April 05, 2025 11:12 WAJ
Giữa lúc căng thẳng thương mại gia tăng do chính quyền Trump áp đặt thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ nhiều quốc gia trên thế giới, chuyên gia quan hệ quốc tế TS. Patrick Horvath, Tổng Thư ký WIWIPOL, đưa ra phân tích chuyên sâu về tác động toàn cầu của chính sách này. Cuộc phỏng vấn dưới đây, TS. Horvath chia sẻ những góc nhìn của mình về phản ứng của châu Âu, nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại trên quy mô lớn, và các biện pháp chiến lược mà các quốc gia nên thực hiện để đối phó.
Dr. Partrick - Austria.jpg

TS. Patrick Horvath, Tổng Thư ký Quỹ Chính sách Kinh tế Khoa học (WIWIPOL) (Austria)(Ảnh: WIWIPOL)

WAJ: Thưa tiến sĩ, ông đánh giá như thế nào về quyết định mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc áp thuế nhập khẩu hàng hoá đối với hàng loạt các nước trên thế giới ? Theo Ngài, quyết định này sẽ ảnh hưởng thế nào đến quan hệ thương mại toàn cầu?

TS. Patrick Horvath: Việc áp thuế nhập khẩu từ chính quyền Trump xuất phát từ một nhận thức lỗi thời và sai lầm về kinh tế. Thuế nhập khẩu dường như là phương thức mà chính phủ Hoa Kỳ lựa chọn nhằm đảm bảo lợi nhuận cho doanh nghiệp và việc làm trong nước thông qua việc loại bỏ sự cạnh tranh từ các công ty quốc tế. Vấn đề là các biện pháp thuế đơn phương sẽ tất yếu dẫn đến các biện pháp trả đũa từ các quốc gia khác, từ đó gây thiệt hại ngược lại cho nền kinh tế Mỹ.

Hơn nữa, sản xuất công nghiệp hiện nay mang tính toàn cầu, phân hóa và liên kết chặt chẽ, nên chính sách này sẽ gây ra sự xáo trộn nghiêm trọng đối với cả các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Nếu chủ nghĩa bảo hộ loại bỏ các công ty nước ngoài khỏi thị trường Mỹ, điều này sẽ làm suy giảm sự đổi mới trong sản phẩm của Mỹ về lâu dài, bởi cạnh tranh chính là động lực chính của đổi mới. Cuối cùng, người tiêu dùng Mỹ sẽ phải trả giá cao hơn cho các sản phẩm có chất lượng thấp hơn.

Thay vì tăng thuế, Hoa Kỳ nên tập trung vào việc sản xuất ra những sản phẩm tốt hơn, đủ sức cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Chính sách thuế của Trump là một con đường cụt, gây tổn hại cho tất cả mọi người và không dẫn đến kết quả tích cực nào.

WAJ: Phản ứng của chính phủ Áo và các nước châu Âu trước chính sách thuế mới này như thế nào?

TS. Patrick Horvath: Chính sách thuế là thẩm quyền pháp lý độc quyền của Liên minh châu Âu. Điều này có nghĩa là giữa các nước thành viên EU chỉ có thể có một phản ứng chung mang tính châu Âu, chứ không phải là phản ứng riêng rẽ của từng quốc gia. Quy định này vô cùng quan trọng để các nước thành viên không bị chia rẽ hoặc bị lợi dụng để chống lại nhau. Nó cho thấy vì sao EU – dù hiện đang bị chỉ trích – vẫn là một thể chế không thể thay thế trong chính sách kinh tế châu Âu hiện tại và tương lai.

Bộ trưởng thương mại Áo, ông Hattmannsdorfer, hoàn toàn đúng khi nhấn mạnh đến sự hợp tác châu Âu và đặt niềm tin vào tiềm năng kinh tế to lớn của châu lục. Kế hoạch hành động của EU bao gồm việc nhắm đến các nhóm sản phẩm mang tính biểu tượng đối với cử tri ủng hộ Trump, như xe mô tô Harley Davidson hay rượu Bourbon. Hoa Kỳ hiện là nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật số hàng đầu, và các biện pháp hạn chế hoặc đánh thuế trong lĩnh vực này của châu Âu cũng có thể là một đòn phản công hiệu quả.

WAJ: Việt Nam được xem là một trong những nước phản ứng sớm nhất, đặc biệt qua cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump ngày 4 tháng 4. Theo ông, những yếu tố nào có thể ảnh hưởng đến việc giải quyết căng thẳng thương mại giữa hai nước?

TS. Patrick Horvath: Trong suốt lịch sử, Việt Nam đã đối mặt với nhiều thách thức lớn và không ít lần trở thành nạn nhân của các tham vọng cường quốc. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo và nhân dân Việt Nam luôn vượt qua những khó khăn ấy nhờ vào bản sắc dân tộc độc đáo và đáng ngưỡng mộ. Đó là sự kết hợp giữa ý chí kháng cự kiên cường với sự linh hoạt đầy sáng tạo – một khả năng thích nghi và đối thoại vượt trội ngay cả trong những tình huống khó khăn nhất. Tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ vượt qua thách thức từ chính sách thuế hiện tại của Hoa Kỳ.

Các đề xuất của Tổng Bí thư Tô Lâm trong cuộc điện đàm với Tổng thống Trump là một nỗ lực sáng suốt nhằm hạ nhiệt căng thẳng và chuẩn bị cho một thỏa thuận tương lai với Mỹ – giúp loại bỏ rủi ro kinh tế và bất ổn cho cả hai bên. Tôi mong muốn có thêm nhiều sáng kiến như vậy và hy vọng chúng sẽ thành công bền vững.

WAJ: Trong bối cảnh đang có nhiều xung đột quân sự khu vực, ông có nghĩ rằng việc Mỹ áp thuế nhập khẩu cao có thể làm thay đổi chiến lược thương mại toàn cầu và dẫn đến một cuộc chiến thương mại quy mô lớn?

TS. Patrick Horvath: Không quốc gia nào có thể làm ngơ trước việc Mỹ đột ngột tăng thuế lên 20% (như đối với EU), điều này cũng đúng với Canada, Trung Quốc và các nước khác. Bất kỳ phản ứng nào dưới dạng biện pháp trả đũa đều có thể góp phần làm leo thang căng thẳng. Nếu các nhà lãnh đạo các nước tiếp tục phớt lờ vấn đề này và đồng thời xảy ra những sai lầm trong truyền thông, có thể dẫn đến một chuỗi phản ứng dây chuyền khiến tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát.

Tôi cho rằng khả năng xảy ra một cuộc chiến thương mại toàn cầu là một kịch bản rất đáng tiếc và tàn phá, nhưng hoàn toàn có thể xảy ra. Nếu điều này thành hiện thực, sẽ không có bên nào chiến thắng, chỉ có những kẻ thua cuộc ở tất cả các bên. Một cuộc chiến thương mại toàn cầu sẽ là cú đánh nặng nề đối với thương mại quốc tế, làm trầm trọng thêm suy thoái, phá hủy tài sản, lan rộng đói nghèo, thất nghiệp và khốn khổ. Vì vậy, việc ngăn chặn một cuộc chiến thương mại phải trở thành ưu tiên hàng đầu của tất cả các nhà lãnh đạo quốc gia và các tổ chức quốc tế!

WAJ: Theo ông, các nhà lãnh đạo quốc gia nên phản ứng và hành động như thế nào để ngăn chặn sự leo thang dẫn đến một cuộc chiến thương mại toàn cầu?

TS. Patrick Horvath: Để đối phó với chính sách thuế mới của Mỹ, tôi đề xuất một chiến lược dựa trên bốn nguyên tắc chiến lược sau:

(1). “Xây dựng các biện pháp đối phó theo nhiều cấp độ” – Ngôn từ của Donald Trump cho thấy ông ngưỡng mộ sự cứng rắn và khinh thường sự yếu mềm. Nếu chỉ đơn thuần nhượng bộ yêu cầu của ông ấy sẽ khiến ông càng coi thường và đòi hỏi nhiều hơn. Các quốc gia khác phải kiên định lập trường và xây dựng kế hoạch cho những biện pháp phản ứng – đặc biệt trong các lĩnh vực có thể gây tổn thất lớn cho kinh tế Mỹ. Tôi không chủ trương sử dụng ngay những biện pháp đó, nhưng sự tồn tại của kế hoạch cũng có thể cải thiện vị thế đàm phán.
(2). “Tránh leo thang và thúc đẩy đối thoại tích cực với các lãnh đạo Mỹ” – Do hậu quả tai hại của cuộc chiến thương mại, cần có thêm các nỗ lực đối thoại, và điều này không bao giờ nên bị từ bỏ. Dù chính quyền Mỹ đang đi trên một con đường nguy hiểm, nhưng Mỹ và châu Âu vẫn chia sẻ một nền văn hóa chung và lịch sử lâu dài. Mọi người đều xứng đáng có cơ hội xem xét lại và điều chỉnh hành động của mình. Để bình thường hóa quan hệ, các nhà ngoại giao thương mại cần nghĩ ra các đề xuất thay thế, giúp chính phủ Mỹ có thể tuyên bố “chiến thắng biểu tượng” và giữ thể diện, đồng thời rút lại các yêu sách phi lý.
(3). “Giao tiếp với công chúng và cử tri Mỹ” – Vào ngày được gọi là "ngày giải phóng" khi Trump công bố thuế mới, thị trường chứng khoán Mỹ đã sụt giảm mạnh. Ngoài ra, lạm phát cũng sẽ gia tăng và người tiêu dùng Mỹ sẽ phải trả giá cao hơn cho sản phẩm ưa thích. Điều này chắc chắn không phải là điều mà phần lớn người dân Mỹ mong muốn. Ngoại giao công chúng có thể giúp làm rõ mối liên hệ này, từ đó khiến cử tri Mỹ cân nhắc lại lựa chọn của họ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới.
(4). “Tạo lập các liên minh kinh tế thay thế Hoa Kỳ” – Hoa Kỳ đang gây mâu thuẫn với gần như tất cả các quốc gia khác cùng lúc. Rõ ràng ngay cả Mỹ cũng không thể thắng trong cuộc chiến như vậy. Mỗi quốc gia bị thiệt hại bởi chính sách của Mỹ đều là một đồng minh tiềm năng và đối tác thương mại khả thi. Nếu thị trường Mỹ đóng cửa, châu Âu cần tìm thị trường thay thế cho sản phẩm của mình. Canada hay Mỹ Latinh đều mong muốn mở rộng thương mại với châu Âu – tại sao không tận dụng cơ hội này? Theo tôi, EU nên mở rộng hợp tác chiến lược và tăng cường quan hệ thương mại với châu Á – châu lục có tiềm năng kinh tế lớn nhất hiện nay. Người châu Âu và người châu Á nên trở thành đối tác, đồng minh, bạn bè. Cùng nhau, chúng ta có thể vượt qua tình hình nguy hiểm hiện tại. Tôi tin chắc rằng mọi cuộc khủng hoảng đều có thể mở ra cơ hội mới cho sự hợp tác!


WAJ: Xin cảm ơn Tiến sĩ!

(Nhà thiết kế thời trang La Hồng, Cộng hòa Áo)

TS. Yen Platz

Chị Cao Thị Thương (Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Cao Hoàng) đã không ngừng học hỏi từ thầy, từ các đồng nghiệp, từ việc đọc các tài liệu chuyên ngành... để nghiên cứu, pha chế, chiết xuất ra nhiều loại dược phẩm làm đẹp từ thảo mộc. Chị đã pha chế thành công một số loại dược phẩm và đang được đưa vào sử dụng rộng rãi ở hàng chục spa (thuộc hệ thống của công ty) trên toàn quốc. Công ty của chị đã được chọn là đối tác chiến lược phân phối mỹ phẩm thảo dược của Mỹ tại Việt Nam.

TS. Yen Platz

ĐẤU GIÁ