Nhà sưu tập cổ vật Nguyễn Văn Kính (thứ nhất, bên trái) cùng các khách mời trong Talkshow Radar văn hoá của VNew, TTXVN (Photo.WAJ)
TS. Yen Platz: Xin ông chia sẻ đôi điều về Dự án Công viên Di sản mà ông sắp triển khai tại Thủ đô Hà Nội ?
Nhà sưu tập cổ vật Nguyễn Văn Kính: Tôi là một doanh nhân ở Việt Nam. Qua quá trình hoạt động kinh doanh thì tôi đã nhận thấy rằng, Thủ đô Hà Nội đang thiếu một ``lá phổi``, thiếu nơi vui chơi giải trí cho người Hà Nội, đặc biệt, là thiếu công ăn việc làm cho người làng quê ven thủ đô, họ rất vất vả, lam lũ… Vậy nên chúng tôi muốn làm một điều gì đó cho Hà Nội, và đó chính là Công viên Di sản ở ngoại ô Hà Nội.
TS. Yen Platz: Thưa ông Dự án Công viên Di sản có diện tích như thế nào và cách trung tâm Hà Nội bao xa?
Nhà sưu tập cổ vật Nguyễn Văn Kính: Dự án Công viên Di sản nằm trên hai huyện Đan Phượng và Phúc Thọ. Trong tương lai khoảng 3 năm nữa nó sẽ trở thành nội đô của Hà Nội. Quy mô của dự án là 300ha nằm ngay bên bờ Sông Đáy cổ, gần cửa Hát Môn, Đền thờ Hai Bà Trưng, gần với Chùa Thấy. Cách Trung tâm Hà Nội 20km.
TS. Yen Platz: Tại sao ông lại lựa chọn hợp tác với các kiến trúc sư người Pháp?
Nhà sưu tập cổ vật Nguyễn Văn Kính: Vâng, các kiến trúc sư người Pháp họ là những người hiểu dân tộc, hiểu con người Việt Nam. Họ rất yêu và gắn bó với dân tộc Việt Nam. Dù họ có gắn bó dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng họ là những người đã gắn bó sâu sắc với Hà Nội, với Việt Nam, với người Việt Nam. Nên tôi cũng muốn thể hiện được dự án trong tiếp biến văn hoá Việt chứ không phải là văn hoá nước ngoài đưa về Việt Nam.
TS. Yen Platz: Câu hỏi hơi xa xôi một chút, liệu ông có lo lắng rằng giả sử công trình sẽ có một chút nào đó gợi lại thời kỳ đô hộ của Thực dân Pháp tại Việt Nam?
Nhà sưu tập cổ vật Nguyễn Văn Kính: Dự án Công viên Di sản thuần tuý nhằm tôn vinh vẻ đẹp giang sơn gấm vóc của người Việt. Thể hiện nét đẹp văn hoá Việt chứ hoàn toàn không gợi đến vấn đề chính trị, hay quá khứ tổn thương giữa hai dân tộc.
TS. Yen Platz: Thưa ông việc xác định một bảo vật quốc gia phải trải qua trình thẩm định như thế nào ?
Nhà sưu tập cổ vật Nguyễn Văn Kính: Muốn làm được một bảo vật quốc gia thì bản chất đầu tiên là đồ vật đó phải có giá trị thực sự, xứng tầm với từng giai đoạn của nền văn hoá Việt. Nó phải mang tính độc bản và phải tuân thủ những quy định về bảo vật quốc gia theo luật Di sản Việt Nam.
Nhà sưu tập cổ vật Nguyễn Văn Kính và tác giả bên bảo vật quốc gia Thạp đồng Kính Hoa (Photo.WAJ)
TS. Yen Platz: Hạt nhân trưng bày tại Dự án Công viên Di sản sau nay là những bảo vật mà ông đã dày công sưu tập ?
Nhà sưu tập cổ vật Nguyễn Văn Kính: Trong số các đồ vật mà chúng tôi sưu tập thì có lẽ có khoảng gần 10 đồ vật đạt bảo vật. Nhưng hiện tại thì chúng tôi mới được công nhận có 3 bảo vật. Dự kiến trong thời gian tới, chúng tôi sẽ làm hồ để thẩm định khoảng 4 đến 5 đồ vật xứng đáng là bảo vật quốc gia. Công viên Di sản sẽ là nơi lưu trữ, bảo tồn những bảo vật của dân tộc để cho người dân có thể chiêm ngưỡng.
TS. Yen Platz: Hành trình ông và các nhà khoa học làm hồ sơ đệ trình xin công nhận là bảo vật quốc gia như thế nào?
Nhà sưu tập cổ vật Nguyễn Văn Kính: Có lẽ đây là những bảo vật tư nhân đầu tiên được nhà nước công nhận. Cổ vật đầu tiên của chúng tôi làm là trong khoảng thời gian 3 năm. Hành trình đó rất khó khăn, phức tạp nhưng cũng nhiều may mắn vì các đồ vật thật sự là quý giá. Khi bắt đầu làm thì tôi không biết là nó phức tạp đến như vậy. Ví dụ như muốn làm một di tích dang thắng hạng 1, 2, 3 thì cũng phải mất 3 đến 4 năm. Nếu làm công nhận bảo vật quốc gia, nhất là bảo vật của tư nhân (lần đầu tiên ở Việt Nam) thì nó lại càng khó khăn vô cùng. Nó phải trải qua 4 hội đồng, từ hội đồng cơ sở cấp thành phố, cho đến hội đồng cấp quốc gia, với những chuyên gia hàng đầu của Việt Nam trong ngành khảo cổ. Nó rất phức tạp. Nếu đồ vật đó không thực sự quý giá thì không thể vượt qua được các quy định của nhà nước.
TS. Yen Platz: Tôi cũng vừa được chứng kiến cuộc toạ đàm khoa học, cũng có những tranh cãi giữa các giáo sư và các nhà quản lý về các đồ vật trống đồng mà ông sắp đệ trình nhà nước, các cuộc toạ đàm như thế này có thường xuyên không thưa ông?
Nhà sưu tập cổ vật Nguyễn Văn Kính: Để làm một hồ sơ bảo vật sẽ phải trải qua rất nhiều khâu thẩm định rất vất vả và kỹ càng. Trước hết, chúng tôi mời một số nhà khoa học chuyên ngành, làm những báo cáo nghiên cứu về các chuyên đề riêng. Sau khi tập hợp các báo cáo chuyên đề đó, các chuyên gia, giáo sư chuyên ngành sẽ tham gia đánh giá, rằng đồ vật đó có xứng đáng là bảo vật hay không, lúc đó chúng tôi mới làm hồ sơ đệ trình nhà nước công nhận. Đó là cả một quá trình nghiên cứu logic, khoa học và thẩm định rất kỹ càng.
Các chuyên gia Toạ đàm về cổ vật của nhà sưu tập Nguyễn Văn Kính (Photo.WAJ)
TS. Yen Platz: Ông đã từng chia sẻ trên báo chí, truyền thông rằng: gìn giữ bảo vật quốc gia, về mặt tâm linh là sứ mệnh của ông ?
Nhà sưu tập cổ vật Nguyễn Văn Kính: Thực sự, tôi đã sưu tập và lưu giữ những bảo vật quốc gia là hết sức tình cờ, bởi vì tôi không phải là người làm về chuyên ngành này. Tôi cũng không phải là người đam mê việc này từ đầu. Đến một ngày tôi nghĩ rằng, đó là những di sản của Tổ tiên để lại thì mỗi một người dân người Việt đều phải có trách nhiệm gìn giữ, tránh để các cổ vật bị đưa ra nước ngoài, bằng cách là tôn vinh các cổ vật đó, bằng cách là làm các thủ tục để chính quyền công nhận những cổ vật đó… để các bảo vật đó được giữ lại ở Việt Nam mà không thể ai đưa ra nước ngoài được.
TS. Yen Platz: Việc gìn giữ bảo vật quốc gia cũng giống như gìn giữ linh hồn của dân tộc, ông có nghĩ như vậy không?
Nhà sưu tập cổ vật Nguyễn Văn Kính: Tôi nghĩ rằng tôi không phải là người sở hữu mà tôi chỉ như một ông từ giữ đền, được giao cho sứ mệnh để bảo quản, gìn giữ những bảo vật của tổ tiên để lại để cho con cháu muôn đời được chiêm ngưỡng nó.
TS. Yen Platz: Nhiều nhà sưu tập cổ vật ở nước ngoài đang mong muốn đưa cổ vật của các quốc gia trở lại với các nước, trong đó có Việt Nam, ông nghĩ sao về việc này, ông có sẵn sàng hợp tác với họ không?
Nhà sưu tập cổ vật Nguyễn Văn Kính: Cổ vật Việt Nam chảy máu ra nước ngoài rất nhiều. Trong số những bảo vật của Việt Nam ở nước ngoài đã, đang và sẽ đưa về trong nước, thì tôi cũng là một trong những người đã bỏ tiền ra mua những bảo vật ấy để làm bảo vật quốc gia, để giữ lại cho dân tộc mình. Nên nếu có sự hợp tác nào đó để bảo tồn được các di sản quốc gia thì tôi cũng rất tích cực tham gia và ủng hộ tuyệt đối.
Một góc bảo tàng của nhà sưu tập cổ vật Nguyễn Văn Kính (Photo.WAJ)
TS. Yen Platz: Ông đang làm hai việc lớn, đó là: sưu tập bảo vật quốc gia và xây dựng công viên Di sản, vậy thông điệp mà ông muốn gửi gắm đến hậu thế là gì?
Nhà sưu tập cổ vật Nguyễn Văn Kính: Một quốc gia muốn phát triển bền vững, muốn làm những việc tốt cho đương thời và cho muôn đời sau, thì việc đầu tiên phải biết tôn trọng những di sản truyền thống, tôn trọng, biết ơn tổ tiên. Lương tâm mỗi người dân Việt phải xác định được trách nhiệm và bổn phận của mình là phải bảo vệ, gìn giữ những di sản mà cha ông ta đã để lại. Hãy tự hào về Tổ tiên mình để phấn đấu cho tương lai tốt đẹp hơn, hãy cùng nhau hợp tác để tôn vinh nền văn hoá Việt.
Hà Nội, 24/5/2023
TIN LIÊN QUAN
Chiếc chuông đồng trên hiên chùa đã nhẵn bóng, chiếc mõ treo dưới cửa phòng ăn cũng đã lõm sâu vết thời gian. Ngày ngày lũ trẻ mồ côi ở Thiên Sơn Tự, cứ theo hiệu lệnh tiếng mõ mà đến phòng ăn. Trật tự, biết ơn, hiền lương và thánh thiện. Chúng không hề biết, ngoài kia, dưới chân cầu, lũ sông Hồng vẫn cuồn cuộn chảy xiết. Những cơn lũ sôi sục như đang rượt đuổi ấn tín của nhà Phật. Hai bờ thiện, ác vẫn đang giằng co thập loại chúng sinh...
XEM NHIỀU NHẤT
(Nhà thiết kế thời trang La Hồng, Cộng hòa Áo)
TS. Yen PlatzChị Cao Thị Thương (Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Cao Hoàng) đã không ngừng học hỏi từ thầy, từ các đồng nghiệp, từ việc đọc các tài liệu chuyên ngành... để nghiên cứu, pha chế, chiết xuất ra nhiều loại dược phẩm làm đẹp từ thảo mộc. Chị đã pha chế thành công một số loại dược phẩm và đang được đưa vào sử dụng rộng rãi ở hàng chục spa (thuộc hệ thống của công ty) trên toàn quốc. Công ty của chị đã được chọn là đối tác chiến lược phân phối mỹ phẩm thảo dược của Mỹ tại Việt Nam.
TS. Yen Platz
BÌNH LUẬN