Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh cùng ekip làm phim “Đừng đốt”
Cuốn sách “Nhật Ký Đặng Thuỳ Trâm” do Nxb Hội Nhà văn Việt Nam xuất bản năm 2005 được xem là “một hiện tượng văn học”. Nó đã được dịch ra tiếng Anh với tựa đề “Đêm qua, tôi mơ thấy hòa bình”. Bản dịch đã được hàng triệu công chúng Mỹ quan tâm và đã được mười bốn nhà xuất bản trên thế giới đặt mua bản quyền. Thời gian vừa qua, Hodafilm và Hãng Phim truyện I Việt Nam, hợp tác với êkíp làm phim của Mỹ đã chuyển thể thành công cuốn nhật ký thành tác phẩm điện ảnh mang tên “Đừng đốt” (Don't burn). Đạo diễn bộ phim là NSND Đặng Nhật Minh.
- PV: Thưa đạo diễn, nguyên văn câu nói nổi tiếng liên quan đến cuốn Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm là:“Fred, đừng đốt cuốn sổ này, bản thân trong nó đã có lửa”, và tên phim được rút gọn thành “Đừng đốt”, ông đã thấy thỏa đáng?
NSND Đặng Nhật Minh: Tôi nghĩ là thoả đáng và chính xác. Nếu không có câu nói đó của viên Trung sỹ Sài Gòn thì chắc gì cuốn nhật ký trên đã còn đến ngày nay… và lúc đó cũng sẽ không có bộ phim này. Có người thích cái tên “Đêm qua tôi mơ thấy hoà bình”. Nhưng cái tên này nhà xuất bản bên Mỹ đặt cho cuốn nhật ký họ đã xuất bản rồi. Dùng lại là vi phạm bản quyền và chưa chắc đã hay hơn.
- PV: Ông đã từng nói có “một bàn tay vô hình nào đó đã xui khiến ông thực hiện bộ phim này”?
NSND Đặng Nhật Minh: Cuối năm 2005 khi được đọc cuốn nhật ký của nữ bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm tôi vô cùng xúc động. Sau đó được biết thêm những thông tin về số phận kỳ lạ của cuốn nhật ký trong suốt 35 năm trước khi nó được trả lại cho gia đình, tôi bỗng nhiên có một sự thôi thúc bên trong, muốn viết tất cả những chuyện này thành một kịch bản phim truyện. Và tôi đã cầm bút viết… Đến tháng 11 năm 2005 tôi viết xong bản thảo đầu tiên. Viết xong tôi để kịch bản đó, cũng không có ý định gửi đi đâu. Tôi là một đạo diễn đã nghỉ hưu, không thuộc biên chế của một Hãng phim nào, nên cũng chẳng có ai đặt hàng hoặc phân công viết. Chỉ có một niềm vui là mình đã viết ra được trên giấy những gì mà mình thôi thúc muốn viết. Bỗng một hôm tôi nhận được cú điện thoại của ông Cục trưởng Cục Điện ảnh, hồi đó là ông Nguyễn Phúc Thảnh hỏi tôi có quan tâm đến cuốn nhật ký của Bác sỹ Đặng Thùy Trâm không và có ý định viết kịch bản theo cuốn nhật ký đó không, nếu có thì thì gửi lên Cục để Hội đồng xem xét. Lúc đó, tôi sắp bận đi nước ngoài nên một tháng sau trở về mới gửi kịch bản lên Cục. Thời gian khá lâu sau ông Thảnh báo tin cho tôi biết Hội đồng kịch bản của Cục đã đồng ý trình kịch bản của tôi lên Bộ để quyết định đưa vào sản xuất theo diện phim nhà nước đặt hàng, sau khi đã được sự đồng ý của gia đình bác sỹ Đặng Thùy Trâm. Nếu không có cú điện thoại của ông Thảnh chắc tôi cũng không biết gửi kịch bản đi đâu. Thời gian đó, các Hãng nhà nước đã phân công người viết kịch bản về “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm” rồi. Lại có Hãng ở phía Nam đã thuê người viết kịch bản, và nghe đâu đang liên hệ để mời một đạo diễn Mỹ. Đúng là như có một bàn tay vô hình nào đó đã sắp xếp để tôi được làm bộ phim này.
- PV: Có ý kiến thắc mắc: tại sao trên phim ghi Hãng Hodafilm thực hiện và Hãng Phim truyện I lại là người sản xuất?
NSND Đặng Nhật Minh: Vì đây là một kịch bản không do Hãng phim nào tổ chức viết, nên trước khi Bộ ký quyết định, ông Thảnh hỏi tôi muốn đưa về Hãng nào để Bộ ghi trong quyết định. Thực tình tôi muốn đưa về Hãng phim truyện I nhưng ông Thảnh cho biết Hãng Phim truyện I Việt Nam vừa làm xong một phim đặt hàng của nhà nước, đó là, phim “Cầu ông Tượng” với kinh phí 12 tỷ đồng. Đang phân vân chưa biết đưa về đâu thì Giám đốc Hãng phim của Hội Điện ảnh đề nghị tôi đưa về cho Hãng để sản xuất. Tôi đồng ý với điều kiện Hãng phim của Hội sẽ mời Hãng I làm người tổ chức sản xuất cho phim, vì tôi biết Hãng phim của Hội không có guồng máy sản xuất (chỉ có một Giám đốc và một Phó Giám đốc là Chánh văn phòng Hội Điện ảnh kiêm nhiệm). Giám đốc Hodafilm (Hãng phim của Hội Điện ảnh) đã đồng ý với điều kiện đó và đã thực hiện đúng như yêu cầu của tôi. Sau khi có quyết định chính thức của Bộ, Hodafilm đã ký hợp đồng lao động với tôi. Trách nhiệm của tôi ghi trong hợp đồng là làm đạo diễn phim. Việc xin ngân sách nhà nước, quản lý ngân sách đó là việc của Hãng phim, chỉ biết đây không phải là kinh phí cao nhất trong các phim được nhà nước đặt hàng từ trước tới nay.
- PV: Thưa đạo diễn, ông có phải chịu nhiều áp lực không: sự nổi tiếng của cuốn nhật kí; chọn nhân vật vào vai Fred, Rob phải diễn xuất như thế nào trong khi họ vẫn còn sống; mảnh đất Đức Phổ cũng đang được đạo diễn lừng danh Mỹ Oliver Stone chọn quay những cảnh chiến tranh ở Việt Nam cho một bộ phim của ông ấy...?
NSND Đặng Nhật Minh: Nhiều người khi nghe tin tôi làm phim này thì lo cho tôi lắm, vì nghĩ tôi sẽ phải chịu rất nhiều áp lực. Nhưng thú thực, tôi chẳng cảm thấy mình bị áp lực gì cả. Từ trước đến nay, tất cả kịch bản tôi viết đều xuất phát từ cảm xúc cá nhân, không bị áp lực của ai, cũng chẳng do ai đặt hàng. Phim này cũng vậy. Tuy có rất nhiều người yêu mến cuốn nhật ký nhưng tôi không nghĩ đó là một áp lực. Tôi chỉ biết mình đã làm một cách thành tâm, hết mình vì bộ phim. Hơn 3 năm qua không lúc nào tôi không nghĩ về nó.
- PV: Xin đạo diễn cho biết đôi chút về công việc quay phim và tuyển chọn diễn viên bên Mỹ?
NSND Đặng Nhật Minh: Những thước phim đầu tiên của bộ phim này lại được khởi quay tại Mỹ chứ không phải ở Việt Nam. Đó là, vào cuối tháng 10 năm 2008. Lý do, vì muốn tranh thủ mùa lá vàng rất đẹp ở bên đó. Về việc chọn diễn viên Mỹ thì đoàn phim tiến hành tổ chức chọn diễn viên ở hai nơi: ở bang New Jersey, được sự ủng hộ của Mommount County Art Council (tương đương với Sở Văn hoá địa phương) và Black Box Theater, đoàn phim và Công ty đối tác là FVS đã đưa thông báo và yêu cầu về những nhân vật cần chọn tới các đoàn kịch và tổ chức sản xuất phim ở địa phương. Trong đợt này có hơn 40 diễn viên chuyên nghiệp địa phương gửi ảnh và lý lịch nghề nghiệp tới xin thử vai. Sau đó, quay video casting và ảnh được đưa lên mạng để đoàn làm phim ở Hà Nội và đạo diễn có thể xem ngay vào đêm đó; còn ở New York City chúng tôi dựa vào mối quan hệ với La Mama theater và Soho Rep theater để thông báo tới các casting agencies và đã có hơn 200 diễn viên nộp đơn xin thử vai. Sau đó, băng video casting và ảnh lại được đưa lên mạng gửi về Hà Nội cho đạo diễn chọn như đợt chọn ở New Jersey. Sau khi cân nhắc xem băng casting nhiều lần, tôi đã quyết định chọn 7 diễn vên Mỹ vào các vai. Rất may cho tôi, cô Trần Anh Hoa là Phó đạo diễn của phim cũng đang ở cùng chồng là nhà quay phim Richard Connors ở New Jerey giúp đỡ nên mọi việc rất thuận lợi. Cũng phải cảm ơn thời đại Internet nữa. Không có Internet thì chúng tôi sẽ phải còn vất vả biết chừng nào. Khi đoàn sang đến Mỹ thì các diễn viên đã sẵn sàng, ai nấy đều thuộc lời thoại của vai mình và trên tay đều có cuốn “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm” vừa được xuất bản tại Mỹ, có tên là “Đêm qua tôi mơ thấy hoà bình”.
- PV: Thưa đạo diễn, khi làm việc với các đồng nghiệp Mỹ, ông và ekip đoàn làm phim Việt Nam có gặp nhiều khó khăn không?
NSND Đặng Nhật Minh: Tôi đã từng làm đạo diễn đội quay thứ hai trong phim Người Mỹ trầm lặng nên khi làm việc với ekíp người nước ngoài bây giờ tôi không cảm thấy bỡ ngỡ. Anh em kỹ thuật từ Hà Nội sang và anh em kỹ thuật Mỹ làm việc rất ăn khớp, không có bất kỳ sự trục trặc nào. Đội ngũ chuyên viên của Hãng Phim truyện I Việt Nam từng làm việc nhiều với các đối tác nước ngoài nên họ có thể trao đổi về chuyên môn bằng tiếng Anh thoải mái.
- PV: Ông có nhận xét gì về vai diễn Đặng Thuỳ Trâm của Minh Hương, và nam diễn viên Mathew Cross đóng vai Frederic Whitehurst (người đã giữ cuốn nhật kí suốt ba mươi năm)?
NSD Đặng Nhật Minh: Với tư cách là đạo diễn của phim “Đừng đốt”, tôi cảm thấy rất hài lòng về vai diễn của Minh Hương trong phim này, cả Mathew Cross diễn viên đóng vai Fred cũng vậy. Những người khác nghĩ sao là quyền của họ.
- PV: Nhiều khán giả đã không thể cầm được nước mắt khi xem bộ phim này, một lần nữa, ông đã viết tên liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm lên tấm bản đồ điện ảnh quốc tế, và có thể sẽ là những giải thưởng quốc tế sắp tới?
NSND Đặng Nhật Minh: Điều quan tâm lớn nhất của tôi là mình được làm cái việc mà mình muốn làm. Có người cho mình tiền để làm và mình cùng những người cộng sự đã làm hết sức. Đây là bộ phim mà tôi cảm thấy hài lòng nhất từ trước đến nay trong các phim tôi đã làm. Đừng nói đến chuyện giải thưởng lúc này. Điều đó tôi không quan tâm lắm.
- PV: Thưa đạo diễn, liệu có phải ông luôn hứng thú với đề tài làm phim chiến tranh?
NSND Đặng Nhật Minh: Phim “Đừng đốt” và phim “Hà Nội mùa Đông 46”, tôi đã làm trước đây, là hai phim có bối cảnh chiến tranh, trong tổng số 15 phim truyện mà tôi đã làm (trong đó, 12 phim do tôi tự viết kịch bản). Bởi vậy, nói tôi hứng thú về đề tài chiến tranh thì không hẳn vậy. Đúng hơn là tôi hứng thú với số phận của con người, mà con người Việt Nam chúng ta thì số phận thường gắn liền một cách gián tiếp hay trực tiếp với chiến tranh. Đó là, điều dễ hiểu bởi đất nước ta đã trải qua hơn 30 năm chiến tranh. Đề tài chiến tranh là đề tài tôi nghĩ sẽ còn được điện ảnh không chỉ ở nước ta mà cả thế giới đề cập đến nhiều, dù hiện nay những phim giải trí đang được cổ súy. Như điện ảnh Mỹ chẳng hạn vừa mới làm xong một bộ phim rất hay về đề tài chiến tranh có tên là “Điệp vụ Valkyrie” do Tom Cruise đóng vai chính, đang được quảng cáo rầm rộ ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Người ta làm phim về chiến tranh là để nhắc nhở mọi người đừng bao giờ để xảy ra chiến tranh, là để nghĩ về hoà bình, chứ chẳng phải người ta thích thú gì chiến tranh. Tôi cũng vậy.
- PV: Khó khăn lớn nhất khi làm phim chiến tranh ở nước ta là gì thưa đạo diễn?
NSND Đặng Nhật Minh: Khó khăn lớn nhất là làm cho chân thật, mà muốn làm chân thật thì phải tốn kém, không thể đại khái qua loa được. Một nền điện ảnh ngại khó, ngại tốn kém không thể làm phim về đề tài chiến tranh. Tôi rất mừng đã được Hãng sản xuất tạo những điều kiện tối đa có thể có được trong hoàn cảnh hiện nay, để thực hiện những bối cảnh chiến tranh trong phim này.
- PV: Xin cảm ơn đạo diễn đã giúp công chúng Việt Nam “có quyền” kỳ vọng về những giải thưởng điện ảnh quốc tế (trước đây và cả sau này).
P/s: Bộ phim “Đừng đốt” đã phát hành cuối tháng 4/2009 tại Việt Nam; giành giải “Khán giả bình chọn” tại Liên hoan Phim Fukuoka lần thứ 19 tại Nhật Bản; chiếu ở Liên hoan Phim Quốc tế ASEM tại Hà Nội (5/2009); giành giải Bông Sen Vàng tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 16 năm 2009; chiến thắng 6 hạng mục của giải Cánh Diều Vàng năm 2010, bao gồm Phim nhựa xuất sắc nhất, Nữ diễn viên chính xuất sắc (Minh Hương), Đạo diễn xuất sắc (NSND Đặng Nhật Minh), Họa sĩ xuất sắc (NSƯT Phạm Quốc Trung), Âm thanh xuất sắc (NSƯT Bành Bắc Hải), Giải phim khán giả bình chọn, ngoài ra bộ phim còn được chọn để tham dự giải Oscar.
TIN LIÊN QUAN
Bà Tôn Nữ Thị Ninh, từng là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu và tại Bỉ, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội. Bà là nhà ngoại giao phụ trách các vấn đề toàn cầu của Việt Nam. Bà là người có vai trò tích cực không chỉ trong lĩnh vực đối ngoại mà còn là người tràn đầy tâm huyết trong nhiều lĩnh vực hoạt động xã hội, văn hoá, từ thiện, hỗ trợ công tác cộng đồng nữ giới. Dưới đây là chia sẻ của bà về giới và vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam.
TS. Yen PlatzXEM NHIỀU NHẤT
(Nhà thiết kế thời trang La Hồng, Cộng hòa Áo)
TS. Yen PlatzChị Cao Thị Thương (Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Cao Hoàng) đã không ngừng học hỏi từ thầy, từ các đồng nghiệp, từ việc đọc các tài liệu chuyên ngành... để nghiên cứu, pha chế, chiết xuất ra nhiều loại dược phẩm làm đẹp từ thảo mộc. Chị đã pha chế thành công một số loại dược phẩm và đang được đưa vào sử dụng rộng rãi ở hàng chục spa (thuộc hệ thống của công ty) trên toàn quốc. Công ty của chị đã được chọn là đối tác chiến lược phân phối mỹ phẩm thảo dược của Mỹ tại Việt Nam.
TS. Yen Platz
BÌNH LUẬN