Tranh của Thủy Tuân màu dầu rất mỏng, đến độ có thể thấy nền của vóc. Ông dùng màu không phải của thiên nhiên vốn có, mà vẫn thấy cái gì của quê hương chứ không phải của Van Gogh, Edgar Degas, Claude Monet. Ông dùng nét không phải theo dân gian Thuận Thành, mà vẫn thấy gân guốc, chắc nịch, vừa dân gian vừa hiện đại.
Hoạ sĩ Nguyễn Thuỷ Tuân (người ngồi giữa từ trái sang) và họa sĩ Mai Hương
(con gái, thứ hai từ phải sang)
*Bức tranh lịch sử
Nhắc đến hoạ sĩ Nguyễn Thuỷ Tuân, giới trẻ thì ngơ ngác, nhưng những hoạ sĩ thập niên sáu mươi, bảy mươi thì không khỏi tỏ lòng kính trọng. Ông là hậu duệ đời thứ 13 thuộc dòng họ Lý. Thuỷ Tuân - có nghĩa là dòng nước đổ ra biển lớn vẫn tuân theo quy luật tổ tông.
Chúng tôi đến thăm ông vào một chiều đông rất lạnh. Hai ông bà vừa ra mở cổng thì ông đưa ngay cho cháu Ty một bọc ni lông được quấn cẩn thận. Đó là, những bức tranh “giao ban” của ông với cháu ngoại hàng tuần. Một già, một trẻ say sưa thì thầm, kiểm điểm những bức vẽ tuần qua, bức nào đã xong, bức nào còn chờ hoàn thiện.
Trước mắt chúng tôi là bức tranh sơn khắc “Thảo cầm viên trong ngày giải phóng” được đặt trang trọng giữa phòng. Thế giới trong tranh sáng sắc, rạng rỡ. Bức ảnh Bác Hồ và cờ Tổ quốc được đặt làm tâm điểm, xung quanh là người dân, là quang cảnh thiên nhiên cây cỏ, đất trời, chim muông… đang rạo rực niềm vui, say mừng niềm chiến thắng. Trong hội hoạ châu Âu, nếu muốn biểu đạt nhiều không gian cùng một lúc thì phải sử dụng đến những mảng miếng ghép, nhưng lối vẽ dân gian theo kiểu Thuỷ Tuân lại có thể truyền tải được nhiều bối cảnh hết sức dễ dàng. Những đường ngang bằng, sổ thẳng được coi là tĩnh thì Thuỷ Tuân đã phá cách bằng những liên kết zích zắc, nhịp điệu hình sin tạo nên sự chuyển động vui nhộn, bừng tỉnh của bức tranh. Không gian trong tranh là những không gian ảo. Thậm chí, có những sự vật cùng chỗ, cùng lúc rất vô lý như máy bay, thuyền rồng, ngôi đền… nhưng họa sĩ đã sử dụng biện pháp đồng hiện, tạo nên những không gian ảo sống động và hoàn toàn thuyết phục. Bức tranh này là sự hoà quyện của hai lối vẽ đan xen, phi điểu và tẩu mã. Cách nhìn những sự vật và không gian ở đây là cách nhìn từ trên cao xuống. Có thể gọi đó là lối vẽ phi điểu nhưng cùng lúc đồng hiện rất nhiều sự vật, không gian khác nhau. Vì thế, nó có thể được coi là lối vẽ tẩu mã. Hoàn cảnh ra đời của bức tranh này cũng vô cùng đặc biệt. Đó là, khi người con thứ hai của ông là hoạ sĩ Nguyễn Thuỷ Vinh lên đường tòng quân vào chiến trường miền Nam. Vì thương con, ông đã ngấm ngầm băng rừng, lội suối theo sát con vào chiến trường. Ở điểm cuối của chặng hành quân, thì đất nước bước vào thời khắc lịch sử, thời khắc khiến cả thế giới bừng tỉnh trước một Việt Nam kiên cường. Ông sung sướng khôn cùng, và đã ùa vào dòng người, đi đến “Thảo cầm viên” chào đón chiến thắng. Và chính giây phút ấy đã đi vào lịch sử trong tranh của ông. Hiện tại, bản chính của bức tranh “Thảo cầm viên trong ngày giải phóng” đang được lưu giữ tại Bảo tàng Anh quốc.
Bức tranh “Thảo cầm viên trong ngày giải phóng”, họa sỹ Nguyễn Thủy Tuân
*Khát vẽ…
Trong thời kỳ đất nước gặp binh biến, dòng tranh cổ động, áp phích của ông được treo khắp các đường phố và được đăng nhiều trên các tờ báo Trung ương. Đó là loại tranh trang trí, cổ động. Cái khó trong tranh áp phích là sự rõ ràng, cô đọng, điều này mâu thuẫn với ý đồ của họa sĩ. Vì thế, ông luôn phải tìm tòi bút pháp dung hòa. Dòng tranh áp phích rất đỗi “thường” ở ta thì lại rất “thịnh” ở Tây. Nhiều nhà sưu tầm tranh quốc tế đã đặt mua tất cả những bức áp phích của Thuỷ Tuân. Những bức tranh đó đã đóng góp một phần không nhỏ vào chiến thắng của dân tộc. Vào những năm 1980, một vị khách nước ngoài đã mua tất cả 52 bức tranh áp phích của họa sỹ Thủy Tuân trong một cuộc triển lãm của ông. Sau đó, họ mời gia đình ông sang Pháp tham quan. Với những nhà sưu tầm quốc tế thì Thuỷ Tuân không chỉ đơn thuần là một hoạ sĩ mà ông đích thực là nhà viết sử bằng tranh. Đắt hàng là thế, nhưng không phải lúc nào ông cũng vẽ để bán, mà nhiều khi vẽ để tự thưởng cho mình, cho người bạn đời và cho các con. Nay, dù tuổi tác đã khiến cơ thể ông rệu rã, đôi tay muốn nghỉ nhưng nỗi “khát vẽ” cứ thế thúc bách ông. Khi tỉnh táo thì sắc nét, hào sảng, khi đau yếu thì run rẩy, bé thơ… Sáng nào ông cũng thức dậy từ rất sớm. Ông đi tập thể dục thì vẽ đường, đi đến bến xe buýt thì vẽ bến, đến chùa thì vẽ chùa, gặp cô bán hàng rong cũng đưa vào tranh… Nghiệp vẽ đã ngấm vào cơ thể ông và được “di truyền” cho con cái.
Các con của ông đều là hoạ sĩ rất nổi tiếng như họa sỹ Nguyễn Thuỷ Liên, Nguyễn Thuỷ Vinh, Mai Hương, Nguyễn Hùng… cháu chắt, dâu rể, tất cả đều biết vẽ và yêu vẽ. Hiện nay, gia tài tranh sơn dầu, khắc gỗ, thuốc nước của ông đã lên đến hàng nghìn bức. Con cháu lo lắng cho sức khỏe của ông, không cho vẽ nữa thì ông lăn ra ốm. Lúc nào và ở đâu ông cũng vẽ và vẽ, say mê như thể đó là lần cuối cùng trong đời được vẽ.
* Bóng dáng người đàn bà tri kỷ
Chúng tôi đang ngồi trò chuyện, ông chỉ tay sang bà, rồi tủm tỉm: “Bà ơi bà, tôi yêu bà lắm, bà cứ cho tôi ăn bánh, tôi sẽ vẽ cho bà xem…”. Ông bà đã gắn bó với nhau từ năm 1974. Hai vợ chồng đã cùng nhau rong ruổi khắp dặm dài đất nước. Thế nên, dường như trong mỗi bức tranh của ông đều phảng phất bóng dáng và sự chăm sóc của bà: Từ những bức tranh hồng đào về người dân tộc Dao trên vùng sơn cước, giữa núi đồi thẳng đứng, sừng sững hiện lên đôi nét chấm phá của những sinh linh bé nhỏ, xiêu vẹo, khiến người xem không khỏi chạnh lòng. Hay những nét vẽ vừa hiện thực vừa sâu lắng trong bức “Người Lô Lô ở Tuyên Quang”. Hoặc những bức khắc gỗ sần sùi, thô mộc mà người xem tinh tường, lại thích khám phá, để đi vào tâm tranh như “Phiên chợ miền núi”, “Ngoại thành Hà Nội”, “Tháp chuông trăm gian”… Hết ngược miền núi, ông bà lại kéo nhau, mang vác lỉnh kỉnh máy ảnh, giá vẽ về miền xuôi, khu vực Đồng bằng Bắc Bộ. Họ đã cùng nhau đi “mòn chân” trên những triền đê vào mỗi buổi chiều. Hay cùng nhau cúi xuống hoài niệm từng viên gạch vỡ ở sân “Giếng làng”. Nhẩn nha ngắm nhìn những lão điền khề khà bên chén chè đặc, thảnh thơi bắn điếu thuốc lào. Vội vã như thể sợ mất cái đòn gánh của cô bán “Cốm Vòng”. Kiêu hãnh cái cột điện nơi góc thị trấn thời bao cấp “Thị trấn Tứ Lộc”… Nét bút của họa sỹ Thủy Tuân luôn uyển chuyển, sắc độ màu liên tiếp và bất ngờ nhưng không vồ vập, không khuôn phép. Khi vào đến Nam Bộ thì những nét vẽ của ông trở nên rắn chắc, phong sương. Lúc khật khưỡng dưới gốc dừa với những người đàn ông chén chú chén anh “Cùng đất trời”. Lúc lại liêng biêng với những cánh buồm no gió... Họa sỹ Thủy Tuân đã thu cái khoáng đạt của sông nước Nam Bộ vào những bức vẽ hiện thực rất riêng. Hiện thực trong tranh ông không phải là sao chép mà là sự gợi tả những buồn vui, đau đáu với từng nhịp chuyển của thiên nhiên, đất nước và con người... Tất cả những bức vẽ ấy - sự nghiệp sáng tác ấy, dường như đều phảng phất tình yêu của ông dành cho người bạn đời tri âm, tri kỷ.
Suốt một đời tự học của mình, ông đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm và viết lại thành những tập sách nghiên cứu mỹ thuật (chưa công bố) cho các con cháu. Cuốn sách nào cũng thấy dòng chữ “Không bán nhượng, không cho mượn”. Ông đọc thông viết thạo chữ Hán, tiếng Anh, Nga, Nhật. Các cháu nội ngoại đều được ông dạy vẽ và ngoại ngữ từ khi còn bé.
Trời đã sẩm tối, chúng tôi xin phép ra về, ông tiễn chúng tôi mà miệng vẫn ngâm nga bài hát tự chế: “Bà ơi bà, tôi yêu bà lắm…”.
TIN LIÊN QUAN
“... Tuy có rất nhiều người yêu mến cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” nhưng tôi không nghĩ đó là một áp lực. Tôi chỉ biết mình đã làm một cách thành tâm, hết mình vì bộ phim. Hơn 3 năm qua không lúc nào tôi không nghĩ về nó”, Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh.
TS. Yen PlatzXEM NHIỀU NHẤT
(Nhà thiết kế thời trang La Hồng, Cộng hòa Áo)
TS. Yen PlatzChị Cao Thị Thương (Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Cao Hoàng) đã không ngừng học hỏi từ thầy, từ các đồng nghiệp, từ việc đọc các tài liệu chuyên ngành... để nghiên cứu, pha chế, chiết xuất ra nhiều loại dược phẩm làm đẹp từ thảo mộc. Chị đã pha chế thành công một số loại dược phẩm và đang được đưa vào sử dụng rộng rãi ở hàng chục spa (thuộc hệ thống của công ty) trên toàn quốc. Công ty của chị đã được chọn là đối tác chiến lược phân phối mỹ phẩm thảo dược của Mỹ tại Việt Nam.
TS. Yen Platz
BÌNH LUẬN