“Bão không đến từ biển
Thì bão đến từ đâu?
Có con đò mắc cạn
Dò lòng người nông sâu...”
(TVT)
* Từ biển khơi vào biển cạn
Rời Học viện Hải quân Nha Trang và Đại học Hàng hải Việt Nam, chàng thuỷ thủ lênh đênh xuôi ngược trên tàu viễn dương của Công ty Vận tải biển Khánh Hoà. Hơn mười năm, anh lang thang giữa đại ngàn bão biển. Đến trước khi công ty giải thể, anh lên bờ học làm kinh doanh. Từ biển khơi vào biển cạn, những giăng mắc đang chờ bẫy sập, buộc chàng thuỷ thủ phải vững nghiệp vụ trên bờ. Anh đăng kí theo học văn bằng hai, khoa Quản trị kinh doanh- Đại học Kinh tế TPHCM. Những bài giảng của thầy giúp nảy nở trong anh ý tưởng Xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng bùn khoáng tại Nha Trang.
Hai loại khoáng nguyên trời ban đang ừng ực trong thẳm sâu lòng đất Khánh Hòa, thôi thúc chàng thương nhân “tò te” tiến thân. Chỉ một phút anh đã chấm ngay mảnh đất hoang hoá hơn 1ha, thuộc khu vực dân cư 7 không; không nước, không đường, không trường học, không bệnh xá, không điện, không tivi, không điện thoại, dù chỉ cách thành phố một con sông. Vốn liếng không nhiều, anh suy đi tính lại, nghĩ mà rùng mình những sóng gió đã qua: Mùa thu năm 1989, suốt 12 tiếng trên tàu chở hàng từ Singapore về Việt Nam, bỗng gặp dông biển. Các lỗ thoát nước trên boong bị các kiện hàng bịt kín, có nguy cơ đắm tàu. Cơn dông siết vặn thân tàu mỗi lúc một nguy kịch. Thuyền trưởng chuẩn bị phát lệnh SOS cứu người, cứu tàu, đồng nghĩa với việc công ty rồi sẽ phá sản. Anh đã kịp thời đưa ra phương án cố định một đầu dây, đầu kia buộc nối đuôi mọi người, chuyền tay nhau vứt hàng hoá xuống biển. Tàu từ từ nổi lên, sự sống trở lại lúc gần 2, 3 giờ sáng, hàng hóa mất gần hết, may mắn mọi người còn sống sót... tơi tả trở về; Một chuyến viễn dương khác, anh đang lim dim trên tàu, đột nhiên những khẩu súng ớn lạnh dí sát mang tai điều khiển Tài công, rồi cả đoàn thuỷ thủ bị dẫn nhốt vào phòng thuyền trưởng, máy trưởng. Mọi người hoảng loạn, chẳng hiểu là cướp biển hay lực lượng biên phòng (mặc sắc phục biên phòng Trung Quốc). Phối hợp với bạn, anh đã hiến kế cho Thuyền trưởng phát tín hiệu cấp cứu bằng tiếng Anh, bạn anh thì nhảy xuống biển cầu cứu cảnh sát Hồng Kông, nhưng tàu đã đến địa phận phao số 0, đành chịu dẫn độ vào đất liền nhốt giữ 49 ngày tại Thẩm Quyến- Trung Quốc. Đợt đó, một số thuyền viên mất hết hàng hóa, riêng anh mất trắng hơn chục cây vàng.
Chuyện làm ăn trên bờ bây giờ, “bão” chưa đến nhưng anh phải tìm cách đề phòng. Năm 1998, anh hợp tác với Doanh nghiệp tư nhân Sao Mai (DNTNSM) hoàn thiện dự án “Xây dựng TT du lịch suối khoáng nóng Tháp Bà- Nha Trang. Khai thác mỏ nước khoáng nóng mặn Vĩnh Phương và nguồn bùn khoáng Ninh Hoà đưa về Nha Trang phục vụ du khách”. Tiến sỹ Hồ Xuân Hùng trường Đại học Kinh tế TPHCM đã nhận thấy, đây là ý tưởng độc đáo, sớm muộn sẽ biến bùn thành vàng. Ông cất công đi sứ đến Trung tâm Hỗ trợ DN vừa và nhỏ - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TPHCM và được giới thiệu với nhà đầu tư - Công ty cổ phần Thế kỷ 21- Báo Tuổi Trẻ.
Giám đốc Hoàng Quang (thứ nhất bên phải) cùng bệnh nhân tại Trung tâm Du lịch suối khoáng nóng Tháp Bà, Nha Trang
Tháng 7/1999, hợp tác ba bên ở thế kiềng ba chân đã cho ra đời Công ty TNHH Sao Mai thế kỷ 21, với tổng số vốn góp là 2,4 tỷ( gồm tiền mặt và bốn trăm triệu tiền ý tưởng). Thành lập Trung tâm Du lịch suối khoáng nóng Tháp Bà Nha Trang (TT DLSKNTB NT) trực thuộc công ty, cử anh làm Phó Giám đốc phụ trách nhân sự, đối ngoại. Chức thì to thế chứ những ngày khó khổ ban đầu đâu có lương bổng gì. Nhưng điều đó không cản được ý chí người dương buồm. Trung tâm của anh nhổ neo ra khơi, dẫu biết phía trước là bão tố mịt mùng. Để kế hoạch bùn khoáng được thực thi, UBND Tỉnh buộc phải đánh đổi dự án Xây dựng cáp treo từ Cảng cầu đá sang khu hồ cá Trí Nguyên cho Công ty Du lịch tỉnh.
Tại kỳ họp HĐND Tỉnh, có vị đại biểu chất vấn Chủ tịch UBND tỉnh “Tại sao một dự án tốt như thế, không giao cho DNNN, mà lại giao cho DNTN?”. UBND tỉnh phải bảo vệ quan điểm “Loại hình dự án này đã cấp phép cho DNNN nhưng không làm được, nay anh em nó xin thì phải cho làm”. Rồi Trung tâm lại rơi vào tình thế giao thời giữa đợt bầu cử HĐND khoá mới và khóa cũ. Lận đận mãi, tấm giấy đăng ký kinh doanh to bằng “bàn tay”, triện dấu đỏ chói trao cho Trung tâm có tư cách đi “đào bùn”.
Đến lượt hồ sơ dự án bị “ngâm” hết tháng này qua tháng khác do vướng mắc giữa NĐ 51/CP và NĐ 52/CP. Bao nhiêu vốn liếng lấp đầy vùng đất hoang hoá, thoả thuận với các hộ dân đã xong, nhưng chờ mãi mà thủ tục cấp gần 1ha đất rường cột của tỉnh vẫn “bặt vô âm tín”. Hai đối tác bó tay..., hình như bão biển cạn đang ùa về?. Anh thống thiết kêu cứu các vị lãnh đạo: “Gia sản của chúng em đã đổ hết vào Trung tâm, anh thương thì ký ngay cho, nếu không em chỉ còn nước nhảy lầu tự tử”. Vị quan thần bận bịu, không thể quên mãi nguyện ước của dân đen và giấy cấp đất được ký. Cầm tờ sớ trong tay, anh phóng xe thục mạng ra sân bay. Mưa rơi tầm tã như những giọt nước mắt anh ấm nóng. Có nơi an cư rồi! Đối tác quay lại, họ cùng nhau sánh bước trên con đường gập ghềnh mùa lũ Nha Trang.
Xẻng đất đầu tiên đổ xuống bãi lầy ven sông, ồm ộp tiếng kêu não nề của ếch nhái. Không có đường đi lối lại, Trung tâm phải mua 700 m2 đất làm đường cho xe thi công cơ giới tập kết nguyên vật liệu, đổ móng xây cầu đường sắt, hy vọng được hưởng một đoạn đường láng nhựa nhưng hỡi ôi, xây xong cầu, họ rút đi mất tăm. Ba năm sau, Trung tâm góp 50% vốn với tỉnh, xây dựng đoạn đường từ khu giãn dân đến cổng Trung tâm. Đến mũi khoan thứ bao nhiêu anh cũng không nhớ nữa, chỉ biết rằng cách Trung tâm 600 mét, nước ngọt mới ngoe ngẩy ngoi lên, đón rước, gánh gồng rồi thần nước cũng chảy về Trung tâm. Còn thần điện thì Trung tâm phải tự mua biến áp để phục vụ xây dựng và sinh hoạt. Toàn bộ vốn góp chỉ đáp ứng được nửa non công trình, ngân hàng không cho vay, nhà thầu đe doạ bỏ dở thi công. Đối tác sợ rủi ro, không dám bỏ thêm vốn. Chủ tịch công ty thở dài: “Trung tâm sống hay chết là tuỳ thuộc vào chú Quang”. Các ngân hàng ở Khánh Hoà thì ái ngại không muốn dính dáng với DNTN Sao Mai(?).
Nhìn đường chỉ “quí nhân phù chợ” manh mảnh kéo dài trên tay, anh trầm ngâm: “Chẳng phải mê tín nhưng nhân nào thì quả ấy, mỗi khi gặp khó khăn, tôi đều được quí nhân giúp đỡ”. Khuôn mặt chữ điền, phúc hậu. Thành tai dày và to như tai Phật. Vành tai ngoài cao hơn vành tai trong. Các cụ dạy rằng, người có đặc điểm như vậy là năng lực lớn hơn thành quả được hưởng. Bỗng dưng thời gian sau, Quí ngân hàng đã mở rộng cửa, cấp vốn giúp anh tiếp tục hoàn tất công trình.
Ý tưởng sử dụng bùn khoáng, nước khoáng nóng phục vụ du khách ngâm tắm, được các cơ quan chức năng đồng ý, còn việc chữa bệnh bằng bùn khoáng thì bị chối từ. Việt Nam chưa có tiêu chuẩn nước khoáng, bùn khoáng nên Bộ Y tế không có căn cứ cấp phép cho Trung tâm. Trung tâm phải tự đăng kí tiêu chuẩn - M- BộTCVN-1996, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về dịch vụ bùn khoáng.
Trước đây, đã có DNNN “méo mặt” khi khoan phải “cái nhà anh mặn mòi” và đã mất 13 tấn xi măng để bịt kín nguồn. Họ sợ khoáng nóng phì lên như sợ hiểm họa “hạt nhân”. Nay, bỗng dưng có anh đi thăm dò nước khoáng nóng và bùn khoáng. Mọi người nghĩ hắn nếu không “chập” hẳn là chơi ngông. Phối hợp với Liên đoàn địa chất miền Trung, Trung tâm đã khoan thăm dò tới độ sâu 100 mét gặp khoáng nóng tuôn trào lưu lượng hàng chục lít/s. Thần khoáng nóng không dễ tính như thần nước ngọt. Làm thế nào để dẫn khoáng qua mấy cây số khe núi, ruộng vườn, làng mạc (thuộc thôn Đắc Lộc - Xã Vĩnh Phương) về Trung tâm? Nước phải chảy từ nguồn về tận bồn mới đảm bảo chất lượng. Các công ty tư vấn thiết kế chịu thua, thế là Trung tâm tự nghiên cứu “Hệ thống đường ống cung cấp nước khoáng nóng”. Nước đầu nguồn là 560C nên sử dụng ống Inox chịu nhiệt, càng chảy xa, nhiệt độ càng giảm, để bớt tốn kém nhưng vẫn an toàn Trung tâm dùng ống nhựa cỡ dầy. Đường ống sẽ phải chôn sâu 1,5 mét dưới lòng đất, những đoạn đi qua nhà dân thì dân không chịu hợp tác. Anh lận nhờ các Mẹ Việt Nam anh hùng, kêu gọi con cháu nhận tiền đền bù, giúp đỡ thi công đường ống cho Trung tâm. Thương anh là con liệt sỹ, lăn lộn vì việc chung, các mẹ vận động bà con tự nguyện đào đường cho ống khoáng nóng chạy qua vườn.
Trước đây, mỗi khi lũ bùn theo mưa tràn lên làng mạc khiến cây cối hoa màu chết trắng, bà con kêu cứu chính quyền địa phương, nhưng từ khi Trung tâm phối hợp với Liên đoàn địa chất miền Trung thăm dò khai thác mỏ bùn ở Ninh Hoà (cách Nha Trang 40 km) thì hiện tượng lũ bùn đã đi vào lịch sử. Mỏ bùn là loại không chân, chẳng may dân khai thác bị sụt thì không còn đường về. Múc bùn phải quen việc và khéo léo men theo cây Bạch Đàn làm cầu, dùng dây giữ người với cây để khai thác. Trung bình mỗi nhân công múc cật lực cũng chỉ được 1 tấn/1 ngày, tiền công khá hơn so với thợ hồ. Bùn được múc đóng bao, cho lên xe bò, bà con hò réo, kéo đẩy, bạt cây ra đường. Vào những tháng cao điểm 6, 7, 8, Trung tâm sử dụng hàng chục tấn mỗi ngày. Để đảm bảo độ tươi, bùn được lấy gối đầu trong cả tháng. Mỏ bùn Ninh Hòa nằm giữa vùng mía lá sắc, cây dại, chỉ chực cào xước mặt người. Phía trên cao, có con suối nước ngọt dài 500 m, chảy róc rách giữa bạt ngàn gió đồi hoang hoải. Ẩn nấp cheo leo trên sườn núi là lối mòn, người dân địa phương bảo đó là đường đi kiếm măng rừng của tụi nhỏ. Trung tâm đang có dự định phối hợp với đối tác nước ngoài, xây dựng Bệnh viện bùn khoáng quốc tế, nhắc nhớ thương hiệu Việt với bàn dân thế giới. Biết đâu, những em bé kia sẽ trở thành bác sỹ, y tá... của bệnh viện trong tương lai!
Lượng khách ngâm, tắm bùn ngày càng tăng, Trung tâm đã mua lại quyền khai thác hai mỏ bùn từ pháp nhân khác (trong khu Cam Phước Đông, thị xã Cam Ranh, cách Trung tâm 60 km), chấm dứt những cơn lũ bùn. Thời hạn khai thác tối đa của mỗi mỏ bùn là 30 năm. Trung tâm hợp tác với bà con, nhờ họ trông coi bảo vệ và khai thác giúp, nên cứ thấy bóng dáng anh là họ lại mách: “Chú ơi hình như ở đây có bùn, có khoáng sôi”.
* Bão không đến từ biển
Ký ức năm 2000 khó khăn vẫn còn nguyên trong anh. Nước ngọt khan hiếm, trồng cây thì cây chết, trồng cỏ thì cỏ úa, trồng người thì người phá... Mỗi ngày doanh thu mèng cũng phải năm triệu đồng mới mong hoà vốn, vậy mà đôi lúc chỉ kiếm được vài chục ngàn. Gần trăm con người trầy trật, quần quật với bùn, với khoáng mong cuối năm lĩnh lương, thêm thưởng... nhưng đành ngậm ngùi nhìn Trung tâm lỗ vốn hơn một trăm triệu đồng. Hội đồng thành viên tá hoả, giục anh tìm đối tác bán Trung tâm. Cán bộ công nhân viên ngao ngán, có việc làm mà ... sợ chẳng có lương. Anh đã lao tâm khổ tứ với Trung tâm, nay Hội đồng thành viên lại trao quyền “ bán con đẻ”. Anh gay gắt: “ Tôi không thể bán Trung tâm, đó là con đẻ, là tâm huyết dứt ruột không chỉ của riêng tôi mà của bao nhiêu cán bộ công nhân viên”. DNTN Sao Mai bất đồng quan điểm với giám đốc, bội phản những cam kết ban đầu. Tiếng gọi tư lợi đã hối thúc DNTN Sao Mai, ngấm ngầm làm thủ tục xin Tỉnh, khai thác nhiều mỏ bùn, khoan giếng khoáng nóng vào những vị trí then chốt - rốn nước của mỏ Vĩnh Phương (vốn đã thuộc Trung tâm), chung phần với công ty khác đấu lại “người nhà”. Một số phần việc Ban giám đốc phân công cho DNTNSM lại được chuyển sang thu vén “ may túi đựng riêng”. Nội bộ Trung tâm rối như canh hẹ, mất niềm tin, kình địch, muốn thanh trừng lẫn nhau. Cán bộ công nhân viên chỉ còn biết trông vào vai trò hòa giải của anh. Anh tuyên bố: “Ai bảo vệ công ty, tôi sẽ đứng về người đó”.
Tình thế chẳng khác nào ngoài biển khơi năm 1987. Trong đợt chỉ huy đoàn quân của Công ty vận tải biển Khánh Hòa đi xây dựng đảo Trường Sa, tàu anh không thể cập đảo, dòng chảy cuốn trôi phương tiện chuyển tải hàng hóa. Một đầu dây được cô vào cọc bích, đầu kia buộc vào người anh thả xuống biển, loay hoay tìm cách kéo xuồng, trong lúc dòng chảy xiết, sức nước ngược sức tàu suýt siết đứt thân anh. Vùng vẫy mãi anh mới thoát khỏi Đàn hương hình. Giờ thì giông bão không đến từ biển mà dội ra từ vực thẳm lòng người. Không ai am tường hướng đi của cơn bão ấy. “Người nhà” đã nhiều lần thuê kẻ hãm hại gia đình anh để giành giật vị trí điều hành Trung tâm, hy vọng chặt chân anh tức là cắt được gót a sin của Giám đốc. Phải phẫu thuật mình là khi cơ thể đã lâm trọng bệnh, Hội đồng thành viên quyết định chấm dứt vai trò trong Ban điều hành Trung tâm của DNTN Sao Mai từ năm 2001.
Chúng tôi băng qua đoạn đường rừng, lổn nhổn gai đá tìm đến mỏ bùn khoáng, bỗng chiếc xe chệch choạng, anh cố đánh lái giữ thăng bằng, rồi nói mà như than: “Trung tâm chắc phải chịu thêm nhiều cay cực nữa cô ơi!”. Tôi lờ mờ nhận ra rằng, để lọc được những giọt bùn tinh, anh đã phải tổn hao biết bao trí lực, gạt bao lớp bùn cặn rác của cuộc đời... Sau cặp kính trắng, đôi mắt anh lộ rõ nỗi buồn, cay bạc. Anh cũng vừa bị mất đứa con gái yêu mới mười bốn tuổi. Vết thương còn rỉ máu đấy thôi!
Trong khuôn viên Trung tâm, những chiếc bồn gỗ phình to như bụng mẹ, thơm nồng mùi bùn, đang bao bọc những thân thể đã rã rời bụi đường. Chúng tựa mình vào núi, quay mặt nhìn sông, lắng nghe tiếng đớp tảo rất khẽ của lũ tôm cá (bùn khoáng thải khi gặp ánh sáng mặt trời quang hợp thành rau tảo). Nhiều nước châu Âu, Nhật Bản đã sử dụng tảo phơi khô làm dược liệu và mỹ phẩm, có giá cả vài nghìn đô la một ký. Nồng độ nước thải của Trung tâm nhạt hơn nước sông và có tác dụng nuôi dưỡng môi sinh. Chỉ tội cái khó bó cái khôn, Trung tâm không có mặt bằng tận phơi tảo. Đây cũng là đề bài mà Trung tâm sớm phải giải quyết.
Nay nhìn thế “ tựa sơn đạp thủy” của Trung tâm, mấy ai mường tượng hết thủa đầm lầy, hóc hiểm. Trước đây, mỗi mùa mưa lũ, đất núi sạt lở, ô tô không vào đến Trung tâm, Cán bộ công nhân viên lăn lộn xúc đất nhão nhệt như phu làm đường... không công, họ dùng xe máy chở khách vào thăm rồi lại cong lưng chở ra đường để nói lời cảm ơn. Tiếng lành đồn xa, thiên hạ đổ về ngâm tắm bùn khoáng, có nhiều nhà chuyên môn, các chính khách, cơ quan báo chí, truyền hình... Năm 2002, anh được HĐTV tín nhiệm giao trọng trách Giám đốc Trung tâm.
Bùn khoáng như “chất keo dính” những bước chân du khách mỗi dịp ghé thăm Nha Trang. Lượng khách cứ vùn vụt tăng lên, hàng trăm nghìn lượt người mỗi năm. Phàm là người Việt thì ai cũng đều phảng phất, lấm láp đâu mùi bùn. Có thứ bùn đen như dòng sữa của đất mẹ. Dòng sữa đục ngầu ấy đã nuôi cây lúa làm đòng, cho dân bát cơm trắng nên người. Có thứ bùn xanh, dịu nhẹ như một thứ thần dược cứu mạng. Các bậc vua chúa Hy Lạp xưa kia, thường dùng bùn để ngâm, tắm dưỡng thể và trị bệnh. Còn chúng ta chưa chịu “lắng nghe” bùn, chưa ai đánh giá đúng vị trí và tầm quan trọng của bùn. Thậm chí, đôi khi người ta còn coi bùn như một thứ hiểm họa. Coi người nghiên cứu bùn như một thằng mất trí. Nhưng chả lẽ vì thế mà tự ái ư? Anh nghĩ bụng vậy. Hàng đêm anh trăn trở, chẳng lẽ cứ ngồi trên đống thuốc mà chịu chết, ngồi trên đống của mà chịu đói hay sao? Rồi anh quyết định vừa làm, vừa thuyết phục các cơ quan chức năng, đưa bùn vào chữa bệnh. Vậy là đường quang không đi, anh lôi Trung tâm đâm quàng vào bụi rậm.
Bùn vô cơ chứa nhiều khoáng chất Carbonat natri silic cùng các nguyên tố vi lượng cộng với nước khoáng nóng mặn có chứa Clorua natri silic làm thành một thứ thần dược. Trung tâm kiên trì thuyết phục các cơ quan chức năng và du khách, qua nhiều mẫu kiểm nghiệm và dịch vụ, đến năm 2004, Viện Pausteur Nha Trang đã cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn vệ sinh. Hội đồng KHCN Bộ Y tế nghiệm thu đề tài khoa học “Xác định tính chất của bùn khoáng, nước khoáng sử dụng tại Trung tâm và đánh giá hiệu quả trong điều trị - phục hồi chức năng một số bệnh xương khớp và bệnh da” đạt kết quả xuất sắc. Cùng lúc ấy các cơ quan chuyên ngành y tế địa phương và Trung ương đã xắn tay, nghiên cứu, thể nghiệm và công nhận tác dụng chữa bệnh của bùn khoáng. Thương hiệu bùn khoáng Nha Trang đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ sở hữu công nghệ, có mã số, mã vạch chuẩn Việt Nam. Hàng trăm giải thưởng, nối đuôi nhau như những chú kiến cần mẫn tha mồi về tổ: Hai Cúp vàng Dịch vụ và Thương hiệu sản phẩm bùn khoáng hợp chuẩn WTO của Hội Sở hữu trí tuệ VN; nhiều cúp Vàng: Thương hiệu Việt; Sản phẩm uy tín chất lượng; Sao Vàng đất Việt; Nhà cung cấp uy tín chất lượng...
Trong một lần ghé thăm Trung tâm, bác Đỗ Mười đã nhận xét: “Bùn khoáng mang lại một vài chục tỷ bạc chưa phải là nhiều, mà hiệu quả phục vụ, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, tạo thương hiệu thu hút khách quốc tế đến Trung tâm mới thật sự là cao”. Vào những mùa mưa lũ, khách không thể cứ ngồi nhìn biển dềnh dang, ngầu đục mà phí hoài chuyến du lịch, họ kéo đến Trung tâm ngâm bùn khoáng. Một vị Tiến sỹ y khoa, ví von rất trữ tình: “Trung tâm như tà áo dài, vá đi những khiếm khuyết của thành phố biển Nha Trang vào những mùa mưa lũ”.
Các cụ xưa có câu “rẻ như bùn”, ấy thế mà cái thứ tưởng là vứt đi ấy, mỗi năm đã đóng góp hàng tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, bùn khoáng Nha Trang đã đóng góp vào việc quảng bá hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế. Sản phẩm bùn khoáng đã giành thị phần khá lớn tại các thị trường tiềm năng như Hà Nội, các tỉnh phía Bắc, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Đặc biệt, bùn Nha Trang chiếm đến 20% thị trường quốc tế. Vị thuyền trưởng biển cạn đã vinh dự được đón nhận nhiều giải thưởng cấp tỉnh, Trung ương cho vai trò quản lý và những sáng tạo cá nhân; Nhà quản lý giỏi; Doanh nhân tiêu biểu 2006, 2007; Doanh nhân tâm tài; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ... Hội đồng Thi đua khen thưởng Tỉnh đang đề nghị Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho anh và Trung tâm.
* Cơ hội cho thương hiệu bùn khoáng Việt Nam
Trong khuôn viên của Trung tâm, một màu xanh mướt dâng lên trong mưa, những chùm hoa sứ trắng ngậm nước, thoang thoảng hương, anh vỗ vai cậu công nhân: “Cháu mặc áo mưa vào ngay kẻo bệnh”. Cậu thanh niên giật mình quay lại, thấy giám đốc nhắc nhở, anh ta vội vã gật đầu. Vài ba du khách châu Âu đang hét lên thích thú, dưới vòi khoáng bị chệch ren. Thay vì gọi nhân viên, anh chạy ngay đến để vít vặn, một lúc thì những giọt nước lại “ngoan ngoãn” chảy ra. Anh chỉ tay về phía đồi bạch đàn xanh ánh bạc: “Chúng tôi dự tính sẽ xây dựng Resort 5 sao và một mô hình kỳ quan thế giới thu nhỏ trên đỉnh gió hú ấy”. Điều ấy thì chắc tôi phải đợi, nhưng thương hiệu bùn tiên phong của Trung tâm đã phần nào cho tôi cảm giác rằng anh luôn là người “hứng bão” ngay cả khi đã vào đến bờ. Mưa vẫn tí tách rơi nhưng bảy sắc cầu vồng đã hiện lên phía chân trời từ khi nào tôi không hay biết.
Quy trình ngâm tắm bùn khoáng tưởng như các bậc vua chúa Hy Lạp mới được hưởng, nay thiên nhiên ân sủng cho những thứ dân chúng ta, mới nghe thôi đã thấy khỏe rồi: Đầu tiên là gột rửa cơ thể dưới những tia khoáng nóng thiên nhiên, giúp cân bằng thân nhiệt, tiếp đó thả lỏng cơ thể trong lớp bùn mịn nhuyễn ở nhiệt độ 37-390C, khoảng 15-20 phút. Bùn khoáng tạo nên kích thích tận cùng thần kinh ở da, rồi thông qua các trung khu dưới não và vỏ não, tạo nên những thay đổi phản ứng có tính chất toàn thân. Sau đó phơi nắng thư giãn dưới ánh mặt trời, giúp các khoáng chất thấm sâu vào cơ thể. Đợi bùn khô, rồi gỡ vỏ bằng phương pháp tắm Ôn tuyền thuỷ liệu pháp, giữa hàng trăm tia nước khoáng nóng đồng thời cùng lúc điểm huyệt vào các huyệt đạo... giúp khí huyết lưu thông, khiến cơ thể có cảm giác nhẹ bẫng như vừa được chưng cất. Tiếp tục ngâm mình trong hồ khoáng nóng 40- 42độ c, giúp các mao mạch giãn nở, hấp thụ muối NaCl và đa vi lượng khoáng, thẩm thấu, phục hồi các tế bào da, tăng khả năng đề kháng, giảm đau khớp, đau cơ, thần kinh toạ... Đẩy các khoáng chất thấm sâu vào cơ thể đó là liệu pháp xông hơi, xoa bóp ấn huyệt. Rồi bước đến thác đôi, nhắm mắt mơ màng mặc sức cho những dòng nước khoáng nóng xối xả xoa bóp từ đỉnh đầu đến gót chân. Thư giãn, bồng bềnh trong làn nước xanh ở khu hồ bơi, lắng nghe tiếng ve trái mùa râm ran... Khu tắm V.I.P SPA được xây dựng năm 2003, gồm 14 phòng nằm trong khuôn viên riêng tư cao cấp, đủ các dịch vụ từ kiểm tra sức khoẻ, Sauna & steam bath, ngâm bùn khoáng nóng, nước khoáng nóng... đến các liệu pháp tắm hoa, liệu pháp mátxa bằng thảo dược... gột rửa các độc tố, tăng sức lực, sinh khí cho cơ thể.
Mòn mỏi thân ta trở về đất
Bỗng gặp bùn để được tái sinh
Tiến sĩ Y khoa Nguyễn Minh Hồng, Giám đốc Trung tâm Thể nghiệm thiết bị Y khoa Hà Nội (Đại biểu Quốc hội khoá XI) bị bệnh viêm cơ thần kinh nặng, từng điều trị tại Pháp, Trung Quốc, Singapore, mỗi nơi không dưới 1 tháng nhưng bệnh chuyển biến không đáng kể, theo lời khuyên của bạn, ông đã đến ngâm tắm bùn khoáng nóng ở Trung tâm, ông tâm sự: “Một lần, tình cờ tôi gặp Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Ân - Giám đốc Bệnh viện E Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội xương khớp châu Á - Thái Bình Dương, Chủ tịch Hội Xương khớp Việt Nam. Thầy trò gặp nhau hỏi thăm sức khỏe. Khi tôi “than” về bệnh tình của mình, Giáo sư Trần Ngọc Ân mách nước: “Bệnh của cậu chỉ vào Nha Trang tắm bùn khoáng nóng, may ra mới đỡ”. Có bệnh thì vái tứ phương, tôi quyết định “liều” một chuyến xem sao. Thật không ngờ, bệnh của tôi khỏi hẳn chỉ nhờ bùn khoáng”!
Câu chuyện về một bệnh nhân khác bị bệnh vẩy nến, giòn xương (xin giấu tên): Gia đình bệnh nhân đã nhận ba chục triệu tiền để lo liệu, nhưng khi xem Chương trình chữa bệnh bằng liệu pháp ngâm - tắm bùn khoáng trên VTV2, Đài Truyền hình Việt Nam thì gia đình đã quyết định đưa bệnh nhân đến Trung tâm. Khi đến người bệnh không thể ngồi taxi mà phải nằm cáng trong xe tải, đi từ Vũng Tàu ra đến Trung tâm. Sau mấy ngày ngâm tắm bùn thì vết thương ngoài da đã lành, bệnh nhân tự đi lại, không cần người dìu. Mười ngày tiếp theo, các nguyên tố đa vi lượng khoáng thấm làm mềm những gai xương, tan bệnh đau khớp, và anh ta đã được chữa khỏi bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Mai, Phó Trưởng khoa Da liễu B, Bệnh viện Da liễu Khánh Hòa, chia sẻ: “Những năm gần đây, nhiều bệnh nhân mắc bệnh ngoài da, nhờ phương pháp chữa trị thuốc đặc hiệu kết hợp với bùn khoáng nóng, việc điều trị mang lại hiệu quả cao (...). Bệnh viện Da liễu nằm cạnh Trung tâm Du lịch suối khoáng nóng Tháp Bà nên được cung cấp nguồn bùn khoáng nóng khá phong phú và kịp thời, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người bệnh. Chữa bệnh ngoài da, nếu chỉ dùng thuốc thoa và thuốc uống thì phải mất gần 2 tháng mới có hiệu quả; nhưng hiệu quả đó cũng chỉ tạm thời. Còn kết hợp giữa thuốc đặc hiệu với ngâm tắm bùn khoáng nóng thì thời gian chữa trị giảm được một nửa. Phương pháp này còn hạn chế bệnh tái phát”.
Cái lạnh xứ Bắc là nỗi lo của không ít người, đặc biệt là các cụ già và những người mắc bệnh xương khớp. Nhiều người tìm đến Trung tâm, lúc dến họ khó nhọc lê từng bước, nhưng chỉ sau vài ngày ngâm tắm bùn khoáng, họ đã đi lại dễ dàng, chẳng cần dìu đỡ. Nhiều cụ còn hẹn nhau trở lại Trung tâm hàng năm vào mùa đông.
Hiện nay thị trường mỹ phẩm Việt Nam đang nhập một số loại mỹ phẩm được tinh chế từ bùn biển chết của Israel. Loại bùn này chỉ có tác dụng làm đẹp mà không có những khoáng chất chữa bệnh, giá thành lại rất cao. Việt Nam cũng đang nhập hàng trăm nghìn đồng một chai nước khoáng 300ml làm sạch da từ Pháp, trong khi nước khoáng nóng mặn Việt Nam chứa hàm lượng chất ôxítmêtaníc và đa vi lượng khoáng cao, lại chưa được tận dụng, tinh chế. Câu chuyện Trên vai người khổng lồ, khiến không chỉ anh mà các doanh nghiệp Việt Nam phải suy ngẫm: làm thế nào để hợp tác tinh chế khoáng nguyên Việt Nam để xuất khẩu, thu ngoại tệ cao? Có nhiều đối tác châu Âu muốn nhận làm đại lý cho Trung tâm, nhưng cái khó là bùn khoáng Việt Nam muốn xuất ngoại phải có tiêu chuẩn quốc tế (TCQT). Vậy, làm thế nào để bùn khoáng Việt Nam đạt TCQT? Làm thế nào để hợp tác với Nhật Bản trong lĩnh vực sản xuất mỹ phẩm? Làm thế nào để phối hợp với các trường đại học, các Viện nghiên cứu của Pháp, xây dựng Bệnh viện bùn khoáng tầm cỡ quốc tế? Làm thế nào để đàm phán về vấn đề nhượng quyền thương hiệu cho Thái Lan ?... Xuất khẩu một lô bùn tinh, giá gấp bảy lần một lô bùn thô, ai sẽ giúp sức để Trung tâm có thể làm được việc đó, trong khi các pháp nhân khác đang nhăm nhe thấy hời xông lên đào bới bùn khoáng vô tổ chức, nguy cơ gây can nhiễu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng bùn khoáng. Nếu chính quyền địa phương không kịp thời có những quy hoạch khai thác các khoáng nguyên một cách hợp lý, quy mô, bền vững và tập trung mũi nhọn giúp các doanh nghiệp đã đạt thương hiệu chuẩn, sớm ghi danh vào thị trường quốc tế thì những mỏ bùn - mỏ vàng kia sẽ trở thành những “vũng trâu đằm”... đó là những vấn đề đang khiến anh rất đau đầu. Hơn nữa, ra “biển hội nhập” thì cũng lắm cơn bão vô hình, nhiều sóng ngầm, vũng xoáy, vì thế không chỉ Trung tâm của anh mà các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đều mong muốn các cơ quan chức năng, sớm hỗ trợ đưa ra “phác đồ tránh bão” để giảm bớt phần thua thiệt cho họ trên thị trường quốc tế... Một chiều, tôi đứng trên bờ biển Nha Trang, nhìn ra xa khơi, thấy những lớp sóng bạc đầu đang chen nhau xô tới, giật mình nghe như có hồi chuông gióng lên từ câu chuyện Ông lão đánh cá và con cá vàng của Đại thi hào Puskin thời xa lắc. Hình như, nó vẫn còn rung vọng đến cõi người hôm nay?!
TIN LIÊN QUAN
Viện nghiên cứu phát triển y dược Việt, viện chính sách pháp luật và quản lý và tạp chí Việt Nam hội nhập đã phối hợp và tổ chức Hội thảo khoa học: Nghiên cứu và phát triển trầm hương Việt Nam, thực trạng và giải pháp. Các ý kiến tham luận của các chuyên gia, nhà nghiên cứu cho thấy trầm hương Việt Nam có lợi thế phát triển.
TS. Yen PlatzXEM NHIỀU NHẤT
(Nhà thiết kế thời trang La Hồng, Cộng hòa Áo)
TS. Yen PlatzChị Cao Thị Thương (Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Cao Hoàng) đã không ngừng học hỏi từ thầy, từ các đồng nghiệp, từ việc đọc các tài liệu chuyên ngành... để nghiên cứu, pha chế, chiết xuất ra nhiều loại dược phẩm làm đẹp từ thảo mộc. Chị đã pha chế thành công một số loại dược phẩm và đang được đưa vào sử dụng rộng rãi ở hàng chục spa (thuộc hệ thống của công ty) trên toàn quốc. Công ty của chị đã được chọn là đối tác chiến lược phân phối mỹ phẩm thảo dược của Mỹ tại Việt Nam.
TS. Yen Platz
BÌNH LUẬN