse Francaise), đến bản Tang go Achentina tràn đầy cảm xúc (Argentino) hay điệu nhảy vùng Ban-căng nồng nhiệt (Seven 4), đến nhạc rock của Purple Haze và dòng nhạc Jazz... trên tất cả là sự sáng tạo trong âm nhạc mang tính đặc trưng của Paier, chúng tinh xảo và hấp dẫn, tỉ mỉ và mạnh mẽ... Sự kết hợp hai nhạc cụ này rất hiếm khi được các nghệ sĩ trình diễn ở Áo, có lẽ bởi thế mà nó trở nên hấp dẫn với những “tín đồ” âm nhạc. Đúng như lời của Ngài đại sứ Georg Heindl đã phát biểu trước buổi biểu diễn: “Bằng chính đôi tai của mình, các bạn sẽ cảm nhận được điều gì làm cho châu Âu hợp nhất”.
Một khán giả Áo chia sẻ: “Những bản tình ca của Paier khiến người ta phát khóc”.
Nghệ sĩ Klaus Paier và Asja Valcic đã tạo ra một thế giới âm nhạc đầy nhiệt huyết, đam mê và thuần tuý nhưng vẫn dành khoảng trống cho sự ngẫu hứng. Các tác phẩm do Paier sáng tác thường mang những tựa đề đầy ấn tượng như “Điệu nhảy xoay”, “Tiếng chim hót”, “Lịch sử của tình yêu”… Đây là những cuộc đối thoại của âm nhạc thính phòng nhẹ nhàng và kịch tính, đam mê và thú vị, bông đùa và xa lạ với đa dạng các thể loại và truyền thống âm nhạc khác nhau nhưng chúng không khơi dậy tâm trạng nặng nề ở người nghe. Họ trình diễn hết mình với niềm đam mê, hứng khởi nhưng cũng thật dịu êm. Họ không hề mở mắt cho đến khi kết thúc buổi trình diễn.
Khán giả Mai Phương nhận xét: “Hình ảnh và sắc màu tràn ngập trong âm nhạc của họ. Những đàn chim bay lên từ chiếc Cello. Một đôi chân trần lạc lõng, run rẩy giữa cánh rừng ngập tuyết trắng. Tôi chưa đến châu Âu nhưng qua âm nhạc của họ đã giúp tôi nhìn thấy Âu châu thật gần gũi…”.
Những cuộc trò chuyện “vô ngôn” ấy đã đưa khán giả Việt đến với sự sang trọng và hàn lâm của âm nhạc châu Âu, đồng thời, đưa khán giả châu Âu trở về với sự mộc mạc, độc đáo của âm nhạc truyền thống Việt Nam.
TIN LIÊN QUAN
Nhà sưu tập cổ vật Nguyễn Văn Kính là người đầu tiên tại Việt Nam sở hữu 3 Bảo vật quốc gia là Trống đồng Kính Hoa I, Thạp đồng Kính Hoa, Trống đồng Kính Hoa II. Hiện tại, ông đang cùng các chuyên gia tiếp tục nghiên cứu, lập hồ sơ các cổ vật khác, trình các cơ quan ban ngành của Việt Nam để công nhận là bảo vật quốc gia. Ông cũng là người luôn đau đáu với việc gìn giữ các cổ vật của tổ tiên, không để các cổ vật `` chảy máu ´´ ra nước ngoài.
TS. Yen PlatzXEM NHIỀU NHẤT
-
1
Quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ - Việt Nam và hướng tới một tương lai tươi sáng hơn
-
2
Nhà báo KAWHER SALAM: Người dân Việt Nam có thể tự bảo vệ Tổ Quốc
-
3
Hội nghị Liên Hợp Quốc lần thứ 2 các nước không giáp biển và cơ hội cho Việt Nam
-
4
Mười năm tới sẽ bùng nổ cuộc cách mạng điện ảnh quốc tế tại việt nam
-
5
PGS,TS. NGUYỄN THỊ HOÈ: NGUYỆN VỌNG CUỐI CÙNG LÀ ĐƯỢC PHỤC VỤ NHIỀU NHẤT CHO XÃ HỘI
(Nhà thiết kế thời trang La Hồng, Cộng hòa Áo)
TS. Yen PlatzChị Cao Thị Thương (Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Cao Hoàng) đã không ngừng học hỏi từ thầy, từ các đồng nghiệp, từ việc đọc các tài liệu chuyên ngành... để nghiên cứu, pha chế, chiết xuất ra nhiều loại dược phẩm làm đẹp từ thảo mộc. Chị đã pha chế thành công một số loại dược phẩm và đang được đưa vào sử dụng rộng rãi ở hàng chục spa (thuộc hệ thống của công ty) trên toàn quốc. Công ty của chị đã được chọn là đối tác chiến lược phân phối mỹ phẩm thảo dược của Mỹ tại Việt Nam.
TS. Yen Platz
BÌNH LUẬN