July 01, 2022 10:54 TS. Yen Platz
(Nhà văn Nguyễn Trí Huân, Nghệ sĩ dương cầm Vương quốc Bỉ Charles Loos)

     Cuối tháng 12/2009, tuyết bắt đầu rơi nhiều, chúng tôi được mời tham gia Chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật tại Áo. Tình cờ, chúng tôi đã được chứng kiến một cuộc gặp gỡ thú vị, giữa hai người nổi tiếng: Một là nhà văn Nguyễn Trí Huân, tác giả của những cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh và đoạt giải thưởng nhà nước. Tác phẩm “Chim én bay” và “Dòng sông của Xônet” của ông đã được dịch ra tiếng Nhật và tiếng Nga. Còn người kia là nghệ sĩ dương cầm Charles Loos (Vương quốc Bỉ). Ông từng theo học âm nhạc tại Trường Đại học Berklee, Mỹ. Các tác phẩm của ông sáng tác cho các vở nhạc kịch như “Các nhà thơ của nhạc jazz”, “Antigone”, “Chào Lenny”, “No wall no wall”, “California 1991”… nổi tiếng ở Bỉ và được trình diễn ở nhiều nước trên thế giới. Ông đang được mời đến Paris để trình diễn. Và hôm nay, họ tình cờ gặp nhau tại đất nước của thiên tài âm nhạc Mozart.

z3533523267275_8af5d950fc6652de2828e4ff7cc4af78.jpg

Nhà văn Nguyễn Trí Huân (bên trái), Nghệ sĩ Charles Loos (bên phải) tại Vienna

 

         Nhà văn Nguyễn Trí Huân: Đây là cuộc nói chuyện giữa hai tác giả hoạt động nghệ thuật chứ không phải là cuộc phỏng vấn, vì thế chúng ta cứ nói chuyện thoải mái ông nhé.

          Nghệ sĩ Charles Loos: Tôi chơi dương cầm tuy có nổi tiếng ở Bỉ nhưng chưa nổi tiếng ở châu Âu. Tôi rất vui vì chúng ta đang tìm cách để đưa âm nhạc đến với văn học và ngược lại.

        Nhà văn Nguyễn Trí Huân: Tôi cho rằng, giữa âm nhạc và văn học có một khoảng cách rất gần.

       Nghệ sĩ Charles Loos: Mỗi bản nhạc như một câu chuyện, khi nghe nhạc người ta có thể tưởng tượng ra hình ảnh và con người sống động và biến ảo.

          Nhà văn Nguyễn Trí Huân: Có một điều tôi không cắt nghĩa được là hiện nay ở Việt Nam các nhà văn, nhà thơ có thể trở thành họa sĩ nhưng rất ít người trở thành nhạc sĩ.

           Nghệ sĩ Charles Loos: Tôi chưa suy nghĩ về điều này.

          Nhà văn Nguyễn Trí Huân: Bản năng chỉ là sự bắt đầu. Mặc dù, văn học rất gần với âm nhạc nhưng để trở thành nhạc sĩ tên tuổi thì phải học tập và khổ luyện rất nhiều.

          Nghệ sĩ Charles Loos: Ông nói đúng.

         Nhà văn Nguyễn Trí Huân: Còn văn học thì khác, có rất nhiều nhà văn lớn đã không học trong các trường đại học, ông có như nghĩ thế không?

          Nghệ sĩ Charles Loos: Tôi cũng nghĩ thế, nhưng tôi muốn nhấn mạnh là để trở thành nhà văn nổi tiếng thì cũng phải khổ luyện. Viết đi viết lại nhiều lần mới có thể thành công. Một nhạc sĩ chơi bất cứ nhạc cụ nào cũng giống như nhà văn, đều cố gắng muốn truyền tải một thông điệp nào đó. Cả hai người này đều sáng tạo ra bối cảnh, nhằm diễn tả tư tưởng của mình. Tài năng nằm ở chỗ những sáng tác của họ truyền cảm thụ tới độc giả như thế nào. Đây là điều thiêng liêng đối với người làm nghệ thuật. Tác phẩm của ông đã được dịch sang tiếng Pháp hay tiếng Anh?

          Nhà văn Nguyễn Trí Huân: Tôi viết không nhiều, nhưng có hai cuốn Chim én bay, Dòng sông của Xônet, viết về chiến tranh đã được dịch sang tiếng Nhật và tiếng Nga.

          Nghệ sĩ Charles Loos: Tôi hy vọng sách của ông được dịch sang tiếng Anh để tôi có cơ hội đọc ông.

          Nhà văn Nguyễn Trí Huân: Việc đó rất khó. Chúng tôi không có nhiều dịch giả, còn các nhà văn thì ít ai có khả năng viết bằng tiếng Anh.

         Nghệ sĩ Charles Loos: Tôi hiểu rất rõ điều này, đây là điểm khác biệt giữa văn học và âm nhạc.

         Nhà văn Nguyễn Trí Huân: Âm nhạc là ngôn ngữ chung của loài người, đó là lợi thế mà văn học không có. Khi chơi nhạc hay khi viết văn, thỉnh thoảng người nghệ sĩ có những phút xuất thần. Đỉnh điểm của sự sáng tạo ấy là lúc ta không tự chủ được mình, trong biểu diễn âm nhạc ông có hay gặp những khoảnh khắc ấy không?

          Nghệ sĩ Charles Loos: Điều đó thường xuyên xảy đến với tôi.

         Nhà văn Nguyễn Trí Huân: Đây là điểm giống nhau nữa giữa âm nhạc và văn học. Hiện nay, ở Việt Nam dòng nhạc cổ điển và nhạc dân tộc ngày càng ít khán giả, giới trẻ chủ yếu thích nghe nhạc pop, rock… còn ở Bỉ thì sao?

       Nghệ sĩ Charles Loos: Điều này rất là phổ biến, không riêng ở Việt Nam hay ở Bỉ mà trên toàn thế giới.

      Nhà văn Nguyễn Trí Huân: Một ông bạn nhạc sĩ già của tôi cũng rất buồn và không chấp nhận điều ấy.

         Nghệ sĩ Charles Loos: Tôi cho rằng khi mình thành thật với nghệ thuật thì mình sẽ có khán giả. Khi người nghệ sĩ nghe được tiếng nói nội tâm thì sẽ thành đạt. Còn một nghệ sĩ muốn nhanh chóng nổi tiếng, rồi thông qua đó để làm giàu, tôi không dám chắc đó là nghệ sĩ chân chính.

         Nhà văn Nguyễn Trí Huân: Ông đã đến Việt Nam biểu diễn, ông có cảm nhận gì về đất nước chúng tôi?

        Nghệ sĩ Charles Loos: Trong chương trình“Liên hoan âm nhạc châu Âu năm 2009”, tôi đã biểu diễn một buổi ở Hà Nội và một buổi ở Thành phố Hồ Chí Minh. Mở màn tôi đã chơi một bản nhạc cổ điển và một bản nhạc do tôi sáng tác. Hình như bản nhạc do tôi sáng tác thì được khán giả Việt Nam ưu ái nhiều hơn. Nhưng có một điều khác biệt giữa khán giả Việt Nam và khán giả châu Âu, đó là, khán giả châu Âu thường vỗ tay rất lâu sau khi nghệ sĩ đã vào cánh ngà. Họ vỗ tay như vậy là để yêu cầu nghệ sĩ quay trở lại sân khấu nhưng khán giả Việt Nam không làm như vậy.

        Nhà văn Nguyễn Trí Huân: Có lẽ, khán giả Việt Nam có cách thưởng thức âm nhạc riêng, đó là, khi nghe xong một bản nhạc hay, họ thường ngồi lặng đi. Tôi nghĩ họ yêu thích bản nhạc do chính ông sáng tác là họ rất công bằng chứ không có một sự ưu ái nào đâu. Tôi có nghe một vài người bạn đã xem ông biểu diễn hôm đó, họ đánh giá rất cao tài năng của ông.

        Nghệ sĩ Charles Loos: Cảm ơn ông và những người bạn của ông đã lắng nghe tôi như vậy.

      Nhà văn Nguyễn Trí Huân: Thường thì một tác phẩm văn học hay, đọc một lần đã thấy hay. Một bản nhạc hay cũng vậy, chỉ một lần nghe là có thể chinh phục khán giả hoặc không. Tôi chắc chắn khán giả Việt Nam đang chờ ông trở lại.

       Nghệ sĩ Charles Loos: Tôi mong được trở lại Việt Nam nhưng không phải là biểu diễn trong nhà hát sang trọng, mà là đến những vùng nông thôn, những nơi ít người phương Tây đến, để có những cảm xúc về làng mạc, đồng quê Việt Nam. Ông hay đọc những nhà văn nước ngoài nào?

      Nhà văn Nguyễn Trí Huân: Tôi đọc nhiều nhưng phần lớn là những tác phẩm viết về chiến tranh đã được dịch ra tiếng Việt. Tôi yêu thích Lep Tonxtoi, Doxtoiepxki, Shekhop...

      Nghệ sĩ Charles Loos: Oh! Tôi cũng rất yêu quí nhà văn Trekhov, đặc biệt là những vở kịch ngắn của ông ấy. 

      Nhà văn Nguyễn Trí Huân: Kịch của Trekhov thường để đọc hơn là để biểu diễn. Truyện của Trekhov như những bản nhạc xanh, đọc mà thấy thương người hơn. Tôi cho rằng đó là điểm lớn nhất trong văn của ông ấy.

       Nghệ sĩ Charles Loos: Trekhov viết những tác phẩm đó khi chưa đầy 20 tuổi. Trong những tác phẩm của ông ấy, đã nhìn nhận về xã hội, về thế giới quan, nhân sinh quan rất hoàn chỉnh. Cũng như văn học, nghệ sĩ mà tạo được tính nhân văn trong âm nhạc khiến con người yêu nhau hơn thì đó là điều mà tất cả các nghệ sĩ đều hướng tới.

       Nhà văn Nguyễn Trí Huân: Ông có hay đọc sách văn học không? Chúng có giúp gì ông trong sáng tác?

      Nghệ sĩ Charles Loos: Tôi đọc nhiều nhưng không phải sách văn học. Quan điểm của tôi khi đọc một tác phẩm, nó sẽ làm giàu thêm tri thức và tác động đến người nghệ sĩ một phần nào đó nhưng không phải đọc xong một cuốn sách là có thể sáng tác ngay mà cần một quá trình thẩm thấu lâu dài.

     Nhà văn Nguyễn Trí Huân: Tôi có những người bạn làm thơ và chính âm nhạc đã phần nào giúp họ thăng hoa trong sáng tác.

     Nghệ sĩ Charles Loos: Tôi biết nhiều nhà thơ, họa sĩ khi họ vẽ tranh hay sáng tác, họ đều muốn nghe nhạc, khác với tôi khi đọc sách tôi không thể nghe nhạc.

      Nhà văn Nguyễn Trí Huân: Viết văn cũng vậy, chỉ sau khi viết họ mới có thể nghe nhạc.

      Nghệ sĩ Charles Loos: Có khi phụ nữ làm được cả hai việc đó cùng một lúc (cười).

      Nhà văn Nguyễn Trí Huân: Họ vừa rửa bát vừa nghe nhạc nữa chứ (cười).

      Nghệ sĩ Charles Loos: Tôi rất yêu phụ nữ, yêu mẹ, yêu chị, yêu vợ (tôi đã có đến hai người vợ), còn ông?

     Nhà văn Nguyễn Trí Huân: Tôi cũng thế và sẵn sàng làm nô lệ cho họ. Điều nữa, tôi cho rằng nếu nghệ sĩ mà không yêu phụ nữ thì không thể trở thành nghệ sĩ.

     Nghệ sĩ Charles Loos: Tôi biết một nhà văn, nhà triết học Pháp, ngoại hình của ông ấy rất xấu xí, có lẽ, vì thế mà ông ấy đã sáng tác văn học để quyến rũ phụ nữ (cười).

    Nhà văn Nguyễn Trí Huân: Thường thì những nghệ sĩ, những nhà văn lớn có quá nhiều cuộc tình trong cuộc đời, khiến người đời nhìn vào thấy họ quá phức tạp, ông có như vậy không?

        Nghệ sĩ Charles Loos: Người đời thường không hiểu nghệ sĩ.

        Nhà văn Nguyễn Trí Huân: Đúng thế!

       Nghệ sĩ Charles Loos: Nhà văn G.Macket là trường hợp ngoại lệ, ông ấy chỉ yêu một phụ nữ từ khi trẻ cho đến lúc về già.

     Nhà văn Nguyễn Trí Huân: (Cười), có thêm một người nữa ở Việt Nam… Nếu anh không nổi tiếng mà anh chung thủy với một người thì cũng không ai biết, không ai ngợi ca.

       Nghệ sĩ Charles Loos: Như vậy điều nào tốt hơn?

     Nhà văn Nguyễn Trí Huân: Tôi ủng hộ nghệ sĩ có nhiều cuộc tình trong cuộc đời, vì nó nuôi dưỡng tài năng, tố chất khác biệt trong tâm hồn, giúp nghệ sĩ không ngừng sáng tạo.

       Nghệ sĩ Charles Loos: Tôi không phủ nhận điều đó.

       Nhà văn Nguyễn Trí Huân: Bao nhiêu người tình đi qua cuộc đời ông?

       Nghệ sĩ Charles Loos: Như những CD của tôi.

      Nhà văn Nguyễn Trí Huân: Ông là người có khả năng quyến rũ phụ nữ! Chắc hồi trẻ ông phải lựa chọn rất vất vả ? Nhà văn chúng tôi không có được may mắn như thế, âm nhạc thì cao sang, văn chương thì bụi bặm.

      Nghệ sĩ Charles Loos: Văn học có thể diễn tả chân thực cuộc sống, làm nên những điều thần diệu. Tôi tò mò muốn hỏi, khi sáng tác nhà văn thường tưởng tượng ra nhiều điều nhưng thông thường là liên quan đến cuộc tình và cuộc đời của họ, có phải không ?

      Nhà văn Nguyễn Trí Huân: Vâng, đúng vậy!

     Nghệ sĩ Charles Loos: Khi tôi học ở Boston thì Mỹ đang xâm chiếm Việt Nam, tôi đã chứng kiến nhiều thanh niên, sinh viên xuống đường biểu tình chống chiến tranh Việt Nam. Bush đã lặp lại rất nhiều điều sai, nhưng có nhiều người Mỹ rất nhân hậu, họ không nghĩ như Bush.

   Nhà văn Nguyễn Trí Huân: Hồi đó tôi đang ở chiến trường. Nhiều lần tôi phải chạy trốn trực thăng Mỹ săn đuổi.

    Nghệ sĩ Charles Loos: Tôi đứng về  phía ông!

    Nhà văn Nguyễn Trí Huân: Chúng tôi đã kết thúc cuộc chiến quá vất vả!

    Nghệ sĩ Charles Loos: Đó là điều đau đớn! Việt Nam bây giờ đã ổn định phải không?

   Nhà văn Nguyễn Trí Huân: Vâng, rất ổn như ông đã đến và đã biết. Bây giờ ngay cả những người Mỹ đã từng tham chiến, họ có thể quay trở lại Việt Nam rất an toàn. Tôi quen nhiều nhà văn Mỹ đã từng tham chiến ở Việt Nam. Họ đã trở lại đất nước tôi với một tâm thế khác. Họ đã được đón tiếp như những người bạn nên họ đã bớt mặc cảm. Nghị sĩ John Mc Cain, trước đây cũng đã lái máy bay ném bom Việt Nam. Máy bay của ông ấy đã bị bắn rơi ở hồ Trúc Bạch, Hà Nội, rồi được nhân dân tôi cứu sống. Hiện nay, ông ấy rất ủng hộ Việt Nam. Tôi cũng đã đến Boston. Tôi thấy nhân dân Mỹ rất thân thiện.

    Nghệ sĩ Charles Loos: Người Việt Nam nhân hậu, lượng thứ với người Mỹ, giống như người Bỉ không còn hận thù người Đức sau hậu quả của Chiến tranh thế giới thứ hai. 

   Nhà văn Nguyễn Trí Huân: Tôi đề nghị ông thế này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp của chúng tôi năm nay đã 99 tuổi, ông ấy rất thích chơi dương cầm và đã sáng tác nhiều bản nhạc. Ông Giáp được nhân dân chúng tôi kính trọng. Tôi rất mong lần sau, nếu ông có dịp đến Việt Nam thì đến thăm ông Giáp và chơi cho ông ấy nghe một bản nhạc bằng chính cây đàn của ông ấy.

      Nghệ sĩ Charles Loos: Tôi nghĩ ông ấy sẽ mạnh khỏe sau khi nghe bản nhạc của tôi. Có thể, bản nhạc của tôi rất tệ (cười).

     Nhà văn Nguyễn Trí Huân: Ông có thể phổ nhạc từ một bài thơ tiếng Việt không? Ở Việt Nam có nhiều bài thơ được các nhạc sĩ phổ nhạc, thông thường thì nó hay hơn bản nhạc sĩ tự sáng tác.

     Nghệ sĩ Charles Loos: Một nhà thơ Pháp đã nói: “Thơ là điều dối trá để nói nên sự thật”. Tôi không biết tiếng Việt nhưng ông có thể đọc cho tôi nghe một bài thơ để tôi cảm nhận âm điệu của tiếng Việt được không?

      Nhà văn Nguyễn Trí Huân: Việt Nam có nhiều thể loại thơ có vần điệu, âm điệu như nhạc, tôi sẽ đọc cho ông nghe một đoạn của Đại thi hào Nguyễn Du: “Trăm năm trong cõi người ta/Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau/Trải qua một cuộc bể dâu/Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Ở Việt Nam cũng mới có hình thức trình diễn, biểu diễn thơ… và đã được công chúng đón nhận. Có một nhà thơ Áo đã nói với chúng tôi rằng: “Tôi không hiểu người ta sẽ sống thế nào nếu không có thơ?” nhưng tôi hiểu điều này dành cho âm nhạc thì đúng hơn.

     Nghệ sĩ Charles Loos: Tôi nghĩ điều này cũng chỉ là tương đối, nếu không có nhà, không có hoa, không có thức ăn… thì âm nhạc không là gì cả.

      Nhà văn Nguyễn Trí Huân: Nhưng nếu phải chọn thì tôi vẫn chọn âm nhạc.

      Nghệ sĩ Charles Loos: Cảm ơn ông, tôi cũng vậy.

Nguồn: Những mảnh ghép Quân Vương

(Nhà thiết kế thời trang La Hồng, Cộng hòa Áo)

TS. Yen Platz

Chị Cao Thị Thương (Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Cao Hoàng) đã không ngừng học hỏi từ thầy, từ các đồng nghiệp, từ việc đọc các tài liệu chuyên ngành... để nghiên cứu, pha chế, chiết xuất ra nhiều loại dược phẩm làm đẹp từ thảo mộc. Chị đã pha chế thành công một số loại dược phẩm và đang được đưa vào sử dụng rộng rãi ở hàng chục spa (thuộc hệ thống của công ty) trên toàn quốc. Công ty của chị đã được chọn là đối tác chiến lược phân phối mỹ phẩm thảo dược của Mỹ tại Việt Nam.

TS. Yen Platz

ĐẤU GIÁ