Họa sỹ Nguyễn Văn Cường, sinh năm 1962 tại Hà Nội. Anh tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật, năm 1989. Anh đã đoạt một số giải thưởng Mỹ thuật như Giải Nhì Triển lãm Mỹ thuật quốc gia, Triển lãm Mỹ thuật Hà Nội, năm 1990, Giải Ba Triển lãm tập thể của Hội Mỹ thuật Việt Nam, năm 1996. Hàng nghìn bức tranh khắc gỗ và tranh sơn dầu của anh đã viễn du vòng quanh nước Mỹ, Đài Loan, Na Uy, Nhật Bản... Ba mươi năm cầm cọ “gọi hồn trâu bò”, thành ra giới hội họa đặt cho anh nghệ danh là “Cường trâu bò”. Trong những bức vẽ của anh, lũ trâu, bò khi thì thoát xác, khi lại phồn thực, điên loạn... gợi sự tò mò cho một số nghệ sỹ châu Âu.
Họa sỹ Nguyễn Văn Cường (thứ nhất, bên phải) tại buổi triển lãm của anh ở TTVH Hàn Quốc
* Mất ý niệm về “ trâu, bò” trong tranh
Con ngõ nhỏ dài hun hút, những tán lá bạch đàn đuổi nhau lào xào trong gió. Bức tượng gã tiều phu đất nung, nhỏ thó, ngồi tựa bên tường rào, mặt hướng vào ngôi nhà của họa sĩ “Cường trâu bò”. Chúng tôi từ tốn bấm chuông. Cửa mở, một phụ nữ luống tuổi kéo xoèn xoẹt tấm cửa sắt, mời chúng tôi vào. Vừa lúc đó, anh xuất hiện trong chiếc áo phông màu đen, quần âu, khá trẻ trung, thoải mái. Khác hẳn với bộ dạng căng thẳng, bó cứng trong bộ comple chỉnh tề, hôm triển lãm tranh của anh tại Lễ kỷ niệm 1 năm thành lập Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Hà Nội (đó là Trung tâm đầu tiên được thành lập trong khu vực Đông Nam Á).
Tại triển lãm, Giám đốc Kim Sang Ug, chia sẻ: “Một trong những hoạt động lần này của chúng tôi là chọn giới thiệu triển lãm tranh “Trâu đỏ” của họa sỹ Nguyễn Văn Cường. Quan niệm trong tranh anh gần với một họa sỹ vẽ tranh trâu, bò rất thành công ở Hàn Quốc. Những con vật hữu ích, gắn bó với đời sống của cả hai dân tộc Việt - Hàn”.
Anh dẫn chúng tôi lên phòng khách tầng 3. Anh đi rất nhanh, chỉ cái lưng là nhấp nhô chực thụt lại. Dáng đi của anh bị gù, dường như được “tạc” bởi thế ngồi của người vẽ lâu năm. Trong khi chúng tôi đang tò mò tìm kiếm “bóng dáng” lũ trâu, bò thì những cổ vật đập vào mắt chúng tôi. Rất nhiều bình gốm, cả bình cổ lẫn bình mới được trưng bày trong phòng khách. Anh bảo, hơi đất làng nghề có một linh nghiệm nào đó đã gắn bó với lũ trâu, bò, khiến anh phải tích cóp, lưu tập và thực hiện ý nguyện mở một bảo tàng cá nhân lúc về già.
Chúng tôi lên tầng 4, đó là tầng trưng bày tranh, ngay lập tức chúng tôi như lạc vào một quang cảnh hỗn loạn: các bức vẽ nửa trâu, nửa bò, chúng giận dữ, đỏ au, những mảng màu nguyên khối; trâu bò lồng tứ phía, hùng hổ như chực nhảy khỏi toan vẽ; lũ trâu, bò khác thì nhập nhòa, biến dạng như những cột lửa bốc cháy, nhiều con có đến bốn mắt khiến người xem cứ phải nhìn đi, nhìn lại, tưởng mình hoa mắt; những cô bé, cậu bé la hét chạy theo con trâu đứt mũi tướp rách áo quần trong bức “Trâu lồng”; những thiếu nữ khỏa thân ẩn nấp dưới chân trâu; hàng trăm con trâu, bò sứt mũi, mắt long sòng sọc, điên rồ bay giữa khoảng không; lũ trâu, bò lồng lộn, cười, mếu, chẳng rõ đâu là trâu, đâu là bò... Chiếc đầu bò được gắn trang trí ngay vị trí chính diện phòng khách, như một biểu tượng cho hàng nghìn bức tranh trâu bò vẽ theo lối biểu hiện, phá cách của họa sĩ. Chúng tôi hỏi anh, xem đâu là bức vẽ trâu, đâu là bức vẽ bò, thì anh bảo: “Tôi vẽ nhiều quá, chẳng biết con nào là trâu, con nào là bò, đôi khi thì hai con vật ấy cũng chỉ là cái cớ để tôi thể hiện trên tranh thôi”.
Với chất liệu sơn dầu, acrylic, phụ gia aukas, bìa giấy... những nét vẽ của anh trở nên biến ảo. Anh đã vẽ chúng bằng ảo giác. Hóa ra, anh đã bị “mất ý niệm” khi vẽ về hai con vật ấy. Những nét tút tát dày cộm, nóng rực tương phản, lũ trâu, bò “điên” cuồng, rực cháy... trong tranh anh đối lập với lũ trâu, bò hiền lành mà ta thường bắt gặp trong tranh của nhiều họa sỹ.
Họa sỹ “Tây học” Nguyễn Quân, nhận xét: “Từ những năm 1980, Nguyễn Văn Cường hầu như chỉ vẽ nông thôn. Những gì còn đọng lại trong ký ức tuổi thơ, những gì còn ánh lên trong tâm hồn khi nhắm mắt lại và quên phố phường. Ở những tranh khắc gỗ thời kỳ đầu thì nét khắc cọ, bố cục và hình họa buông lỏng, thơ ngây. Màu sắc giản dị, tiết kiệm. Các mô típ quen thuộc như trẻ chăn trâu, bến đò, cây gạo... Cuối những năm 1990, bút pháp khắc gỗ của anh trở nên riêng biệt, quyết đoán với những mô típ cô đọng, tượng trưng, màu lộng lẫy một cách khác lạ, bố cục chặt chẽ nhưng tùy hứng. Tranh anh có vẻ hiện đại nhưng vẫn khoe ra bộ rễ truyền thống, vì thế, đã được nhiều giải thưởng cao ở Việt Nam”.
Thấy chúng tôi có vẻ băn khoăn về nhận xét trên, họa sĩ Nguyễn Cường đã tìm lại trong kho tranh, rồi mang ra cho chúng tôi xem những chú trâu, bò ngoan ngoãn, thong dong gặm cỏ “cười hiền”, trước đây của anh. Đó là những sản phẩm của kí ức, khi anh nhớ về quê Lụa Hà Tây (nơi anh chào đời). Những bức vẽ ấy thật hiền hòa, nắng chiều trải dài những triền đê, tiếng lũ trẻ cười đùa rộn rã, những âm thanh “phởn chí” của lũ trâu no cỏ, thấp thoáng những em bé cưỡi trâu, thả diều, trong cõi “Cõi mơ”... Lại hóa ra, những bức tranh của anh, trước đây đều khởi thủy từ sự bình yên!
Tác phẩm “Trâu đỏ” của Họa sỹ Nguyễn Văn Cường
* Từ bỏ bế tắc này đi tìm bế tắc khác?
Sau gần 20 năm gắn bó với ngôn ngữ đồ họa, anh sống được bằng những bức tranh đồ họa bán “đắt như tôm tươi”. Rồi đột nhiên anh bỏ đỉnh cao ấy, chạy sang với tranh sơn dầu. Anh quyết đoán trong xử lý chất liệu và đề tài “Những khúc đồng dao” chuyển sang ngữ điệu “giao hưởng” đầy ấn tượng, cho dù vẫn là bối cảnh người xưa cảnh cũ: “Lúc đầu mình vẽ trâu hiền lắm, dần dà đến khi vẽ trâu điên, trâu lồng... giờ thì trâu gì nữa? Chắc là mình phải đi tìm mảng khác thôi”.
Chúng tôi đồng ý là anh có thể bỏ đỉnh cao này để chinh phục đỉnh cao khác, nhưng không thể bỏ bế tắc này đi tìm... bế tắc khác: Con trâu nó cũng có những suy tư, yêu ghét, giận dữ, buồn sầu những lúc ốm đau, vất vưởng khi thành những hồn ma oan, hay gầm rú những lúc quyết đấu... Hay chỉ cần một vết chân, một tiếng thét, một sợi lông... sao cho người xem vẫn có thể cảm nhận được mùi hôi, cảm nhận được bóng dáng của chúng... Nghe chúng tôi nói thế, anh bảo: “đây là một gợi ý để tháo gỡ sự bế tắc của tôi, biết đâu đây lại là một đỉnh cao mới?”.
Anh liên tưởng đến chuyện sưu tập đồ cổ của mình: “Tôi sưu tập đồ cổ và gốm Bát Tràng là do tình cờ, tôi tặng tranh cho một người bạn làm Chủ tịch Hội Cổ vật Thăng Long và tôi được tặng lại một món đồ cổ. Từ đó, tôi máu sưu tập cổ vật, nhất là gốm Bát Tràng. Chúng phù hợp với những bức tranh trâu bò thôn dã. Sau này, tôi sẽ phân loại làm một bảo tàng tư nhân hoặc gửi tặng các bảo tàng của Việt Nam”.
Báo chí cũng thường nhắc đến một người mê tranh của anh. Họ đã mở “Nhật Lệ Art Gallery” để “độc quyền” sưu tập, tài trợ, in sách... tổ chức nhiều cuộc triển lãm tranh của anh.
Các chủ đề trong tranh của họa sĩ Nguyễn Văn Cường, từ tranh khắc gỗ, đồ họa, sơn dầu... đều khởi thủy từ sự bình yên cho đến cao trào là sự điên rồ, điêu luyện, vượt lên đỉnh điểm là sự thoát xác... rồi lại rơi vào bế tắc. Quỹ đạo của những tài năng nghệ thuật.
TIN LIÊN QUAN
Vào ngày 18/9/2022, Diễn đàn Kinh tế-xã hội Việt Nam của Quốc Hội, chương trình thường niên của Quốc hội tái khởi động từ năm 2021, đã được tổ chức thành công tốt đẹp. Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm nay có chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững”. Nhân dịp này WAJ đã giới thiệu cho Truyền hình Quốc hội Việt Nam phỏng vấn một số chuyên gia kinh tế để có thêm góc nhìn về các giải pháp cho nền kinh tế Việt Nam theo chủ đề của Diễn đàn. Sau đây, WAJ xin trân trọng giới thiệu ý kiến của các chuyên gia quốc tế từ Canada, Thuỵ Sĩ, Liên bang Nga, Cộng hoà Áo.
TS. Yen PlatzXEM NHIỀU NHẤT
(Nhà thiết kế thời trang La Hồng, Cộng hòa Áo)
TS. Yen PlatzChị Cao Thị Thương (Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Cao Hoàng) đã không ngừng học hỏi từ thầy, từ các đồng nghiệp, từ việc đọc các tài liệu chuyên ngành... để nghiên cứu, pha chế, chiết xuất ra nhiều loại dược phẩm làm đẹp từ thảo mộc. Chị đã pha chế thành công một số loại dược phẩm và đang được đưa vào sử dụng rộng rãi ở hàng chục spa (thuộc hệ thống của công ty) trên toàn quốc. Công ty của chị đã được chọn là đối tác chiến lược phân phối mỹ phẩm thảo dược của Mỹ tại Việt Nam.
TS. Yen Platz
BÌNH LUẬN