December 11, 2023 09:47 TS. Yen Platz
Trong nhiều thập kỷ qua, ông Lê Trường Sơn và các doanh nhân người Việt tại Liên bang Nga đã cùng sát cánh bên cộng đồng, nỗ lực phấn đấu, đóng góp vào công cuộc làm giàu cho gia đình, cộng đồng xã hội và cho hai đất nước Nga – Việt. Ông hiện đang giữ cương vị là Chủ tịch Hiệp hội các nhà doanh nghiệp Việt Nam tại Liên bang Nga, Chủ tịch HĐTV Công ty INCENTRA, Liên bang Nga, doanh nghiệp sở hữu và điều hành Tổ hợp đa chức năng Hà Nội - Matxcova, công trình hữu nghị giữa Việt Nam - Liên bang Nga.
unnamed-2.jpg

Doanh nhân Lê Trường Sơn tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt kiều châu Âu lần thứ 12.

TS. Yen Platz: Tham dự ``Diễn đàn doanh nghiệp Việt kiều châu Âu lần thứ 12`` (ngày 29/9-1/10/2023 tại Budapest, Hungary), với tư cách là thành viên Đoàn Chủ tịch điều thành, Chủ tịch Hiệp hội các nhà doanh nghiệp Việt Nam tại Liên bang Nga, ông và các lãnh đạo Liên hiệp hội Doanh nghiệp Việt kiều châu Âu, đã đưa ra những quyết sách, chiến lược nào cho việc hợp tác, thúc đẩy sự phát triển của khối các doanh nghiệp người Việt ở châu Âu và trên thế giới thưa ông?

Chủ tịch Lê Trường Sơn (HHCNDNVN tại Liên bang Nga): Chúng tôi là người Việt đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài thì bao giờ cũng tâm niệm sứ mệnh rằng: phải giữ gìn bản sắc dân tộc, giữ gìn và phát triển tri thức, tinh hoa của cộng đồng Việt, để phát triển cho chính công việc của mình, cho gia đình và cộng đồng xã hội. Việc liên kết cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là nhu cầu thường xuyên. Vậy nên, chúng tôi thường tổ chức các diễn đàn như thế này. Diễn đàn năm nay cũng mang tính thời sự, trong bối cảnh mà tình hình kinh tế và chính trị có nhiều thay đổi và biến đổi, nên có rất nhiều những câu chuyện mà chúng tôi cần phải chia sẻ, cũng như là đề xuất đến tất cả các thành viên của cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng người Việt đang sinh sống ở châu Âu, để cùng sát cánh, cùng hợp sức , làm việc và suy nghĩ đến một phong cách làm việc mới hơn, thực tế hơn. Chúng tôi cũng nhìn nhận đánh giá lại câu chuyện của năm qua, cũng như bàn thảo các câu chuyện sẽ phải làm việc như thế nào trong thời gian sắp tới. Thứ nhất, là kiện toàn bộ máy lãnh đạo và hoạt động của Liên hiệp hội Doanh nghiệp Việt kiều châu Âu; Thứ hai, là phát triển câu lạc bộ doanh nghiệp trẻ; Thứ ba, là tăng cường sự kết nối, hợp tác giữa các doanh nghiệp người Việt ở châu Âu và trên thế giới.

TS. Yen Platz: Trở lại thời điểm ``Diễn đàn kinh tế Phương đông lần thứ VII`` được tổ chức tại thành phố Viễn Đông Vladivostosk, Liên bang Nga, cách đây một năm (ngày 6/9/2022), trong đó, đặc biệt có phiên thảo luận ``Đối thoại kinh doanh Nga -Việt`` nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Liên bang Nga và Việt Nga về thương mại, với tư cách là một trong những diễn giả quan trọng tại diễn đàn đó, tính đến nay, ông thấy trên thực tiễn đã có những chuyển biến như thế nào?

Chủ tịch Lê Trường Sơn (HHCNDNVN tại Liên bang Nga): Trong thời gian vừa qua, chúng tôi đã nhận thấy rằng công việc của doanh nghiệp trong lĩnh vực giao thương giữa Nga và Việt Nam đã gặp phải rất nhiều khó khăn, nhưng đúng là nó đã có những chuyển biến rất tích cực. Điểm thứ nhất, là đường giao thông vận tải giữa Nga và Việt Nam đã được khôi phục, những chuyến hàng đi từ cảng Hải Phòng, Sài Gòn đã tới thành phố Viễn Đông của Nga bằng những chuyến tàu đi thẳng. Vào thời điểm trước đó, hơn một năm trước mà chị đang nói đến thì lúc đó giao thông gần như là bị đình trệ. Không có tuyến đường đi thẳng. Điểm thứ hai, song song với đó, phải nói rằng trong cái nguy bao giờ cũng có cái cơ, như chúng ta vẫn thường nói nếu người ta lùi một bước, mà chúng ta vẫn đứng yên được thì đó là ta đã tiến được một bước rồi. Trong thương trường, chúng tôi thường nói với nhau như vậy (cười). Điểm thứ ba, khi một số nhà cung cấp hàng hoá của các nước không thân thiện với nước Nga, rút khỏi thị trường Nga thì đương nhiên thị phần của chúng tôi được mở rộng. Người dân Nga vẫn có sức mua rất tốt. Vì thế, hàng hoá Việt Nam ở một số phân khúc vẫn đang kinh doanh rất là tốt.

TS. Yen Platz: Các diễn đàn kinh tế như trên và nhiều diễn đàn tương tự, đã tăng cường sự trao đổi và thấu hiểu lẫn nhau giữa các nhà làm chính sách, các lãnh đạo hội đoàn doanh nghiệp, các doanh nghiệp và doanh nhân… giúp cho hoạt động của các bên ngày càng thiết thực, đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn phải không thưa ông?

Chủ tịch Lê Trường Sơn (HHCNDNVN tại Liên bang Nga): Đúng vậy!  Những sân chơi như thế cho phép chúng tôi được trao đổi những quan điểm cũng như những khó khăn, thuận lợi để tìm được sự hài hoà nhất giữa các bên tham gia. Điều này rất quan trọng trong cả một quá trình thực hiện nền kinh tế vĩ mô, giữa bên làm chính sách, các doanh nghiệp thực hiện cũng như là các bên liên quan.

TS. Yen Platz: Một số chuyên gia kinh tế châu Âu cho rằng, nhiều doanh nghiệp tư nhân/gia đình lâu đời ở châu Âu tồn tại được qua hàng thế kỷ, là do họ quan tâm đến việc liên kết giữa ba trụ cột: các doanh nghiệp (kinh nghiệm truyền thống) - nghiên cứu khoa học (cơ sở khoa học vững chắc) - báo chí truyền thông (liên ngành văn hoá), từ đó, giúp cho các doanh nghiệp duy trì được chất lượng sản phẩm, giữ chân được khách hàng trung thành và phát triển thương hiệu một cách bền vững. Nhưng chúng tôi đã qua sát và thiển thấy rằng, hầu như các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp của người Việt Nam trên thế giới nói chung ít hoặc chưa làm được điều này một cách có hệ thống?

Chủ tịch Lê Trường Sơn (HHCNDNVN tại Liên bang Nga): Tôi nghĩ, nếu nói là ``chưa làm được điều này`` thì cũng không có nghĩa là doanh nghiệp chúng tôi không hiểu được chân lý đó. Thế còn, cách nói, cách đáng giá rằng ``chưa làm được`` hay ``không làm được`` thì tôi xin được phép là không đồng ý. Bởi vì, ở một khía cạnh nào đó, việc kết nối giữa truyền thống kinh nghiệm cũng như các kênh truyền tải thông tin đến khách hàng, kể cả khách hàng tiềm năng của mình thì các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã và đang làm. Đương nhiên, như tôi đã đồng ý với chị là doanh nghiệp Việt Nam đang ở trong một thời kỳ, bối cảnh lịch sử hoàn toàn khác và cách thực hiện thì cũng rất là vô cùng. Vì vậy, chúng tôi cảm thấy là mình vẫn đang đi theo con đường đó, chỉ là bằng nhiều cách khác nhau mà thôi.

TS. Yen Platz: Ông phản biện như vậy là hoàn toàn đúng, tuy nhiên, trên thực tế, chúng tôi chưa thấy nhiều doanh nghiệp Việt Nam tồn tại được qua một thế kỷ, chưa quan tâm nhiều đến việc liên kết giữa ba trụ cốt chính yếu ở trên. Trong khi, đây là vấn đề sống còn mà các doanh nghiệp châu Âu đã áp dụng hàng thế kỷ qua?

Chủ tịch Lê Trường Sơn (HHCNDNVN tại Liên bang Nga): Tôi hiểu ý chị nói. Nếu như vậy thì chúng ta cần phải có cách đáng giá bằng việc phân loại tuổi đời cũng như quá trình phát triển của doanh nghiệp, khi đó cách đáng giá sẽ được cụ thể và rõ ràng hơn. Với tư cách là người tiêu dùng thì tôi thấy: Thứ nhất, Việt Nam cũng có những thương hiệu xấp xỉ một trăm năm, như thương hiệu xà phòng Cô ba đã có từ thời Pháp thuộc. Thương hiệu này, hiện nay đang được hồi sinh lại tại các tỉnh Miền Tây Nam Bộ của Việt Nam. Họ cũng đang sản xuất và cung cấp cả chuỗi sản phẩm, chứ không chỉ riêng xà bông Cô ba. Thứ hai, nếu nói là các doanh nghiệp có liên kết với khoa học và các kênh báo chí, truyền thông hay không thì tôi nhận thấy rằng ở một mức nào đó, các doanh nghiệp đều tiếp cận đến hai động lực rất hiệu quả này. Chỉ có điều là bằng nhiều cách, nhiều mức độ khác nhau. Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp lớn ở Việt Nam cũng đã có những phòng truyền thông báo chí, có bộ phận nghiên cứu thương hiệu và phân tích thị trường, nghiên cứu khoa học và công nghệ.

TS. Yen Platz: Cũng theo các chuyên gia kinh tế quốc tế thì một số cộng đồng doanh nghiệp như Nhật Bản, Trung Quốc, Israel… ở nước ngoài đã tạo thành một khối liên kết vững mạnh, thậm chí các doanh nghiệp bản xứ không thể cạnh tranh và công phá được họ, vậy theo ông làm thế nào để cộng đồng doanh nghiệp của người Việt trên thế giới cũng làm được như vậy?

Chủ tịch Lê Trường Sơn (HHCNDNVN tại Liên bang Nga): Tôi nghĩ là trong lịch sử cũng đã cho chúng ta thấy rằng, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là ở các nước xã hội chủ nghĩa cũ đã chứng minh được tính hiệu quả của khả năng liên kết, cũng như kết nối cộng đồng. Tôi có thể đưa ra một ví dụ, đó là, mô hình chợ - một mô hình bán lẻ rất thành công của cộng đồng người Việt ở các nước xã hội chủ nghĩa. Đây là điểm tương đồng về sự liên kết so với các cộng đồng như chị vừa nói là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản hay Isarel. Tính kết nối của cộng đồng người Việt cũng không kém một chút nào. Tuy nhiên, công việc, nội dung, phân khúc kinh doanh của các cộng đồng doanh nghiệp này là hơi khác nhau, nhưng tôi tin tưởng vào tính kết nối, sự đoàn kết và chia sẻ trong cộng đồng của người Việt ở nước ngoài. Chúng tôi vẫn đang làm việc, đang cố gắng hết sức để phát triển. Tôi tin là cộng đồng doanh nghiệp Việt sẽ tìm được vị thế không kém gì so với các khối doanh nghiệp của các nước khác. Doanh nghiệp Việt sẽ xứng tầm với vận nước đang lên của nước nhà.

TS. Yen Platz: Xin chia sẻ một việc này, mong ông đừng tự ái, những năm trước đây, có lần chúng tôi đã đến mua sắm ở khu chợ của người Trung Quốc, Isarel ở nước ngoài thì thấy rằng các mặt hàng giống nhau đều có giá giống nhau. Không có chủ hàng nào hạ giá, phá giá để cạnh tranh với các chủ hàng khác. Điều này có vẻ ngược lại ở các khu chợ của người Việt ở nước ngoài, đây cũng là một trong những biểu hiện của tính không đoàn kết thưa ông?

Chủ tịch Lê Trường Sơn (HHCNDNVN tại Liên bang Nga): Điều này, có thể được hiểu như chị nói là không đoàn kết, nhưng nếu nhìn nhận ở một khía cạnh khác, thì đó chỉ là cách phân phối của dòng hàng hoá mà thôi. Có nghĩa là dòng hàng hoá đó cho phép được bán trong một khung giá nhất định và doanh nghiệp bán lẻ hoàn toàn có quyền lựa chọn mức lợi nhuận của mình. Ngược lại đối với các doanh nghiệp Trung Quốc, theo tôi được biết thì họ có khung giá bán cho các đại lý và giá bán mặt sàn của các nhà sản xuất là tương đối là rõ ràng, minh bạch. Tôi nghĩ là không nên đánh giá sự đoàn kết chỉ bằng một tiêu chí như vậy.

TS. Yen Platz: Có khi nào các hiệp hội doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề xây dựng bộ quy tắc, quy định về tính đoàn kết trong hoạt động kinh doanh ở thị trường nước ngoài chưa, thưa ông?

Chủ tịch Lê Trường Sơn (HHCNDNVN tại Liên bang Nga): Vâng, chúng tôi đã có những câu chuyện như thế, trong cộng đồng kinh doanh ở các nước Đông Âu. Ví dụ, một mặt hàng nào đó, thì bao giờ chúng tôi cũng có một thoả thuận về giá cả rất là minh bạch. Không có chuyện, anh bán quá rẻ còn tôi thì bán quá đắt đâu.

TS. Yen Platz: Cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina đã khiến cho nền kinh tế không chỉ của hai nước mà cả thế giới đang bị suy yếu, nhiều ý kiến cho rằng các doanh nghiệp của Nga nói chung và các doanh nghiệp của người Việt tại Nga nói riêng sẽ trụ được bằng chính nội lực của mình. Với tư cách là "người trong cuộc", Chủ tịch Hiệp hội các nhà doanh nghiệp Việt Nam tại Liên bang Nga, Chủ tịch HĐTV Công ty INCENTRA/Tổ hợp đa chức năng Hà Nội- Matxcova, quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

Chủ tịch Lê Trường Sơn (HHCNDNVN tại Liên bang Nga): Chúng tôi nhận định rằng cuộc xung đột này có thể sẽ kéo dài tương đối lâu. Các cơ quan báo chí truyền thông cũng đều đã thông tin cho chúng ta biết về cái gốc, về nguyên nhân của vấn đề này rồi. Rất là đau lòng! Đương nhiên, tình hình kinh tế thế giới hiện nay, như chị đã nói, không chỉ là nền kinh tế của Liên bang Nga bị ảnh hưởng mà châu Âu cũng vậy, lạm phát và giá cả tăng cao. Theo tôi đánh giá thiển cận thì mức lạm phát ở Nga ít hơn so với châu Âu. Tất nhiên, sự so sánh nào cũng chỉ mang tính chất tương đối mà thôi. Hiện nay, phân khúc thị trường hàng hoá châu Á tại Nga, nhất là hàng hoá Việt Nam đang rất được chào đón. Thị trường Nga đối với doanh nghiệp Việt Nam vẫn là một thị trường rất hấp dẫn và thân thiện. Và chúng tôi đang làm gì? Tôi muốn trả lời thẳng vào câu hỏi của chị là, chúng tôi đang cố gắng giữ gìn và củng cố những gì mình đang có, đang quản lý, đang điều hành. Đó là mục đích chính của chúng tôi trong giai đoạn hiện tại. Bất kỳ cuộc khủng nào rồi cũng sẽ kết thúc, kể cả câu chuyện suy thoái kinh tế, lúc đó, chúng ta phải có đủ sức lực, sự nhìn nhận cũng như tiềm lực để tiếp tục phát triển.

TS. Yen Platz: Theo ông, trong thời điểm này thì lĩnh vực nào các doanh nghiệp Việt Nam tại Nga nên chú trọng đầu tư, cũng như lĩnh vực nào nên chú trọng sau khi cuộc xung đột giữa hai nước dừng lại?

Chủ tịch Lê Trường Sơn (HHCNDNVN tại Liên bang Nga): Tôi cho rằng, việc đầu tiên, quan trọng nhất, kể cả khi nền kinh tế suy thoái hay hồi phục, đó là, câu chuyện, phải làm thế nào để tạo ra được hệ thống bao tiêu và phân phối sản phẩm.

Trong đó, có sản phẩm của Việt Nam. Như tôi đã nói ở trên, sản phẩm của Việt Nam đang rất được chào đón ở thị trường Liên bang Nga. Nga và Việt Nam đã có Hiệp định Kinh tế tự do (FTA), cho phép hàng hoá của Việt Nam nhập khẩu vào thị trường Nga không bị đánh thuế nhập khẩu. Hiện tại, cộng đồng người Việt, các doanh nghiệp Việt phân phối hàng hoá tại thị trường Nga cũng đang phát triển rất tốt. Ví dụ,  như các mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống, hàng tiêu dùng, mỹ phẩm được sản xuất từ các nguyên liệu tự nhiên, hay nông, lâm thuỷ hải sản…

TS. Yen Platz: Thưa ông, Hiệp hội các nhà doanh nghiệp Việt Nam tại Liên bang Nga đã có những hợp tác như thế nào với các doanh nghiệp bản xứ Nga?

Chủ tịch Lê Trường Sơn (HHCNDNVN tại Liên bang Nga): Chúng tôi vẫn đang kết hợp với các bạn Nga rất là tốt. Chính chúng tôi cũng là những doanh nghiệp có đăng ký pháp nhân tại Nga. Hay các mô hình kinh doanh chợ cũng đều đang làm việc và đóng thuế cho ngân sách của nước Nga.

TS. Yen Platz: Chúng tôi được biết, Tổ hợp đa chức năng Hà Nội - Matxcova là công trình hữu nghị giữa Việt Nam và Liên bang Nga, không chỉ là mô hình kinh doanh tập trung, quy mô lớn, đẳng cấp, là nơi an cư của nhiều doanh nghiệp Việt, mà còn là và  vấn đề ``giao thoa`` với nền kinh tế và văn hoá của nước sở tại phải không thưa ông?

Chủ tịch Lê Trường Sơn (HHCNDNVN tại Liên bang Nga): Nhu cầu của thị trường đòi hỏi chúng tôi phải thay đổi mô hình kinh doanh như hiện nay. Mô hình này được đáp ứng theo nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, vẫn còn những phân khúc được phân phối qua mô hình chợ nhưng càng ngày càng bị thu hẹp. Qua đợt dịch bệnh vừa rồi, chúng ta có thể thấy là hệ thống phân phối online, market play là những mô hình phân phối, bán lẻ mới ra đời cũng đang rất được chào đón trên thị trường. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng, đó là câu chuyện của cung và cầu. Và thực tế cho thấy, Tổ hợp đa chức năng Hà nội Mátxcơva không những là mái nhà chung của cộng đồng Việt nam tại Thủ đô LB Nga, nơi hội tụ  các thương hiệu hàng hóa Việt mà còn là điểm đến không gian văn hóa và ẩm thực Á đông của người dân bản địa và khách thập phương.

unnamed.jpg

Doanh nhân Dương Chí Kiên, TS Yen Platz, doanh nhân Lê Trường Sơn (từ trái sang phải) tại Diễn đàn doanh nghiệp TPHCM-St Peterburg

TS. Yen Platz: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện ý nghĩa này, còn điều mà chúng tôi chưa kịp hỏi và ông muốn chia sẻ thì xin ông cứ tự nhiên?

Chủ tịch Lê Trường Sơn (HHCNDNVN tại Liên bang Nga): Tôi chỉ có một tâm tư như thế này, người Việt mình, dù ở đâu, làm gì thì cũng luôn hướng về đất nước. Chúng tôi vẫn luôn tâm niệm với nhau rằng phải cố gắng giữ gìn được bản sắc dân tộc. Vì chính bản sắc và tri thức của cộng đồng là hạt nhân, là ngọn lửa giữ ấm cho tinh thần và ý chí của chúng tôi trong tất cả các công việc, các lĩnh vực hoạt động từ kinh doanh, khoa học đến văn hoá nghệ thuật.

Nhân đây, tôi cũng muốn gửi đến bà con cộng đồng người Việt trên khắp thế giới những lời chúc tốt đẹp nhất! Với thế hệ trẻ người Việt thì hiện nay các cháu đã trở thành công dân toàn cầu, chúng tôi mong và chúc các cháu luôn nỗ lực phấn đấu học tập và làm việc để đạt được nhiều thành tựu, nhiều đỉnh cao mới! Mong các cháu luôn giữ được bản sắc của ông cha để các dân tộc khác nhìn vào Việt Nam như là một dân tộc hùng mạnh, văn minh và biết cư xử với bạn bè thế giới.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Budapest, 2/10/2023

TS. Yen Platz (Đại diện Tạp chí WAJ tại Liên Hợp Quốc tại Vienna)

(Nhà thiết kế thời trang La Hồng, Cộng hòa Áo)

TS. Yen Platz

Chị Cao Thị Thương (Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Cao Hoàng) đã không ngừng học hỏi từ thầy, từ các đồng nghiệp, từ việc đọc các tài liệu chuyên ngành... để nghiên cứu, pha chế, chiết xuất ra nhiều loại dược phẩm làm đẹp từ thảo mộc. Chị đã pha chế thành công một số loại dược phẩm và đang được đưa vào sử dụng rộng rãi ở hàng chục spa (thuộc hệ thống của công ty) trên toàn quốc. Công ty của chị đã được chọn là đối tác chiến lược phân phối mỹ phẩm thảo dược của Mỹ tại Việt Nam.

TS. Yen Platz

ĐẤU GIÁ